13. Thân hình Và vóc dáng cây văn hóa Việt Nam

Tại Giáo Xứ Paris

Gốc rễ cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris chi chít những rễ nhánh, mọc ra từ hai rễ cái và hai rễ cả. Vị chi có bốn rễ chính là Âu Lạc, Bách Việt, Tam Giáo, Văn Minh Âu Mỹ Công giáo. Thân cây của Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris chỉ có một. Đó là thân cây Công Giáo Việt Nam. Vấn đề là coi xem vóc dáng, mầu sắc của nó thế nào. Nhìn dưới khía cạnh văn hóa, Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris có một vóc dáng có thể được lượng định với bốn nét chính sau đây : Nó có một lịch sử, có một sức sống, có một tổ chức và có một tương quan.

131.Có lịch sử non trẻ mà kỳ cựu

Lich sử của Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris vừa rất trẻ vừa kỳ cựu. Rất trẻ vì cộng đoàn Việt Nam Công Giáo Paris mới được thiết lập chưa tròn một thế kỷ trên lịch sử 4000 năm văn hiến của Việt nam, kỳ cựu vì cộng đoàn Việt Nam Công Giáo Paris là cộng đoàn Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại, khởi đầu từ những năm 40. Ngày nay trên khắp năm châu lục địa đều có các cộng đoàn công giáo việt nam : Mỹ châu, Á châu, Âu châu, Úc châu, Phi châu. Nhưng tất cả những cộng đoàn này chỉ bắt đầu từ năm 1975, chưa qua ba chục năm nay. Giáo Xứ Việt Nam Paris được manh nha từ 1946, do sáng kiến và góp sức của các giáo sĩ du học và anh chị em giáo dân, lính thợ hoặc du học sinh.

1311. Lịch sử non trẻ diễn ra

Trong tập Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ 1947-1997, Đức ông giám đốc Mai đức Vinh đã tóm lược lịch sử Giáo xứ vắn gọn rằng : (trang 6 và 37)

Giáo Xứ chúng ta được manh nha từ 1946, do sáng kiến và góp sức của các Giáo Sĩ du học vá anh chị em giáo dân sinh sống tại Pháp vào thập niên 40, sau đệ nhị thế chiến, trong bầu không khí tranh đấu độc lập cho Quê Hương. Đại Hội Toulouse 1946 là một Đại Hội lịch sử của người Công Giáo Việt Nam tại Pháp dưới nhiều khía cạnh. Nhờ ơn Chúa Thánh Thấn, thành quả của Đại Hội Toulouse là ‘Bản Điều Lệ và sinh hoạt Liên Đoàn’, đã được Giáo Quyền Pháp công nhận năm 1947. Chúng ta chọn 1947 như năm chính thức chào đời của Giáo Xứ chúng ta.

Từ cái nhân của Đại Hội Toulouse 1946, ngày nay đã có hơn 60 Cộng Đoàn Người Việt hiện diện trên 94 giáo phận của Giáo Hội Pháp. Và Giáo Xứ Việt Nam Vùng Paris luôn xứng đáng là Cộng Đoàn ‘Chị cả’ của các Cộng Đoàn Việt Nam khác tại Pháp. Hơn thế, Giáo Xứ Việt Nam Vùng Paris còn là Cộng Đoàn thâm niên nhất trong các Cộng Đoàn Công Giáo ngày nay trên thế giới. Đó là điều không thể phủ nhận.

Nếu căn cứ vào hai mốc thời gian, hai văn kiện quan trọng của Giáo Hội về Di Dân : Tông huấn ‘Gia đình xa cách’ (Exsul Familia, 1952) và Tự sắc ‘Mục Vụ Di Dân’ (Pastoralis Migratorum Cura, 1969), thì chúng ta có thể nói, lịch sử của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris trải dài trên lịch sử ở Mục vụ di dân" của Giáo Hội hoàn vũ.

Dựa trên những yếu tố trên đây, chúng ta có thể chia lịch sử của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris làm ba thời kỳ : Thời kỳ ‘Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp’ (1947-1952); Thời kỳ ‘Tổ chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp’ (1952-1977) và Thời kỳ ‘Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris’ (1977-1997)

- Thời kỳ ‘Liên Đoàn’ (1946-1952) : là giai đoạn hoàn toàn tự lập, chưa được giáo quyền địa phương hay tại quê nhà chính thức nhìn nhận hoặc yểm trợ.

- Thời kỳ ‘Truyền Giáo’ (1952-1977) : là giai đoạn được giáo quyền Pháp và Việt Nam khuyến khích và nhìn nhận theo tinh thần của tông huấn ‘Exsul Familia’ và bổ nhiệm linh mục ‘Giám Đốc các Thừa Sai’ hay ‘Giám Đốc Sở Thừa Sai Việt Nam’ (Direnteur des Missionnaires ou de la Mission) và chỉ có một ‘Sở Truyền Giáo’ (Mission) trung ương tại Paris bao trùm cả nước Pháp. Chưa có qui chế rõ rệt cho các linh mục làm mục vụ, Tổng giáo phận Paris chưa trực tiếp giúp đỡ về tài chánh.

- Thời kỳ ‘Giáo Xứ’ (1977-1997) : Mặc dầu tự sắc ‘Pastoralis Migratorum Cura’ đã được ban hành từ 1969, nhưng mãi đến biến cố 1975 ở Việt Nam và với làn sóng người Việt tị nạn qua Pháp, Giáo Hội Pháp mới nghĩ đến việc áp dụng tinh thần tự sắc vào việc tổ chức lại cơ cấu và sinh hoạt mục vụ cho cộng đồng người Việt tại Pháp. Việc áp dụng này chỉ thành hình cụ thể vào năm 1977, và thực sự vào năm 1986. Bởi vì mặc dầu từ 1952, Sở Truyền Giáo Việt Nam ở Paris ‘xét về nhiều mặt đã được đồng hóa như một xứ đạo, nhưng cho đến thư bổ nhiệm Cha Trương Đình Hòe vẫn còn gọi ngài là ‘Missionnaire’, mãi từ 1986, trong các thư bổ nhiệm Cha Mai Đức Vinh mới rõ rệt dùng chữ ‘curé de la paroisse Vietnamienne‘, cũng từ đây trong Ordo hằng năm của Paris mới đề chữ ‘curé’.

1311. Lịch sử kỳ cựu nhắc lại

Để tóm tắt năm chục năm lịch sử, để nhìn lại cái lịch sử xẩy ra, vắn gọn trong ba thời kỳ này và để mừng lễ kim khánh của Giáo Xứ, ngày 4.5.1997 một buổi thuyết trình đã được tổ chức mà một người tham dự đã ghi lại như sau (GXVN 136/ 01.07.97/7-11) :

Nằm trong chương trình mừng Kim Khánh, Chủ nhật 4.5.1997, từ 13g30 đến 15g30, tại Giáo Xứ có tổ chức buổi thuyết trình về GIÁO XỨ HÔM QUA V? HÔM NAY. Người đến nghe đông chật hội trường. Diễn giả là Bs. Nguyễn Văn Ái, Ông Nguyễn Văn Hộ chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ và Gs Trần Văn Cảnh. Ba vị đã từng gắn bó và đóng góp tích cực cho Giáo Xứ.

GIÁO XỨ HÔM QUA.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ái đúng là người ‘nói hay và làm hay’, khiêm tốn mở đầu phần nói truyện : Riêng tôi được hân hạnh đóng vai trò ‘Ông già kể truyện ngày xưa’ nói về giai đoạn khởi đầu của Giáo Xứ. Đối với một đời người, 50 năm chưa phải là tuổi già. Đối với một cộng đoàn 50 năm vẫn còn là thời rất son trẻ. Nhất là đối với cộng đoàn công giáo, mà tuổi thường được tính hàng thế kỷ, nếu không muốn nói là từng thiên niên. Nụ cười luôn nở trên môi và nét mặt vui tươi của diễn giả lôi cuốn cả hội trường chăm chú, thích thú nghe, không buồn ngủ hay ngán vào giữa trưa, khí trời mát nhẹ đang xuân.

Bác sĩ mở lại cho cử tọa xem những trang sử đầu của Giáo Xứ được ghi vắn tắt trong phần một cuốn Kỷ Yếu. Bằng giọng nói đầy truyền cảm và thêm luyến nhớ về những tháng năm làm việc chung với anh chị em đồng bạn để xây dựng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1947-1952), diễn giả kể lại nhiều chi tiết từng hoạt động của linh mục và giáo dân có mặt trong hình đen trắng của Kỷ Yếu. Nêu cao tính khí và lòng quảng đại, can đảm của từng người trong việc sống đạo và truyền bá Tin Mừng khi còn bôn ba hải ngoại hay hồi hương, như : dự lễ, tiếp tân, tham gia hội đoàn, học hỏi giáo lý, cắm trại, tìm trụ sở, đóng kịch, mở quán cơm bình dân, viết báo... Mỗi người một nghành nghề học và hoạt động, và được cảm tình nồng hậu của giáo quyền, chính quyền và giáo dân địa phương. Nhiều thành công đem lại kết quả mỹ mãn. Những mẩu chuyện thú vị khi họ vừa cắp sách đến trường, tu học hay bận rộn làm ăn, mà vẫn bỏ giờ ra cho cộng đoàn.

Sau giai đoạn Liên Đoàn, mọi người tản mát. Một số ở lại lập nghiệp tại Pháp. Phần đông trở về Việt Nam. Người vào Nam, kẻ ra Bắc. Tất cả đều hứng khởi, tin tưởng, muốn làm một cái gì cho Giáo Hội và cho đất nước. Trong số những người năm xưa, nay có người đã khuất. Người còn lại thuờng xuyên liên lạc với bác sĩ và thăm hỏi về cộng đoàn tiên khởi Việt Nam tại Pháp nay thế nào ? Tuy nhiên, theo cử tọa cùng nhận xét chỉ còn Bs Ái và chị Lê Phương Trà (Cursillo) trở lại sống bên cộng đoàn. Thật quí hóa ! Quả thật những bậc đàn anh chúng ta đã có trái tim trên bàn tay (il a le coeur sur la main).

Tài diễn giảng của bác sĩ khéo đưa cử tọa trong hội trường rạt rào tình cảm biết ơn, khi nói : Tôi phải suy nghĩ lâu giờ trong đêm khuya để viết bài cho KỶ YẾU, cho bài thuyết trình này. Tất cả tình cảm gói ghém trong bài Hương Thơm Kỷ Niệm :

Cõi trời đất, một đời đảm nhiệm.

Phận dân chiên, chung lụy tình quê...

Giữ giới răn, cầu duyên Thiên ước :

Rạng danh Cha, xác tín Lời ban...

(Kỷ Yếu. Tr. 79)

Bằng một lý luận đơn sơ chân thành, diễn giả cho rằng những người đi trước khai sinh cộng đoàn Việt Nam thành công trong một cuộc phiêu lưu không định trước để có Giáo Xứ Việt Nam hôm nay. Phần kết ‘kể truyện xưa’, bác sĩ đưa ra ba bài học rút tỉa từ những năm sinh sống trong giai đoạn đầu thành hình Giáo Xứ.

1. Không có một cuộc phiêu lưu nào diệu kỳ và chứa đựng nhiều bất ngờ đày ơn phước bằng cuộc phiêu lưu song hành với Thiên Chúa.

2. Liên Đoàn là môi trường huấn luyện, mở đầu cho tôi con đường dài vô tận, thâm sâu thăm thẳm và vô cùng gai góc, để tìm ý nghĩa sống và tin. Tìm là đi về ánh sáng của hiểu biết, của huyền nhiệm, để tin và sống thành một. Đi theo hướng đó, tin và sống không những cho riêng mình, nhưng còn với cộng đoàn và trong đoàn thể.

3. Tôi đã được gặp và chia sẻ một tình thương yêu nhau, bền chặt suốt đời. Tình yêu thương này dẫn đến sự tin cậy, tương trợ và khuyên bảo lẫn nhau, vượt qua mọi thành kiến chính trị, tôn giáo, mọi ranh giới kỳ thị đîa phương hay sắc tộc. Không còn người Trung, Nam hay Bắc. Không còn giai cấp trí thức, lao động. Không còn người tây, người ta. Không còn de đen, da trắng da vàng. Chỉ còn người với người, cố gắng đùm bọc nhau, xây dựng lẫn nhau, để trở thành những người con của Thiên Chúa, theo Thiên ý mong muốn tất cả chúng ta xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa.

Lời cảm ơn cuối cùng của diễn giả chưa dứt thì tiếng vỗ tay đã vang dội hội trường, như đáp lại người nói. Trong hàng ghế, nghe thấy nhiều tiếng nói nho nhỏ : Hay, hay quá, chưa bao giờ được nghe ai nói hay như thế.

Sau phần Bs Ái, có ông Đông và ông Đạt trước kia từng sinh hoạt thời Liên Đoàn, ghe có buổi nói truyện cũng đến tham dự. Hai ông đã bổ túc một vài chi tiết và tỏ ý sẽ đến với Giáo Xứ nhiều hơn.

GIÁO XỨ HÔM NAY

Gs Trần Văn Cảnh và ông Nguyễn Văn Hộ không những là chứng nhân mà còn là người làm và viết nên giai đoạn lịch sử quan trọng hôm nay của Giáo Xứ Việt Nam, trình bày phần hai của buổi thuyết trình qua ba khía cạnh nổi bật : Giáo Xứ Việt Nam hôm nay đã trưởng thành, sống bằng đức tin dồi dào và vững mạnh trong Giáo Hội Pháp. Giáo sư Trần Văn Cảnh khai diễn :

Giáo Xứ Việt Nam trưởng thành

Sức sống của cộng đoàn thực sự bước vào giai đoạn trưởng thành vào thập niên 80, như tuổi trưởng thành của người thanh niên Việt Nam ‘tam thập nhi lập’. Tức là giai đoạn cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trở thành giáo xứ thể nhân (1977 đến nay).

Về nhân sự, các cha làm việc tại giáo xứ được bổ nhiệm bằng giấy tờ và được trả lương (1979). Vị giám đốc được gọi là cha sở (curé) từ 1986 và các cha phụ tá được gọi là cha phó (vicaires). Ba mươi năm gần đây, Giáo Xứ Việt Nam được lãnh đạo bởi các vị giám đốc nhiệt thành : Cha Phanxicô Trần Thanh Giản (1954-1971), Cha Michel Nguyễn Quang Toán (1971-1977), Cha Emmanuel Trương Đình Hòe (1977-1979), Cha Denis Lương Tấn Hoằng (1979-1980) và nổi bật là Cha Giuse Mai Đức Vinh, giám đốc đương nhiệm từ 1980, với các cha trong ban giám đốc là Cha Vinxentê Nguyễn Văn Cẩn, Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, Cha Giuse Trần Anh Dũng và nữ tu Têrêsa Huỳnh Thị Na. Chúng ta phải hãnh diện vì có một ban giám đốc tài ba. Nhìn thẳng vào thực tế, ban giám đốc đón nhận và khích lệ tất cả giáo dân muốn đến và nhất là lắng nghe tiếng nói của mọi người. Giáo Xứ là nơi qui tụ tập họp không phân biệt tuổi tác, chức vụ, giầu nghèo... để tuyên xưng đức tin trong tình anh em một nhà và con một Cha trên trời.

Bên cạnh Ban Giám Đốc còn có Hội Đồng Mục Vụ, gồm từ 70 đến 80 đại diện của 6 đîa điểm mục vụ ngoại ô và vài ba chục các đoàn thể, hội đoàn và nhóm đang sinh hoạt đều đặn tại Giáo Xứ. Ban Thường Vụ là những vị tận tâm được tuyển chọn và bầu trong số các thành viên Hội Đồng Mục Vụ. Và rất nhiều người tự nguyện làm những việc không tên. Nếu tính ra tiền thì không lấy đâu mà trả cho đủ.

Sống bằng đức tin dồi dào và vững mạnh.

Về hoạt động của Giáo Xứ có cả chiều sâu, lẫn chiều dài và chiều rộng. Trước 1980, Giáo Xứ mới có 5 hội đoàn : Đạo Binh Đức Mẹ, Các Bà Mẹ Công Giáo, Lớp Giáo Lý, Ban Xã hội và Ca Đoàn. Hôm nay đã có tới 22 đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, cho đủ mọi giới tham dự. Giáo Xứ Việt Nam còn bành trướng và phát triển nhiều mặt về xã hội, văn hóa, xuất bản báo chí, ấn hành sách vở... Tại các đơn vị mục vụ vùng phụ cận ở Sarcelles, Garges, Stains Pierrefitte, Cergy Pontoise, Ermont, Noisy le Grand và Villiers le Bel ngày một phát triển và mở rộng không ngừng, có nhiều sinh hoạt độc đáo, vui tươi và hào hứng.

Về tài chánh và cơ sở, Các sinh hoạt trên được chạy đều là do nguồn tài chánh mà Ban Thường vụ đã lấy sáng kiến và tổ chức : các bữa cơm chủ nhật, bữa cơm thân hữu vào các dịp tết, hai ngày thân hữu hàng năm và xổ số Tombola... Cơ sở hiện nay còn chật hẹp, nhưng cộng đoàn đã nghĩ đến cần có nơi rộng rãi khang trang hơn để phụng thờ và bảo vệ truyền thống cha ông. Từ 1983, Ban Giám Đốc và Hội Đồng Mục Vụ đã nhiều lần vận động với giáo quyền xin cơ sở mới. Trong khi chờ đợi, Giáo Xứ đã gây quĩ Sổ Vàng được khoảng trên 4 triệu quan. Với số tiền này, chúng ta có quyền hy vọng một ngày mai tốt đẹp hơn.

Trong Giáo Hội Pháp

Nhờ chính phủ và Giáo Hội Pháp, đặc biệt Giáo phận Paris, mà chúng ta có một chỗ đứng không nhỏ và quan trọng so với các cộng đoàn ngoại kiều khác tại Paris. Giáo Hội Pháp coi chúng ta như người con ruột được cưu mang từ khởi đầu công cuộc truyền giáo vào thời kỳ bắt đạo. Nay vì hoàn cảnh phải xa quê hương.

Mặc dầu Giáo Xứ đã có bằng ấy năm chung sống tại Pháp, theo diễn giả, chúng ta vẫn còn là người ăn nhờ ở đậu, chưa tự lập, tự cường được. Chúng ta đã có ban xã hội, xuất bản nguyệt san, có lớp Pháp văn, lớp tiếng Việt... Tại sao mình không công khai để hợp thức hóa như những hiệp hội (associations) để được hưởng qui chế lương bổng và nhiều tài trợ khác. Thiết nghĩ đây cũng là điểm mới cần nghiên cứu và khởi sự cho những ngày sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Hộ bổ túc cho đề tài bằng nhận xét là Giáo Xứ vẫn còn nhiều quí ông chưa chịu tham gia hội đoàn. Ông đề nghị lập hội Vincent de Paul hay La Vie Montante cho các ông có đất dụng võ đồng thời làm phong phú sinh hoạt cộng đoàn.

Sau khi sơ lược những yếu tố thuận lợi cho sự vươn lên và trưởng thành của Giáo Xứ nhờ đào tạo nhân sự cẩn thận, bảo vệ văn hóa toàn diện, cầu nguyện song hành với suy tư chín chắn trong tinh thần keo sơn hợp quần gây sức mạnh. Hai diễn giả đã tạo cho cử tọa một sự tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của Giáo Xứ.

Tràng pháo tay đồng loạt biểu tượng cho tin tưởng mãnh liệt chấm dứt phần hai, để bước sang phần thảo luận,. ..

132. Có sức sống tươi mát

Có một tuổi đời lục tuần, sức sống của Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris, xem ra càng ngày càng tươi mát, sức sống này được múc ra từ những mạch mang lại một sinh lực đại bổ, làm cho Cây Văn Hoá Việt Nam tại giáo xứ cứ lớn lên mãi và càng ngày càng to thêm.

1321 Nguyên tắc quẢn lý căn bản Phúc âm

Giáo xứ là một cộng đoàn, một xã hội có tổ chức để đạt một lý tưởng.

Lý tưởng của Giáo xứ cũng như của Giáo Hội đã được người sáng lập là Đức Kytô vạch rõ qua bài giảng trên núi về tám mối phúc thật. Ở Giáo xứ, từ Ban Giám Đốc, Ban Thường vụ, Hội Đồng Mục Vụ, cho đến các đại biểu của các Địa Điểm Mục Vụ và Hội đoàn mục vụ, ai ai cũng nhất chí lấy tám mối phúc thật làm nguyên tắc sống cho riêng mình và cho sự quản lý các hoạt động chung của cộng đoàn.

Bài giảng trên núi về tám mối phúc thật đã được thánh sử Mat Thêu ghi lại như sau (Mt, 5, 1-12) : Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dậy họ rằng :

1. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ.

2. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

3. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.

4. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả

5. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.

6. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

7. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

8. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho các con khi ngưới ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thày, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời.

Thi hành nguyên tắc quản lý tám mối phúc thật là điều mà Giáo hội, và đặc biệt là hàng giáo phẩm, hằng áp dụng cho mình và khuyến khích, nhắc nhở giáo dân. Những Công đồng, những Thông điệp, những thư chung của các giáo hoàng và giám mục đều nhằm mục đích ấy. Từ sự áp dụng nguyên tắc quản lý tám mối phúc thật, nảy sinh ra những sáng kiến, những hoạt động, cho toàn Giáo hội nói chung cũng như cho giáo xứ nói riêng. Để hướng dẫn những sinh hoạt của mình, Giáo xứ thường xem xét những sinh hoạt chung của Giáo Hội.

Mười lãnh vực sinh hoạt hiện nay của Giáo Hội, được cha Michel LEMONNIER tóm lược trong cuốn sách ‘Lịch sử Giáo Hội’ đã từng là đề tài thảo luận hướng dẫn việc tổ chức các sinh hoạt tương lai cho cộng đoàn vào Đại Hội Mục Vụ trưởng thành toàn quốc tại Versailles từ 15 đến 18/05/1999. Mười lãnh vực đó là :

1. Tham dự vào mục vụ và phụng vụ trong tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican II.

2. Tham dự vào các sinh hoạt văn hoá một cách tích cực trên căn bản đức tin công giáo.

3. Tham dự vào các phong trào công giáo tiến hành mới và những tu hội triều.

4. Khám phá đời sống cầu nguyện và đi tìm sự hiệp nhất của Giáo Hội.

5. Tham gia vào các sinh hoạt phục vụ người nghèo.

6. Phát triển vai trò giáo dân và phụ nữ.

7. Khẳng định vị trí của các giáo hội, các địa điểm mục vụ trẻ trung.

8. Thực hiện những sinh hoạt có tính cách quần chúng to lớn và rộng rãi.

9. Tham gia phong trào đại kết tôn giáo.

10. Mở rộng đối thoại trên đường tìm chân lý mà tôn trọng tự do, công lý và hoà bình.

1322 Nguyên tắc quẢn lý căn bản ISO 9000

Trong bất cứ một tổ chức nào, người có trách nhiệm quản lý cũng đặt những câu hỏi này

- ’Phải quản lý làm sao để, trong mọi công việc, thực hiện được nhiều kết quả hơn mà không cần phải tốn thêm, hoặc được cũng ngần ấy kết quả mà có thể tốn ít hơn ?’

- Tại sao tổ chức này hữu hiệu hơn tổ chức kia ?

- Tại sao trong tổ chức này những người tham dự lại đông đảo và tích cực hơn hơn trong tổ chức kia ?

Các nhà quản trị, hoặc nghiên cứu quản trị đẵ phí tổn nhiều trí lực. Ở phương đông, từ đời Xuân Thu, từ năm 722 đến năm 479 trước công nguyên, Quản Trọng (-? đến -645), đã đề ra chủ thuyết phú cường; Tôn Tử đã soạn ‘Binh Pháp, mười ba thiên’, rồi Ngô tử soạn ‘Binh thư, sáu thiên‘,.. đều nhằm đưa ra những nguyên tắc quán trị căn bản.

Ở phương tây, trong lãnh vực kỹ nghệ và xí nghiệp, Henri FAYOL đã đưa ra những nguyên tắc quản trị, đặc biệt áp dụng cho ban giám đốc. Frédéric TAYLOR phân tích các tác động căn bản và đề ra những nguyên tắc quản trị, đặc biệt được áp dụng trong các xưởng sản xuắt. Peter Ferdinand DRUCKER trình bày nguyên tắc quản lý theo mục tiêu kết quả,..

Ở Giáo xứ, một số nguyên tắc quản lý đă được nhận thấy và áp dụng. Vô tình hay hữu ý, những nguyên tắc này rất gần với những nguyên tắc của Tổ Chức Thế Giới Tiêu Chuẩn, ISO 9000. Những nguyên tắc quản lý ở Giáo Xứ ấy là như sau :

1. Nhu cầu của giáo dân phải là nguồn gốc, nền tảng và mục tiêu của mọi hoạt động trong giáo xứ.

2. Ban Giám Đốc lãnh đạo bằng cách xướng xuất ra những mục tiêu, những đường hướng, rồi cùng Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục vụ đưa ra những chương trình và kế hoạch thực hiện, để từ đó, mỗi người và mọi người tự nguyện chấp hành và thực hiện.

3. Tất cả mọi giáo dân, mọi phần tử trong cộng đoàn, ai ai cũng được mời gọi để góp tài, góp lực, góp công, góp của vào các công việc mà Ban Giám Đốc và Hội Đồng Mục Vụ đã đề ra.

4. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được quản lý theo qui tắc tiến trình và chuẩn bị kỹ lưỡng.

5. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được quản lý theo nguyên tắc tổ chức hệ thống nhiệm thể của Giáo xứ, theo đó, Giáo xứ là một thân thể mà mỗi đơn vị, mỗi giáo dân là một chi thể liên đới và tuỳ thuộc lẫn nhau.

6. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn cải thiện và cầu tiến liên tục.

7. Mọi quyết định đều phải được lựa chọn theo những dữ kiện, thư liệu và tin tức khách quan.

8. Tất cả những ai gần xa tham dự vào công việc đều có quyền được chia phần kết quả.

1323. Một thí dụ làm việc : đại hội mục vụ hàng năm

Mỗi năm hai lần, đã thành thông lệ, giáo xứ tổ chức Đại hội mục vụ kỳ nhất vào trước hè, khoảng tháng sáu, và kỳ nhì vào cuối năm, khoảng tháng 12; kỳ nhất phúc trình và bàn thảo tổng quát về các sinh hoạt của giáo xứ và của các địa điểm mục vụ; kỳ nhì đặc biệt phúc trình và thảo luận về tổ chức giáo xứ và tổ chức các hội đoàn.

Một bản tóm lược Đại hội mục vụ do Giáo Sư Trần Văn Cảnh ghi lại, cho thấy rõ cách làm việc khoa học và sức sống tươi mát của cây văn hóa giáo xứ việt nam Paris. (GXVN 166/ 10.2000/ 4-6)

‘Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con Thần khí tác tạo của Chúa ? Người đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng’.

Sau kinh khai mạc này, ông tổng thư ký Trần Khắc Đạt đã nhường lời cho Ls Lê Đình Thông điều khiển chương trình của Đại Hội Mục Vụ kỳ thứ nhất, ngày 4.6.2000. Ba mươi bảy (37) đại diện có mặt tham dự đại diện cho 35 đơn vị mục vụ, hội đoàn đã lần lượt giới thiệu và đã tích cực tham dự đại hội qua bốn phần chính :

(Còn tiếp)