Chuyện vãn: Ngày tóc xấu

Buổi sáng hôm ấy không phải là lần đầu tiên Jane bị như vậy. Như đã dự tính trước, buổi chiều khi ở hãng ra, Jane sẽ gặp một người bạn ở xa ghé thăm nhân chuyến đi công tác cho hãng của cô ta, và hai người sẽ đi ăn tối ở một nhà hàng khá sang trọng. Jane nghĩ, bạn mình luôn thành công trong nghề nghiệp, lại vốn là người có sắc đẹp, chắc hẳn là càng ngày càng lộng lẫy hơn ra. Tuy Jane có nếp sống giản di, vừa phải, nhưng cô cũng không muốn "chìm lỉm" bên cạnh bạn, ít ra là về ngoại hình và phong cách của mình. Vì thế sáng hôm đó Jane đã mất khá nhiều giờ với mái tóc và bộ quần áo. Cuối cùng, cô bị trễ giờ và vội vã ra khỏi nhà, đành chấp nhận hôm nay là một "ngày tóc xấu" của mình.

Người Mỹ gọi là "bad hair day", ngày tóc xấu, khi tự dưng có một buổi sáng sửa soạn để đi làm thì mái tóc dở chứng, không chịu "vâng lời" như mọi khi. Chải thế nào trông nó cũng vẫn kỳ quặc. Càng xịt keo cho nó giữ nếp, thì nó càng rũ rượi thêm. Thỉnh thoảng Jane vẫn bị "ngày tóc xấu" như thế. Lý do có thể vì tóc mới cắt hôm trước nên ngắn hơn mọi khi, và người thợ làm tóc có thể bỏ quá nhiều chất làm mướt tóc, nên phải sau mấy buổi sáng gội đầu, tóc mới trở lại bình thường được. Và có lẽ còn nhiều lý do khác nữa. Nhưng Jane không hiểu sao mình luôn bị "ngày tóc xấu" vào những hôm mà buổi chiều sau khi làm cô có hẹn gặp gỡ với những người quan trọng trong tương quan việc làm, hoặc với những bạn bè lâu ngày không gặp để đi ăn tối. Không chỉ vất vả với đầu tóc, cô còn mất nhiều giờ với quần áo nữa. Mặc bộ này vào, thấy không được, lại đổi bộ kia... Cuối cùng là trễ giờ và Jane phải vội vã rời nhà với mái tóc hết sức "vô duyên" và bộ quần áo "không giống ai" sau quá nhiều lần đổi ý. Và cả ngày hôm đó cô có cảm tưởng ai cũng nhận thấy như thế.

Rồi bỗng dưng, có lần đọc một câu chuyện ngụ ngôn nọ, Jane đã vỡ ra nhiều điều. Nó giúp cô hiểu tại sao mình bị "ngày tóc xấu" vào những ngày quan trọng đối với cô. Không những thế, Jane còn hiểu thêm tại sao nhiều bà nột trợ bình thường vẫn làm một món nào đó rất ngon, nhưng khi mời khách đến nhà để thưởng thức món đó thì lại nấu hỏng! Chuyện đó xảy ra với nhiều người, và người ta chỉ biết than trời mà không hiểu tạo sao lại ra như thế. Jane cũng không hiểu, cho đến khi đọc câu chuyện ngụ ngôn đó.

Câu chuyện rất vắn tắt và không có gì đặc biệt, về một người có tài thiện xạ. Anh ta nhắm cái gì là bắn trúng cái đó, trăm phát trúng cả trăm. Một hôm anh đi dự cuộc thi bắn, và dĩ nhiên hy vọng mình sẽ thắng. Thế nhưng anh đã bắn trật, và trong khi chưa hiểu tại sao mình lại bắn trật, thì lại bắn trật nữa, và trật nữa...Cuối cùng anh đã thua cuộc một cách thê thảm. Mới nghe qua, người ta dễ nghĩ rằng anh chàng đó quá tự tin vào khả năng của mình, đến độ khồng đề phòng là có kẻ khác còn giỏi hơn. Điều đó có thể đúng. Nhưng nó cũng làm ta liên hệ đến hiện tượng mời khách đến nhà đã món "tủ", mọi khi nấu lần nào cũng ngon, nhưng hôm đó lại nấu hỏng. Không có địch thủ nào cả, mà sao không nấu ngon như mọi khi ?

Đọc tiếp lời bàn phía dưới, thì Jane vỡ lẽ ra tất cả.... Là vì mọi khi anh ta để hết tâm trí của mình vào việc nhắm và bắn, nên bắn đâu trúng đó. Khi dự cuộc thi, anh ta lại để quá nhiều tâm trí vào chuyện thắng thua, hơn là để vào việc nhắm và bắn, cho nên làm sao mà bắn hay như mọi khi được. Đã thế, khi bắn trật phát đầu tiên, có thể anh đã ngỡ ngàng và cảm thấy có điều gì đó không bình thường, và lại bân tâm ngay vào cái sự việc không bình thường này. Cứ thế, anh không thể hoàn toàn chú tâm vào việc nhắm và bắn nữa.



Chuyện mái tóc hay quần áo của Jane vào những dịp quan trọng cũng thế. Tâm trí của cô đâu có để vào việc chải tóc ngay lúc đó, mà nó đã chạy đi trước, đã dựng sẵn cái sân khấu với cảnh gặp gỡ và so sánh... Chuyện trổ tài nấu nướng của các bà nội trợ cũng vậy. Trong khi còn đang nấu, khách chưa tới, thì biết đâu tâm trí người nấu đã đang hồi hộp lo lắng với những lời khen chê (chưa xảy ra) của khách.... Thế là cái nồi trên bếp bị bỏ quên, dù trong thoáng giây nhưng có khi đang giữa lúc nêm nếm, thử hỏi sao không hỏng cho được. Còn mọi khi vẫn nấu nhưng không có yếu tố khen chê, thì nó vẫn ngon đấy chứ.

Điều Jane học được trong câu chuyện này, là hễ để hết tâm trí vào cái việc mình đang làm, thì tất cả năng lượng và khả năng của mình đều dồn hết vào đấy, và nó sẽ hoàn tất tốt đẹp. Nếu để đầu óc lăng xăng chạy đây chạy đó, nghĩ đến chuyện này, tưởng tượng việc kia, ngay cả vội nghĩ đến cái kết quả sắp sửa đạt được.... tức là làm phân tán và phí phạm năng nượng, khiến cho việc đang làm không thể đạt kết quả mà lẽ ra sẽ đạt được. Jane thường gọi những lúc đó, dù chỉ là một tích tắc thôi, là những giây phút mà "hồn một nơi, xác một nẻo". Thân xác vẫn ở đây nhưng hồn đã ngao du về quá khứ hoặc chạy sang tương lai, đang ôn lại những lúc gặp gỡ, trao đổi, hoặc lăng xăng sắp xếp hết chuyện này tới chuyện khác sẽ xảy ra ở một nơi chốn nào đó, và hồn không hề biết xác đang trải qua những gì ngay bây giờ và trong lúc này.

Jane còn cảm thấy như mỗi khi hồn mình ngao du như thế, nó thường lấy mất của cô những năng lượng cần thiết cho "chuyến đi". Jane biết chắc điều đó, vì cô vốn thuộc loại người thích mơ mộng. Nhiều khi cô chỉ ngồi nhìn vào khoảng không và thả hồn vào những ý nghĩ vẩn vơ, đến khi trở về với thực tại thì có khi đã mất cả nửa giờ, và Jane cảm thấy mệt mỏi hoặc lười biếng, chứ không thấy hăng hái để làm bất cứ việc gì.



Một hôm trên đường đi làm, vừa lái xe trên xa lộ, vừa mải suy nghĩ đến một việc nào đó, Jane đã vào đúng cái exit thường ngày lúc nào không hay. Lần đó Jane hiểu ra cái hiện tượng mà người Mỹ gọi là "auto pilot". Cơ thể có "trí nhớ" của nó đối với những công việc thường ngày, được lập đi lập lại. Vì thế, khi Jane thả cho hồn mình đi lang thang, thì cái xác của cô tự mình nó vẫn lo được mọi việc theo thói quen. Nhưng cái lần nó tự động đi vào đúng cái exit thường ngày, đã làm Jane hú hồn. Cứ kiểu này có ngày tai nạn sẽ xảy ra, xác bị hủy diệt trong nháy mắt, và hồn có nhanh chân chạy về thì đã quá muộn....

Các sách thiền của Đông Phương đều nói về cái tâm, và bản chất của tâm là vọng động và thích lăng xăng. Theo sự hiểu biết đơn giản của Jane, căn bản của thiền là đưa cái tâm lăng lăng trở về với thực tại, và khi đó mới thật sự là tỉnh thức. Nhưng Jane vẫn thích gọi nó là cái hồn, và khi hồn lăng xăng hoặc ngao du đây đó, thì cô biết mình chỉ còn là cái xác không hồn mà thôi, và năng lượng của mình bị hồn đem đi phung phí quá nhiều. Dựa theo môn thiền Vipassana (Thiền Minh Sát), Jane cố luôn để ý theo dõi cái "hồn" của mình thường xuyên hơn, xem "nó" đang làm gì và ở đâu. Vẫn theo sự giải thích của môn thiền này, Jane thấy đúng là "nó" tinh lắm, hễ bị Jane bắt được quả tang nó không hề có mặt ở nhà, là nó nhanh chân vù về ngay. Jane rất hài lòng nỗi khi nó tỏ ra biết điều như thế, dù biết là chẳng được mấy phút là nó lại lăng xăng mất rồi. Làm được điều đó, cô hy vọng năng lượng của mình ít bị phung phí, tránh được những giây phút mà thân xác phải tự làm auto pilot hoặc trở thành phi thuyền không người lái, rất là nguy hiểm.

Bây giờ, Jane có thể nhận biết được khi nào mình đang ở trạng thái "hồn và xác nên một", và đó là lúc cô cảm thấy mình có được sự tỉnh thức và sáng suốt trước những gì đang xảy ra chung quanh trong giây phút hiện tại.

Ấy thế mà thỉnh thoảng, Jane vẫn suýt bị một ngày tóc xấu, nhưng cô ý thức ngay điều gì đang xảy ra. Khi đó, dù mái tóc không được đẹp cho mấy, cô cũng nhanh chóng chấp nhận và không cố bắt nó phải đúng như ý mình nữa.