1. Phiên tòa thế kỷ kết thúc: Hồng Y Angelo Becciu bị kết án 5 năm rưỡi tù giam

Philip Pullella, ký giả thường trực tại Vatican, có bài tường trình nhan đề “Senior cardinal convicted in Vatican corruption trial,” nghĩa là “Đức Hồng Y cao cấp bị kết án trong phiên tòa xét xử tham nhũng ở Vatican”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đức Hồng Y Angelo Becciu, quan chức cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo từng bị xét xử trước tòa án hình sự Vatican, đã bị kết án hôm thứ Bảy về tội tham ô và lừa đảo và bị kết án 5 năm rưỡi tù giam.

Luật sư của vị Hồng Y người Ý, Fabio Viglione, nói với các phóng viên tại phòng xử án rằng ông sẽ kháng cáo và nói rằng thân chủ của ông vô tội. Hồng Y Becciu, sống ở Vatican, dự kiến sẽ được tự do trong thời gian kháng cáo này.

Tổng cộng có 10 bị cáo bị cáo buộc các tội danh bao gồm lừa đảo, lạm dụng chức vụ và rửa tiền. Tất cả đều phủ nhận việc làm sai trái.

Chánh án Giuseppe Pignatone phải mất 25 phút để đọc hết các bản án.

Hồng Y Becciu, giống như hầu hết các bị cáo khác, bị kết án về một số tội danh và được trắng án ở những tội danh khác. Chỉ có một người, cựu thư ký của Hồng Y Becciu, Cha Mauro Carlino, được trắng án về mọi cáo buộc.

Phiên tòa lộ ra những đấu đá nội bộ và âm mưu trong giới chức cao nhất của Vatican, kéo dài qua 86 phiên tòa trong hai năm rưỡi.

Nó chủ yếu xoay quanh việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cơ quan hành chính và ngoại giao quan trọng của Vatican mua một tòa nhà ở Luân Đôn một cách lộn xộn.

Hồng Y Becciu, khi đó là tổng giám mục, giữ vị trí số hai ở Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào năm 2013 khi bắt đầu đầu tư vào một quỹ do nhà tài chính người Ý Raffaele Mincione quản lý, bảo đảm khoảng 45% tòa nhà tại 60 Sloane Avenue, trong một khu thượng lưu của thành phố.

Mincione bị kết tội tham ô và rửa tiền và phải chịu mức án tương tự như Becciu.

ĐẦU TƯ KHÔNG TRÁCH NHIỆM

Tòa án cho biết Becciu đã vô trách nhiệm và “có tính đầu cơ cao” khi đầu tư hơn 200 triệu Mỹ Kim vào quỹ của Mincione trong giai đoạn 2013-2014, lưu ý rằng số tiền này chiếm khoảng 1/3 quỹ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào thời điểm đó.

Vào năm 2018, khi Hồng Y Becciu đảm nhận một công việc khác, là tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh ở Vatican, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cảm thấy mình đang bị Mincione lừa dối và đã tìm đến một nhà tài chính khác, Gianluigi Torzi, để được giúp đỡ trong việc ép Mincione ra ngoài và mua phần còn lại của tòa nhà.

Theo các công tố viên, Torzi cũng lừa dối Vatican. Anh ta bị kết tội lừa đảo và tống tiền và bị kết án sáu năm.

Vatican đã bán tòa nhà vào năm ngoái với tổn thất ước tính khoảng 140 triệu euro hay 150 triệu Mỹ Kim.

Hồng Y Becciu, người đã bị Đức Thánh Cha Phanxicô sa thải khỏi chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh vào năm 2020 vì cáo buộc gia đình trị, nhưng vẫn là Hồng Y, cũng bị kết tội tham ô vì chuyển tiền và hợp đồng cho các công ty hoặc tổ chức bác ái do anh em của ngài kiểm soát trên hòn đảo quê hương Sardinia của họ.

Một cáo buộc khác liên quan đến việc ngài thuê Cecilia Marogna, một nhà phân tích an ninh tự phong, cũng đến từ Sardinia, như một phần của dự án bí mật nhằm giúp giành lại tự do cho một nữ tu đã bị bắt cóc ở Mali.

Marogna, 46 tuổi, đã nhận được 575.000 euro từ Bộ Ngoại giao trong hai năm 2018-2019. Các công tố viên cho biết trước tòa rằng số tiền này đã được gửi đến một công ty mà cô thành lập ở Slovenia và cô đã nhận được một ít tiền mặt.

Cảnh sát Ý cho biết Marogna đã chi phần lớn số tiền vào quần áo sang trọng và spa chăm sóc sức khỏe. Cả cô và Becciu đều bị kết tội lừa đảo nghiêm trọng liên quan đến việc chuyển tiền và Marogna được lệnh trả lại số tiền đó cho Vatican.

Enrico Crasso, chủ ngân hàng quản lý quỹ cho Bộ Ngoại giao, bị kết tội rửa tiền và bị kết án 7 năm. Fabrizio Tirabassi, người làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, bị kết án bảy năm rưỡi.

Tòa án yêu cầu Becciu, Mincione, Tirabassi và Crasso phải hoàn trả tổng cộng hơn 100 triệu euro cho Vatican.

Nicola Squillace, một luật sư từng làm việc với cả Crasso và Tirabassi, bị phạt tù treo 1 năm 10 tháng.

Rene Bruelhart, một luật sư Thụy Sĩ và cựu chủ tịch Đơn vị Tình báo Tài chính của Vatican, và giám đốc của nó, Tommaso Di Ruzza người Ý, đã bị kết tội thiếu sót hành chính và bị buộc phải nộp những khoản tiền phạt nhỏ.

2. Ukraine đưa nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga vào danh sách “truy nã”

Bộ Nội vụ Ukraine đã đưa nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, người ủng hộ cuộc chiến kéo dài 21 tháng của Điện Cẩm Linh chống lại Kyiv, vào danh sách truy nã sau khi các cơ quan an ninh cáo buộc ông ta tiếp tay cho cuộc xung đột. Olena Matveeva, phát ngôn nhân Bộ Nội Vụ Ukraine cho biết như trên hôm Chúa Nhật 17 Tháng Mười Hai.

Biện pháp này hoàn toàn mang tính biểu tượng vì Thượng phụ Kirill đang ở Nga và không bị đe dọa bắt giữ. Tuy nhiên, nếu Nga thua trận, Kirill, nhà tu hành có tài sản 4,5 tỷ Mỹ Kim, có thể bị bắt giữ.

Đó là bước đi mới nhất trong chiến dịch của Ukraine nhằm loại bỏ ảnh hưởng của các linh mục mà họ cáo buộc duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Nga và lật đổ xã hội Ukraine.

Một bài đăng trong danh sách truy nã của Bộ Ukraine đã nêu tên Kirill, cho thấy ông ta mặc áo choàng giáo sĩ và mô tả anh ta là “một cá nhân đang trốn khỏi các cơ quan điều tra trước khi xét xử”.

Chính Thống Giáo là tôn giáo chiếm đa số ở Ukraine và chính quyền ở Kyiv đã khởi tố các vụ án hình sự chống lại các giáo sĩ có liên hệ với một nhánh của Chính Thống Giáo từng có liên hệ trực tiếp với nhà thờ Nga và Kirill.

Quốc hội ở Kyiv đang xem xét dự luật cấm chi nhánh đó của Chính Thống Giáo, nơi đã mất nhiều giáo dân kể từ khi lãnh đạo Điện Cẩm Linh Vladimir Putin đưa quân đội Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, cho biết họ đã cắt đứt mọi liên kết với Mạc Tư Khoa vào tháng 5 năm 2022.

Cơ quan an ninh SBU của Ukraine hồi tháng trước đã đưa ra một tài liệu nói rằng Kirill “đã xâm phạm chủ quyền của Ukraine” vì vị trí của ông là “một phần trong ban lãnh đạo chính trị và quân sự thân cận nhất của Nga”.

Lực lượng an ninh đã tiến hành hàng chục vụ án hình sự, bao gồm cả cáo buộc phản quốc, chống lại các linh mục và quan chức có liên hệ với chi nhánh của nhà thờ liên kết với Mạc Tư Khoa.

Kirill đã tố cáo những hành động đó và kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo trên toàn thế giới ngăn chặn các động thái chống lại UOC.

Một quan chức cao cấp của Chính Thống Giáo Nga nói với hãng tin RIA của Nga rằng việc đưa thành phố Kirill vào danh sách truy nã là “một bước đi nực cười nhưng có thể đoán trước được”.

Vladimir Legoida, người chịu trách nhiệm về mối quan hệ với các Giáo Hội khác, nói với RIA rằng chính quyền Ukraine đã phạm tội “vô luật pháp và cố gắng đe dọa giáo dân”.

3. Tòa án giáo hội của Giáo hội Chính thống Nga đã quyết định cách chức Tu viện trưởng Govoroun

“Dựa trên Quy tắc thứ 25 của các Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Nga, Tu viện trưởng Kirill Govoroun phải chịu hình phạt theo giáo luật dưới hình thức huyền chức,” tòa án Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Nga cho biết như trên hôm Thứ Bẩy, 16 Tháng Mười Hai.

Quyết định này đã được Thượng phụ Giáo hội Chính thống Nga Kirill chấp thuận.

Lý do tòa án Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Nga đưa ra kỷ luật trên là vì vào ngày 13 tháng 8 năm 2023, Cha Kirill Govoroun đã cử hành lễ tại Nhà thờ Thánh Anrê ở Kyiv với Đức Cha Mikhail Anishchenko, một Giám Mục của Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU. Vào năm 2020, Cha Kirill Govoroun phục vụ tại Nhà thờ Thánh Sophia ở Kyiv cũng đã bị Thượng Phụ Kirill cảnh cáo sau khi ngài đồng tế với các linh mục của OCU.

Tưởng cũng nên biết thêm: Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.

Phản ứng trước quyết định huyền chức ngài, Cha Kirill Govoroun, một người Nga, và tu viện của ngài cho đến nay vẫn thuộc về Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cho biết cho rằng lý do cấm không phải chỉ là đồng tế mà là vì quan điểm của ngài đối với vai trò của Thượng Phụ Kirill trong cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine.

Theo tin tưởng chung của nhiều người Putin là người gây ra cuộc xâm lược, và Thượng Phụ Kirill ủng hộ cuộc xâm lược. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô mới gọi Kirill là “cậu bé giúp lễ của Putin.”

Cha Kirill Govoroun lại cho rằng chính Kirill là người phát khởi cuộc xâm lược và đã gieo vào lòng Putin những ý tưởng về một thứ Sa Hoàng hiện đại chinh phục các nước cho thế giới Nga. Thượng Phụ Kirill đã hình thành một học thuyết coi tất cả các dân tộc và tôn giáo không nằm dưới ảnh hưởng của Chính Thống Giáo Nga đều là Sa tan, đều là tà ma ngoại đạo và cần phải được chinh phục kể cả bằng quân sự. Nói tắt một lời, không phải Kirill là “cậu bé giúp lễ của Putin” mà chính Putin mới là “cậu bé giúp lễ của Kirill” trong cuộc tàn sát đang diễn ra tại Ukraine.

Điều đáng chú ý là theo quan điểm của Kirill, Vatican cũng đang dưới ảnh hưởng của Sa tan. Peter Anderson, một ký giả kỳ cựu chuyên về các vấn đề liên quan đến Chính Thống Giáo cho biết hôm 25 tháng 5, 2019, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Daniel của Chính Thống Giáo Rumani. Một ngày trước đó, đại diện của Chính Thống Giáo Nga đã khẩn cấp đến gặp Đức Thượng Phụ Daniel và bảo ngài phải tránh lặp lại một biến cố đã xảy ra vào năm 1999 khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Rumani, 10 năm sau sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Trong chuyến tông du này, vui mừng với tự do vừa đạt được, các tín hữu Chính Thống Giáo đã tham dự các cử hành của vị Giáo Hoàng Ba Lan, và hô lớn “hiệp nhất, hiệp nhất”. Các Giám Mục và linh mục Chính Thống Giáo Rumani cũng nhiệt thành tham gia vào các cử hành của Công Giáo trong dịp này. Được sự dặn dò của Thượng Phụ Kirill, khi Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng đọc kinh Lạy Cha, Thượng Phụ Daniel đã không hề nhếch mép.

Ngày 12 tháng Hai, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Thượng Phụ Kirill tại phòng khánh tiết của sân bay Havana của Cuba. Peter Anderson nhấn mạnh rằng hai vị đã không cầu nguyện chung.

Ông nhấn mạnh rằng, Chính Thống Giáo Nga vẫn coi Công Giáo là “tà ma ngoại đạo”, việc cầu nguyện chung là không thể.