JERUSALEM - Trong cuộc gặp ngày hôm qua với thủ tướng của Israel và Palestine, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell đề cập đến một cơ hội lịch sử để giải quyết cuộc xung đột.

Những kế hoạch hòa bình khác đều đã thất bại trong quá khứ, vì thế kế hoạch mới có tên Lộ Trình Hoà Bình cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

Kế hoạch hòa bình này đề cập sự thiết lập nhà nước Palestine trong vòng ba năm, nhưng hiện có rất nhiều trở ngại lớn cần vượt qua.

Đáng kể là phải kết thúc bạo động làm thiệt mạng hàng trăm người Palestine và Israel, và phải thuyết phục phía Israel giải tỏa những khu định cư Do Thái ở các lãnh thổ chiếm đóng.

Bất chấp những khó khăn, ông Powell nói ông tin rằng lộ trình hòa bình sẽ thành công:

"Thủ Tướng Sharon và tôi đã nói chuyện về những hành động cụ thể mà Israel có thể tiến hành ngay để cải thiện tình hình ở Bờ Tây và Dải Gaza, giúp xây dựng một môi trường cho việc gìn giữ hòa bình."

"Như thường lệ, các cuộc thảo luận giữa chúng tôi diễn ra thẳng thắn, tích cực và có hiệu quả. Tôi vui mừng rằng Thủ Tướng đã xác nhận ý định của Israel muốn có các bước tích cực trong những ngày sắp tới."

Nhưng ông Sharon nói rõ là tiến trình dẫn tới hòa bình phụ thuộc vào điều mà ông gọi là sự truy quét “thật sự” vào các phần tử cực đoan Palestine, các tổ chức khủng bố như Hamas, mặt trận dân chủ và các tổ chức khác liên quan khủng bố và dùng các biện pháp khủng bố.

Ông nói thời điểm hứa hẹn và tuyên bố đã qua đi; giờ đây, phía Israel mong đợi các hành động thật sự.

Vài giờ trước khi ông Powell gặp Thủ Tướng Sharon, Israel thông báo sẽ mở cửa trở lại những đường ranh giới với Bờ Tây và Dải Gaza.

Những con đường này bị đóng cửa tạm thời đối với người lao động Palestine trong suốt dịp lễ kết thúc cách đây bốn ngày.

Nhưng đối với vấn đề then chốt là bạo động, Israel tin rằng việc đi bước đầu tiên hoàn toàn tùy thuộc vào người Palestine. Đây có thể là một thử thách to lớn đối với tiến trình hòa bình.

Tiến sĩ Gada Karmi, một học giả người Palestine tại Viện Nghiên Cứu Hồi Giáo thuộc Đại Học Exeter của Anh bình luận rằng đó là lý do khiến người ta nói lộ trình hòa bình có nhược điểm và không thể thành công:

"Cho tới nay, những điều khoản này đều không thực hiện được vì một lý do rất đơn giản. Đó là người Palestine tiến hành các hoạt động bạo lực bởi vì lãnh thổ của họ bị Israel chiếm đóng, và họ sẽ tiếp tục bạo động cho tới khi họ không còn bị chiếm đóng."

"Vì thế, việc mà lại gần họ, nói họ hãy buông tay đầu hàng, họ sẽ nhận được những sự ưu ái, hay nói cách khác là dùng những lời hứa hẹn để buộc người ta phải hành động, thì sẽ không bao giờ thành công.”

Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm qua Hoa Kỳ nỗ lực hết sức trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Các phóng viên cho rằng Hoa Kỳ đang tập trung vào việc xây dựng niềm tin từng bước vào tiến trình hòa bình mới, chứ không vội vã và hấp tấp như trước đây.

Ông Powell hy vọng sẽ đạt một thứ gì đó từ các buổi đối thoại. Thế nhưng với những thất bại trong quá khứ, sự nghi ngờ trong khu vực lấn át sự lạc quan về kế hoạch hòa bình.

Người Palestine sẽ muốn Israel có hành động xung quanh vấn đề các khu định cư Do Thái. Đây là vấn đề có thể gây nhiều khó khăn.

Ngay cả khi các cuộc gặp của ông Powell đang diễn ra, bạo động vẫn tiếp diễn. Một người Palestine và một người Israel đã thiệt mạng trong hai vụ việc khác nhau.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng là thành công của kế hoạch hòa bình này sẽ tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực chính trị của các phía, gồm cả phía Hoa Kỳ.(bbc)