Theo các nguồn tin ngoại giao, trưởng thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Hans Blix, sẽ tới Iraq trong khoảng mười ngày nữa.

Đoàn thanh tra sẽ yêu cầu tiếp cận một trong những địa điểm bị nghi ngờ tại Iraq. Đây được xem là một bước để kiểm tra thiện chí của Baghdad.

Lịch trình làm việc gấp rút này thể hiện sự sốt ruột của Hoa Kỳ trong việc thông qua nghị quyết mới.

Pháp và Nga nói rằng họ vẫn chưa hài lòng với ngôn từ của bản nghị quyết mới. Hai nước lo ngại bản nghị quyết vẫn để ngỏ khả năng cho phép Hoa Kỳ tấn công Iraq.

Các nhà ngoại giao trong Hội đồng Bảo an tin rằng bản nghị quyết mới sẽ được thông qua vào cuối tuần này. Cũng có khả năng, dù không chắc chắn, là toàn bộ Hội đồng Bảo an sẽ bỏ phiếu nhất trí.

Trung Quốc thì nói họ muốn bản nghị quyết được thông qua càng sớm càng tốt. Giáo sư Jia Quing Guo thuộc khoa Nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết Trung Quốc muốn nghị quyết được thông qua càng sớm càng tốt bởi vì Trung Quốc hi vọng đoàn thanh tra sẽ sớm có mặt tại Iraq để đánh giá tình hình.

Phản ứng của Iraq

Mặc dù Iraq chưa có phản ứng chính thức về bản dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhưng đảng Ba’ath cầm quyền tại Iraq nói rằng nghị quyết áp đặt những điều kiện không thực tế.

Iraq luôn khẳng định họ không còn kho vũ khí hủy diệt hàng loạt và rằng một khi Iraq đã cho phép thanh tra vũ khí quay lại, thì không có lý do để ra đời một nghị quyết mới.

Tờ báo Babel, một ấn phẩm do con trai ông Saddam Hussein làm chủ, gọi bản dự thảo nghị quyết là hiếu chiến và ác ý. Tờ báo này hi vọng Nga và Pháp sẽ bác bỏ bản nghị quyết.

Chính quyền Iraq ý thức rõ các hậu quả sẽ diễn ra một khi nghị quyết được thông qua mà Iraq không chấp hành.

Ông Saddam Hussein đã tuyên bố Iraq có thể hợp tác với một bản nghị quyết tôn trọng chủ quyền, an ninh và độc lập của Iraq. Nhưng một nghị quyết giống như bản dự thảo hiện nay không phải là điều mà Iraq mong muốn. (BBC)