Khác với các chuyến tông du trước đây, dư vị chuyến tông du Hunagry và Slovakia của Đức Phanxicô có khi lại nổi bật hơn cả chính vị. Trước nhất là câu trả lời của ngài trên chuyến bay từ Sovakia trở lại Vatican về phá thai và việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai và nay, các tin tức liên quan đến cuộc gặp gỡ các tu sĩ dòng Tên tại Slovakia mà mãi một tuần sau khi ngài đã bỏ đó mới cho công bố. Cả hai đều tạo ra rất nhiều chú ý của công luận Công Giáo.

Về việc phá thai và việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai, chúng tôi đã có 2 bài trên VietCatholicNews cùng ngày 16 tháng 9. Nay xin duyệt lại biến cố diễn ra tại trụ sở các cha Dòng Tên ở Bratislava, Thủ đô Slovakia.



Hệ thống EWNT là việc làm của ma qủy

Về biến cố trên, Catholic World News chạy hàng tít khá giật gân: “Đức Giáo Hoàng miệt thị EWNT là ‘việc làm của ma qủy’” (Pope rips EWTN ‘work of the devil’) chỉ vì trong dịp này, Đức Phanxicô tâm sự rằng “một kênh truyền hình lớn Công Giáo không ngần ngại liên tục nói xấu Đức Giáo Hoàng”.

Catholic World News quả quyết rằng tuy Đức Phanxicô không nêu đích danh EWNT nhưng “rõ ràng ám chỉ” hệ thống này. Đức Phanxicô nói tiếp: “Đích thân tôi xứng đáng bị tấn công và xỉ nhục vì tôi là kẻ có tội, nhưng Giáo Hội không đáng bị như thế”.

Theo Catholic World News , Đức Phanxicô đã bày tỏ sự không hài lòng của ngài với một số đại diện của EWNT.

Cũng trong buổi tiếp xúc này, Đức Phanxicô cũng bày tỏ việc ngài mất kiên nhẫn đối với một số linh mục cứ “đưa ra những nhận định xấu xa về tôi” cho rằng “họ phán xét mà không chịu đi vào cuộc đối thoại đích thực”.

Rõ ràng liên kết các phê phán trên với việc ủng hộ phụng vụ cũ, Đức Phanxicô nói tới “quyết định ngưng tính tự động của nghi lễ cũ”. Ngài nói khi các linh mục trẻ xin phép cử hành Thánh lễ kiểu cũ, thì đó là “một hiện tượng cho thấy chúng ta đang đi lùi”.

Tự do khiến chúng ta sợ

Tờ Civilata Cattolica, tờ báo chủ lực của Dòng Tên Ý, và là tờ cho đăng lại trọn các câu hỏi của cử tọa và câu trả lời của Đức Giáo Hoàng trong dịp trên, cho chạy hàng tít “Tự do khiến chúng ta sợ”: cuộc đàm đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tu sĩ Dòng Tên Slovakia.

Phải nói rằng cuộc gặp gỡ này giúp Đức Phanxicô hết sức thư giãn giữa khung cảnh mỏi mệt của cuộc tông du. Ngay lúc xuất hiện, ngài đã nói đùa “tôi không ngờ có nhiều tu sĩ Dòng Tên đến thế này [53 vị] ở Slovakia. ‘Bệnh dịch’ quả lan tràn khắp nơi!”. Cả cử tọa phá lên cười. Và ngài mời “Nào, tôi đợi câu hỏi của anh em. Hãy đá vào thủ môn. Đá!”

Câu hỏi đầu tiên: Đức Thánh Cha khỏe không?

Ngài trà lời “vẫn còn sống, dù một số người muốn tôi chết. Tôi biết thậm chí có cả những phiên họp giữa các giáo phẩm nghĩ rằng tình trạng của Đức Giáo Hoàng tệ hơn là phiên bản chính thức. Họ chuẩn bị cả một mật nghị bầu Giáo Hoàng nữa. Xin kiên nhẫn! Tạ ơn Chúa, tôi không sao. Chịu giải phẫu là quyết định tôi không muốn làm. Chính một ý tá đã thuyết phục tôi. Các y tá đôi khi hiểu tình hình hơn các bác sĩ vì họ trực tiếp tiếp xúc với các bện nhân”.

Câu hỏi thứ hai của 1 tu sĩ từng làm việc tại đài phát thanh Vatican 15 năm: nên nằm lòng điều gì trong công tác mục vụ ở Slovakia.

Trả lời: "Một chữ luôn xuất hiện trong tâm trí tôi là ‘gần gũi’.

Trước nhất, gần gũi Thiên Chúa: Đừng bỏ việc cầu nguyện! Cầu nguyện đích thực, cầu nguyện tận đáy lòng, không phải cầu nguyện hình thức chẳng đánh động gì cõi lòng. Cầu nguyện một cách phải đấu tranh với Chúa, cảm thấy như ở sa mạc nơi anh em chẳng cảm thấy chi. Gần gũi với Thiên Chúa Đấng luôn chờ đợi ta. Chúng ta có thể bị cám dỗ muốn nói rằng: tôi không thể cầu nguyện vì tôi bận bịu lắm. Nhưng Thiên Chúa cũng bận bịu vậy. Người bận bịu để ở gần anh em, chờ đợi anh em.

Thứ hai, gần gũi nhau, yêu thương anh em mình: tình yêu khắc khổ của tu sĩ Dòng Tên, một tình yêu tươi đẹp, đầy bác ái nhưng cũng khắc khổ: yêu người. Tôi rất đau lòng khi các tu sĩ Dòng Tên hay các linh mục khác đối xử tệ với nhau. Đó là một trở ngại; nó không giúp chúng ta tiến tới. Nhưng các vấn đề này vốn có ở đó ngay từ đầu. Hãy nghĩ, chẳng hạn, tới sự kiên nhẫn của Thánh Inhaxiô tỏ cho Simon Rodriguez. Làm một cộng đoàn đâu có dễ, nhưng sự gần gũi giữa anh em là điều thực sự quan trọng.

Thứ ba: gần gũi với giám mục. Đúng là có những giám mục không muốn chúng ta; đó là sự thật, đúng thế. Nhưng đừng có tu sĩ Dòng Tên nào nói xấu một giám mục! Nếu một tu sĩ Dòng Tên nghĩ khác với giám mục và có can đảm, thì hãy để tu sĩ này đến gặp giám mục và nói cho ngài hay mình đang nghĩ gì. Và khi tôi nói giám mục, tôi cũng muốn nói đến giáo hoàng.

Thứ tư: gần gũi với dân Chúa. Anh em phải như Đức Phaolô VI đã nói với chúng ta ngày 3 tháng 12 năm 1974: bất cứ nơi nào có ngã tư, bất cứ nơi nào có ý tưởng, các tu sĩ Dòng Tên đều có mặt. Hãy đọc kỹ và suy gẫm bài phát biểu đó của Đức Phaolô VI trước Tổng Công nghị thứ ba mươi hai: đó là điều tốt đẹp nhất mà một vị giáo hoàng từng nói với các tu sĩ Dòng Tên. Đúng là nếu chúng ta là những người thực sự đi tới các ngã tư và biên giới, chúng ta sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Nhưng điều sẽ cứu chúng ta khỏi rơi vào những ý thức hệ ngu xuẩn là sự gần gũi với dân Chúa. Điều này giúp chúng ta tiến về phía trước với một trái tim rộng mở. Tất nhiên, có thể một số anh em trở nên hứng khởi quá và sau đó cha giám tỉnh đến ngăn anh em và nói với anh em: “Không, cách này không hiệu quả”. Và sau đó anh em phải tiến tới với tâm thức sẵn sàng vâng lời. Sự gần gũi với dân Chúa rất quan trọng vì nó “tạo vị trí” cho chúng ta. Đừng bao giờ quên chúng ta được kéo ra từ đâu, chúng ta phát xuất từ đâu: từ người dân của chúng ta. Nếu chúng ta tách mình ra và hướng tới một tính phổ quát mây gió, thì chúng ta sẽ đánh mất gốc rễ của mình. Gốc rễ của chúng ta là ở trong Giáo hội, tức là dân Chúa.

Vì vậy, ở đây tôi yêu cầu anh em gần gũi theo bốn cách: gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với chính anh em, gần gũi với các giám mục và Đức Giáo Hoàng, và gần gũi với dân Thiên Chúa, đó là điều quan trọng nhất".

Câu hỏi thứ ba của một linh mục chỉ kém Đức Giáo Hoàng 2 tuổi và từng lớn lên dưới chế độ cộng sản về việc nên quan niệm thế nào về Giáo Hội.

Trả lời: "Cha đã nói một điều rất quan trọng, nhận diện sự đau khổ của Giáo hội vào lúc này: cơn cám dỗ muốn đi lùi. Ngày nay chúng ta đang phải chịu điều này trong Giáo hội: ý thức hệ giật lùi. Đó là một ý thức hệ thực dân hóa tâm trí. Nó là một hình thức thực dân hóa ý thức hệ. Nó không thực sự là một vấn đề phổ biến, mà đúng hơn là một vấn đề cụ thể đối với các giáo hội của một số quốc gia nào đó. Cuộc sống khiến chúng ta sợ hãi. Tôi xin lặp lại điều tôi đã nói với nhóm đại kết mà tôi đã gặp ở đây trước anh em: tự do khiến chúng ta sợ hãi. Trong một thế giới bị điều kiện hóa bởi những cơn ghiền và trải nghiệm ảo, điều đó khiến chúng ta sợ hãi khi được tự do. Trong cuộc gặp gỡ trước, tôi đã lấy Quan Tòa Dị Giáo Vĩ Đại của Dostoevsky làm thí dụ. Ông ta thấy Chúa Giêsu và nói với Người: “Tại sao Ngài cho chúng tôi tự do? Nó nguy hiểm!" Quan Tòa Dị Giáo trách móc Chúa Giêsu đã cho chúng ta tự do: một chút bánh mì là đủ rồi và không cần gì hơn.

Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta ưa nhìn lại quá khứ: để tìm kiếm sự an toàn. Chúng ta sợ hãi khi ăn mừng trước dân Chúa, những người nhìn thẳng vào mặt chúng ta và nói cho chúng ta biết sự thật. Nó khiến chúng ta sợ hãi khi phải tiến lên trong các kinh nghiệm mục vụ. Tôi nghĩ đến công việc đã được thực hiện - Cha Spadaro đã có mặt - tại Thượng Hội đồng về Gia đình để làm cho người ta hiểu rằng các cặp vợ chồng trong các cuộc kết hợp thứ hai chưa bị kết án xuống hỏa ngục. Nó làm chúng ta sợ hãi khi đồng hành với những người có tính đa dạng về tình dục. Chúng ta sợ các ngã tư và những nẻo đường được Đức Phaolô VI nói đến. Đây là điều xấu xa của thời điểm này, tức là, tìm đường trở lại sự cứng ngắc và chủ nghĩa giáo sĩ trị, cả hai đều là những bóp méo.

Hôm nay tôi tin rằng Chúa đang yêu cầu Dòng Tên tự do trong các lĩnh vực cầu nguyện và biện phân. Đó là một thời điểm hấp dẫn, một khoảnh khắc tươi đẹp, ngay cả khi nó là khoảnh khắc của thập giá: thật đẹp khi mang lại tự do cho Tin Mừng. Tự do! Cha có thể cảm nghiệm việc quay trở lại quá khứ trong cộng đồng của cha, trong tỉnh của cha, trong Dòng. Điều cần thiết là phải chú ý và cảnh giác. Ý định của tôi không phải là ca ngợi sự thiếu khôn ngoan, nhưng tôi muốn chỉ cho cha thấy rằng quay lưng lại không phải là một cách đúng đắn. Thay vào đó, chúng ta nên tiến lên trong sự biện phân và trong đức vâng lời".

Câu hỏi thứ tư về việc thiếu lòng sốt sắng trong Dòng Tên.

Trả lời: "... Khi anh em cảm thấy thiếu sốt sắng, anh em cần biện phân rõ lý do tại sao. Anh em phải nói chuyện đó với anh em của anh em. Cầu nguyện giúp chúng ta hiểu được liệu và khi nào việc thiếu sốt sắng diễn ra. Anh em phải nói về điều đó với anh em của anh em, với cấp trên của anh em, và sau đó anh em phải biện phân xem liệu đó chỉ là sự phiền muộn của anh em hay đó là sự phiền muộn mang tính cộng đồng hơn. Linh thao cho chúng ta khả thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi như thế này. Tôi tin chắc rằng chúng ta chưa biết đầy đủ về Linh thao. Các chú thích và các quy tắc biện phân là một kho báu thực sự. Chúng ta cần biết chúng nhiều hơn".

Câu hỏi thứ tư năm về ý thức hệ “phái tính” [gender].

Trả lời: "Như cha nói, ý thức hệ luôn có một sức hấp dẫn ma quái, bởi vì nó không được hiện thân. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một nền văn minh của các ý thức hệ, đúng thế. Chúng ta cần phải phơi bày chúng tận gốc rễ của chúng. Đúng vậy, ý thức hệ 'phái tính' mà cha nói là điều nguy hiểm, đúng. Theo tôi hiểu, nó là như vậy bởi vì nó trừu tượng đối với cuộc sống cụ thể của một con người, như thể người ta có thể quyết định một cách trừu tượng theo ý muốn liệu và khi nào trở thành đàn ông hay đàn bà. Trừu tượng luôn là một vấn đề đối với tôi. Tuy nhiên, điều này không liên quan gì đến vấn đề đồng tính luyến ái. Nếu có một cặp đồng tính luyến ái, chúng ta có thể làm công việc mục vụ với họ, tiến tới trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Khi tôi nói về ý thức hệ, tôi đang nói về ý tưởng, sự trừu tượng trong đó mọi sự đều có thể xảy ra, chứ không phải về cuộc sống cụ thể của người ta và hoàn cảnh thực sự của họ".

Câu hỏi thứ sáu về cuộc đối thoại Do thái – Kitô giáo. Đức Phanxicô cho hay: “Cuộc đối thoại vẫn đang tiếp tục. Điều bắt buộc là không nên gián đoạn, cuộc đối thoại không thể bế tắc, không bị gián đoạn bởi sự hiểu lầm, như đôi khi vẫn xảy ra".

Câu hỏi thứ bẩy về thái độ nên có khi người ta hoài nghi mình? Đức Phanxicô trả lời: “Chẳng hạn, có một kênh truyền hình Công Giáo lớn đã không ngần ngại nói xấu Đức Giáo Hoàng. Cá nhân tôi xứng đáng bị tấn công và xỉ nhục bởi vì tôi là một kẻ tội lỗi, nhưng Giáo hội không đáng bị tấn công và xỉ nhục như vậy. Chúng là việc làm của ma quỷ. Tôi cũng đã nói điều này với một số người trong số họ.

Vâng, cũng có những giáo sĩ đưa ra những nhận xét xấu xa về tôi. Tôi đôi khi mất kiên nhẫn, đặc biệt là khi họ đưa ra phán xét mà không chịu bước vào một cuộc đối thoại thực sự. Tôi không thể làm bất cứ điều gì ở đó được. Tuy nhiên, tôi tiếp tục tiến bước, không bước vào thế giới ý tưởng và tưởng tượng của họ. Tôi không muốn nhập vào đó và đó là lý do tại sao tôi thích rao giảng, rao giảng… Một số người buộc tội tôi không nói về việc nên thánh. Họ nói rằng tôi luôn nói về các vấn đề xã hội và rằng tôi là một người cộng sản. Tuy nhiên, tôi đã viết cả một tông huấn về sự thánh thiện, Gaudete et Exsultate.

Bây giờ tôi hy vọng rằng với quyết định ngăn chặn tính tự động của nghi thức cổ xưa, chúng ta có thể quay trở lại với ý định thực sự của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II. Quyết định của tôi là kết quả của cuộc tham khảo với tất cả các giám mục trên thế giới được thực hiện vào năm ngoái. Kể từ bây giờ những ai muốn cử hành theo nghi lễ cũ phải xin phép như đã làm với tập tục cử hành cả hai nghi lễ (biritualism). Nhưng có những vị trẻ tuổi sau khi thụ phong một tháng đã đến gặp giám mục để xin phép. Đây là một hiện tượng cho thấy chúng ta đang đi lùi.

Một vị Hồng Y nói với tôi rằng hai linh mục mới được thụ phong đến gặp ngài xin ngài cho phép học tiếng Latinh để có thể cử hành tốt đẹp. Với một khiếu hài hước, ngài trả lời: 'Nhưng có rất nhiều người gốc Tây Ban Nha trong giáo phận! Các cha nên học tiếng Tây Ban Nha để có thể thuyết giảng. Sau đó, khi các cha đã học tiếng Tây Ban Nha, hãy quay lại với tôi và tôi sẽ cho các cha biết có bao nhiêu người Việt Nam trong giáo phận và tôi sẽ yêu cầu các cha học tiếng Việt. Sau đó, khi các cha đã học được tiếng Việt, tôi sẽ cho phép các cha học tiếng Latinh'. Nhờ thế, ngài đã làm cho họ "hạ cánh xuống đất", ngài làm cho họ trở lại trái đất. Tôi tiến về phía trước, không phải vì tôi muốn bắt đầu một cuộc cách mạng. Tôi làm những gì tôi cảm thấy tôi phải làm. Cần rất nhiều kiên nhẫn, cầu nguyện và rất nhiều bác ái”.

Trả lời câu hỏi về người tỵ nạn, Đức Phanxicô cho biết: “Tôi tin rằng chúng ta phải chào đón người di cư, nhưng không chỉ vậy: chúng ta phải chào đón, bảo vệ, cổ vũ và hội nhập họ. Tất cả bốn bước đều cần thiết để thực sự chào đón họ. Mỗi quốc gia phải biết mình có thể làm được đến đâu. Để người di cư không được hòa nhập đang khiến họ lâm vào cảnh khốn cùng; nó tương đương với việc không chào đón họ. Nhưng chúng ta cần nghiên cứu kỹ hiện tượng và hiểu rõ các nguyên nhân của nó, đặc biệt là các vấn đề địa chính trị. Chúng ta cần hiểu những gì đang xảy ra ở Địa Trung Hải và đâu là quan tâm của các cường quốc mà xứ sở của họ có biên giới với vùng biển đó về mặt kiểm soát và thống trị. Và chúng ta phải hiểu lý do của các cuộc di cư và hậu quả".