BẮC KINH - Hôm nay một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh là nạn nhân đầu tiên của một chính sách nghiêm khắc mới của chính phủ Trung Quốc về cách ly để chống bệnh.

Bước đi này diễn ra một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thêm Bắc Kinh và tỉnh Sơn Tây vào danh sách những vùng mà du khách không nên lui tới trừ khi tối cần thiết vì sợ lây nhiễm bệnh SARS,.

Trong khi đó, một chuyên viên của WHO cho biết ông nghĩ là số trường hợp bệnh SARS ở thành phố Thượng Hải cao hơn nhiều.

Bắc Kinh

Thống kê tử vong đến ngày 24/04

Trung Quốc: 110 Hong Kong: 109 Singapore: 19 Canada: 16 Việt Nam: 5 Thái Lan: 2 Maylaysia: 2 Philippines: 1

Một bác sĩ thuộc Bệnh viện Nhân dân của trường đại học Bắc Kinh cho phóng viên Holly Williams của đài BBC biết là toàn thể nhân viên và bệnh nhân không được cho phép rời khỏi khuôn viên của bệnh viện vì đã họ đã thông báo có nhiều trường hợp mắc bệnh SARS.

Bên ngoài bệnh viện, cảng sát lập vòng vây và ra lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trong khi đó thì các viên chức y tế nhà nước nói là nhân viên và bệnh nhân đã được đưa đi một nơi khác để theo dõi.

Lo ngại trước sự lan tràn của bệnh, chính phủ Trung Quốc nay đã ra lệnh cưỡng bách cách ly dân chúng, cơ sở, hay nếu cần nguyên một làng bị nghi là có quá nhiều trường hợp nhiễm bệnh.

Toàn thể các trường tiểu học và cao trung cũng đã bị đóng cửa vối 1,7 triệu học sinh bị buộc phải ở nhà, nhưng ở phi trường quốc tế Bắc Kinh, nhiều du khách và những ngoại kiều làm việc ở thủ đô đang tìm cách rời khỏi Trung quốc.

Thượng Hải

Trong khi đó từ nhiều tuần nay dân chúng ở Thượng Hải đã tỏ vẻ nghi ngờ trước sự việc là làm sao thành phố lớn nhất nước lại có thể chỉ có hai trường hợp bị nhiễm bệnh trong khi con số ở các nơi khác leo thang.

Từ Thượng Hải, phóng viên Francis Markus của đài BBC cho biết nay thì có vẻ đã có câu trả lời cho điều bí hiểm đó.

Một thành viên trong số chuyên viên của WHO đang nghiên cứu về bệnh SARS ở Thượng Hải, bác sĩ Wolfgang Preiser cho biết theo ông thì thành phố phải có nhiều chục trường hợp nhiễm bệnh.

Vấn đề theo bác sĩ Preiser là vì các cơ quan y tế của thành phố đã định nghĩa bệnh SARS một cách quá giới hạn.

Thượng Hải định nghĩa là muốn bị xác nhận là mang bệnh, bệnh nhân phải đã gần gũi với người nhiễm bệnh SARS, hoặc đến từ vùng có bệnh. Nhưng nay khi bệnh đang lan nhanh thì định nghĩa này cần phải nới rộng nếu không hủy bỏ luôn.

Nhiều chuyên viên nay đang nói đến một giải pháp là tuyên bố toàn Trung quốc là vùng nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, bác sĩ Preiser công nhận tình hình ở Thượng Hải không nghiêm trọng như ở Bắc Kinh bởi nhà chức trách Thượng Hải đã có hành động nhanh chóng để theo dõi và ngăn ngừa.

Toronto

Trong khi đó cuộc tranh cãi giữa tổ chức WHO và chính phủ Canada tiếp tục. Khuyến cáo mới nhất của WHO làm Canada, nhất là thành phố Toronto nổi giận. Chính phủ Canada nói khuyến cáo này là quá mức trước tình hình tại Toronto.

Phóng viên khoa học đài BBC, Richard Black giải thích vấn đề là vì chính phủ Canada và WHO có hai lập trường khác nhau về vấn đề cách ly.

Ở Canada chỉ mới có 16 trường hợp tử vong và trên 300 người nhiễm bệnh nhưng ảnh hưởng kinh tế đã thấy rõ: các hội nghị bị hủy, các chuyến bay ít người vì du khách sợ không dám tới.

WHO có một lập trường là nhìn tình hình về lâu dài và toàn cầu. Một khi có một căn bệnh mới xuất hiện thì có hai đường bệnh có thể phát triển. Một là được chặn đứng từ gốc rễ bằng cách cách ly và ngăn ngừa lây lan, nếu không nó có thể trở thành thường xảy ra như trường hợp của HIV/AIDS.

Việc này về lâu về dài sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người và tiềm năng đáng ngại đến nền kinh tế, bởi dân chúng bệnh hoạn và quốc gia phải thêm tiền chi vào dịch vụ y tế trong khi các công ty phải bỏ nhiều tiền và nghiên cứu thuốc chữa trị.

Ông Richard Black giải thích, WHO tin là hành động kịp thời có thể ngăn chặn SARS trở thành một bệnh thường xảy ra trên toàn cầu và do đó ảnh hưởng ngắn hạn đối với một thành phố như Toronto là một cái giá đáng trả.(bbc)