Mùa Giáng Sinh: Nghĩ Về Yêu Thương và Tha Thứ.

Hôm nay chúng ta mừng kính vị thánh tử đạo đầu tiên của Giáo Hội, Thánh Stêphanô, ngay sau ngày kỷ niệm 2011 năm Chúa Giêsu giáng sinh.Qua việc sắp xếp lịch phụng vụ như thế này, có lẽ Giáo Hội muốn nhắc nhở tôi rằng việc kỷ niệm đón Chúa đến thì mừng vui rộn ràng, nhưng để trung thành với Chúa là một hành trình nhiều cam go, có khi phải hy sinh cả tính mạng của mình. "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mà theo Ta"(Mc 8, 34b)

Thánh Stephanô đã chết cho niềm tin của mình. Đặc biệt khi bị ném đá và trút linh hồn thánh nhân đã xin Chúa tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. " Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con..Lạy Chúa, xin đừng nhớ tội của họ (CVTD 7:55-56, 58a, 59, 60b)

Thánh nhân đã làm tôi xúc động khi Ngài xin Chúa tha thứ cho kẻ ném đá mình ngay trong khi Ngài còn đang đau đớn do hành động thù hận của họ. Chúng ta có thể tha thứ cho người khác khi sự việc đã nguôi ngoai theo thời gian, chứ khó lòng mà tha thứ khi những vết thương còn đang rỉ máu. Chỉ có những tâm hồn ngập tràn tin yêu Chúa mới có thể làm được việc thánh thiện như vậy.

Hình ảnh Chúa Giêsu trên thập tự giá trong giờ phút lâm chung lại quay cuồng trong tâm trí tôi. Tôi đã xúc động nhiều lần khi nghĩ đến giờ phút linh thiêng này. Chúa cũng xin " Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" ( Luca 23,33)). Chúa dạy tôi biết tha thứ. Chúa đã tha thứ cho tôi và mong tôi cũng tha cho những kẻ đã xúc phạm đến tôi.

Bài học Chúa dạy tôi trong đêm giáng sinh là Yêu Thương. Chúa đã vì yêu thương nhân loại tội lỗi nên đã giáng thế làm người và "Người được gọi là " Emmanuel", nghĩa là " Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 1, 23-25). Chúa dạy chúng ta yêu thương, không chỉ những người yêu thương mình mà yêu thương cả kẻ thù, "Còn Thày, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" ( Luca 5, 44)

Rồi mỗi lần tôi đến viếng Chúa, nhìn lên Thánh Gía, tôi luôn tự hỏi tại sao Chúa lại chọn cách chết nhục nhã này để cứu nhân loại?. Chúa đã chết cho tôi và cho cả những người đã đóng đanh Chúa. Chúa ơi! hôm nay con đã hiểu, chỉ có sự tha thứ mới dẹp tan được hận thù. "Trên thập gía, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét" (Ep 2, 16)

Những người theo Chúa bị thế gian thù ghét đã được Chúa báo trước "Các ngươi sẽ bị nộp do cả cha mẹ, anh em bà con, bạn hữu và họ sẽ giết chết nhiều người trong các ngươi. Và các ngươi sẽ bị mọi người ghét vì danh Ta" (Luca 21, 16-17). Càng bị bách hại, người tín hữu càng vững niềm tin, càng phải lấy tình thương và sự tha thứ để xây dựng thế giới. Người tin Chúa không được hành động theo thói thế gian, mắt đền mắt, răng đền răng, mà phải theo con đường của Chúa.

Theo tin Vietcatholic.net, trong khi mọi người đang vui mừng đón Chúa giáng sinh, thì những anh em tôi đã phải hy sinh, ngay trong đêm thánh này. Nhà thờ Thánh Therese, Madalla tại Nigeria đã bị đánh bom, gây tử thương cho 35 nguời và hơn 50 người khác bị thương. Nhà thờ bị hư hại nặng. Đức Thánh Cha đau buồn về tin dữ này, xin trích lời yêu thương của vị Cha Chung. " Tôi cũng thành tâm chia buồn với các nạn nhân bạo lực tàn khốc làm cho Nigeria đẫm máu và không tha cả các trẻ em vô phương tự vệ. Một lần nữa tôi tha thiết lập lại rằng bạo lực không giải quyết được các xung đột, nhưng chỉ gia tăng những hậu quả bi thảm của chúng. Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm dân sự và tôn giáo tại Nigeria, hãy nỗ lực hoạt động cho an ninh và sống chung hòa bình của toàn dân. Sau cùng, tôi bầy tỏ sự gần gũi với các vị mục tử và tín hữa Nigeria, và cầu nguyện để họ được vững mạnh tron niềm hy vọng, trở thành chứng nhân đích thực về sự hoà giải"

Tại Việt Nam và tại Trung Quốc, những người tin Chúa đang bị bách hại môt cách tinh vi hơn. Giáo dân không bị ném đá, không bị giết một cách trực tiếp vì niềm tin, nhưng họ bị ghét bỏ, bị phân biệt đối xử với nhiều ly do khác xuất phát từ lòng hận thù. Giáo hội bị giới hạn trong sinh hoạt tôn giáo, bị gây khó khăn bằng nhiều cách.

Qua sự hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, các tín hữu tiếp tục chia sẻ nỗi gian truân và hợp lời cầu nguyện cho nhiều nơi trên thế giới, Giáo Hội vẫn tiếp tục bị bách hại và tấn công.

Riêng tại Hoa Kỳ, một đất nước mà quyền tự do được tôn trọng.Người Công Giáo cũng đang bị tấn công nhân danh tự do cá nhân. Người ta đang tìm cách đầy Chúa ra khỏi gia đình và học đường. Con người bị lôi vào vóng xoáy của cuộc sống, sống cuồng,sống vội với bao chủ thuyết lầm lạc. Nếu không có giây phút hồi tâm, con người dường như không có giờ cho Chúa!

Sống nơi đây, chẳng ai ngăn cấm tôi đến với Chúa, nhưng những lo lắng của cuộc sống làm tôi xa rời Chúa. Chẳng ai chặn đường chắn lối để tôi tham dự thánh lễ đêm giáng sinh, nhưng những cuộc vui, hẹn hò, thời gian đi mua sắm làm tôi không có giờ cho Thánh Lễ ấy. Xã hội cho tôi muôn vàn sự lựa chọn. Tôi đứng về phía Chúa hay chống lại Chúa. Yêu thương và tha thứ hình như là đi ngược với trào lưu trong xã hội hiện nay. Giáo Hội không bị bách hại theo hình thức như ở các nuớc nghèo nàn hay Cộng Sản, nhưng truyền thông reo rắc tới tận các gia đình qua máy tính, qua truyền hình những bạo lực,hận thù, lối sống dâm ô, thác loạn... Muốn thực hiện yêu thương và tha thứ, tôi phải có lòng yêu mến Chúa say đắm, phải cậy trông vào ơn thánh Chúa và phải hy sinh chính mình. Hy sinh chính mình nơi sở làm, nơi giáo xứ, nơi các hội đoàn, nơi gia đình và chính trong cái tôi của mình. Sự hy sinh ấy cũng đau đớn dằn vặt lắm.

Chúa đã bị bách hại ngay khi vừa mới giáng trần. Giáo hội Chúa đang bị tấn công ở khắp mọi nơi trong mọi thời đại. Chúng ta đang phải chiến đấu với những khó khăn hằng ngày.

Để chiến đấu với hận thù ghen ghét, để kiến tạo một thế giới an bình, để nước Chúa được lan truyền khắp nơi, Chúa dạy tôi phải mặc lấy áo giáp yêu thương và trang bị khí cụ tha thứ với niềm tin sắt son vào Thiên Chúa.

Thực vậy, Thiên Chúa đến trần gian để mặc khải tình yêu Thiên Chúa và nâng con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Tôi không thể yêu Chúa được nếu không yêu thương đồng loại vì tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau có cùng một cha chung ở trên trời. Chúa đã " cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính".(Mt 5,45). Chúa đã kiên nhẫn với tôi, sao tôi không kiên nhẫn với anh em. Tôi đã từng là người tội lỗi và Chúa đã thương ban ơn cho tôi trở lại, thì tôi tin những người đang ra sức chống lại Giáo Hội sẽ có cơ hội để trở lại. Chính tình yêu thương chân thật của bao Kitô hữu dành cho những kẻ đang làm điều ác và sự cầu nguyện liên lỉ sẽ là cơ hội cho mọi người trở về với Chúa.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, Tổng Thống Abraham Lincoln đã dùng thái độ thân thiện, yêu thương với những kẻ thù chính trị đã từng lăng nhục ông và cuối cùng đã biến được kẻ thù thành bạn của mình. Gương yêu thương của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đối với những cai tù Cộng Sản đã đánh bại tính hung hãn của họ và đây là khẳng định của một tông đồ trung kiên với luật yêu thương của Chúa " Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu" (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Wikipedia tiếng Việt).

Khí cụ để thắng bạo lực là sự tha thứ. Chính sự tha thứ làm cho tâm hồn tôi được bằng an. Càng nuôi hận thù thì càng chuốc lấy sự đau khổ cho mình, càng khiến mình rơi vào bấn loạn. Tha thứ không phải là quên đi. Tha thứ cũng không phải là bỏ qua, nhưng tha thứ là một món quà con người trao cho nhau trong giao hòa với Thiên Chúa, là đường lối xử thế khôn ngoan để kiến tạo hòa bình. Ông Gandhi nói ' Luật vàng của xử thế là tha thứ lẫn nhau".

Tha thứ là sự đòi buộc của đời sống Kitô hữu. Chúa đã dạy tôi phải tha thứ, không những tha thứ bẩy lần mà là tha hoài, tha mãi "Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng:" Thưa Thày, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?". Đức Giê-su đáp: "Thày không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy," (Mt 18, 21-22).

Tha thứ bẩy lần có thể do thiện tâm của con người, nhưng tha đến bẩy mươi lần bẩy phải là do ơn Chúa ban, để người được tha cảm nhận được ơn tha thứ. Chỉ khi nào chúng ta có khả năng tha thứ, chúng ta mới xứng đáng nhận được sư tha thứ của Chúa. Nhớ lại dụ ngôn người đầy tớ được chủ tha cho một món nợ lớn và rồi anh ta bóp cổ bạn mình chỉ vì món nợ nhỏ. Người đầy tớ đã không cảm nghiệm được ơn tha thứ chủ đã ban cho mình nên anh ta không thể tha cho bạn anh được. Nếu tôi không thể tha thứ cho anh em mình, tôi cũng không xứng đáng với sự tha thứ Chúa đã dành cho tôi. “Vì nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi” (Mt.6:14).

Lạy Chúa, xin cho con được luôn noi gương Chúa mà lấy yêu thương và tha thứ để xóa tan bóng đêm hận thù ghen ghét. Chỉ có yêu thương và tha thứ mới làm cho con trở nên giống Chúa hơn và đem lại sự bình an thực sự cho con trên hành trình về với Chúa.

Giuse Thẩm Nguyễn