Phải có bão thì trời mới sáng. Đó là quan điểm của Hội đồng châu Âu, nơi đưa ra dự đoán phải đến nửa cuối năm 2003 mới có một sự hồi phục kinh tế chậm chạp tại châu Âu.

Hiện tại, thì các dấu hiệu cho thấy bầu trời vẫn còn khá xám tại châu Âu. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu lục, đang vất vả đối phó với tỉ lệ thất nghiệp cao, biểu tình trong khu vực hành chính công và thâm hụt ngân sách. Niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp vẫn ở mức thấp. Ước tính khu vực đồng tiền chung châu Âu có tỉ lệ tăng trưởng chỉ ở khoảng 0.8% trong năm nay.

Những người lạc quan dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi năm tới. Tuy vậy, tình hình có thể sẽ chịu tác động mạnh bởi các diễn biến tại Iraq. Một cuộc xung đột dai dẳng dẫn tới giá dầu tăng có thể làm gia tăng lạm phát và cản trở tăng trưởng.Vì thế, năm 2003 hứa hẹn là một năm nhiều thử thách cho Ngân hàng trung ương châu Âu.

Từng bị chỉ trích vì sự miễn cưỡng cắt tỉ lệ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng trung ương giờ đây cam kết xem xét lại cách thức họ đánh giá các rủi ro kinh tế.

Năm 2003 cũng sẽ là bài toán thử thách ý chí chính trị của một số chính phủ tại châu Âu. Câu hỏi đặt ra: liệu họ có sẵn sàng cắt giảm chi tiêu ngân sách, một biện pháp vốn bị quần chúng phản đối?

Pháp, Đức, Italy và Bồ Đào Nha đều đang phải cố giữ cho nền tài chính tuân thủ các quy định ngân sách nghiêm ngặt của khu vực đồng euro.

Các chính sách thắt lưng buộc bụng tại Đức và Bồ Đào Nha, cải cách lao động tại Italy và Tây Ban Nha và tư nhân hóa tại Pháp rất có thể một lần nữa khơi dậy mâu thuẫn giữa chính phủ và công đoàn.

Và sẽ không ai ngạc nhiên nếu năm 2003 rồi lại được nhớ tới như một năm của các cuộc biểu tình tại châu Âu.(BBC)