Đây là nghiên cứu của các khoa học gia New Zealand về quan hệ giữa sự bần cùng thời thơ ấu và sức khỏe khi vào tuổi trưởng thành.

Các quan hệ giữa nghèo đói và sức khỏe đã được nhắc đến từ lâu, nhưng đa số nghiên cứu tập trung vào tình trạng tài chính và xã hội của người trưởng thành, chứ không xem nguồn gốc kinh tế-xã hội của họ.

Còn nghiên cứu mới, đăng trên tạp chí The Lancet, nói rằng sức khỏe của cá nhân khi trưởng thành phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập và địa vị của cha mẹ của họ.

Các bác sĩ xem xét tình trạng của khoảng 1000 người sinh tại New Zealnd trong năm 1972 và 1973.

Ở tuổi 26, họ đã được khám nghiệm theo nhiều yếu tố sức khỏe, bao gồm chất béo trong cơ thể, huyết áp, các vấn đề răng và tim mạch…

Kết quả cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa từng yếu tố và nguồn gốc kinh tế-xã hội của cá nhân: người có sức khỏe tốt nhất cũng có thời thơ ấu sung túc và ngược lại.

Những trẻ em nghèo dễ mắc gấp ba lần các bệnh về răng, dễ nghiện rượu gấp hai lần và cũng dễ mắc các bệnh về tim mạch.

Các bác sĩ hi vọng nghiên cứu này sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách, bác sĩ đẩy mạnh nỗ lực cải thiện sức khỏe của trẻ em. (BBC)