MẸ VỀ VỚI CHÚA

Sau hơn một năm trên giường bệnh, mẹ tôi đã về với Chúa ở vào tuổi đúng một trăm. Mẹ đã ra đi thanh thản và an bình trong tiếng khóc vật vã của các con, cháu, chắt. Mẹ đã về với Chúa trong hân hoan của một ngày sống lại vĩnh cửu.

Mẹ tôi từ Mỹ về lại ngôi nhà mà mẹ đã xây dựng nên với biết bao kỷ niệm vui buồn. Nhưng đối với luật lệ của những người cầm quyền ở Việt Nam hiện nay thì mẹ tôi ở trong tình trạng “cư trú bất hợp pháp” ngay chính trong ngôi nhà của mẹ. Chúng tôi đã phải tốn phí nhiều công sức và tiền bạc để “hợp pháp hoá” tình trạng cư trú của mẹ tôi. Từ các quan chức ở phường cho đến các ông bà ở sở ngoại kiều, đi đến đâu cũng phải có “bác” đưa đường dẫn lối. Cuối cùng thì chúng tôi cũng có được tờ giấy chứng nhận tình trạng cư trú cho mẹ tôi. Những người cầm quyền ở Việt Nam luôn luôn đề cao đường hướng cải cách hành chánh nhưng khi phải đối mặt với bất cứ việc gì người dân mới thấy những hủ tục rườm rà và vô lý của một hệ thống cai trị bá quyền được tổ chức rất lớp lang và nhịp nhàng chỉ với một mục đích moi móc “bác” từ trong túi của người dân. Thân xác mẹ tôi đã nằm trong áo quan, giữa những vòng hoa muôn sắc và lời kinh nguyện liên lỉ của các hội đoàn, nhưng vẫn có ba ông công an quận đến lớn tiếng hoạnh hoẹ về “yếu tố người nước ngoài” của mẹ tôi. Chúng tôi bận rộn với thân nhân và bằng hữu cùng các lễ nghi tôn giáo. Thôi thì mọi chuyện xin nhờ “bác”, cuối cùng thì cũng xong. Có được tờ giấy chứng nhận cư trú thì mới có được tờ giấy chứng tử để tiến hành tống táng. Nếu không có tờ giấy chứng tử thì cơ sở tống táng sẽ không chấp nhận dịch vụ.

Hiện nay ở Sài Gòn không thể nào có thể tìm được một nghĩa trang để chôn cất. Nếu có được một chỗ chôn cất thì lại nơm nớp lo sợ bị giải toả bất cứ lúc nào với trăm ngàn lý do ích quốc lợi dân. Do vậy đa số chọn hoả thiêu. Ở Mỹ, các cơ sở đảm trách công việc tống táng chỉ hoả thiêu thân xác của người quá cố mà thôi. Nhưng ở Việt Nam thì thiêu cả hòm. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, tang gia đến nhận một túi tro và hộp đựng hài cốt. Cơ sở hoả táng Bình Hưng Hoà lúc nào cũng bận rộn. Tiếng kinh nguyện thiết tha của con cái Chúa ở phòng bên này thì phòng bên kia tiếng u trầm của các vị sư Phật giáo tụng niệm cũng sầu não vang lên. Tiếng kèn đồng của những phường kèn tạo nên một thứ âm thanh đỡ trống trải nhưng nhiều khi chẳng có chữ nghĩa nào mà diễn tả cho được. Vui hay buồn? Một bà ở Mỹ xây một ngôi nhà khá bề thế gần nhà mẹ tôi sang phúng viếng. Tang gia không nhận tiền phúng điếu mà các vòng hoa thì không còn chỗ để. Bà hàng xóm này bèn thuê một đội kèn đồng đến “trình diễn” trong một tiếng đồng hồ như là một hình thức phúng điếu. Đội kèn gồm chừng một chục ông, thổi một lúc rồi kèn cầm tay cùng nhau hát nhịp điệu của các bài hát đạo đời lẫn lộn. Những bài hát đời “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…” nghe cũng tạm ổn. Đến lúc các ông ấy hát “ Chỉ còn gần nhau một giây phút thôi. Một giây phút thôi là xa nhau rồi…” thì chẳng biết vui hay buồn nữa.

Thân xác mẹ tôi đã trở về với tro bụi. Hài cốt đã dược gửi vào một thánh đường để mẹ tôi cùng cầu nguyện với mọi người trong các khoá lễ buổi sáng và các giờ kinh nguyện buổi chiều. Nắm tro tàn đã được thả xuống bờ biển Vũng Tầu, ngay chân Đức Mẹ Bãi Dâu. Linh hồn mẹ tôi đang ở bên Chúa, Đấng Tạo Hoá mà suốt đời mẹ tôi thờ lậy mến yêu.