CAIRO - Liên đoàn các nước Ảrập (UAE) đề nghị tổng thống Saddam Hussein hãy từ chức và Iraq tạm thời do Liên hiệp quốc và UAE kiểm soát.

Hôm thứ Bảy tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm họp tại Ai Cập một mình Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất lên tiếng ủng hộ đề nghị của UAE. Sau đó Kuwait và Bahrain cũng vậy. Cả hai nước này đều có hàng ngàn lính Mỹ đang đồn trú.

Trong quá khứ giới chức Hoa Kỳ cũng đã từng đề cập đến chuyện Saddam Hussein nên từ bỏ quyền lực.

Baghdad không đưa ra phản ứng chính thức nào nhưng tổng thống Saddam Hussein từng tuyên bố ông đã sinh ra ở Iraq và sẽ chết tại Iraq.

Chiến tranh đến gần

Bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho biết máy bay của Anh và Mỹ bắt đầu tấn công các mục tiêu của Iraq ở miền Nam ném bom các dàn phóng rocket và các cứ điểm có thể dùng để chống quân đồng minh trong trường hợp có chiến tranh.

Tổng thống Saddam Hussein lại lên truyền hình, tay cầm xìgà, họp với ban chỉ huy của ông và nói với họ rằng hãy chuẩn bị cho chiến tranh.

Bộ trưởng quốc phòng Iraq gởi điện cho Saddam Hussein hứa sẽ biến Iraq thành mồ chôn những ai muốn xâm phạm chủ quyền của Iraq.

Quá muộn để hợp tác

Một phát ngôn nhân của Liên hiệp quốc ở Baghdad cho biết nhà chức trách Iraq có ý định trình lên Hội đồng Bảo an một báo cáo vào ngày 10/03 cho biết chi tiết phương pháp họ dùng để đo lường số lượng anthrax và khí độc VX mà các thanh tra vũ khi đã tìm thấy.

Hôm thứ Bảy sáu tên lửa al Samoud 2 đã bị nghiền nát bởi xe ủi đất. Nhưng trong khi chiến tranh ngày càng tới gần, có vẻ như Iraq càng có ít đi phần thưởng đánh đổi cho việc hợp tác nghiêm túc.

Được biết Iraq có thể có khoảng 100 tên lửa, và Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết việc phá huỷ này còn tiếp tục trong hai ngày tới.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự hợp tác của Iraq, các thanh tra vũ khí LHQ đã phỏng vấn riêng thêm với một khoa học gia Iraq.

Phản ứng các nước

Việc Iraq sẵn sàng phá huỷ các tên lửa al-Samoud đã được các quan chức ngoại giao cao cấp của Nga hoan nghênh tại Matxcơva, nói đây là những bằng chứng quan trọng cho thấy Baghdad đang hợp tác với LHQ.

Đại sứ Đức tại Luân Đôn là Thomas Matthusek nói sự hợp tác của Iraq đã đánh dấu một bước tiến quan trọng.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Anh Jack Straw nói Iraq đã miễn cưỡng nhượng bộ để gây thêm chia rẽ trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong khi đó, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để chống một cuộc chiến do Mỹ cầm đầu tại Iraq. Sau đó quốc hội đã biểu quyết không đồng ý cho quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.(bbc)