Đại diện nhóm bốn bên trung gian đàm phán gồm Hoa Kỳ, Nga, Liên hiệp quốc, và Liên hiệp Âu châu EU đã họp tại Washington hôm nay nhằm thảo luận một tiến trình hòa bình giữa Israel và người Palestin.

Người Palestin luôn lo ngại rằng cuộc họp này sẽ bị cho chìm xuồng trước khi phái đoàn của EU và Nga kịp vượt biển Đại Tây Dương.

Hôm Thứ Tư vừa qua, ngoại trưởng Mỹ Colin Powell xác nhận lộ trình có thể tiếp tục bị xếp lại cho tới khi hoàn tất cuộc bầu cử Israel, dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng Giêng tới.

"Chúng tôi nghĩ rằng sẽ là khôn ngoan hơn nếu như cứ tiếp tục thảo luận về lộ trình và chờ đợi cho tới khi cuộc bầu cử ở Israel qua đi, sau đó mới thực hiện với sự tham gia của tất cả các bên trong khu vực, nếu như tới lúc đó các bên, hay ít ra là bốn bên trung gian hoà giải, đạt được thoả thuận về các yếu tố của lộ trình."

Bản kế hoạch chi tiết vạch ra việc thành lập 2 quốc gia tồn tại bên nhau. Cả EU và người Palestin đều muốn công bố các nội dung chi tiết và cụ thể của kế hoạch này càng sớm càng tốt.

Phái viên Palestin tại Washington, Hassan Abdul Rahman, nói việc trì hoãn chỉ là ví dụ mới nhất về ảnh hưởng của chính quyền thủ tướng Israel Arial Sharon đối với Mỹ.

"Chúng tôi biết vị trí của ông Sharon trong lộ trình này. Ông ta chống lại lộ trình. Ông ta chống lại bất kỳ lịch biểu thực hiện nào. Ông ta chống lại bất kỳ lộ trình nào không phù hợp với quan điểm của ông ta. "

"Nói cách khác thì Israel đã thành công trong chuyện áp đặt kế hoạch của mình lên nhóm trung gian hoà giải 4 bên, mà đương nhiên là họ đạt được điều này do có sự hẫu thuẫn của Mỹ," ông Rahman nói.

Như vậy, nếu bản kế hoạch chi tiết không được công bố thì có lý do gì để tổ chức cuộc họp hay không? Theo Dennis Ross, phái viên của cựu tổng thống Clinton tại vùng Trung Đông thì câu trả lời là có.

"Mục đích nhằm chứng minh rằng chúng tôi không hề lơ là, bỏ quên hay làm ngơ vấn đề Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel-Palestin. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác dẫu cho trên thực tế chúng tôi đang phải tập trung xử lý mối đe doạ từ phía Iraq."

Được thành lập tháng Tư vừa qua, nhóm bốn bên đặt EU, Nga và LHQ vào vị trí cùng Mỹ chấm dứt bạo lực ở Trung Đông. Nhóm họp nhiều lần, đưa ra những công bố chính thức, nhưng lại thất bại trong việc dập tắt bạo lực.

Theo như Dennis Ross, tiếc thay, đó lại chính là điều cần giải quyết, "Một khi đã chấm dứt được cảnh khổ đau thì các bên có thể quay lại trình tự thảo luận về hòa bình và chính thức hóa hoà bình. Đó là một vấn đề quan trọng và hiển nhiên là vào thời điểm này nhóm 4 bên vẫn chưa đạt được điều này."

Có nhiều lý do khiến nhóm hoà giải 4 bên không thành công, trong đó, lý do người ta ngày càng gia tăng chỉ trích là chính quyền Bush không có thiện chí tham gia.

Chỉ trong tuần này, Javier Solana, bộ trưởng phụ trách chính sách đối ngoại của Liên Minh Châu Âu đã tỏ ý lấy làm tiếc là Hoa Kỳ không tích cực, và nói rằng tiến trình đã không nhận được động lực cần thiết.

Nhưng theo Dan Mariaschin thuộc B’nai B’rith, một nhóm Do Thái chuyên vận động hành lang thì đánh giá đó không thật công bằng cho chính quyền ông Bush.

"Tôi nghĩ rằng chính quyền Bush quan tâm sâu sắc tới chuyện này nhưng theo tôi, chừng nào mà khía cạnh khủng bố chưa bị loại trừ thì chúng ta không thể tiến xa hơn được. Chúng ta không thể đạt được một giải pháp hoà bình thực sự trong chuyện này nếu như Palestin không triệt phá cơ sở hạ tầng của hoạt động khủng bố."

Ở một mức độ nhất định, trì hoãn công bố kế hoạch chi tiết của nhóm 4 bên trong thời gian vài tuần không phải là chuyện ghê gớm lắm, nhất là khi chuyện đó sẽ đưa lại hoà bình ổn định. (BBC)