Xin đừng làm mất tuổi thơ của con trẻ

Chúng ta có thể thấy những bức hình của các trẻ em di cư bị bắt buộc phải giúp đỡ cha mẹ để kiếm tiền ngay từ khi mới tám chín tuổi. Các em gái thì khâu nút, lớn hơn chút thì có thể máy những đường chỉ cho gấu áo hay gấu quần. Em trai thì cuốc đất làm vườn, trồng tưới, vun sới và hái rau trái cho mẹ đem bán ngoài chợ. Nhìn con mắt của các em bé này chúng ta thấy chúng nói cho chúng ta biết rất nhiều về những đứa trẻ bị bắt buộc phải lớn lên quá sớm, và về việc "đánh mất tuổi thơ của chúng". Vì phải nuôi sống gia đình, cha mẹ các em đã vi phạm luật lệ không cho khai thác sức lao động của con trẻ. Ở tiểu bang Virginia, trẻ em phải đi học cho đến năm 17 tuổi. Các em 14 tuổi trở lên muốn đi làm trong khi đi học thì phải có giấy phép của nhà trường.

Nhưng đây là là một hình ảnh trái ngược: Bé Mai vừa ở trường về. Hôm nay là ngày Thứ Hai, em phải vội vã làm và học bài rồi đi học vũ ballet. Sau ballet là các lớp học nhảy jazz hay tap, vì bây giờ em đã lên lớp năm và em đã vũ được nhiều năm nên phải thêm các bài học mới này trong chương trình. Thứ Ba là ngày em phải học piano, đây là một môn học mà em đã bắt đầu tư lớp một. Thứ Tư là ngày dành cho Hội Nữ Hướng Đạo. Thứ Năm là ngay đi bơi. Thứ Sáu là ngày tập dượt cho một vở kịch cho sân khấu của trẻ em. Thứ Bảy thì có sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể và lớp Giáo Lý ở nhà thờ vào buổi chiều. Chủ Nhật em phải đi lễ với cha mẹ. Bé Mai sanh ra trong một gia đình đầy yêu thương. Cha mẹ em làm việc khá vất vả để có thể cung cấp cho em những lớp học và giải trí xa xỉ này. Những tại sao hình ảnh này lại có cái gì không ổn?

Điều không ổn là: Cho nhiều quá hóa ra là cho quá ít, quá nhiều hoạt động mà có quá ít thì giờ. Các cha mẹ thời nay cũng giống như cha mẹ của Bé Mai, đã làm một lỗi lầm vì tình yêu. Chúng ta hoạch định một thời khóa biểu thật bận rộn cho con em, mà đã lấy đi món quà quí báu về thời giờ - thời giờ mà chúng có thể thật sự coi là của riêng của chúng. Chúng ta đã tạo dựng nên một nhóm người lớn "tí hon" với những thời khóa biểu nặng nề và bận rộn y như thời khóa biểu của chúng ta.

Những đứa trẻ của các gia đình di cư đã bắt buộc phải theo truyền thống của cha mẹ chúng, là làm lụng đầu tắt mặt tối để kiếm miếng ăn. Chúng ta đã không thấy là những đứa trẻ quá bận rộn và phải sống cuộc đời gò bó của người nhớn đã thiếu thốn mất bao nhiêu. Chúng thiếu những gì là hồn nhiên, ngây thơ và vô tội.

Các bài học thực ra không có gì là tai hại. Các hoạt động có tổ chức sẽ đem đến cho trẻ em nhiều khả năng mới. Các hoạt động cũng là cách để cho đứa trẻ có dịp sinh hoạt với các trẻ em khác trong một hoàn cảnh có quy củ. Trong mọi trường hợp, trẻ em có một nhà chuyên môn để hướng dẫn nó quá các giai đoạn học hỏi để đạt được sự thông thạo trong công tác chúng phải học. Những chính đó mới là vấn đề. Trong mỗi hoạt động chúng ta có mẫu mực của một mục tiêu đã tiền định: một bài đàn piano phải trình tấu, một bài vũ phải thông thạo, một trận túc cầu phải thắng.

Chúng ta thử nhớ lại con cái chúng ta khi chúng còn là các em bé sơ sinh. Có ai trong chúng ta có thể mơ đến một đời sống hoàn toàn thoải mái như vậy? Ăn rồi ngủ, ngủ rồi lại ăn. Những hãy thử xem kỹ coi, các em bé này có thể để ra hàng giờ để ngắm nhìn cái nắm tay, rờ cái bàn chân, hay khám phá ra cái mũi của chúng. Và rồi, những tiếng “u ơ” phát ra từ miệng chúng, rồi những tiếng nói "ba ba", "má má" đầu tiên. Rồi tập lát, tập ngồi và tập đứng.

Trong những năm đầu của đời sống, con cái chúng ta - mặc dầu không có bài học, không có thầy dạy, không có chương trình nào ngoài thời khóa biểu của chính chúng - đã tự học đi và học nói một thứ tiếng mới. Điều này không dở chút nào, vì chúng cũng có những mục tiêu, chúng cũng hoàn tất từng giai đoạn trên đường đạt đến mục tiêu, bị thúc đẩy bởi bản tính của con trẻ. Chúng ta cần gợi lại những hình ảnh này và nhớ đặt niềm tin nơi con cái chúng ta. Chúng ta nên khuyến khích con em "bỏ phí" một chút thời giờ để xem cúng có thể làm được cái gì.

Khi chúng ta cho con cái món quà của sự tự do sử dụng thời giờ của chúng, chúng ta đã ban cho chúng cùng với thời giờ tự do, cái dịp để sáng tạo và theo đuổi những mục tiêu của chúng. Bản tính tự nhiên của trẻ em là sáng tạo. Ai nghi ngờ nhu cầu sáng tạo này của các em hãy thử đi một vòng quanh một căn nhà một buổi chiều sau khi một đứa trẻ đã chơi đùa bận rộn. Thế giới kỳ diệu của một kiến trúc sư được cất lên bằng những miếng gỗ hay nhựa và những hình người Leggo. Các gia đình búp bê đang sinh hoạt bận rộn trong cuộc sống hàng ngày. Rải rác còn có thể có những mảnh giấy vụn được viết đầy chữ và vẽ đầy hình. Một trò chơi của trẻ con là một địa điểm tuyệt đẹp cho cha mẹ suy ngẫm. Đứa trẻ này sau này lớn lên sẽ trở thành một nhân vật nào? Con cái chúng ta có nhiều điều phải chỉ cho chúng ta thấy, và nói cho chúng ta biết về chúng. Khi con cái có vẻ thích một môn thể thao hay một nhạc cụ, nếu chúng ta có thể cho chúng những bài học về các ngành đó, thì chúng ta nên vui vẻ mà làm như vậy. Nếu chúng ta thấy nơi con cái chúng ta có một sự khác biệt với anh chị em của nó và không thích học hỏi về một ngành nào, chúng ta có cái hân hạnh là có thể khuyến khích con cái chúng ta chú ý đến một hoạt động khiến cho hoạt động ấy trở nên thực sự là của nó. Chúng ta cần phải tin cậy nơi con cái chúng ta, để tin rằng, nếu bỏ mặc chúng một mình, chúng có thể tự cung cấp những câu trả lời tốt đẹp cho các nhu cầu của chúng.

Khi chúng ta giới hạn bớt các hoạt động được hoạch định, con cái chúng ta sẽ sử dụng thời giờ nhàn rỗi để đạt được những thành quả cao hơn, để trở nên tự tin hơn, và hài lòng hơn về bản thân của chúng và thế giới chung quanh. Vì thời giờ im lặng không có chương trình khiến cho trí óc được thảnh thơi và cởi mở. Chúng ta có thể không biết rõ khi nào thì đời sống tâm linh khởi sự, những lời khuyên dạy trong Thánh Kinh "Hãy im lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa" sẽ có vẻ đúng sự thật bây giờ và cũng như đã đúng trong lịch sử. Con cái chúng ta cần có thì giờ để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng, để nhắc nhở chúng về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng, và để nhắc nhở chúng rằng chúng thật sự rất đáng yêu.

Chính những nhu cầu của chúng ta về vấn đề này cũng cần được xem xét lại. Chúng ta cũng cần tự ban cho chúng ta những thời giờ nhàn rỗi để không phải làm gì cả, thời giờ để làm quen với chúng ta. Con cái chúng ta quan sát chúng ta và bắt chước chúng ta. Dù muốn hay không, dù hay hay dở, chúng ta cũng đang dạy dỗ chúng mỗi ngày.

Các bậc cha mẹ đạt được các thành quả tốt đẹp trong đời, đã bỏ ra cả cuộc đời để phát triển nghề nghiệp của họ. Họ cũng muốn cho con cái của họ cũng thành công như vậy; để thực hiện việc này, họ đã ban cho con họ những kinh nghiệm của tuổi thơ tốt đẹp nhất và tiếp theo với những trường học, những thầy dạy kèm, và những bài học. Họ là những người có đời sống vội vàng, là những người "sống vội".

Các nhà tâm lý học phỏng vấn cha mẹ, thầy cô và những bác sĩ phân tâm học đã từng làm việc với các trẻ em, con cái của những người có thành quả cao. Họ khám phá ra rằng các trẻ em này, mặc dầu ngoài mặt đang sống một đời sống rất đầy đủ và bổ ích, lại đang phải phấn đấu với cái cảm tưởng là chúng còn kém cỏi, thiếu sư tự trọng, tự tin và chưa xứng đáng với sự mong ước của cha mẹ chúng.

Những bậc cha mẹ được phỏng vấn không phải là những người đã thành đạt một cách tuyệt đối, là những người ích kỷ chỉ muốn thúc đẩy con cái phải thành công để gia tăng thêm sự thỏa mãn của cá nhân họ. Họ là những bậc cha mẹ bình thường chỉ muốn cho con cái có được một đời sống phong phú.

Đa số chúng ta có những cuộc sống bình thường. Chúng ta thấy thích thú về những gì chúng ta làm, và chúng ta làm việc chăm chỉ để có được những phần thưởng về việc làm của chúng ta. Nhưng ở trong một môi trường văn hóa lưu động liên tục, nơi mà nhiều người trong chúng ta không thích đời sống của một đại gia đình như thế hệ cha ông chúng ta, chúng ta có rất ít các mẫu mực để bắt chước về việc làm cha mẹ. Thay vào đó, chúng ta lại nhìn vào những người xung quanh, mà đa số những người sống ở vùng ngoại ô các đô thị đều trạc tuổi chúng ta. Và tất cả chúng ta thuộc một lứa tuổi nào đó đã trở nên quen thuộc với việc hoạch định cho chúng ta những ngày thật bận rộn.

Chúng ta mỗi ngày đều có chức nghiệp phải lo; và buổi tối thì có những hoạt động liên hệ đến công việc làm, những hoạt động cộng đồng, nhưng nỗ lực về thể thao, và những công tác cho trường học hay nhà thờ. Nhu cầu kinh tế đòi hỏi rất nhiều thời giờ làm việc, và nhiều khi vì tự trọng chúng ta phải hoạch định một thời khóa biểu sau giờ làm việc thật bận rộn, vì nếu chúng ta nhìn quanh, chúng ta luôn luôn có thể tìm thấy một người đang làm nhiều hơn chúng ta.

Những đường lối sống này sẽ nói gì với con cái chúng ta khi chúng nhìn gương chúng ta? Chúng ta có giống như những bậc cha mẹ "sống vội", chúng ta làm cho ngày giờ của chúng ta bận rộn đến nỗi chúng ta nói với chúng rằng những thời giờ dùng cho một hoạt động "không được ấn định rõ ràng" là thời giờ phung phí vô ích? Hay là để cho có kết quả chúng ta phải dồn ép tất cả những giờ phút thức tỉnh vào những hoạt động phải có một phần khởi sự, một phần giữa và một phần cuối? Dù cho chúng ta có phải hoạch định chương trình, hay tự ban cho chúng ta một ít thời giờ "xã hội”, thời giờ để canh tân lại tâm hồn. Hay bắt đầu làm gương tốt hơn cho con cái chúng ta.

Hãy khuyến khích con cái chúng ta trở nên những đứa trẻ tốt hơn, vì con trẻ là bồng bột, là sáng tạo, và cởi mở đối với các kế hoạch của Thiên Chúa. Khi chúng ta khuyến khích con cái bỏ phí thời giờ, hay đảm bảo rằng thời gian đó là thời gian tốt. Hay tháo sợi giây cắm điện của máy Vô Tuyến Truyền Hình và máy Nintendo ra. Hãy làm ngơ khi phải nghe câu nói: "Chúng con làm gì bây giờ? Chúng con buồn chán quá." Buồn chán chỉ là bước đầu. Hãy tin cẩn con cái chúng ta về khả năng tìm giải đáp cho sự buồn chán ấy. Hãy hạ thấp những tiêu chuẩn của chúng ta. Khả năng sáng tạo, sự hồn nhiên và sự tăng trưởng có thể đôi khi rất bừa bộn!

Tôi nhớ lại tuổi thơ của tôi vào thập niên 30 và 40. Dù phải học chữ ngay từ lúc mới 4 tuổi và mới 5 tuổi đã phải học Lớp 1, tôi vẫn được thả lỏng cho leo trèo trên mái nhà, leo cây, leo tường, tự phong cho mình danh hiệu Hùng Sơn và tưởng tượng mình là “Tiêu Sơn Tráng Sĩ Trừ Gian Diệt Bạo”. Tôi cũng thích bắn chim bằng súng cao xu, chọi dế, bắt bọ ngựa kéo xe làm bằng hộp đựng diêm quẹt. Đồ chơi tối tân như con trẻ ngày nay có đầy nhà, tôi phải tự chế ra đồ chơi, như làm pháo chìa khoá với tua làm bằng sợi len, diêm sinh, than và miếng giấy xé từ hộp quẹt. Pháo này được ném tung lên trời rồi rớt xuống nổ ròn. Tôi cũng chế các lựu đan bằng bóng đèn đã hư cùng với vôi bột và si, hay dùng diêm sinh chộn chung với những viên đá và gói kín để ném từ trên mái nhà xuống đường cho nổ. Tôi cũng làm các súng bắn vỏ dưa hấu bằng lông ngỗng, và súng bắn trái soan bằng ống tre. Rồi tháng 12, 1946, với chiến dịch “làng không nhà trống”, nhà chúng tôi bị đốt và gia đình phải xuống ghe chạy loạn từ thành phố Nam Định về Trà Bắc, Hành Thiện, Phú Nhai, và sau đó sang Trình Phố Thái Bình. Tôi vẫn được theo học Trường Trung Học Nguyễn Khuyến Trà Bắc và sau đó Trường Trình Phố, nhưng những năm tháng ở miền quê tôi hết sức sung sướng vì được gần gũi với thiên nhiên. Tôi câu cá, vợt tôm, đào hố khi trời mưa để bắt cá rô, bắt cua, bắt lươn trên bờ ruộng, cưỡi trâu, thổi sáo, thả diều, học bơi nhất là bơi lội dưới song, ao và hồ. Những ngày tát ao là những ngày vui nhất. Tôi mê ăn cá mè bọc bùn và nướng rơm bằng vung đất. Tôi biết lặn xuống và bắt tôm làm tổ trong các hộc của các khúc cây bị ngâm nước bên bờ sông Thái Bình. Tôi thích chạy đua với bóng mây trên đường làng, và ngắm gió đùa trên những lớp đòng đòng chín vàng trên ruộng lúa gần mùa gặt như những đợt sóng. Chỉ tiếc là những lúc được an bình vui hưởng tuổi thơ ngây quá ngắn. Chiến tranh buộc gia đình tôi phải chạy từ nơi này sang nơi khác trong suốt 4 năm trời. Giờ đây nhớ lại tôi thấy tôi thật may mắn hơn những đứa con và cháu tôi lớn lên nơi thành thị không có được những thú vui với thiên nhiên hay với những trò chơi tự chế.

Để kết luận chúng ta hãy hình dung hình ảnh này: một đứa trẻ nằm trên bãi cỏ sau nhà. Nó nhìn ngắm những đám mây, nhìn mây bay ngang đâu. Nó đang mơ mộng. Nó đang tăng trưởng. Nó đang bận rộn. Hãy cho con em chúng ta những giờ phút gần với thiên nhiên và để cho trí sáng tạo và tưởng tượng của chúng bay bổng và phát triển.