1. Băng thẩm vấn trong phiên tòa xét xử tài chính ở Vatican bị rò rỉ cho truyền thông
Băng video về các cuộc thẩm vấn với một nhân chứng quan trọng trong phiên tòa tài chính Vatican đang diễn ra đã bị rò rỉ cho một tờ báo Ý.
Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, đã báo cáo trong một bài báo ngày 3 tháng 12 rằng các nhà báo của tờ báo Ý này đã được xem “độc quyền” đoạn băng video về các cuộc phỏng vấn giữa các công tố viên Vatican và Đức Ông Alberto Perlasca, một cựu quan chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng bị coi là nghi phạm trong các cuộc điều tra tài chính nhưng không bị buộc tội sau khi tình nguyện cung cấp thông tin cho các nhà điều tra trong các cuộc thẩm vấn sâu rộng trong năm 2020 và 2021.
Các đoạn băng thẩm vấn Đức Ông Perlasca đã trở thành tâm điểm tranh luận tại các phiên điều trần gần đây trong phiên tòa truy tố các tội danh lừa gạt Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến việc mua bất động sản đầu tư trị giá 350 triệu euro, tức là 404 triệu Mỹ Kim, ở London.
Các công tố viên cáo buộc rằng khoản đầu tư đã trở nên thua lỗ vì những người trong và xung quanh Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã âm mưu lừa đảo hàng trăm nghìn euro của Vatican.
Tờ báo đã đăng tải một số đoạn video lời khai của Đức Ông trên Web site của nó, trong đó có đoạn chỉ ra rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ủy quyền cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đàm phán với doanh nhân Gianluigi Torzi, là người đã môi giới giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận London và là một trong những bị cáo của phiên tòa.
Trong một clip, Đức Ông Perlasca có thể được nhìn thấy đang ngồi sau một chiếc bàn trước bức tường gắn đầy súng của hiến binh. Đức Ông tuyên bố rằng mình đã bị Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra “cho ra rìa” trong thỏa thuận với London bởi vì “mọi người đều nghi tôi sẽ báo cáo về những người đàn ông đó.” Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra là người thay thế cho Hồng Y Becciu trong chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Trong phiên điều trần vào ngày 17 tháng 11, luật sư đại diện cho bị cáo Enrico Crasso cho rằng tòa án nên hủy bỏ một trong các cáo trạng chống lại thân chủ của ông ta vì thân chủ ông chỉ làm theo lệnh trên.
Chánh án Giuseppe Pignatone cho biết tại phiên điều trần ngày 17 tháng 11 rằng ông sẽ đưa ra phán quyết có nên tiếp tục phiên tòa này hay không tại phiên điều trần tiếp theo, tức là vào ngày 14 tháng 12 tới đây.
Source:National Catholic Register
2. Giám đốc của các nhà tù Síp, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến vào sáng thứ Sáu
Bà Anna Aristotelous, Giám đốc các Nhà tù Síp, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp vào sáng thứ Sáu. Bà nói trong một tuyên bố từ Cục Điều Hành Các Nhà tù Síp “Thật vinh dự và vui mừng khi một giám đốc các nhà tù như tôi được hân hạnh gặp riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng thứ Sáu. Chuyến viếng thăm Síp của ngài có tầm quan trọng lịch sử và chắc chắn vượt xa công việc do tôi đảm trách”.
Trong cuộc gặp riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô, Bà Anna Aristotelous đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với công việc của Đức Giáo Hoàng và sự nhạy cảm và hỗ trợ đặc biệt mà ngài luôn thể hiện đối với người nghèo. Đồng thời bà nhấn mạnh rằng: “Với tư cách là Giám đốc các trại giam, chúng tôi ủng hộ tất cả những người đang ở trong tù và đặc biệt là người nghèo, hy vọng rằng không có sự phân biệt đối xử nào khác đối với họ”. Cuối cùng, Giám đốc các Nhà tù bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha về việc Tòa thánh đã nhận 10 người nhập cư bất hợp pháp bị giam giữ trong các nhà tù của Síp”.
Bà Giám đốc đã tặng Đức Giáo Hoàng một cây vĩ cầm do các tù nhân chính tay làm ra.
Source:Sismografo
3. Nhà cầm quyền bất hợp pháp ở Bắc Síp chỉ trích Đức Thánh Cha
Hôm thứ Năm, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đang trên máy bay từ Rôma đến Larnaca, Tổng thống Ersin Tatar của cái gọi là Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ đã mời Đức Giáo Hoàng, sau chuyến tông du 5 ngày tới Síp và Hy Lạp, cũng đến thăm lãnh thổ Síp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, Tatar lên tiếng chỉ trích chính quyền Síp mà ông gọi là Síp Hy Lạp đang sử dụng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng cho các mục đích chính trị chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Bắc Síp.
“Đây là bằng chứng mới cho thấy chính quyền Síp ở Hy Lạp đang lạm dụng tín ngưỡng và tôn giáo, và điều đó là rất đáng tiếc”. Tatar nói thêm rằng việc Đức Giáo Hoàng chỉ đến thăm phía Hy Lạp là một điều đáng tiếc khác.
Ông nói: “Có hai dân tộc khác nhau ở Síp, và trên mảnh đất này không chỉ có những người Hy Lạp Kitô Giáo mà có cả những người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo. Đây là một trong những thực tế cơ bản của Síp”.
“Bất kể họ có tín ngưỡng tôn giáo nào, tất cả mọi người và các dân tộc phải được đối xử bình đẳng và không được loại trừ hoặc phân biệt đối xử. Người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ không nên bị loại trừ hoặc bị phân biệt đối xử vì họ tin vào Hồi giáo và theo đạo Hồi”, ông nói thêm, cho biết rằng ông hy vọng Giáo hoàng sẽ trả lời lời mời của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh xuống Sân bay Larnaca trên đảo Síp hôm thứ Năm sau chuyến bay kéo dài ba giờ.
Đối với người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, trọng tâm của chuyến đi tới vùng phía đông của Địa Trung Hải là cuộc khủng hoảng người tị nạn. Việc phân chia Síp cũng đã được thảo luận.
Trong khi Hy Lạp và chính quyền Síp Hy Lạp ủng hộ một liên bang trên đảo Síp, thì Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Bắc Síp nhấn mạnh vào một giải pháp hai nhà nước phản ánh thực tế trên hòn đảo này.
Đảo Síp đã bị sa lầy trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ giữa người Síp gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp một loạt các nỗ lực ngoại giao của Liên hợp quốc nhằm đạt được một giải pháp toàn diện. Năm thập kỷ của các cuộc đàm phán về Síp đã không đi đến đâu.
Năm 1974, một cuộc đảo chính của người Síp ở Hy Lạp nhằm sát nhập hòn đảo này vào Hy Lạp đã dẫn đến sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng Hòa Bắc Síp được thành lập vào năm 1983. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất công nhận Cộng Hòa Bắc Síp.
Chính quyền Síp của Hy Lạp, được sự hậu thuẫn của Hy Lạp, đã trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu vào năm 2004.
Tòa Thánh không công nhận Cộng Hòa Bắc Síp và cố nhiên Tòa Thánh không trả lời đề nghị của Ersin Tatar. Lời mời của ông ta chỉ là cái cớ để tấn công Kitô Giáo nói chung.
Source:Daily Sabah