Muôn Đời Tạ Ơn
Trong trình thuật sáng thế, Thiên Chúa dựng nên Adam bằng đất sét, nhưng tại sao lại là đất sét mà không phải là một chất liệu khác? Có lẽ đất sét là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người và xã hội thời bấy giờ. Bằng đất sét, con người ta có thể làm được bao nhiêu thứ mà những thứ khác như: đá, đồng và những kim loại khác, hẵn đã không tiện lợi hơn. Và vì thế, người ta đã nhân cách hoá “đất sét” là một phát minh cao nhất để nói về công trình tạo dựng con người đầu tiên của Thiên Chúa.

Nhưng, cho dù đất sét có là phát minh cho một nền văn minh nào đó, thì đất sét vẫn là đất, là bụi, là vật chất nếu không muốn nói là quá tầm thường. Đó có thể là một trong những lí do mà khoa học không thể chấp nhận nguồn gốc của con người theo niềm tin của Kitô giáo. Người ta cố gắng đi tìm, suy luận và giải thích con người bắt nguồn từ những thứ vật chất khác, không phải do Thiên Chúa tạo nên.

Thiên Chúa dựng nên con người bằng đất sét hay bằng bất cứ cái gì khác, tạo dựng như thế nào, cách thức ra làm sao, có khoa học không, hay chỉ là một câu chuyện huyền thoại như bao câu chuyện huyền thoại khác…điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng ta có tin rằng, Thiên Chúa yêu thương con người và vì yêu thương nên Thiên Chúa đã tác tạo con người giống hình ảnh của Thiên Chúa hay không? Và hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều biến đổi, với đầy đủ những tiện nghi, với những phát minh khoa học đã đem lại biết bao điều tiện lợi và hữu ích cho con người. Xã hội phát triển về kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục… cũng nhờ vào những phát minh đó. Và khi khoa học phát triển đến đỉnh cao của nó, khoa học có thể tạo ra con người mà không cần đến Thiên Chúa, bằng cách thụ tinh nhân tạo, thụ thai trong ống nghiệm hay nhân bản vô tính… thì trong chúng ta có còn chỗ cho Thiên Chúa hay không? Và Thiên Chúa có còn là nơi để chúng ta tin tuởng, cậy trông nữa hay không ?. Chúng ta có còn tin rằng, trong Thiên Chúa, con người luôn được yêu thương, nâng đỡ, ban phát nhiều ân huệä..., đến nỗi Thiên Chúa đã mặc cho con người hình ảnh của Ngài, mang sự sống của Ngài, được làm con của Ngài hay không, đó chính mới là những điều quan trọng.

Thiên Chúa có những cách thức của Ngài và bằng cách ấy, Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người giống hình ảnh của Ngài. Và hơn thế, Thiên Chúa đã ban cho con người có sự sống của Thiên Chúa, đó chính là Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Thánh, ngay từ buổi đầu, Chúa Thánh Thần đã hiện diện với con người đầu tiên là Adam – Eva, với các ngôn sứ, với dân Chúa… Đặc biệt là với Chúa Giêsu, với các Thánh tông đồ và hiện đang hoạt động trong lòng Giáo Hội. Có thể nói, Chúa Thánh Thần vừa là sự sống, là sức mạnh, là tình yêu, là mối dây liên kết, ràng buộc Thiên Chúa với con người và ngược lại con người luôn luôn hướng về và tin tưởng vào Thiên Chúa.

Cho đến nay, các nhà thần học đã cố gắng giải thích về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Chúa Giêsu, về Chúa Thánh Thần và bao nhiêu là sách vở, bút mực viết về Thiên Chúa… nhưng người ta đã không tìm ra đuợc lí do tại sao Thiên Chúa sáng tạo con người, với mục đích gì, ngoài một lí do, một mục đích duy nhất là để “YÊU THƯƠNG”.

Thật ra, dù là các nhà thần học hay tất cả con người chúng ta, cố gắn giải thích về Thiên Chúa có hay đến đâu, thì đấy cũng chỉ là ngôn ngữ của con người. Chúng ta thử hình dung, giả sử như con kiến nó nói về con người hoặc nó nghĩ về con người dù có hay ho như thế nào thì cũng chỉ thấp ngang bằng mặt đất, vì mấy khi con kiến nó leo lên và ở được trên đầu của con người. Cũng thế, sự hiểu biết về Thiên Chúa của con người nếu chỉ dừng lại trên sách vở, trên sự hiểu biết thông thường mà con người cho đó là “khoa học” thì cũng hạn hẹp có khác gì con kiến. Bao lâu con người còn dừng lại ở lí trí, ở khoa học thì Thiên Chúa vẫn còn là khoảng cách.

Thiên Chúa vượt xa mọi sự hiểu biết của con người chúng ta, Ngài ban cho con người sự sống, mà sự sống của Thiên Chúa xuất phát từ tình yêu, nên tình yêu đòi buộc đuợc đáp trả bằng sự sống. Khi phạm tội, con người đã không còn khả năng yêu thương, thì lấy đâu ra có sự sống để mà đáp trả. Trong tình yêu, Thiên Chúa có những lí do của Thiên Chúa, khi không còn khả năng làm con, Thiên Chúa đã ban cho con người Đức Giêsu, trong Đức Giêsu con người đuợc phục hồi lại tư cách làm con Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu đến để hiến dâng sự sống khi con người không còn khả năng đáp trả, cũng như để cho con người được “ăn”. Do đó, để hiểu về Thiên Chúa, thì chỉ có một phương cách duy nhất là “ăn” Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể thì mới có thể cảm nếm đuợc tình yêu và sự ngọt ngào của Thiên Chúa, mới có thể lí giải đuợc tại sao Thiên Chúa yêu thương con người, tác tạo con người giống hình ảnh của Ngài.

Thiên Chúa không sai lầm khi Ngài dựng nên tôi, dù tôi đẹp hay xấu về nhan sắc, dù tôi giỏi hay dở về năng khiếu, dù tôi thánh thiện hay tội lỗi về đạo đức, dù tôi khôn ngoan hay chậm hiểu về trí tuệ… Tôi tầm thuờng hay phi thường thì tôi vẫn là con người, mà con người thì có hoặc không có những khả năng trên.
Thật ra, đẹp hay xấu, giỏi hay dở, đạo đức hay tội lỗi, khôn ngoan hay ngu đần… là do con người mặc cho nó một chuẩn mực, một thước đo, một tiêu chuẩn luôn luôn bấp bênh và khập khiểng. Nếu những điều kiện đó đối với con người là một chuẩn mực được đặt ra bị gò bó và hạn hẹp trong cách nhìn rất con người, thì với Thiên Chúa mỗi con người là một tác phẩm, một tặng phẩm hoàn hảo nhất, vĩ đại nhất. Trong tình yêu, con tim có những lí lẽ riêng là thế.
Những điều vừa trình bày ở trên đã được thánh vịnh 138 ca ngợi:

Tạng phủ con chính Ngài đã cấu tạo
Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng
Công trình Ngài xiết bao kì diệu.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước
Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con
Kì diệu thay trí thức siêu phàm
Quá cao với con chẳng sao vươn tới

Hôm nay, một lần nữa, bằng những lời ca và giòng nhạc của mình. Ngoài sựï tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi biết bao điều kỳ lạ trong cuộc sống, tôi còn tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi một linh hồn và một hình hài mang hình ảnh của Thiên Chúa và sự hiện hữu của mình trong cuộc đời này, trên thế gian này, bên cạnh anh chị em của mình. Đó cũng là điều mà Thiên Chúa mong muốn, Thiên Chúa đã dựng nên con người không giống bất cứ cái gì khác ngoài hình ảnh của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa mong muốn con người tạ ơn Thiên Chúa bằng hình ảnh đó, tất cả nếu có thể.

Khi sáng tác bài hát Muôn Đời Tạ Ơn này, tôi đã cầu xin ơn Chúa Thánh Linh giúp tôi để chỉ qui hướng về mục đích của sự tạ ơn mà không phải xin ơn. Lời ca, dịng nhạc với tôi có thể rất bình thản, tôi muốn mang hơi hám và âm hưởng của dân tộc để gợi lên và phản phất một giai điệu thân thương và gần gũi, một lối tu duy rất Việt Nam đã nói lên một con người, một thái độ đon sơ mà cao quí, nhiệm mầu nhưng say đắm, nồng nàn và mảnh liệt với tình yêu của Thiên Chúa. Bài ca có vẻ trầm lắng, vì trầm lắng mới mang trạng thái và diễn tả được của sự van xin mặc dù van xin để đuợc tạ ơn. Và tạ ơn là niềm hạnh phúc, niềm kiêu hãnh vì đã đuợc làm con Thiên Chúa.

Và vì thế, tôi đã không tìm cách trả ơn, mà tôi đã tạ ơn, ca tụng Thiên Chúa bằng tất cả thái độ của một người con. Như chúng ta biết, thái độ của một người con, khác rất xa với thái độ của người biết ơn. Thái độ của người biết ơn còn có khoảng cách, họ phải biết ơn vì đã nhận đuợc ơn và tìm cách trả ơn, đối với họ là một bổn phận. Còn thái độ của người con vừa biết ơn, vừa mang ơn, vừa tạ ơn nhưng không tìm cách để trả ơn, vì trong tình yêu, Thiên Chúa đã cho con người tất cả mà không bao giờ tính toán, nên chúng ta là những người con của Ngài chỉ biết tận huởng hạnh phúc và sống thật trọn vẹn trong tình yêu ấy mà thôi.

Tin Mừng theo Thánh Luca (7, 11–19) Chúa Giêsu đã chữa lành 10 nguời phong hũi, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn mà người đó lại là người Samari - dân ngoại. Thật ra, Chúa Giêsu không cần lời cám ơn trên môi miệng mà Ngài thật sự cần và rất cần một tâm tình, một tình yêu chân thật và một thái độ phó thác cậy trông tuyệt đối vào Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu con người và mong muốn con người đáp trả bằng tình yêu mà tình yêu đó không gì khác là làm con Thiên Chúa một cách trọn hảo.

Rất tinh tế, mỗi người luôn ý thức rất rõ bổn phận của mình với những người thân, với những anh chị em mà Thiên Chúa đã để sống bên cạnh mình và tất cả chúng ta nói chung. Ngày sau hết, khi đến truớc toà Chúa, chúng ta không đến với tư cách là một cá nhân, mà chúng ta mang theo cả một cộng đồng anh chị em, mang theo tâm tình và uớc muốn của mình và của họ. Vì thế, Thiên Chúa đã không để cho con của Ngài phải sống lẻ loi đơn độc mà trong chúng ta ai cũng có tổ tiên, cội nguồn, nguời thân, bạn bè… đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta sống thật gắn bó với nhau, quan tâm chăm sóc cho nhau, nhất là những người kém may mắn, những người bất hạnh…

Tạ on Thiên Chúa và biết ơn con người là thái độ của con cái Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu biết ơn người, biết ơn đời thì Thiên Chúa cũng muốn chúng ta yêu thương mọi người, yêu thương đồng loại… Biết ơn là một chuyện, còn yêu thương lại là một chuyện khác, không dễ dàng chút nào.
Biết ơn và yêu thương cha mẹ là một tình yêu tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi con người. Trong nội tại, tình yêu huyết thống như một mối dây vô hình ràng buộc cha mẹ, con cái và anh chị em với nhau một cách thật bền chặt, thật sâu đậm.

Tôi đang sống trong một xứ đạo và được nghe những bài giảng của các cha Dòng Đa Minh nơi tôi đang ở, nhất là những bài giảng của cha xứ JB Nguyễn Đức Vượng.
Gần như trong 10 năm qua, vị linh mục này luôn lấy gia đình làm đề tài và trọng tâm cho các bài giảng, để từ đó ngài khai triển và đem Lời Chúa áp dụng trong đời sống đạo hạnh của các tín hữu. Hẳn, ngài đã thấy rõ nền tảng và tầm quan trọng của từng thành viên trong gia đình. Từ ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt. Tôi cảm nhận được những sang kiến của ngài trong xứ đạo này để luôn có những dịp lễ tạ ơn quanh năm cho những người lớn tuổi như ghi nhớ, kỷ niệm hôn nhân, mừng tuổi, mừng thượng thọ nhất là cho những vị cao niên và bệnh tật. Trong những dịp này, ngài mời và quy tụ lại con cháu của các vị ấy để mừng lễ và chung vui bên buổi tiệc đầy ý nghĩa. Ngoài sự khơi dậy và nhắc nhở sự tạ ơn với Thiên Chúa, phải chăng, đây là một cách tối thiểu để duy trì văn hoá, truyền thống và nền nếp tốt đẹp đó là sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ của người Việt Nam, nhất là tình gia đình của người Việt Nam trên đất Mỹ mà đời sống và thời giờ của họ rất giới hạn để được gần nhau, thậm chí ngay cả trong những bữa cơm tối

Vâng, một gia đình tốt và đạo hạnh, tất sẽ có những con người tốt bổ ích cho xã hội, cho Giáo hội và cho đất nước, “Cây tốt sẽ sinh trái tốt”. Những gì trái ngược tín lí và luân lí, trái ngược với điều tự nhiên của con người, của trời đất như đồng tính, thụ thai trong ống nghiệm hay nhân bản vô tính, v.v… được cho đó là một con người hay một gia đình không (?).

Thượng Đế đã khôn ngoan hình thành xã hội đầu tiên cho loài người đó là người chồng, người vợ, và từ đó họ sinh sản ra con cái, chung quy lại đó là gia đình. Nơi gia đình ta tìm được chỗ nương tựa và yêu thương, được an ủi và vỗ về, được chia sẽ ngọt bùi hay đắng cay, hạnh phúc hay khổ đau…

Biết ơn và yêu thương vợ - chồng là thứ tình yêu vừa nồng nàn, vừa gắn bó, lại vừa là thứ bổn phận, trách nhiệm đối với con cái. Vợ - chồng là chỗ dựa của nhau, cha mẹ là chỗ dựa cho con cái và con cái là niềm hạnh phúc của cha mẹ… Đó là thứ “ách êm ái và nhẹ nhàng”, làm cho nguời ta thích sống và sống có ý nghĩa.

“Con người” và “cuộc đời” mà người Việt Nam hay gọi tắt “người đời”, là cụm từ mà khi nghe người ta có kinh nghiệm và cảm nghiệm thật thâm thúy về khoảng cách thời gian và không gian của nó. Có thể nói, “người đời” là người ngoài cuộc, người cũng có thể vừa rất gần mà cũng có thể rất xa, người có thể yêu chúng ta mà cũng có thể là người không ngừng hại chúng ta, nguời mà chúng ta có thể yêu và cũng có thể làm cho chúng ta ghét… Biết ơn người có thể dễ hơn nhiều so với yêu thương người, biết ơn vì chúng ta nhận đuợc ơn, và tìm mọi cách để trả ơn và đến một lúc nào thì sẽ hết, còn yêu thương thì yêu hoài, yêu mãi… yêu kẻ tốt và người xấu như Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 27-28)

Nếu biết ơn, làm ơn và yêu thương cha mẹ, vợ chồng, con cái là thứ tình cảm tự nhiên, thì “người đời” và “cuộc đời” có thể nói, tự nhiên là thứ đáng ghét: con người làm mất danh dự tôi, cuộc đời làm tôi bất an, trong khi tôi muốn sống bình an; con người tôi làm đau khổ, cuộc đời mang lại những mất mát đau thương, trong khi tôi muốn sống hạnh phúc; con người lên án và cuộc đời lạnh lùng, trong khi tôi cần được thông cảm; con người dối trá, cuộc đời bất công, trong khi tôi cần sự chân thật; con người thích hận thù, tôi thích sống yêu thương, cuộc đời gây chiến tranh tang tóc, tôi yêu thích hoà bình…

Những trái ngược ấy làm cho tôi chán đời, chán người. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Anh em muốn người ta làm điều gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta nhu vậy”(Lc 6,31). Ở đây, Chúa Giêsu không có ý muốn bảo chúng ta, làm ơn để đuợc trả ơn, mà Ngài muốn con cái của Thiên Chúa thì phải đi bước trước, sống đẹp, cư xử tốt là cách nói của chữ “YÊU THƯƠNG” và “YÊU THƯƠNG” là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa nên chúng ta phải sống yêu thương, mà yêu thương là dám sống cho người khác, can đảm chấp nhận những thiệt thòi… như thế yêu đời và yêu người sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ thở hơn và có ý nghĩa hơn.

Cuối cùng, vũ trụ có những bí mật đáng yêu của nó, mặt trăng, mặt trời, các ngôi sao, cầm thú, cỏ hoa… khi không chuyển huớng thì đó là truờng từ vựng hoàn toàn mang nghĩa trực tiếp, nghĩa chỉ sự vật từ góc nhìn ngôn ngữ học. Những khi đặt cho nó một chỗ đứng, một vị trí, một vai trò trong những tác phẫm của nghệ thuật như hội họa hoặc âm nhạc… cũng như thể trong bài hát này thì nó là những lời ca hoặc những bức tranh thật “duyên dáng”. Và hơn thế, khi mặc cho nó một tâm tình tạ ơn thì từ những cụm từ thật đơn giản, không sinh động đã trở thành lời ca ngợi Thiên Chúa thật đẹp, thật ý nghia...

Mỗi hành tinh, mỗi sự vật trong vu trụ điều có chức năng đặc thù nhu vốn đuợc sinh ra. Từ những sự vật lớn như mặt trời, mặt trăng toả chiếu ánh sáng, cho đến những bông hoa lộng lẫy hay là những cây cỏ dại mọc bên đường chỉ để làm vui mắt con người… chúng cũng đều thực hiện trọn nhiệm vụ của mình, không ganh đua, không chen lấn, không tranh chấp… Điều này làm cho tôi nghỉ đến con người, nghỉ đến cuộc đời. Mỗi một cá nhân trong xã hội hay trong Giáo hội, dù lớn hay bé, dù sang trọng hay bần hàn thì cũng đều có một cuộc sống và một nhân vị cần được tôn trọng. Cũng như tôi, họ cũng đã cố gắng sống trọn vẹn thân phận của mình và điều đó làm cho họ có giá trị.

Mỗi người trong chúng ta là một bản giao hưởng được dệt bằng những nốt nhạc vui buồn của cuộc sống và là một bản trường ca bất tận với những thăng trầm trong cuộc hành trình tiến về miền đất hứa là cung lòng của Thiên Chúa Cha. Bản truờng ca ấy sẽ trở nên bất hủ khi chúng ta cúi đầu “MUÔN ĐỜI TẠ ƠN” Thiên Chúa như tên của bài hát, nhất là trong ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) hôm nay.

Kính chúc các bạn một Ngày Lễ Tạ Ơn thật đầm ấm và hạnh phúc bên những người thân và gia đình.

Happy Thanksgiving...

Xin bấm mũi tên dưới đây để nghe bài nhạc “MUÔN ĐỜI TẠ ƠN”.