Những con số được đưa lên trang đầu bản báo cáo của UNAIDS vẽ lên một bức tranh u ám quen thuộc. 42 triệu người trên thế giới nay mang trong người HIV, loại virut có thể dẫn đến bệnh AIDS, như vậy là tăng 2 triệu kể từ báo cáo năm ngoái.

Hàng năm có thêm 5 triệu người bị nhiễm HIV, trong đó gần 1 triệu là trẻ em, và hàng năm có 3 triệu người bị chết vì AIDS. Liên hiệp quốc đặc biệt lo ngại cho châu Phi, bởi vì tỉ lệ lây nhiễm ở một số nước tăng quá nhanh, thí dụ như Nigeria, Cote-d’Ivoire và Cameroon, là những nước đã thoát được đỉnh điểm của dịch AIDS ở châu lục này.

Tuy nhiên tại một số nước khác như là Uganda, tỉ lệ lây nhiễm HIV tiếp tục giảm đáng kể, nhờ những đầu tư lâu dài cho giáo dục y tế. Bernhard Schwartlander, giám đốc phụ trách HIV và AIDS ở Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết có nhiều dấu hiệu lạc quan.

"Thí dụ như ở Ethiopia, tại thủ đô của nước này, tỉ lệ lây nhiễm trong dân số trẻ nhất đã giảm trong vài năm qua. Chúng ta thấy điều đó cũng xảy ra ở Nam Phi. Chúng tôi hy vọng tại các nước khác cũng sẽ như vậy."

Nhưng theo thống kê của Liên hiệp quốc thì Á Châu đang qua mặt Phi Châu để trở thành trung tâm điểm của dịch bệnh AIDS. Tại Ấn Độ hiện đã có 4 triệu người bị nhiễm HIV; Trung Quốc có 1 triệu người mà Liên hiệp quốc nói có thể tăng thành 10 triệu trước cuối thập niên này.

Tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, tình trạng tiêm chích đã khiến HIV lây lan nhanh chóng. Các Cộng Hòa Trung Á vài năm trước hầu như không ai biết HIV là gì vậy mà bây giờ đã có con số lây nhiễm cao đáng kể; lấy thí dụ như ở các nước vùng Baltic, chỉ trong 1 năm tỉ lệ lây nhiễm HIV tăng gấp đôi.

Bản báo cáo của Liên hiệp quốc chỉ trích nhiều nước ở Bắc Phi, và các nước nói tiếng Ả Rập là không chịu nhìn nhận vấn đề cho nên đã không làm thống kê cho chính xác tỉ lệ lây nhiễm HIV trong dân chúng.

Về phương diện điều trị thì nhìn chung thế giới dược cải thiện một cách chậm chạp. Nhưng cũng chỉ có 4% dân số cần được điều trị là có thể tìm được thuốc mà thôi. (BBC)