Câu chuyện “ Phở nào ngon”



Chúng tôi sinh sống và làm việc tại miền Bắc Mỹ. Đa số chúng tôi làm việc mỗi tuần 5 ngày. Có nhiều vị làm “ca sáng” tức là từ khoảng 7-8 giờ sáng đến chiều, mỗi ngày 8 giờ làm việc, cộng thêm nghỉ trưa nửa giờ, ra về khoảng 3giờ 30 hoặc 4 giò 30 chiều. Có vị làm “ca chiều”, bắt đầu khoảng 3-4 giờ chiều đến 11 giờ hặc 12 giờ 30 đêm. Có vị làm “ca 3” tức là khoảng nửa đêm tới sáng. Có vị làm luôn ca sáng,hay chiều, hay đêm. Cũng có vị làm đổi ca luân phiên, tuỳ hãng xưởng khác nhau. Lại có vị làm tuần 3 ngày thay phiên với 4 ngày, mỗi ngày 12 tiếng, như nhiều vị y tá làm tại bệnh viện.

Dù là bạn làm ca nào, theo ý nghĩ và kinh nghiệm riêng mình, ngày làm việc cuối trong tuần, nhất là có nhiều nơi lại là ngày lãnh lương, là ngày sung sướng nhất. Đối với tôi là chiều thứ sáu. Các chỗ ăn chơi của người Mỹ địa phương ở đây cũng đông nhất vào chiều tối thứ sáu.

Điều khoái nhất là đêm thứ sáu, tôi tắt tất cả chuông báo thức buổi sáng và cho phép mình muốn ngủ nướng đến mấy giờ cũng được. Ấy vậy mà rất nhiều lần, sáng thứ bảy tôi lại thức giấc từ tờ mờ sáng. Vậy mà suốt tuần lễ, phải vận dụng cố gắng lắm mới thức dậy đi làm theo lệnh của 3 cái đồng hồ báo thức, reng chuông cách nhau 5 phút.

Sáng nay thứ bảy, tôi lại thức giấc từ trước khi mặt trời mọc, đi lẩn thẩn xem xét vườn tược sau nhà, trở vào nghe chuông điện thọai:

- Hello, chào buổi sáng, ai đây?

- Này, hôm nay có phở ngon lắm, sang đây ăn sáng, tiếng anh KT sang sảng gọi.

Nhìn đồng hồ mới hơn 7 giờ sáng, tôi ngần ngừ, nhưng lại nghe:

- Sang ngay, ăn cho nóng.

- OK, qua tới liền, tôi trả lời.

Thật ra còn quá sớm, để ăn sáng, nhưng nể lời anh KT, tôi mặc vội quần áo, lái xe khoảng hơn 3 miles đến nhà anh KT. Tưởng cũng nên kể cho bạn hiểu, trong khỏang

50 miles xung quanh đây có 3 nhà hàng VN có món phở, phở của các nhà hàng VN ở vùng này, cũng như các nơi có cộng đoàn VN ít người, trang hoàng rất đẹp, món phở của họ cũng rất… ngon, đối với khách hàng… Mỹ. Nên phe VN mình đành nấu phở ăn trong gia đình và có khi mời bạn bè ăn cho vui.

Anh KT đón tôi tận cửa và có vẻ hả hê, hí hửng:

- Vợ tôi hôm nay nấu phở ngon quá, bà ấy phải đi đến cái chợ thật xa, mua được miếng thịt bò vè, ông vào ăn ngay cho nóng.

Tôi thấy trên bàn ăn tô phở to tướng, mở nỗi lềnh bềnh. Anh KT giải thích thêm:

- Phở này phải béo mới ngon, phải ăn thật nóng với hành chần, đấy miếng thịt vè này nấu không phải dễ, nấu quá lửa thì mềm sèo, bở rẹc mà nấu non lửa thì lại dai không nhai được, mà lại còn phải biết cắt nữa cơ chứ. Nếu cắt mỏng quá thì nhai không sướng mà cắt dầy quá thì cứng nuốt không vô. Phở này đạt tiêu chuẩn như phở Công Lý ở Saìgòn lúc trước.

Chúng tôi bắt đầu làm dấu thánh giá tạ ơn Chúa rồi cầm đủa, miếng thịt dòn và cắt vừa đủ mỏng, chấm tương ớt, nhai vào ăn ngon thật. Anh KT lại kể tiếp:

-Cả Sài gòn ngày trước, tôi ưng có tiệm phở Công Lý, có khi xui đến gặp Ông Kỳ cũng đến ăn phở thì bọn cận vệ làm thấy ghét. Tôi không đến phở Công lý mấy nửa, đâm ra ở Sài Gòn ngày trước chả được mấy khi có bát phở ngon. Ấy vậy mà sang đây, bây giờ bà nhà tôi học đựơc cách nấu phở y như thế. Chả vậy mà mấy đứa em

từ Cali sang, bao giờ cũng đòi mỗi đứa 2-3 tô. Ông biết rồi, Cali thì thiếu gì tiệm phở, thế mà chúng nó bảo chẳng có đâu ngon như thế này.

Tôi vừa ăn vừa thú vị ngẫm nghĩ đến tình cảm và lòng trang trọng của anh KT đôi với bà xã. Mà đúng thiệt, miếng thịt nhai khoái khẩu vừa dòn, vừa béo lại vừa bùi. Tôi cũng phải xin phép, xin lỗi chỉ ăn cái, vì nuớc dùng béo quá. Tôi phải đem chứng cao mở trong máu của mình và lời dặn của bác sĩ để giải thích, nhưng anh KT vẫn còn nuối tiếc:

- Ăn phở, phải có nước dùng thật béo với hành chần, thôi bác sĩ cấm thì đành chịu chỉ ăn bánh phở và thịt, nhưng mất hương vị đến hơn một nửa rồi.

Sau màn cà phê và tán láo, tôi xin phép ra về, khoan khóai tiếp tục hưởng ngày cuối tuần nắng đẹp.

Trời bắt đầu xế trưa, nhưng bụng chẳng đói lắm, mặc dù tôi đã tập thể dục nhiều hơn ngày thường, tiếng chuông điện thọai lại reo lên, tiếng anh MK bên kia đầu dây:

- Hello khoẻ không, cháu Ngọc nấu nồi phở tướng suốt ngày hôm qua đây này, mời bác sang ăn.

Tôi hơi ngần ngại ầm ừ, vì vẫn còn dư âm tô phở ban sáng, Anh MK lại lên tiếng:

- Này có cả Ông Bà Ngoại các cháu ở Cali sang nửa đây này. Ông bà cũng muốn gặp bác.

- Ờ, vậy hả, vậy tôi đến liền, nhưng ăn trước đi vì đường còn xa. Tôi trả lời

- Không, tôi đợi bác đấy. Anh MK lại bồi thêm.

Đoạn đường từ nhà tôi đến nhà anh MK, hơn 20 miles, phải mất hơn nửa tiếng lái xe. Đến nhà anh MK, không khí náo nhiệt của đại gia đình cuốn hút tôi vào cuộc, chúng tôi ngồi vào bàn ăn thật dài. Tôi ghi nhận đến 4 thế hệ trong gia đình, từ hai cụ, anh chị MK, vợ chồng cháu Ngọc, và cháu nhỏ. Trên bàn đã có sẳn rau hung quế, ngò gai… Giá trụn chín và hành chần được mang ra. Rồi mỗi người được một tô phở. Anh MK giải thích:

- Phở phải ăn thật nóng mới ngon,nước dùng phải thật trong, nấu nồi phở phải nói là cả công trình đấy ông ạ. Tôi khó tính lắm, cháu Ngọc nấu cả nồi xương từ hôm qua, mà bác thấy đấy, không có mùi gây của xương bò, nấu với cánh hồi để bán mùi gây ấy, nhưng nếu có mùi hồi thì lại mất ngon, bác ạ. Mà mình kiêng mở, nên bác chẳng thấy tí mở nào, thịt tái thì phải mua fillet mignon thì vừa mềm vừa ngọt, điểm thêm ít bò viên có gân hơi dai dai, dòn dòn của bà xã tôi làm đấy bác ạ; vì mua thi họ lại xay bạc nhạc vào. À, mà giá thì phải trụn, chứ bỏ giá sống vào tô phở thì nguội mất sướng của tô phở, lại tanh tanh mùi giá sống. Ăn tô phở mà không nóng toát mồ hôi thì vứt đi phải không bác. Thôi ta làm dấu, cầu nguyện rồi ăn ngay cho nóng.

Mọi nguời tự nhiên im bặt, không nghe ai nói gì cả, vì ai cũng bận rộn…vật lộn với tô phở nóng hổi. Phở ngon thật, thịt mềm, ngọt và nước dùng thơm và ngọt chất xương, đúng thật không thấy mùi khó chịu của cánh hồi. Tôi ngẫm nghĩ, quả là một công trình công phu, cầu kỳ cho tô phở; mất nhiều thời gian chuẩn bị. Có lẻ công sức này đã được đền bù bằng giá trị sinh họat đầm ấm gia đình không những lúc ăn, nhưng có lẻ suốt cả thời gian chuẩn bị cho bửa ăn.

Rời nhà Anh Chị MK, tôi vừa lái xe vừa ngẫm nghĩ, tại nhiều cộng đoàn VN lớn, có hằng trăm tiệm phở như Little Sài gòn, California, chắc gì có mấy gia đình có bửa ăn phở “long trọng” như thế này. Vì các gia đình hay cá nhân cứ ghé hết tiệm phở này đến tiệm khác, đến phát chán rồi.Tôi liên tưởng đến cảnh gia đình đầm ấm của mình trước năm 1975. Thời gian qua mau, đã hơn 30 năm, cũng 4-5 thế hệ quay quần trong bữa ăn, khi ấy ông nội tôi thường khì khà ly rượu thuốc và ngâm nga thơ phú …, ngân vang trong đầu tôi…Tứ đại đồng đường, sinh ngũ phúc…

Nhìn đồng hồ đã hơn 3 giờ, tôi ghé lại thư viện cộng đồng, để kiếm một số tài liệu, nhân tiện tham dự Thánh Lễ chiều thứ bảy, của một giáo xứ Mỹ kế bên thư viện lúc 4 giờ 30. Vừa về đến nhà, đang sắp xếp tài liệu mới thu thập ở thư viện và thư từ trong tuần, điện thọai lại reo lên, tiếng Miền Nam chân chất của anh TD

- Ê, bồ làm gì đó, qua đây ăn phở, u cha tuyệt chiêu cha nội ơi.

Tôi gãi đầu ngán ngẫm, vì hôm nay đã ăn hai bửa phở:

- Sao mà tới tuyệt chiêu lận?

Anh TD trả lời:

- Uà, zậy mới nói, tui mới điện thoại cho Anh MK, ảnh nói bồ mới ăn phở ở bển

hồi trưa, bồ phải qua đây ăn phở tuyệt chiêu của bà xã tui nấu, thì bồ mới nhớ để

chấm coi phở nào ngon hơn được chứ.

Tôi phì cười:

- Ừa, mấy giờ?

- Chừng nào cũng được?

- Tui còn hơi no, hai tiếng nửa được không?

- OK, tui chờ bồ.

Làm một số công việc cho nhẹ bụng, tui tàn tàn lái xe qua nhà anh chị TD.

Bước vào nhà, anh TD dẫn tui thẳng đến bàn ăn. Trên bàn đã có sẳn dĩa giá sống, ngò gai, húng quế, chanh, ớt, chai tương, chai tương ớt. Anh TD giải thích:

- Bồ phải ăn cho biết phở tuyệt chiêu của bà xã tui, dĩ nhiên xương bò nấu nước lèo, nhưng phải có thêm gia vị đặc biệt. Cái này bí mật à nghen, hồi trước khi qua đây đòan tu, tui từng làm giám đốc nhà hàng của khách sạn du lịch ở Sài gòn. Bà xã tui học được chút nghề của đầu bếp chính gốc Hồng Kông qua, rồi bả chế biến lại theo kiểu miền nam, Cái Bè của tụi tui nên mới tuyệt chiêu.

Chúng tôi ngồi vào bàn ăn, Chị TD mang cho mỗi người tô phở. anh TD khoe tiếp:

- Bồ ăn phở phải biết thưởng thức, trước hết là bánh phở phải là bánh phở tươi, nếu

ăn phở khô luộc thì mềm nhão nhẹt, thịt bò tái chỉ vài miếng thôi, nhưng thịt bò

bó, cột lại sau khi tẩm gia vị, rồi khìa cho mềm vừa đủ, để nhai cái gân và thịt,

quyện với cọng giá sống dòn rụm, cộng thêm chút ngò gai và rau quế mới ngon.

Mà mấy thứ rau này của tụi tui anh thấy hông, đó đó nó phải tươi, bự và dòn như

vậy ở đây đâu phải dễ kiếm, tui phải trồng trong chậu kiểng đó nghen.

Anh TD còn bàn luận thêm:

Giá sống mà anh MK đem luộc rồi mới ăn sao ngon được. Hết dòn và hết bỗ dưỡng

rồi. À mà, cái thịt bò bó như giò rồi khìa này ăn mới tuyệt chiêu đúng không?

Tui ngồi ăn đầy thích thú, dù đây là tô phở thứ ba trong ngày, tui góp lời:

Phở này lạ thiệt, mà nước thì lại hơi ngọt ngọt, thịt thì như kiểu giò thủ của người

Bắc, nhưng lại bằng thịt bò và gân, lại khìa với gia vị, nên đậm đà lắm. Tui

đã ăn phở từ Cali đến Boston, rồi khu Falls church ở Virginia, tức là vùng

Hoa Thạnh Đốn, tới Paris, Montreal, kể luôn bên Montreal, Toronto của Canada

và nhiều nơi có cộng đòan VN mà tui chưa được ăn phở có thịt ngon như zầy.

Nhai thêm vài miếng thịt bò khìa, tui thêm vào:

À tui nhớ rồi, hồi trước năm 75, có tiệm phở đường Tuyệt, sau gọi là Hai Bà Trưng,

gần Bến Bạch Đằng, chỗ gần hãng la de, nước đá BGI đó. Trời ơi, hơn 30 năm rồi

mà tui vẫn còn nhớ mùi vị thịt bò khìa và nước phở vừa mặn vừa ngọt như zầy.

Ăn no đầy bụng, lai rai vài ba câu trời đã khuya, tui từ giã gia đình anh Chị TD ra về. Anh TD nhất định bắt tui phải cho điểm, phở nhà nào ngon nhứt. Tui hứa sẻ trả lời bằng bài viết trên trang web. Ngẫm nghĩ, tui lại tự trách mình hôm nay có lẻ đã ăn ít nhất gấp 3 ngày thường, số calori có lẻ bằng số calori tui cần cho cơ thể cả tuần lễ. Nhưng sự phong phú về calori ấy không thể so sánh với sự nồng nàn 3 gia đình thân hửu đã dành cho tui. Đặc biệt sự trang trọng của 3 ông bạn tui dành cho vợ con của các vị ấy. Mỗi vị đều nồng nàn, chan chứa tình cảm, khi nói về món phở của gia đình mình. Thiệt ra, mỗi gia đình có món phở riêng của gia đình mình, mà tui được huởng cả 3. Cũng là phở và thịt bò, nhưng tui lại gọi là 3 món phở riêng, thể hiện thói quen, tình trạng sức khoẻ và tính cách địa phương của mỗi người. Anh KT thì thích thú khoe thịt bò vè dòn bùi và béo, anh

MK lại có món phở đặc biệt ngon cho người cao mỡ của gia đình anh với nước dùng trong và thơm, thịt thật mềm; anh TD lại có món thịt bò khìa với rau cũng như giá tươi dòn rụm của miền nam.

Cả 3 tô phở đều quá ngon, không tô nào gọi là ngon nhì hay ba được, cả 3 đều là ngon nhứt. Vì cả 3 đều hạp khẩu vị và hoàn cảnh của cả 3 gia đình. Nhưng hương vị đậm đà nhất là hạnh phúc gia đình mà cả 3 ông chồng, có lẻ đã hãnh diện nhưng không nói ra, mà lại chỉ khoe qua nồi phở.

Viết đến dòng chữ này, tôi muốn kể cho bạn nghe sự bàng hoàng của tôi, vào sáng chúa nhật, sau giấc ngũ nặng nề có lẻ vì ăn nhiều, 3 tô phở ngày hôm trước. Khi vừa thức giấc, tôi với tay bấm Tivi, trên màn ảnh, cảnh chiến tranh tang thương. Người ta đặt cả dãy xác chết tại Lebanon, của máy bay Do Thái vào phe giáo phái tại Lebanon, nhưng dân lành, nhất là trẻ em chết đầy dãy, phóng viên truyền hình nói rằng bác sĩ khám không thấy vết thương. Nhưng các nạn nhân đang ngũ và chết vì sức ép của bom nổ, lỗ tai chảy máu, nhưng họ không có vết thương nào cả. Sau đó TiVi cũng chiếu đám tang đau thương của nạn nhân bên Do Thái chết vì hỏa tiễn pháo kích của phe giáo phái Hồi Giáo từ Lebanon.

Sở dĩ tôi bàng hoàng, vì trận bom và pháo kích vào sáng chúa nhật gợi lại cho tôi, trận pháo kích hỏa tiễn 122 ly của quân cộng sản Bắc Việt vào Sài Gòn trước năm 1975, cũng vào sáng chúa nhật. Sáng hôm ấy, ngoài một nhà hàng xóm cách nhà tôi 5 căn, bị trúng pháo kích, một cái đầu treo lủng lẳng trên cột đèn, đạn 122 ly còn rớt vào nhà nguyện trường Taberd, nơi tôi theo học. Lúc đó mọi người đang dâng Thánh lễ vào khỏang hơn 10 giờ sáng, hỏa tiễn 122 ly đã soi thủng nhà 3 tầng và Frère Patrick đã về với Chúa. Hình ảnh không thể quên của vị thày dòng thương nhớ, chỉ khỏang hơn 20 tuổi, frère mặc áo chùng thâm, chạy trên sân bóng rỗ ngày nào, đã ly trần cách đây gần 40 năm.

Sinh sống và lớn lên tại Sài gòn, tôi chứng kiến hậu quả của khí giới từ Nga,Tầu; các bạn sống ở miền quê miền nam và Bắc Việt có lẻ thấy nhiều hậu quả của khí giới Mỹ, Nga, Tầu. Nạn nhân là dân Việt mình. Cũng như, nạn nhân Do Thái và Lebanon đang chịu khí giới của Mỹ, Iran và Nga trong cuộc chiến hiện nay.

Tôi càng thấm thía câu chuyện truyền tụng trong dân gian, ngay sau ngày 30-4-1975, một cụ bà ở Sài Gòn được phóng viên báo chí hỏi rằng tại sao cụ vui mừng chiến thắng của Cộng Sản Bắc Việt, cụ trả lời rằng vì kể từ nay tui sẽ yên nghĩ ban đêm, không sợ bị Việt Cộng pháo kích.

Câu chuyện đau buồn, chết chóc của chiến tranh, tôi mang ra đây khi kể lại câu chuyện của 3 thân hữu đã tìm được sự bình an và hạnh phúc trong đời sống gia đình; để kêu mời bạn hãy dành một phút nhớ lại mọi đau khổ mà dân Việt mình đã chịu trong chiến tranh, để cầu nguyện cho nạn nhân và các quốc gia liên hệ trong chiến tranh tại Trung Đông, nhất là cầu nguyện cho dân Việt mình tản mạn khắp nơi trên hòan cầu được bình an, dân Việt mình thoát khỏi mọi thế lực, bom đạn, bất kể từ nơi nào tới.

Để thoát khỏi chiến tranh, chết chóc, trầm luân, đau khổ, có lẽ chúng mình nên kiến tạo hạnh phúc và bình an trong gia đình mình, khởi đầu bằng những thao tác đơn giản như nấu và ăn phở với nhau trong ba gia đình thân hữu này chăng?

Đỗ Trọng An