JERUSALEM - Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas đã chấp nhận đơn từ chức của nhà thương thuyết hàng đầu Saeb Erekat, các quan chức Palestine cho hay

Bộ trưởng Văn hoá Ziad Abu Amr nói quyết định này được đưa ra tại buổi họp nội các, chỉ vài giờ trước các cuộc đàm quan trọng giữa Thủ tướng Israel và Thủ tướng Palestine.

Ông Erekat, nhà đàm phán hàng đầu với phía Israel trong 10 năm qua, và là một người trung thành với ông Arafat, được biết đã đệ đơn từ chức sau khi không được tham gia vào đoàn đàm phán của Palestine.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Ariel Sharon và ông Mahmoud Abbas, hay còn được gọi là Abu Mazen, kể từ khi Thủ tướng mới của Palestine theo xu hướng cải cách nhậm chức vào tháng trước.

Họ sẽ thảo luận về kế hoạch hoà bình mới, được gọi là Lộ trình hoà bình, trong các cuộc hội đàm trực tiếp sẽ được diễn ra sau khi đã có một thời gian dài chuẩn bị kế hoạch và nhiều lần bị trì hoãn.

Nhưng cả hai phía vẫn còn nhiều nghi ngờ. Phía Israel muốn ông Abu Mazen phải hành động chống lại những nhóm binh lính Palestine mà họ nói vẫn tiếp tục tấn công người Israel.

Ông Abbas phải lo thuyết phục cả những người theo mình và phía Israel

Ông Dore Gold, một cố vấn cho ông Sharon, nói: "Thật không may là sự hiện diện của ông Yasser Arafat vẫn ảnh hưởng lên cuộc họp này. Vấn đề là ở chỗ chúng ta phải nhìn nhận những bước đi đầu tiên cần phải thực hiện".

"Và không có các bước đầu tiên nào được đưa ra, nên tôi hình dung cả Thủ tướng Sharon lẫn ông Abu Mazen sẽ đề ra những yêu cầu của mỗi bên, những đòi hỏi của họ đối với bên kia".

"Nhưng một lần nữa, chừng nào ông Arafat còn ảnh hưởng tới quá trình này và đưa ra những chỉ dẫn cho các vụ tấn công đang diễn ra thì chừng đó, sẽ rất khó cho ông Abu Mazen để hành động, cho dù phía Israel có linh động thế nào đi chăng nữa".

Chia rẽ mới

Ông Abu Mazen hiện đang phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc trong nội các, giữa những người trung thành với ông Arafat và những người theo đường lối cải cách của ông.

Việc từ chức của ông Erekat là để phản đối do không được tham gia vào phái đoàn sẽ gặp Thủ tướng Ariel Sharon, theo như Bộ trưởng đối ngoại Nabil Shaath.

Không kể đến cuộc đấu tranh quyền lực trong nội các Palestine hiện nay, ông Abu Mazen cũng không làm được gì nhiều nhằm chấm dứt vòng xoáy bạo lực, cho tới khi nào Israel bỏ đi sự thờ ơ và chính thức chấp nhận Lộ trình hoà bình.

"Israel hiếu chiến"

Ông Michael Tarazi, cố vấn pháp lý cho các nhà thương thuyết Palestine, nói: "Kể từ khi Lộ trình được đưa ra, chính Israel là phía đã giết chết hơn 40 dân thường Palestine, chứ không phải điều ngược lại".

"Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề phải giải quyết ngay bây giờ. Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là Israel phải công khai chấp nhận Lộ trình".

Ông Tarazi nói nếu Israel chấp nhận Lộ trình, phía Palestine đã chuẩn bị để có các biện pháp thực hiện.

"Nhưng nếu Israel không chấp nhận lộ trình, chúng tôi sẽ đơn giản trông như những người thầu phụ về an ninh cho việc chiếm đóng của Israel và chúng tôi không thể chấp nhận bị nhìn nhận theo cách đó".

Do đó, tiến trình hoà bình Trung Đông hiện vẫn đang tỏ ra bế tắc, ít nhất là trong lúc này. (bbc)