Mười lăm vị bộ trưởng tài chính của Liên Minh Châu Âu đã thông qua một văn bản chính thức khiển trách Đức là quản lý tài chính yếu kém.

Các bộ trưởng kết luận rằng tuy sự suy thoái kinh tế toàn cầu có phần nào gây ảnh hưởng, nhưng về cơ bản thì kết quả như hiện nay là do tự bản thân Đức gây ra. Sự trì trệ trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, đặc biệt là trong chính sách quản lý thị trường lao động cứng nhắc, chính là những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của Đức.

Bộ Trưởng Tài Chính Đức Hans Eichel đã nhận lỗi. Giờ đây, ông này sẽ có bốn tháng để cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng biện pháp kết hợp cứng rắn giữa giảm chi công cộng và tăng thuế.

Nhưng đó có thể sẽ là một mệnh lệnh khó thực hiện trong hoàn cảnh chính phủ hiện đang không mấy được lòng dân và chỉ chiếm một số ghế khiêm tốn trong quốc hội.

Pháp phản đối

Pháp thì có thái độ ngược lại. Nhận được lời cảnh báo tương tự, nhưng Pháp đã mạnh mẽ bác bỏ những lời chỉ trích về đường lối quản lý ngân sách của chính phủ.

Dẫu cho chính thức bị cảnh cáo, Bộ Trưởng Tài Chính Pháp Francis Mer đã không chấp nhận thời hạn 2006 là thời điểm Pháp phải chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách.

Pháp bướng bỉnh, một phần là do tổng thống Pháp trong chiến dịch vận động tranh cử đã có cam kết giảm thuế. Nhưng phần nữa, Pháp cũng công khai tỏ ý nghi ngờ về sự khôn ngoan của việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang đi xuống.

Đây là những thời điểm thử thách đối với Thoả Ước Bình Ổn Kinh Tế Và Phát Triển. Hồi mùa thu năm ngoái, các nguyên tắc của thoả ước này đã nổi tiếng với lời mô tả của ông Chủ Tịch Uỷ Hội Châu Âu Romano Prodi là “xuẩn ngốc”.

Ông này nói rằng ông đã bị hiểu sai ý, nhưng nhiều người tin rằng những sự kiện đang diễn ra lại chứng minh rằng ông này đã nói đúng.(BBC)