Thủ tướng Úc John Howard nói rằng một loạt các vụ cháy làm thiêu huỷ nhiều phần của 3 trại tạm giữ sẽ không làm chính phủ nước này thay đổi chính sách nhập cư.

Trong những ngày gần đây, các trại ở phía nam và tây nước Úc đã bị thiệt hại trị giá hàng triệu đô la. Các vụ cháy tại Woomera đã thiêu hủy hầu như toàn bộ 40 khu nhà.

Hugh Halloway thuộc Hiệp Hội Hành Động Vì người tị nạn, một tổ chức vận động cho quyền lợi người tị nạn giải thích lý do Woomera bị chọn làm mục tiêu phá phách: "Woomera là một trại tập trung đặt giữa sa mạc. Quanh đó không hề có màu xanh cây cối. Họ bị giữ ở đó, họ không thể đi đâu được."

"Với cái cách thức bị giam giữ như vậy thì một số người trong đám dân tị nạn sẽ không bao giờ biết được là khi nào thì họ được rời trại. Một số người thì mặc dù đã bị từ chối đơn xin tị nạn nhưng lại không được đảm bảo an toàn khi hồi hương nên vẫn bị giữ trong trại. Họ không có ngày ra trại, không có hy vọng, không có tương lai."

Nhân viên cứu hoả đã phải mất tới hơn 4 giờ đồng hồ mới kiểm soát được tình hình tại trại Woomera, một trại tị nạn hẻo lánh nằm xa trong vùng sa mạc nam Úc. Làn khói đen dày đặc cuồn cuộn bốc lên từ khu trại với sắc da cam sáng rực hắt lên bầu trời đêm.

Các quan chức phụ trách vấn đề nhập cư nói không có ai bị thương vong. 120 người tị nạn đã bị dời sang nơi khác và có lẽ sẽ sớm được sắp xếp vào các trại khác.

Đám cháy ở Woomera xảy ra sau khi có vụ náo động tương tự tại trung tâm Nhập Cư Baxter ở gần Cảng Augusta ở Nam Úc và tại trại Port Hedland ở Bắc Úc.

Duy trì chính sách cứng rắn

Thủ tướng John Howard thừa nhận hệ thống các trung tâm tập trung người nhập cư đang phải đối diện với tình trạng bạo động nghiêm trọng, nhưng ông cho rằng hệ thống này vẫn trong tình trạng kiểm soát được.

Ông nói chẳng có cuộc khủng hoảng nào trong vấn đề này hết. Ông Howard nói chính phủ sẽ không thay đổi chính sách nhập cư.

Việc bắt buộc tập trung đối với người xin tị nạn, bao gồm cả trẻ em, đã bị chỉ trích rộng rãi. Liên Hiệp Quốc đã gọi việc làm này là vô nhân đạo. Giới hữu quan Úc thì nói tập trung bắt buộc là cần thiết vì lý do y tế và an ninh.

Căng thẳng và tuyệt vọng

Luật sư đại diện cho dân tị nạn cho rằng các vụ bạo động vừa qua chẳng gây ngạc nhiên, vì trại viên đã cảm thấy quá căng thẳng.

Paul Boylan thuộc nhóm luật sư trại Woomera nói các cuộc phản đối có lẽ đã được châm ngòi nổ do chuyện giới hữu quan phụ trách vấn đề nhập cư giải quyết đơn tị nạn không thỏa đáng khiến cho những người nộp đơn cảm thấy một tương lai tăm tối và cảm giác tuyệt vọng.

Nhiều trại viên nghĩ rằng tham dự vào các vụ bạo động thì đơn xin tị nạn bị từ chối và sẽ bị trục xuất sau thời gian ở trại tối đa là 3 năm.

Tăng cường an ninh

Cảnh sát liên bang Úc vẫn đang điều tra về các vụ cháy xảy ra cuối tuần trước tại trại Baxter và trại Cảng Hedland và có kế hoạch tới Woomera vào hôm nay Thứ Ba. Còn tại đảo Christmas Island thuộc lãnh thổ Úc trên Ấn Độ Dương, nhóm người tị nạn vẫn tiếp tục giữ thái độ nghi ngại đối với các nhân viên an ninh.
Một vụ cháy nhỏ đã thiêu hủy các phần của phòng ăn tập thể và từ đảo này đã có những báo cáo là nhân viên an ninh đã bị đe dọa bằng vũ khí tự tạo. Dân tị nạn trên đảo đã phải sống trong các lều trại kể từ khi có vụ cháy đầu tiên ở khu nhà ở chính.

Chính phủ Úc nói rằng các biện pháp an ninh mới đã được áp dụng tại toàn bộ các trại tị nạn. Giới chính trị gia đối lập nói rằng các vụ cháy gần đây cho thấy quá trình giải quyết đơn xin tị nạn hiện có thể kéo dài tới 5 năm là không hiệu quả.(BBC)