BUENOS AIRES -Ðây là lần đầu tiên mà người ta phải tổ chức hai vòng bầu cử tổng thống.

Ông Menem đã giành 23.9% số phiếu, ông Krichner 21.8% trong tổng số 80% phiếu đã đếm.

Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật là lần đầu tiên mà 25.5 triệu cử tri Argentina được tham gia bỏ phiếu kể từ khi nền kinh tế Argentina suy sụp vào năm 2001. Vì đi bầu cử là bắt buộc cho nên các điểm bầu cử đều rất đông người.

Ông Menem đã biểu lộ tính lạc quan đặc trưng của mình khi nhận được kết quả.

'Vòng thứ hai chỉ là hình thức mà thôi. Chúng tôi sẽ chiến thắng,' ông nói với các nhà báo. Vợ ông, cựu hoa hậu Cecilia Bolocco luôn ở bên cạnh ông.

Ông Krichner, nhân vật được coi là điềm tĩnh hơn ông Menem rất nhiều, thì tập trung vào sự lựa chọn mà theo ông cử tri sẽ phải đưa ra trong vòng bầu cử thứ hai tổ chức ngày 18/05/2003.

'Người ta cần thấy rõ rằng có hai hệ thống kinh tế ở đây: một hệ thống đã từng đưa Argentina vào chỗ nợ nần còn hệ thống thứ hai sẽ khôi phục lại sự tự chủ của đất nước,' ông nói.

Tuy nhiên, các phóng viên cho rằng vòng bầu cử thứ hai sẽ tập trung vào bản thân con người hai ông hơn là chế độ chính trị mà hai ông đề xuất.

Phóng viên BBC Peter Greste tại Buenos Aires nói rằng thực chất vòng này sẽ là một cuộc trưng cầu ý kiến liệu ông Menem có nên điều khiển đất nước nhiệm kỳ thứ ba sau khi đã từng lãnh đạo Argentina trong thập niên 1990 hay không.

Ông Menem là một nhân vật gây mâu thuẫn. Theo các phóng viên thì gần 60% người Argentina nói họ sẽ không bầu cho ông ra dù bất kỳ tình huống nào.

Hơn một nửa dân số Argentina hiện sống dưới mức nghèo khổ và một phần năm số công nhân trong tình trạng thất nghiệp.

Tự tin

Sau khi trở thành người đầu tiên có đủ số phiếu vào vòng hai, ông Menem tuyên bố ông sẽ thắng ngay từ vòng đầu, điều mà các phóng viên nói là tính tự tin đặc trưng của nhà lãnh đạo này.

Ông Krichner, người được tổng thống đương nhiệm Eduardo Duhalde ưa chuộng, thì lại hết sức 'đơn điệu', theo lời phóng viên của chúng tôi, mặc dù ông trẻ hơn ông Menem 20 tuổi. Năm nay ông Krichner mới 53 tuổi, còn ông Menem thì đã 72 tuổi rồi.

Vị tổng thống mới sẽ nối tiếp ông Duhalde để lãnh đạo đất nước trong một nhiệm kỳ 4 năm. Ông Duhalde được bầu làm tổng thống lâm thời sau khi các cuộc biểu tình trong nước đã khiến tổng cộng 4 vị tổng thống đề rồi đi trong vòng hai tuần lễ vào năm ngoái.

Nhiều người Argentina cho rằng chính vì ông Menem và các nhân vật chính trị khác mà nền kinh tế đất nước xuống dốc như vậy.

Ông Menem đã hứa sẽ trả món nợ nước ngoài khổng lồ dù bất cứ giá nào và sẽ chấp nhận chương trình cứu vãn kinh tế của IMF.

Những lời hứa trên đã làm cho ông khá được lòng giới kinh doanh.

Thế nhưng chính sách kinh tế không phải là điểm chính trong các chiến dịch tranh cử, ngay cả khi cuộc khủng hoảng kinh tế chính là lý do tại sao người ta tổ chức bầu cử tổng thống.

Tính cách gây tranh cãi

Người ta tranh luận với nhau chủ yếu về việc ai có tính cách mạnh hơn, và ai có đủ quyền lực chính trị để dẫn dắt Argentina ra khỏi cơn khó khăn.

Tuy nhiều người chẳng ưa gì ông Carlos Menem thế nhưng người ta cũng tin rằng ông là người rất mạnh mẽ và quyết đoán.

Ông Menem đã dẫn đầu trong các kỳ trưng cầu dân ý trước ngày bầu cử thế nhưng cũng có nhiều người không thích ông hơn là các ứng cử viên khác.

Thế cho nên nhiều người dự đoán rằng ông Menem có thể sẽ thất bại với số phiếu chênh lệch đáng kể trong vòng hai, khi mà những người không ưa ông liên hiệp lại với nhau.

Ông Menem thì tuyên bố dù lẽ nào ông cũng sẽ thắng. Chiến dịch tranh cử của ông tập trung quanh thời gian ông làm tổng thống những năm 1990 và không nhắc gì tới các thất bại về kinh tế cũng như nạn tham nhũng tràn lan khi ông còn đương nhiệm.(bbc)