Các nhà lãnh đạo NATO họp ở Prague đã mời thêm bảy nước khác gia nhập tổ chức này. Và đúng như mọi người dự đoán bảy nước này là Bulgaria, Romania, Estonia, Latvia, Lithuania, Slovakia, và Slovenia.

Những nước này sẽ trở thành thành viên của NATO vào năm 2004. Tiến trình thu nạp hội viên mới của Nato đã diễn ra một cách tương đối tuần tự dù có sự phản đối của Nga.

Từ 19 nước nay trở thành 26 nước, đây có lẽ là sự mở rộng lớn nhất của khối NATO, đẩy biên giới của tổ chức này xa hơn nữa về phía Đông.

Việc thu nạp thêm hội viên mới, trong đó bao gồm các nước Cộng hòa Ban tích thuộc Liên xô cũ, là một sự thay đổi to lớn, thế nhưng đã xảy ra một cách tương đối tuần tự, không có nhiều bàn cãi.

NATO đã vượt qua sự chống đối của Nga một cách dễ dàng, và mục tiêu hiện giờ của cả khối là cuộc chiến chống khủng bố và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tổng thư ký NATO Lord George Robertson nói rằng NATO luôn là một tổ chức có xu hướng đa dạng.

Năm 1999 các nhà lãnh đạo NATO đã loan báo một kế hoạch thu nhập hội viên, để giúp các nước ở Âu châu chuẩn bị gia nhập tổ chức.

Các nước muốn gia nhập đã làm việc khẩn trương trong nhiều năm để hiện đại hóa và cải tổ quân đội, đáp ứng tiêu chuẩn cao của NATO về giá trị, pháp quyền, và thể chế dân chủ mạnh mẽ.

Tất cả các nước muốn gia nhập có thời gian đã phải đối diện với những quyết định khó khăn. Đây là sự phản ánh quyết tâm chính trị muốn gia nhập NATO của những nước này.

Nga phản đốI

Nga đã nhắc lại sự chống đối của họ đối với việc mở rộng khối NATO về phía Đông. Theo các nhà ngoại giao Nga, thì lập trường của Nga là không thay đổi.
Nga nhấn mạnh rằng không có lý do nào để biện minh cho việc mở rộng khối NATO sang phía Đông, vì những mối đe dọa dẫn tới sự hình thành của tổ chức hồi thập niên 1940 nay không còn nữa.

Nga nói rằng việc mở rộng khối là dựa trên tư duy cũ. Thế còn phản ứng của các nước Đông âu đã gia nhập NATO thì sao? Tổng thống Ba Lan Alekzandre Kvasniewski phát biểu rằng Ba Lan đã ủng hộ tiến trình này ngay từ ban đầu với sự hài lòng.

Ba Lan tin rằng quyết định thu nhập thêm hội viên mới sẽ càng chỉ làm cho NATO mạnh mẽ hơn. Chính sách mở cửa thu nhập thêm hội viên của tổ chức là cần thiết và phải được tiếp tục.

Bush hoan nghênh

Tổng thống Mỹ George W. Bush tin rằng việc mở rộng khối sẽ tăng cường tổ chức mà Washington gọi là một trong những đồng minh quan trọng nhất của họ.

Các phái viên cho rằng các thành viên mới khi gia nhập khối không mang lại bao nhiêu sức mạnh quân sự, thế nhưng các nhà lãnh đạo họp tại Prague tin rằng mở rộng tầm hoạt động về an ninh của NATO sẽ giúp kiến tạo ra một Âu châu ổn định và thịnh vượng.

Cạnh đó người ta chờ đợi là tổ chức này sẽ chấp thuận nhiều cải cách sâu rộng liên quan đến đường hướng hoạt động.

NATO muốn hình thành một đội quân phản ứng nhanh, và khả năng điều quân một cách nhanh chóng tới những điểm khủng hoảng. NATO được hình thành trong thời kỳ chiến tranh lạnh và hiện tổ chức này đang phải vật lộn với nhiều thách thức mới. (BBC)