LỜI CHÚC ÐẦU NĂM



Ngày xưa còn bé tí, tôi thấy thời gian đi thật chậm, mong tết từng ngày mà vẫn không hề thấy tết. Thế mà nay thì hoàn toàn khác. Mừng tết chú Gà như mới hôm qua, nay chớp mắt đã sang tết chú Cẩu. Cụ Chánh tiên chỉ làng nhậu của tôi bảo như thế là điềm tốt. Khi người ta đau khổ thì thấy thời gian đi lâu vô cùng, còn khi người ta hạnh phúc thì thấy lẹ như tên bay. Chắc đúng như vậy quá. Càng ngày làng nhậu chúng tôi càng vui nên ai cũng thấy thời gian bay nhanh hơn hỏa tiễn. Dịp tết này còn vui hơn nữa vì có hội viên viễn phương Từ Hoè từ miền Tây về làng. Ai cũng nôn nóng gặp ông vì từ lâu ông giữ chức đầu bếp trong bữa ăn tiễn Ông Táo ngày 23 tháng Chạp.

Ông qủa là đa tài. Ngày xưa trong quân đội đánh giặc đã hay, nay sang Canada ông còn hay hơn nữa. Xin để từ từ rồi tôi sẽ trình các cụ tiếp về cái ông này.

Trong mâm cơm tiễn ông Táo, ông làm ba con cá chép lớn. Hỏi ông sao lại ba mà không hai, không bốn thì ông trả lời con số ba là con số vĩ đại. Số ba tượng trưng thiên địa nhân. Số ba chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi. Số ba chỉ Phật Pháp Tăng. Số ba chỉ ba điều lớn là lập đức, lập ngôn và lập công. Ông còn kể ra rất nhiều con số ba quan trọng trong nhiều lãnh vực. Thật ông thông minh sáng láng quá sức. Rồi ông cười hì hì : ấy là tôi chưa kể gia đình ông táo có 3 người : hai ông một bà. Phải ba con cá để mỗi vị có một con mà cưỡi về chầu ngọc hoàng chứ.

Các cụ thấy cái ông Từ Hoè này giỏi chưa. Mới sơ sơ thôi đấy. Chị Ba Biên Hoà và Cụ B.95 mê ông như điếu đổ là thế.

Ông Từ Hoè đi chợ VN dưới phố về, tặc lưỡi hít hà : Xứ này là đất thiên đàng! Nào ai có thể ngồi được nơi này là xứ cá hồi Salmon nay lại có cả cá chép VN nữa, mới sướng chứ. Bên VN có cái gì thì chợ ở đây cũng có y như vậy, trừ một món mà thôi. Ông đố mọi người cái món thiếu này là món gì. Cái ông này hóm hỉnh lắm, chưa ai đoán được ý ông, nên chưa ai dám lên tiếng ngay. Mãi hồi lâu thì Chị Ba nói : có phải thiếu món ‘óc khỉ’ không ? Ông trả lời ngay, món óc khỉ là món của bà Từ Hy Thái Hậu bên Tàu, là món Tàu, tôi nói món VN cơ. Cụ Chánh lên tiếng : Thế có phải là món thịt chó không ? Ông Từ Hoè liền vái Cụ Chánh một cái rồi thưa : Chỉ có Cụ là biết hết cái đầu của kẻ hậu sinh này !

Sau tiệc lễ cúng ông táo, chớp mắt một cái là đến tiệc tân niên. Ai cũng phát biểu rằng thời gian đi lẹ không ngờ. Đúng là chớp mắt. Sau đây là lời của mấy đại triết gia trong làng tôi luận về thời gian.

Cụ B.95 kể kinh nghiệm bản thân. Cụ sang đây đã 10 năm mà như mới hôm qua. Ngày mới sang Canada thì cụ được bồng đứa cháu nội mới sinh sáu tháng. Cụ sung sướng vô cùng, suốt ngày ôm ấp cháu. Nhưng cụ và con cụ là cha đứa bé thường tranh luận về cách nuôi. Nó luôn đặt đứa bé nằm sấp để cho dễ hô hấp, tôi thì chuyên môn đặt cháu nằm ngửa. Tôi bảo thằng con tôi mày thử nằm sấp một lúc xem có dễ thở không. Nó không cãi được nhưng nó bảo sách Canada dạy đặt con trẻ nằm sấp là tốt nhất. Đêm ngủ, tôi ôm đứa cháu nội trong lòng. Bố nó không chịu. Tôi bảo con đẻ ra đứt ruột mà bắt nó nằm riêng thì không thấy xót à. Nó vẫn không chịu. Thấy cháu khóc, tôi cho uống nước. Con tôi thấy tôi thổi phù phù vào cốc nước thì nó la lên. Nó bảo tôi thổi hết vi trùng từ miệng tôi vào cốc nước. Cứ thế, hai mẹ con tối ngày cãi nhau về cách nuôi trẻ. Tôi bảo mấy tháng nữa khi đứa bé lên một tuổi thì tôi sẽ mớm cơm cho nó ăn. Nó mà ăn cơm do miệng tôi mớm thì sẽ lớn như thổi. Hai vợ chồng nó nghe tôi mớm cơm thì chúng nó thét lên rồi nằm vật ra giường vì sợ hãi. Nghĩ mà buồn cười qúa các bác nhỉ. Ấy thế mà đã 10 năm. Thằng cháu nội mà tôi thổi nước phù phù cho nó uống và định mớm cơm cho nó ăn thì nay đã 10 tuổi, đã cắp sách đi học. Nhanh thật là nhanh vậy đó.

Anh John thì kể chuyện ngày xưa lúc mới lấy chị Ba Biên Hòa và đang học nói tiếng Việt. Rằng bữa đó có cô bạn nhà tôi tới chơi, tôi kéo ghế rồi nói : Mời chị chơi ngồi. Nghe tôi nói xong thì mặt cô gái đỏ lên như gấc. Còn tôi thì thắc mắc. Tôi đặt câu đúng văn phạm mà. Theo cấu trúc anh văn thì tiếng quan trọng đặt ở cuối cùng. Tiếng ngồi là quan trọng thì tôi mời cô ngồi, còn chữ chơi là tiếng phụ tôi đặt trước. Chơi ngồi thì đúng qúa rồi, có sai chỗ nào đâu. Vợ tôi thấy cô bạn đỏ mặt thì nói chữa ngay : mời chị ngồi chơi. À, ngồi chơi khác chơi ngồi. Rồi một hôm khác có anh bạn tôi mới quen trong đơn vị dắt vợ đến thăm chúng tôi. Anh bạn biết tôi đang học tiếng Việt nên anh chỉ vào vợ rồi giới thiệu : Anh John à, đây là nhà tôi. Để tỏ ra mình hiểu câu tiếng Việt đó, tôi bèn hỏi : Đây là nhà anh, vậy chứ cửa ra vào căn nhà ở chỗ nào ? Cả hai vợ chồng đều đỏ mặt, cả vợ tôi cũng đỏ mặt luôn. Chuyện này đã mấy chục năm mà tôi thấy như vừa hôm qua. Thời gian đi lẹ đến thế.

Ông Từ Hoè cũng góp chuyện. Rằng các bạn còn nhớ năm 1980 khi tôi vừa xin được việc lau cửa kiếng cho cao ốc 50 tầng dưới phố không ? Hình như ngày xưa tôi có kể cho các bạn nghe rồi thì phải. Kỳ đó ông còn rất khoẻ, không coi việc đu giây từ trên nóc cao ốc ra cái gì cả. Chủ cho phép ông cứ hai giờ đươc lên nóc để uống cà phê và đi đái. Ông không lấy cái phép này. Việc đi đái, bao giờ ông cũng cười ha ha rồi nói : rót vào không khí trên cao sướng lắm, vừa mát mẻ vừa thoái mái. Vòi nước từ lầu cao 50, 40 không thể rơi tới đất, không thể rơi vào đầu tây đầm đang đi ở dưới đươc, lý do là nó đã tan vào không khí và đã bay đi theo gió. Chắc ông Larousse ngày xưa cũng có kinh nghiệm này nên bìa tự điển ông ghi rõ ràng ‘Je sème à tout vent’, nghĩa là tôi gieo hết theo gió. Kể đến đây rồi ông kết luận : mới đó mà đã một phần tư thế kỷ !

Rồi dân làng quay vào tôi hỏi tôi có thấy thời gian trôi lẹ không. Tất nhiên là lẹ rồi. Tôi là người luôn luôn hạnh phúc mà. Và tôi kể chuyện văn chương. Rằng mỗi lần đến tết là tôi mỗi nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Hùng, bút hiệu Thày Khóa Tư. Trong đời, tôi chưa thấy ai thông thái chuyện văn chương bằng ông, và cũng chưa thấy ai khiêm nhường như ông. Ông định cư ở đất Toronto, sinh hoạt bút giấy một thời gian rồi cỡi hạc quy tiên. Ông thanh thản về cõi vĩnh hằng cách đây hơn hai năm. Tôi được vinh hạnh quen ông và làm bạn với ông trên miền đất hạnh phúc này. Khi tôi đọc sách hay viết lách mà gặp cái gì khó như câu chữ Hán hay điển tích, tôi gọi ông một tiếng là được ông giải thích ngay. Rất mau chóng và rất rõ ràng. Có lần tôi than già thì ông cười khà khà rồi bảo : bọn mình chưa già như lời ông thân tôi ngày xưa đâu. Các cụ có biết thân phụ của ông là ai không ? Thưa là quan đốc học tỉnh Hải Dương ngày xưa. Làm quan đốc học một tỉnh thì phải hiểu quan giỏi văn chương chữ nghĩa lắm. Ông kể là thời còn bé, hằng tháng quan đốc học họp các vị văn hay chữ tốt trong tỉnh đễ bàn chuyện sách vở. Ông còn bé tí nên được thân phụ cho đứng hầu trà. Ông kể rằng bữa đó có vị chức sắc đề nghị lấy đề tài ‘tả tuổi già’ để làm thơ. Ai cũng làm thơ. Và hai câu của thân phụ ông được mọi người tán dương là hay nhất và đúng nhất. Tuổi già thì nó như thế này :

Trên thì móm mém nhai không vỡ,

Dưới lại chun choăn nhét chẳng vào !

Các cụ độc giả cao niên thấy thế nào ? Hay số một và đúng số một chứ ?

Đó là bố ông. Vì bố ông giỏi như vậy nên mới đẻ ra ông chữ nghĩa cũng đầy mình. Trước 1975, ở Saigon, ông nổi tiếng về các bài phú và các câu đối. Có một câu mà ông chủ báo Sống Chu Tử và ông chủ Báo Xây Dựng Thiên Hổ đã đánh giá là đáng sơn son thếp vàng và đáng ghi vào văn học sử VN. Thày Khóa Tư vịnh cảnh vợ chồng chúc tết nhau hạnh phúc và đẹp như thế này :

Quân tử phì phò, nghe tết đến từ trong củ tỉ

Thuyền quyên ứ hự, thấy xuân vào tới tận thâm cung

Các cụ phải đọc thong thả, ngẫm nghĩ từng chữ, mới thấm được cái tuyệt vời.

Ông cũng còn là tác giả một đôi câu đối vịnh tô phở bò ở miền Nam mà nhiều người coi là tuyệt bút :

Tái chín nạm giò vè, tiêu ớt rau thơm giá sống

Sách gầu gân mỡ sụn, tương chanh nước béo hành trần

Rồi trình với cả làng rằng mới đó, mới ngày nào còn cười hích hích với Thày Khoá Tư mà nay đã gần hai chục năm. Lẹ quá chứ.

Ngày đầu năm, cả làng hẹn nhau tới chúc tết Cụ Chánh niên trưởng. Ông ODP đại diện dân làng đứng ra chúc tết. Ông Từ Hoè thay mặt cụ Chánh làm cỗ đãi làng.

Năm nay là năm chú Tuất nên dân làng được thưởng thức mòn giả cầy. Ở Canada này không ai dám ăn thịt chó cả. Lý do : ông cảnh sát đến hỏi thăm ngay. Thịt chó từ đâu mà các ngài có ? Lôi thôi to. Đành xơi món giả vậy. Nhưng cái tài nấu của ông Từ Hoè phải nhận là siêu đẳng. Để chút nữa tôi sẽ tả món này.

Trong bữa ăn tân niên, Cụ Chánh và Cụ B.95, hai cụ gốc tổ Hà Nội ngàn năm văn vật, nói nhiều về mâm cỗ tết ngày xưa. Các món thì nhiều lắm. Nào gà luộc cả con, nào thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, nào giò thủ giò lụa, nào cá chép cá trắm, nào xôi gấc xôi vò, nào rượu cẩm rượu mùi. Lúc bầy cỗ thì phải có 5 đĩa và 5 bát. Năm đĩa gồm giò, chả, gà, nộm, xào. Năm bát gồm bóng, miến, măng, mọc, tần. Nhưng tuyệt nhiên là không có món thịt vịt trong ngày tết.

Anh John hỏi về bát trân. Anh đọc sách mà không biết bát trân là những món gì. Cái này thì Cụ Chánh rành nhất. Đó là 8 món mà cha ông ta xưa cho là rất quý : yến sào, hải sâm, bào ngư, hầu xì (môi khỉ), lộc cân (gân con nai), cửu khổng (một loài ốc có 9 lỗ), tê bì (da tê giác), và hùng chưởng (tay con gấu).

Ông ODP, cũng gốc Hà Nội, người rất sành ăn, cho biết ông chưa được nếm đủ tám món trên đây, chưa hề môi khỉ, chưa hề da tê giác, chưa hề tay gấu. Theo ông thì những món sau đây mới là những món ngon dân tộc :

. ..Nào là lòng lợn mắm tôm

Nào là bò tái chấm tương điểm gừng

Thịt dê nướng chả thơm lừng

Tiết dê pha rượu, vô cùng bổ dương

Vịt hầm nhừ biến cả xương

Thịt nhồi mộc nhĩ nấm hương ngon lành

Cỗ bàn đủ cả tam sinh...

Nghe Ông ODP đọc thơ xong thì Chị Ba lên tiếng : Năm nay là năm Tuất, sao chưa nghe qúy vị tán dương chú Gâu Gâu là thế nào ? Ông ODP nói ngay : Lịch sử VN có liên hệ tới nhiều con vật, như Rồng Tiên, như ngựa Phù Đổng Thiên Vương, như rùa Hồ Hoàn Kiếm, như trâu Đinh Bộ Lĩnh. Chỉ triêng con chó là không được lịch sử nhắc tới và ghi công. Có nhắc tới chó thì toàn là lời chửi : đồ chó đẻ, mắt chó giấy, chó ngáp phải ruồi. Tiếng chửi thề trong tiếng Nga : mày là cặc chó ! Kho văn chương VN cũng nói tới chuyện mấy quan trong triều chửi nhau là chó. Ông Cao Bá Quát được vua Tự Đức sai điều tra việc này, đã làm tờ trình như sau : Bỉ viết cẩu, thử viết cẩu, chẳng biết vì sao, hai bên cãi cọ, bên này rằng chó, bên kia rằng chó, rồi đến đấu võ, thần thấy thế nguy, thần tẩu !

Con chó khi sống thì gần gũi và thân thiết với người như vậy mà bị đối xử bất công, chả được khen bao giờ. Chúng ta chỉ khen thịt chó mà thôi.

Chị Ba Biên Hoà không chịu như vậy. Chị nói ngày xưa còn bé đi học, cô giáo có dạy một bài hát về con chó nghe dễ thương vô cùng, khen con chó rõ ràng. Rồi chị cất tiếng hát :

‘Nhà em có một con chó, trông nó to như con bò, sáng nó kêu gâu gâu gâu, trưa nó kêu gấu gấu gấu, tối nó kêu gầu gầu gầu’.

Nghe tới thịt chó một cái, ông H.O. như chạm đúng tần số, ông lờ luôn bài con chó của chị Ba vừa hát, lên tiếng ca tụng ngay thịt chó. Rằng trong các món ngon trên thế gian này, không có món nào ngon bằng thịt chó. Bạn thử tưởng tượng coi : chả chó ướp với mẻ, riềng, mắm tôm, nướng trên than hồng thơm phức, ta gắp một miếng bỏ vào miệng, kèm lá mơ lông, kèm lá húng quế, cắn thêm miếng ớt hiểm, nhai xong tợp một ngụm đế, rồi khà một tiếng, nào trên đời còn gì thú vị hơn ?

Ông ODP tiếp lời ngay : Đúng vậy. Ta cứ nghe chuyện tếu bình dân ngày xưa thì đủ rõ. Rằng một con chó bị giết, hồn nó xuống âm phủ kiện tới diêm vương. Diêm vương hỏi : trên trần mi mắc tội gì mà người ta giết mi. Con chó thưa : Dạ bẩm, con chẳng có tội gì. Con đang đứng chơi thì nghe bộp một cái, rồi họ trói nghiến con lại, thọc giao vào cổ, rồi họ đổ nước sôi, cạo lông, rồi họ thui con bằng rơm cho đến vàng ngậy cả da. Diêm vương lần đầu nghe sự lạ, bèn hỏi tiếp : Rồi sao nữa ? Chó thưa : Rồi họ mổ bụng con ra, moi ruột rồi nhồi đậu xanh và rau húng làm dồi, thịt con thì họ nấu nhựa mận, luộc, nướng chả, huyết thì đánh tiết canh... Nghe tới đó thì diêm vương xua tay : Thôi, mi đừng nói nữa kẻo tao thèm không chịu nổi !

Tả người mê thịt chó thì không ai tả hay bằng nhà văn Trần Mạnh Hảo trong cuốn Ly Thân (xb 1989). Tôi xin phép tác giả chép lại nguyên văn một đoạn nhỏ về cái ông mê thịt chó này :

... Cứ mỗi lần đặt tên con, mẹ tôi lại gây gỗ với bố. Nhưng bố tôi quyết đặt tên con cái theo cái ý của mình, dù trời can cũng không nổi. Cuối cùng mẹ tôi đành khóc lóc nhượng bộ. Khóc xong bà ngồi một mình ca cẩm phàn nàn thật tội nhgiệp. Rằng ông đùa giỡn suốt đời không chán hay sao mà còn lấy cả con cái ra bỡn cợt. Tội nghiệp các con, tên với chả tuổi, kêu lên toàn là món nhắm. Bố an ủi mẹ rằng tên con cái hay như thế mà còn không chịu, đang đói kêu lên một loạt : này con lá Mơ, này thằng Húng chó, này con rựa Mận, này thằng chả Chìa, là thấy no cái bụng, sướng cái miệng liền. Đôi lúc có tí ngà ngà, bố tôi lại nằm đu đưa trên võng ngâm Kiều, đọc thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Kết thúc cuộc ngâm vịnh, thế nào ông cũng hát ồ ề câu : sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết về âm phủ biết có hay không ?...

Chuyện chưa hết ở đây. Cái ông mê thịt chó ngoài việc đặt tên các con là Mơ, Mận, Chià, Húng, ông còn đặt tên hai con chó nữa, mới ghê. Ông mua được hai con chó giống rất tốt, con bạch ông đặt tên là Mẻ, con vàng là Riềng. Hai con chó này được cho ăn phủ phê, nhưng lạ thay, càng ngày chúng càng ốm nhom ốm nhách. Chắc mỗi lần chúng nghe gọi riềng với mẻ thì chúng hiểu ngay là bản án tử hình đã treo vào cổ nên sợ quá không lớn nổi. Về sau ông phải bán hai con chó cho hàng xóm. Kỳ diệu thay, chúng về với chủ mới, mang tên mới, tự nhiên lớn như thổi.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo mới tả sơ sơ về cái ông mê thịt chó đến độ đặt tên cho 4 đứa con và 2 con chó theo món thịt chó, nhưng chưa tả rõ ông ta mê những món gì và ăn thế nào. Tôi xa quê đã 30 năm nên hầu như quên hết những mùi vị thơm ngon của nai đồng quê. May quá, ngày tết, ông Từ Hoè đã mang lại cho chúng tôi một món quốc hồn quốc túy, đó là món Giả Cầy. Thiệt là ngon. Món này dân làng đã nhậu rất say sưa và tận tình. Điều thần diệu về món này là cụ xơi với cơm hay với bún, thảy đều ngon cả, mà ngon tuyệt vời nữa mới khoái chứ.

Cụ Chánh và cụ B.95, gốc thịt chó rõ ràng, nhưng xa quê lâu ngày nên đã quên cách làm. Chỉ có ông Từ Hoè là nhớ. Ông nhớ là vì ông đã bỏ công nghiên cứu và đã nấu nhiều lần đãi bạn bè. Ông cho cả tây cả đầm Canada ăn nữa, ai cũng mê hết. Thế mới biết cái bếp VN là số một. Và ông đã chỉ cho chúng tôi cách nấu. Rất dễ, các cụ ạ. Tôi xin chép ra đây để gọi là món qùa năm mới tết các cụ. Các món gia vị gồm thìa mắm tôm, thìa nước mắm, ít riềng tươi giã nát, lá mơ giã nát, hành củ thái nhỏ, củ chuối hay hoa chuối thái nhỏ, và mẻ. Nếu không có mẻ thì làm mẻ giả bằng cách nấu cháo sột sệt rồi cho bột me chua vào. Rồi đến món chính là thịt heo, loại thịt mông có da. Nướng thịt trên lửa cho tới lúc da heo cháy vàng, đem rửa sạch rồi cắt miếng. Đem các gia vị trên kia bóp với những miếng thịt này, ướp một giờ, rồi bỏ vô nồi xào cho chín. Sau đó đổ xâm xấp nước, nấu cho tới bao giờ nồi thịt sột sệt là được.

Sau bữa ăn, khi phe liền bà kéo vào bếp thu dọn thì phe liền ông tụm lại để nói chuyện tầm phào. Nói là tầm phào chứ cũng nặng lắm. Đủ mọi đề tài, nhưng nặng nhất là về chó. Câu chuyện về chú Gâu Gâu đang hồi gay cấn thì các bà đột nhiên từ trong bếp mang thức ăn tráng miệng và trà nóng đi tới. Phe liền ông liền nháy nhau xếp các chuyện mặn lại và chuyển qua chuyện thời sự đang nóng hổi như chuyện tượng Đức Mẹ ở Saigon khóc, chuyện cúm gà ở VN, chuyện dân da màu ở Pháp nổi loạn...

Sau phần uống trà, Chị Ba Biên Hoà lên tiếng. Rằng từ đầu tiệc tới bây giờ chưa ai nghe Cụ Chánh nói chuyện. Vậy xin Cụ mừng tuồi dân làng một câu chuyện đầu năm để lấy hên. Cụ suy nghĩ một chút rồi gật đầu xin kể chuyện Thày Baddhya học tu với Đức Phật. Rằng đêm đó thày ngồi thiền ở gốc cây cùng với nhiều thiền sinh khác, bỗng đột nhiên thày thốt lên to tiếng ‘ Ôi hạnh phúc ! ôi hạnh phúc !’. Lời của thày làm kinh động mọi người. Sáng hôm sau có người trình Đức Phật việc này. Đức Phật bảo thày giải thích. Thày thưa ngay : Bạch Thế Tôn, quả con đã thốt lên hai lần như vậy vì lúc đó con thấy mình hạnh phúc quá. Xưa kia con làm quan tổng trấn, đi đâu cũng có binh lính tiền hô hậu hét. Dinh con ở có lính canh gác vòng trong vòng ngoài, hằng ngày con ăn cao lương mỹ vị và nằm trên nhung lụa, nhưng lúc nào con cũng bất an, lúc nào cũng lo sợ cho mạng sống. Nay con là khất sĩ, con đi một mình trong rừng mà không hề sợ cọp beo hay trộm cướp, con ăn nuống đơn sơ, con ngủ một mình dưới gốc cây, không màn không chiếu, mà thấy tâm hồn lúc nào cũng thanh thản nhẹ nhàng. Chưa bao giờ con thấy lòng được an lạc như thế, nên con đã không kiềm hãm được sự sung sướng hạnh phúc, con đã buột miệng thốt lên mấy tiếng làm kinh động các bạn đồng tu, con xin thành tâm xám hối.

Rồi cụ Chánh kết luận : Thày Baddhya trong Phật Giáo cũng như nhiều bậc đại thánh trong Công Giáo thấy mình hạnh phúc vì xác hồn an lạc. Lâu nay lão không còn dùng những công thức sáo ngữ để chúc tết, như ‘ Tân Xuân Hạnh Phúc, Tân Niên Hồng Phát, Phúc Lộc Mãn Đường, Ngũ Phúc Lâm Môn, Thọ Tỷ Nam Sơn, Phúc Như Đông Hải...’ mà lão chỉ chúc ‘Thân Tâm An Lạc’. Lão nghĩ có thân xác và tâm hồn an lạc là có tất cả mọi thứ hạnh phúc rồi.

Xin mượn lời cụ Chánh, kính chúc các cụ năm mới ‘Thân Tâm An Lạc’.

(www.Giaoxuvnpari.org)