Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ Bẩy mùng 1 tháng Sáu là thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ Sumuleu-Ciuc vào lúc 11g30.

Sau khi nghỉ ngơi, ban chiều, Ðức Thánh Cha đã dùng trực thăng bay đến thành phố Iasi và viếng thăm Nhà thờ chính tòa Ðức Maria Nữ Vương của giáo phận địa phương vào lúc 17g25.

Giáo phận Iasi đã được Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 thành lập vào ngày 27 Tháng Sáu năm 1884. Hiện nay, giáo phận được Đức Cha Petru Gherghel, 79 tuổi coi sóc.

Iasi được xem là vùng có đông người Công Giáo nhất tại Rumani. Thật vậy, trong tổng số 4,359,000 dân, có 226,600 người Công Giáo chiếm 5.2%, là tỷ lệ cao nhất tại quốc gia này. Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 149 giáo xứ, dưới sự chăm sóc mục vụ của 393 linh mục, trong đó có 297 linh mục triều và 96 linh mục dòng. Bên cạnh đó, còn có 419 nữ tu và 222 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Sau khi viếng thăm nhà thờ chính tòa, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với giới trẻ và các gia đình tại quảng trường trước Tòa Nhà Văn hóa của thành phố Iasi.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, bună seara!

Hiện diện nơi đây với anh chị em, tôi cảm thấy sự ấm áp như ở nhà và cảm thấy là một phần của một gia đình, được bao quanh bởi cả những người trẻ và người già. Với sự hiện diện đông đảo của anh chị em và khi nhìn anh chị em, thật dễ dàng để cảm thấy như ở nhà. Đức Giáo Hoàng cảm thấy như ở nhà với anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã chào đón nồng nhiệt và những chứng tá của anh chị em. Đức Cha Petru, một người cha nhân lành kiên cường, bao gồm tất cả các anh chị em trong lời phần giới thiệu của ngài. Và Eduard đã xác nhận điều này khi anh nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ này không chỉ đơn giản là dành cho thanh niên hoặc người lớn, nhưng anh chị em “muốn cha mẹ và ông bà của chúng ta cũng ở với chúng ta đêm nay”.

Hôm nay là ngày Thiếu Nhi ở Rumani - chúng ta hãy chào đón các em bằng một tràng pháo tay! Điều đầu tiên tôi muốn chúng ta làm là cầu nguyện cho các em, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở các em dưới lớp áo của Mẹ. Chúa Giêsu đã đặt các trẻ nhỏ ở giữa các Tông đồ của Ngài; chúng ta cũng muốn đặt các em ở trung tâm. Chúng ta muốn khẳng định lại cam kết yêu thương các em bằng chính tình yêu mà Chúa yêu thương các em và nỗ lực để bảo đảm quyền có một tương lai của các em.

Tôi rất vui khi biết rằng tại Quảng trường này, chúng ta thấy khuôn mặt của gia đình Thiên Chúa, gồm những trẻ em, những người trẻ, những cặp vợ chồng, những người nam nữ thánh hiến, những người Rumani cao niên từ các vùng và truyền thống khác nhau, và những người khác đến từ Moldova. Cũng có những người đến từ bên kia sông Prut là những người nói tiếng Csango, tiếng Ba Lan và tiếng Nga. Chúa Thánh Thần đã kêu gọi chúng ta ở đây và Người giúp chúng ta khám phá vẻ đẹp của việc ở bên nhau, có thể gặp nhau để cùng nhau hành trình. Mỗi anh chị em đều có ngôn ngữ và truyền thống của riêng mình, nhưng anh chị em rất vui khi được ở đây với những người khác, với niềm hạnh phúc được chia sẻ bởi Elisabeta và Ioan và mười một đứa con của họ. Tất cả các anh chị em đều khác nhau, anh chị em đến từ nhiều miền khác nhau, nhưng “ngày hôm nay tất cả mọi người được tụ họp lại, với nhau, giống như vào mỗi buổi sáng Chúa Nhật trong những ngày xa xưa, khi mọi người đi đến nhà thờ với nhau”. Hạnh phúc của cha mẹ khi nhìn thấy con cái của họ tập trung xung quanh họ. Chắc chắn, hôm nay có niềm vui trên thiên đàng trước sự chứng kiến của tất cả những đứa trẻ muốn ở bên nhau.

Đây là kinh nghiệm của một ngày lễ Ngũ tuần mới (như chúng ta đã nghe trong bài đọc), trong đó Thánh Linh chấp nhận sự khác biệt của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để mở ra những con đường hy vọng bằng cách phát huy những điều tốt nhất ở mỗi người. Đó là con đường tương tự được các Tông đồ thực hiện cách đây hai ngàn năm. Hôm nay chúng ta được kêu gọi thay thế vị trí của họ và được khuyến khích trở thành người gieo hạt giống tốt. Chúng ta không thể chờ đợi người khác làm vì điều này tùy thuộc vào chúng ta.

Hành trình cùng nhau không dễ, phải không nào? Đó là một ơn sủng mà chúng ta phải kêu cầu. Đó là một tác phẩm nghệ thuật dành cho chúng ta tạo ra, một món quà đẹp cho chúng ta truyền lại cho các thế hệ tương lai. Nhưng chúng ta bắt đầu ở đâu?

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm được cặp vợ chồng già của chúng ta, Elisabeta và Ioan, đưa ra. Thật tốt khi thấy tình yêu đâm rễ sâu thông qua những hy sinh và dấn thân, qua các công việc và những lời cầu nguyện. Tình yêu đã bén rễ trong hai anh chị và nó đã sinh ra nhiều hoa trái. Như tiên tri Giôen từng nói, khi người trẻ và người già gặp nhau, người già không ngại mơ mộng (xem 2:28 [3: 1]). Đây là giấc mơ của anh chị em: “Chúng tôi mơ ước rằng họ có thể xây dựng một tương lai mà không quên xuất thân của mình. Chúng tôi mơ ước rằng không ai trong số những người dân của chúng ta quên đi gốc rễ của họ”. Anh chị em nhìn về tương lai và anh chị em mở ra cánh cửa ngày mai cho con, cháu và dân tộc của anh chị em bằng cách mang đến cho họ những bài học tốt nhất mà anh chị em đã học được từ hành trình của chính mình: đừng bao giờ quên anh chị em đến từ nơi nào. Bất cứ nơi nào anh chị em đi và bất cứ điều gì anh chị em làm, đừng quên gốc rễ của anh chị em. Đó cũng là một giấc mơ, và một lời khuyên mà Thánh Phaolô đã dành cho Ti-mô-thê: hãy giữ vững đức tin của mẹ và bà của anh (x. 2 Tim 1: 5-7). Khi anh chị em tiếp tục phát triển dưới mọi khía cạnh - mạnh mẽ hơn, già hơn và thậm chí quan trọng hơn - đừng quên bài học đẹp nhất và đáng giá nhất anh chị em đã học được ở nhà. Đó là sự khôn ngoan do tuổi tác mang lại. Khi anh chị em lớn lên, đừng quên mẹ và bà của anh chị em, và đức tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ đã cho họ sức mạnh và sự kiên cường để tiếp tục và không bỏ cuộc. Đó là một lý do để anh chị em có thể tạ ơn và cầu xin sự quảng đại, lòng dũng cảm, và lòng vị tha của một đức tin “cây nhà lá vườn” có nghĩa là không phô trương, nhưng chậm rãi và chắc chắn xây dựng nên vương quốc của Thiên Chúa.

Chắc chắn, một đức tin không được hiển thị trên thị trường chứng khoán, không “bán” được, dường như “chẳng có tác dụng gì nhiều”, như Eduard nhắc nhở chúng ta. Tuy nhiên, đức tin là một ân sủng giúp duy trì một xác tín sống động, sâu sắc và đẹp đẽ rằng chúng ta là những đứa con yêu dấu của Chúa. Thiên Chúa yêu thương với tình yêu hiền phụ. Mỗi cuộc sống và mỗi một người trong chúng ta thuộc về Người. Chúng ta thuộc về Người trong tư cách là con cái Chúa, nhưng đồng thời chúng ta cũng là cháu chắt, vợ, chồng, ông bà, anh chị em, bè bạn, hàng xóm với nhau; như những anh chị em với nhau. Ma quỷ chia rẽ, phân tán, tách biệt. Nó gieo rắc bất hòa và nghi kỵ. Nó muốn chúng ta sống “tách biệt” với những người khác và với chính chúng ta. Trái lại, Thánh Linh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là những hữu thể vô danh, trừu tượng, không mặt mũi, không có lịch sử hay căn tính. Chúng ta không được dựng lên để thành hư vô hoặc hời hợt. Có một mạng lưới tinh thần rất mạnh mẽ liên kết chúng ta; đó là mạng lưới “kết nối” và nâng đỡ chúng ta, và mạnh hơn bất kỳ loại kết nối nào khác. Đó là gốc rễ, là nhận thức rằng chúng ta thuộc về nhau, rằng mỗi cuộc sống của chúng ta được neo trong cuộc sống của người khác. “Giới trẻ phát triển mạnh khi họ đang thực sự được yêu thương”, Eduard nói. Tất cả chúng ta đều phát triển khi chúng ta cảm thấy được yêu thương. Bởi vì tình yêu lôi kéo chúng ta ra khỏi chính mình và mời gọi chúng ta bén rễ trong cuộc sống của người khác. Nó giống như những lời thật đẹp của một nhà thơ từ quốc gia anh chị em, là người có chí nguyện rằng trên đất nước Rumani ngọt ngào này “con cái của các bạn chỉ sống trong tình huynh đệ, giống như những ngôi sao đêm” (M. Eminescu, Những gì tôi Chúc cho anh chị em, Rumani Ngọt Ngào). Chúng ta thuộc về nhau và hạnh phúc của chúng ta là làm cho người khác hạnh phúc. Mọi thứ khác đều là vô nghĩa.

Hãy tiến bước cùng nhau, bất cứ nơi nào anh chị em có thể, đừng bao giờ quên những gì anh chị em đã học ở nhà.

Điều này làm tôi nhớ đến lời tiên tri của một trong những ẩn sĩ thánh thiện của vùng đất này. Một ngày nọ, linh mục ẩn tu Galaction Ilie của Tu viện Sihăstria đang đi giữa đàn cừu gặm cỏ trên sườn núi thì gặp một vị ẩn sĩ thánh thiện mà ngài quen biết. Cha Galaction hỏi ngài: Thưa cha, xin hãy nói cho con biết khi nào thế giới này sẽ kết thúc? Và vị ẩn sĩ đáng kính, với một tiếng thở dài, trả lời: Cha Galaction ơi, cha muốn biết khi nào thế giới này sẽ kết thúc sao? Khi không còn những lối đi giữa những người hàng xóm! Nghĩa là, khi không còn tình yêu và sự hiểu biết Kitô giáo giữa anh chị em, họ hàng, các Kitô hữu và các dân tộc! Khi con người mất hết tình yêu, thì đó thực sự sẽ là ngày tận thế. Bởi vì không có tình yêu và không có Chúa, không ai có thể sống trên trái đất!

Cuộc sống bắt đầu héo mòn, trái tim chúng ta ngừng đập và khô héo, người già không còn mơ ước và những người trẻ tuổi không còn nói tiên tri khi những con đường giữa những người hàng xóm biến mất. Vì không có tình yêu và không có Chúa, không ai có thể sống trên trái đất.

Eduard nói với chúng ta rằng, giống như nhiều người khác trong thị trấn của mình, anh đã cố gắng thực hành đức tin giữa vô vàn những thử thách. Thực sự nhiều thử thách có thể làm chúng ta nản lòng và khiến chúng ta đóng kín vào chính mình. Chúng ta không thể phủ nhận hoặc giả vờ rằng những trường hợp như thế không xảy ra. Những khó khăn là có thật và chúng rất là hiển nhiên. Nhưng điều đó không thể làm cho chúng ta quên rằng chính đức tin mang đến cho chúng ta thách đố lớn nhất: đức tin có thể khiến chúng ta bị bao vây hoặc cô lập, nhưng vượt xa điều đó, đức tin có thể mang lại điều tốt nhất cho tất cả chúng ta. Chúa là người đầu tiên thách thức chúng ta. Ngài nói với chúng ta rằng điều tồi tệ nhất xảy đến khi không còn những lối đi giữa những người hàng xóm, khi chúng ta thấy nhiều chiến hào hơn các thông lộ. Chúa là người ban cho chúng ta một bài hát mạnh mẽ hơn tất cả các bài hát ồn ào làm tê liệt chúng ta trên hành trình của mình. Và Ngài luôn làm theo cách tương tự: đó là hát một bài hát hay hơn và thử thách hơn.

Chúa ban cho chúng ta một ơn gọi, một thử thách để khám phá những tài năng và khả năng mà chúng ta sở hữu và đưa chúng ra phục vụ những người khác. Ngài yêu cầu chúng ta sử dụng tự do của mình như một sự tự do để lựa chọn, để đồng ý với một kế hoạch yêu thương, một khuôn mặt, một cái nhìn. Đây là sự tự do lớn hơn nhiều so với tự do đơn giản là có thể tiêu thụ hay mua sắm. Đó là một ơn gọi khiến chúng ta chuyển động, khiến chúng ta lấp đầy các chiến hào và mở ra những con đường mới để nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta là con cái của Chúa và là anh chị em với nhau.

Trong thời Trung cổ, những người hành hương cùng nhau khởi hành từ thủ đô lịch sử và văn hóa này của đất nước anh chị em, theo con đường Transylvania để đến Santiago de Compostela. Ngày nay, nhiều sinh viên từ nhiều nơi trên thế giới sống ở đây. Tôi nhớ qua vệ tinh mà chúng ta đã có vào tháng 3 (với Scholas Occurentes), và trong cuộc họp đó tôi biết rằng năm nay thành phố của anh chị em sẽ là thủ đô của các bạn trẻ. Anh chị em có hai điều tuyệt vời ở đây: một thành phố được biết đến trong lịch sử về sự cởi mở và sáng tạo, và một thành phố có thể tiếp đón những người trẻ tuổi từ nhiều nơi trên thế giới như ngày nay. Hai điều này nhắc nhở chúng ta về tiềm năng và sứ mệnh cao cả mà anh chị em có thể thực hiện: đó là mở ra những con đường để cùng nhau tiến bước và theo đuổi viễn cảnh tiên tri, theo đó, không có tình yêu và không có Chúa, không ai có thể sống trên trái đất. Ngày nay, từ nơi này, những con đường mới có thể mở ra tương lai, hướng tới châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Anh chị em có thể là những người hành hương của thế kỷ hai mươi mốt, có khả năng hình dung ra một lần nữa những liên kết hợp nhất chúng ta.

Tôi không muốn nói nhiều đến việc tạo ra các chương trình hoặc dự án lớn cho bằng khả năng làm đức tin phát triển. Như tôi đã đề cập với anh chị em lúc đầu: đức tin không chỉ được truyền tải bằng lời nói mà còn bằng những cử chỉ, những ánh mắt và sự vuốt ve, giống như mẹ và bà của chúng ta đã làm; với hương vị của những điều chúng ta học được ở nhà một cách trực tiếp và đơn sơ. Nơi nào có ồn ào, chúng ta hãy cố gắng lắng nghe; nơi nào có sự nhầm lẫn, chúng ta hãy truyền cảm hứng cho sự hài hòa; nơi mọi thứ không chắc chắn và mơ hồ, chúng ta hãy mang lại sự rõ ràng. Nơi nào có sự loại trừ, chúng ta hãy mang đến tình liên đới; nơi nào có thứ truyền thông giật gân, thêm mắm dặm muối, chúng ta hãy quan tâm đến tôn nghiêm của người khác; nơi nào có sự hung hăng, chúng ta hãy mang lại hòa bình; nơi nào có sự giả dối, chúng ta hãy mang đến sự thật. Trong tất cả mọi thứ, chúng ta hãy quan tâm đến việc mở ra những con đường cho phép những cảm giác thân thuộc, trở thành con cái Chúa và anh chị em với nhau (xem Thông điệp cho Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới 2018).

Rumani là “khu vườn của Mẹ Thiên Chúa”, và trong cuộc gặp gỡ này, tôi đã có thể nhận ra lý do tại sao. Đức Maria là một người mẹ khuyến khích những giấc mơ của con cái mình, người ấp ủ những hy vọng của chúng, người mang lại niềm vui cho ngôi nhà của chúng. Mẹ là một người mẹ dịu dàng và chân thật, người chăm sóc chúng ta. Anh chị em là một cộng đồng sống động, hưng thịnh và tràn đầy hy vọng mà chúng ta có thể dâng lên cho Mẹ của chúng ta. Chúng ta hãy tận hiến tương lai của những người trẻ, gia đình và Giáo Hội cho Mẹ. Mulumec! [Cảm ơn anh chị em!]


Source:Libreria Editrice Vaticana