Những viên chức cao cấp thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á chịu trách nhiệm soạn thảo văn bản nhằm giúp giải quyết tình trạng tranh chấp liên quan tới các vùng hải đảo ở Biển Ðông, thừa nhận rằng văn bản này thiếu tính cách pháp lý cần thiết.

Tuy vậy, họ nói văn bản sẽ có tính cách ràng buộc về mặt tinh thần. Văn bản này đã được chuẩn bị xong xuôi vào ngày 26/7/02, tức thứ Sáu.

Văn bản liệt kê phương thức hành xử cho 6 quốc gia hiện tuyên bố “có chủ quyền vùng lãnh thổ tranh chấp”.

Các viên chức cho hay người ta không rõ văn bản sẽ được hội nghị cấp bộ trưởng các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN), xem như là bản quy ước hay là sẽ được đưa vào tuyên ngôn chính trị.

Nên biết, hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN sẽ khai mạc vào ngày mai, thứ Hai (29/7/02).

Ông Makarim Wibisono, viên chức cao cấp thuộc bộ ngoại giao Indonesia cho biết, dù cho văn bản thiếu tính cách pháp lý cần thiết, nhưng các nước ký tên vào văn bản cũng bị ràng buộc về mặt tinh thần.

Ông nói, những viên chức thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á đã đồng ý "hầu như tất cả" mọi điều khoản trong văn bản; đồng thời họ cũng đã giải quyết cuộc tranh chấp về vấn đề địa lý bằng cách sửa đổi ngôn từ một số đoạn văn.

Theo tin cho hay, văn bản quả có đề cập tới vùng Biển Ðông; thế nhưng không ghi đích danh những tên vùng cụ thể, ví dụ như tên quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa.

Trung Quốc và bốn quốc gia thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, toàn bộ hoặc một phần, vùng quần đảo Trường Sa.

Nên biết, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng quần đảo Hoàng Sa.