Phóng viên BBC cho biết sự khai thông có được sau khi các du kích quân đồng ý sự tự trị cho tỉnh Aceh thay vì đòi có trưng cầu dân ý cho độc lập như họ đã tranh đấu từ lâu nay. Người ta ước tính đã có hơn 10 ngàn người bị thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở Aceh.

Ông Bill Dowell, phát ngôn nhân của trung tâm Henri Dunant đóng tại Geneva, là tổ chức giúp các cuộc đàm phán giữa hai phía, cho biết lễ ký kết sẽ diễn ra ở Geneve vào ngày 9 tháng 12.

"Các điều khoảng của hiệp ước là sẽ lập tức chấm dứt các hành động thù địch giữa hai phía, kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử tự do, và phần chính của thỏa ước này sẽ là việc triển khai các quan sát viên kiểm tra việc thi hành hòa ước."

Các nhân viên kiểm tra này sẽ xem xét bất cứ vi phạm nào và báo về cho một ủy ban an ninh chung, sẽ được thành lập với các thành phần bao gồm cả phía chính phủ và phe phiến quân của phong trào giải phóng Aceh, cũng như hiệp hội Henri Dunant.

Trong ủy ban này cũng sẽ có sự tham gia của các nhân vật quốc tế nhằm đảm bảo tính khác quan và tự thân tổ chức này sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vi phạm ngưng bắn nếu có.

Các nhà trung gian thuộc hiệp hội Henri Duncan đã cho biết một số các chi tiết cần được tiếp tục xem xét nhưng họ tin rằng cả hai phía đã quyết tâm đạt được một hiệp ước.

Các nhà trung gian quốc tế phải mất đến hai năm mới có thể đưa chính phủ Indonesia và phe phiến quân đến giai đoạn hôm nay, và thậm chí ngay vào lúc này, những viễn cảnh của sự kết thúc cho cuộc xung đột này vẫn còn chưa là điều chắc chắn

Ngay cả khi nhà lãnh đạo lưu vong của phong trào giải phóng Aceh đã đồng ý ký vào một văn kiện do chính phủ đề đạt, trong đó trao quyền tự trị cho Aceh, thì quân đội Indonesia vẫn còn bao vây một nhóm phiến quân Aceh trong vùng, trong số này có cả các thủ lĩnh cao cấp phong trào giải phóng Aceh.

Cuộc xung đột kéo dài đã 26 năm nay đã trở nên phức tạp và tàn bạo. Quân đội Indonesia đã gây ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền đối với dân cư địa phương. Cả quân chính phủ lẫn phiến quân đều dính líu vào các họat động kinh doanh bất hợp pháp,chẳng hạn như buôn lậu.

Tuy nhiên, các nhà trung gian đàm phán đã tạo được khai thông. Phe phiến quân nay đã đồng ý ký một hòa ước, trong đó trao cho họ quyền tự trị chứ không phải là một cuộc trưng cầu dân ý cho một nền độc lập hoàn toàn, mục tiêu mà họ đã chiến đấu.

Điều này sẽ làm giảm đi các lo ngại của Indonesia về vấn đề chia cắt quốc gia và cuối cùng, hòa ước này sẽ đưa đến việc giảm quân và cảnh sát trong vùng, mà đối với nhưng người dân Aceh, thì đó chính là phần quan trọng nhất của bất kỳ một thỏa ước nào. (BBC)