“Khuôn Mặt Thiên Chúa” là tựa đề một cuốn sách của nhà báo kiêm sử gia Đức, Paul Badde, xuất bản năm ngoái. Tập san Đức Der Spiegel cho đây là một truyện văn hóa ly kỳ hấp dẫn, còn tác giả thì mô tả nó như “một sổ ghi việc khám phá ngay từ đầu” chép lại việc ông và một số nhỏ các nhà chuyên môn cố gắng “tái khám phá” khuôn mặt Thiên Chúa trên tấm khăn mà người ta cho là hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Gioan đã tìm thấy trong ngôi mộ trống của Chúa Giêsu. Tấm khăn này hiện đặt Nhà Thờ Manoppello, một thành phố thuộc vùng Abruzzo, nước Ý.

Tấm khăn mang hình lạ lùng của một khuôn mặt đàn ông trên tấm lụa biển (sea silk), một loại vải mỏng và rất mịn, mịn đến không thể vẽ sơn trên đó được. Ấy thế nhưng hình một khuôn mặt có râu, gần như trong mơ, mang nhiều thương tích lại thấy rất rõ từ cả hai phía, đàng trước và đàng sau. Nó có phẩm chất sáng rực và một lối diễn tả thay đổi tùy theo hướng của ánh sáng. Nó cũng có y hệt kích thước như khuôn mặt in lên tấm Khăn Liệm ở Turin.

Badde cho Zenit hay: “Nó không thể vẽ được, không có vết mầu nào trên nó cả, ấy thế nhưng trông nó lại như một bức vẽ. Hòan toàn không thể giải thích được”.

Người đầu tiên, năm 1999, cho nó là Khuôn Mặt Thánh là Linh Mục Dòng Tên Người Đức Heinrich Pfeiffer. Lý thuyết đầu tiên của ngài trùng hợp với truyền thuyết cho rằng bức hình này bị đánh cắp từ Vatican trong diễn trình tranh cãi nhân dịp xây dựng Tân Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, khoảng giữa các năm 1506 và 1606. Nhưng sau đó, ngài và một số người khác tin rằng nó biến mất giữa lúc có cuộc Cướp Phá Rôma năm 1527 và cuối cùng đã xuất hiện tại Manoppello. Ngài cũng tin rằng bức hình này phát sinh do sức mạnh phóng ra từ việc Phục Sinh, sức mạnh mà ngài cho cũng đã in hình thân xác Chúa trên Khăn Liệm Turin. Ngay từ đầu, cả hai khăn đều được xếp vào loại "acheiropoietos", tiếng Hy Lạp có nghĩa là: các hình ảnh “không do tay người làm ra”.

Diễn lại khung cảnh

Chính ở đây, câu truyện mới trở nên hấp dẫn. Các nhà khảo sát này tìm ra lý do tại sao hai thánh Tông Đồ Phêrô và Gioan lại xác tín Chúa sống lại thật vì hai vị thấy Khăn Liệm (trong số các khăn khác mà Thánh Gioan gọi chung ở số nhiều là "othonia") nằm trên một chỗ cao ở phía tay mặt của mồ. “Được xếp riêng ra một nơi” và có lẽ ở phía trái, thấp hơn, của mồ là tấm khăn được Thánh Gioan gọi là "soudarion" (Ga 20:6), khăn liệm đầu, tức tấm vải mỏng có Khuôn Mặt Thánh. Bà Maria Mađalêna là người đầu tiên khám phá ra ngôi mồ trống. Bà rất buồn, bèn chạy đi kiếm các tông đồ. Nhưng khi Phêrô và Gioan vội vàng trở về vào lúc hừng đông, các vị có phản ứng khác hẳn.

Bởi thế, Badde hỏi lý do tại sao “Thánh Phêrô không hẳn thông minh hơn, cũng không can đảm hơn gì, ấy thế nhưng Thánh Maria Mađalêna đã chạy đến báo tin (cho ông hay) họ đã lấy mất Thầy”? Và ông cho hay: các nhà nghiên cứu thuộc nhóm của ông trả lời như thế này: vì Thánh Phêrô nhìn thấy tấm khăn sáng ở trong mồ, chứ không nhìn thấy bất cứ đồ vật gì khác (kể cả khăn liệm) tại chỗ ít có ánh sáng (khi Thánh Maria Mađalêna vào mồ, thì trời còn quá tối, nên không thấy gì, kể cả tấm soudarion). Badde tin rằng lý thuyết này có lý, “nếu bạn nghiêm chỉnh xem sét Tin Mừng, nghiêm chỉnh xem sét các đồ vật này, nghiêm chỉnh xem sét tới cấu trúc của ngôi mồ, và cả giờ giấc và ánh sáng nữa”.

Một điểm còn chủ yếu hơn nữa là nếu Khuôn Mặt Thánh là quan trọng đến thế trong việc các tông đồ lập tức nhận ra việc phục sinh của Chúa, thì tại sao người ta lại ít thảo luận đến nó suốt trong dòng lịch sử vừa qua? Badde nhấn mạnh đến sự quan trọng của luật trong sạch về tôn giáo đối với người Do Thái, một luật cho rằng các đồ vật trong mồ chôn luôn luôn là dơ bẩn. Nếu người Do Thái biết được công khai rằng một đồ vật như thế được tôn kính , thì các tông đồ chắc chắn đã bị săn đuổi từ lâu và chắc chắn không sống sót để lập ra các cộng đoàn Kitô Giáo tiên khởi. Badde nhớ lại rằng trong các Sách Tin Mừng, khi Chúa Giêsu trở về thăm chỗ các vị hội họp, họ đóng chặt cửa vì sợ bị nhìn dưới hình ảnh này, một hình ảnh “tuyệt đối không thể chịu được” dưới con mắt Do Thái.

Không phải ngôi mồ trống

Về Khuôn Mặt Thánh này, cũng còn một khía cạnh chủ chốt khác, đó là liên hệ của nó với Khăn Liệm Turin. Badde cho rằng “Hai hình ảnh này ăn khớp với nhau như một, như một dấu ấn” nhất là về kích thước của khuôn mặt thì y hệt. Điều này cũng được một nhà khảo cứu người Đức khác thực hiện, đó là Nữ Tu Pascalis Shlömer, một nhà nghiên cứu về ảnh tượng học. Badde cho rằng “Đây là những bản văn (Tin Mừng) đầu tiên, và chúng là những bản văn bổ túc cho nhau. Khăn Liệm nói về Khổ Nạn; khăn này nói về Phục Sinh”.

Chính vì lý do đó, ông không chấp nhận việc đề cập tới ngôi mồ trống, dù là do Đức Thánh Cha nói. Sau khi nghe Đức Thánh Cha nhắc đến ngôi mồ trống cách đó tại Giêrusalem năm trước, Badde đã viết cho ngài để nhấn mạnh rằng Thánh Gioan không bao giờ nói đến ngôi mồ trống vì trong ngôi mồ đó có nhiều đồ vật.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI viếng Khuôn Mặt Thánh tại Manoppello hồi tháng 9 năm 2006 và có tiếng là người ủng hộ mạnh mẽ cho bức hình này và những khám phá về nó. Badde cho rằng: trong triều giáo hoàng của ngài, ngài luôn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, và từng du hành tới chiêm ngắm khuôn mặt đó dù bị một số chống đối mạnh mẽ tại Vatican. Trong cuộc du hành trên, Đức Thánh Cha nói đến tầm quan trọng của việc biến đổi “nhờ ánh sáng chói lọi nơi khuôn mặt của Người”.

Cuộc tông du đó là kết quả trực tiếp từ cuốn sách của Badde, được xuất bản lần đầu năm 2004 bằng tiếng Đức và nay được cập nhật cho ấn bản tiếng Anh đầu tiên. Badde tâm sự: “Lần cuối cùng khi tôi gặp (Đức HY) Joseph Ratzinger trước khi ngài trở thành giáo hoàng, tôi đang mang rác ra ngoài căn hộ của mình, thấy tôi, ngài bảo ngài đã đọc bài viết của tôi hồi tháng Chín năm 2004 và ngài khen ngợi tôi. Chúng tôi vốn là hàng xóm (Badde cư ngụ ở Vatican). Sau khi đọc sách của tôi, ngài quyết định đi thăm Manoppello, một trong những chuyến tông du đầu tiên của ngài”. Năm 2010, cả Badde lẫn Đức Bênêđíctô XVI đều được thị trưởng Manoppello trao chìa khóa thành phố. Từ ngày có cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng, thành phố trở thành nổi tiếng, thu hút nhiều khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, không phải ai ai cũng được các khám phá này thuyết phục. Nhiều người coi các lý thuyết của Cha Pfeiffer là truyện tưởng tượng. Nhiều người khác cho rằng bất chấp chủ trương do nguồn thần linh, tấm khăn Khuôn Mặt Thánh thực ra là một hình ảnh nhân tạo theo lối vẽ của cuối thời Trung Cổ hay đầu thời Phục Hưng. Một tác giả còn dám gợi ý rằng hình này là bức tự vẽ chân dung bị thất lạc của họa sĩ Albrecht Dürer. Một ý kiến khác cho hay: bức hình này không mang được nét tương tự quen thuộc như các bản sao Khăn Veronica trong lịch sử, dù trong sách của mình, Badde cố gắng đả phá ý kiến này bằng cách trưng dẫn các bức hình thực hiện trước năm 1608 với cách diễn tả khuôn mặt giống như bức hình tại Manoppello.

Lẽ dĩ nhiên, ông hoàn toàn bênh vực tính chân thực của nó. Ông viết “Tôi hoàn toàn tin chắc. Đối với tôi, nó là lời xác nhận vĩ đại sự thật về Chúa Giêsu và giáo huấn của Giáo Hội”. Ông cũng coi đây là cây cầu nối liền Kitô Giáo Phương Đông và Kitô Giáo Phương Tây (Manoppello nằm gần hải cảng Pescara nhìn qua Hy Lạp) và do đó có tầm quan trọng về đại kết. Ông cũng coi những khám phá nói trên có tính quan phòng đối với thời hiện đại. “Nó thực sự hấp dẫn, nhất là đối với việc Tân Tin Mừng Hóa. Các khách hành hương ngày nay sẽ bắt đầu khám phá ra điều đó”.

Liên hệ với Đức

Một điều lạ lùng nữa quanh bức ảnh này là việc tại sao lại có nhiều người Đức can dự vào việc khám phá và cổ vũ nó? Badde cho là do Chúa Quan Phòng, có lẽ để đền bù vai trò của Đức trong việc tạo ra một xã hội tha hóa và thế tục cao độ ngày nay. Ông bảo: “Chúng tôi từng có Phong Trào Cải Cách vốn mở cửa cho việc bài xích ảnh đạo lần cuối cùng. Chủ nghĩa Mácxít cũng đã phát sinh tại Đức, chính tại Đức, chúng lột sạch các Giáo Hội”.

Một người Đức khác cũng mới đi viếng bức ảnh trong dịp vừa qua. Badde đã đưa bạn của ông đến, đó chính là Peter Seewald, người từng phỏng vấn Đức Giáo Hoàng cho cuốn sách mới của ông tựa là “Ánh Sáng Thế Gian”. Badde cho hay: anh ta rất cảm động. “Anh ta đứng trước bức ảnh, rồi quay lại nói với tôi: ‘Không ai cho tôi hay Người đang cười’. Tôi bảo anh ta Người cười vì anh tới đây”. Sau cuộc gặp gỡ này, Peter Seewald đề tặng ấn bản tiếng Ý đầu tiên cuốn sách của ông cho các Tu Sĩ Cappuchin tại Manoppello, gọi Khuôn Mặt Thiên Chúa là “Ánh Sáng Thế Gian”.

Badde biết rõ có những người coi bức ảnh này vô vị, gần như khôi hài, không có nghệ thuật cao, điều người ta mong chờ nếu quả được bàn tay Thiên Chúa thực hiện. Badde cho hay ông không bác bỏ thẳng thừng điều những người hoài nghi phát biểu, nhưng làm nổi bật nhiều phản ứng khác nhau từ những người từng thấy bức ảnh. Ông nói: “Có người được nó gây ấn tượng tức khắc, nhiều người cần đến cả một diễn trình. Tôi thấy nhiều người chẩy nước mắt ở đấy, nhiều người khác cười, nhiều người dùng iPhone chụp hình nó, mọi phản ứng đều khác nhau”.

Trong khi đó, việc làm thế nào bức ảnh này xuất hiện trên một thứ vải quá mịn như thế vẫn còn làm điên đầu nhiều nhà khoa học. Ít năm trước đây, trên truyền hình Đức, Badde đề nghị tặng 2 triệu đồng Euro cho bất cứ ai tạo được một bản sao bức ảnh ấy. Ông cho hay “Cho đến nay, chưa có ai xung phong”. Theo ông không thể nào viết vẽ trên bất cứ vật liệu nào để tái tạo được nét sống động của bức ảnh.

Theo Edward Pentin, cộng tác viên Zenit.