Nhạc đoàn Công Giáo Việt Nam

Do ảnh hưởng của thông điệp Maximum Illud (Điều trọng đại) của Đức Giáo Hoàng Benedicto XV, ra ngày 30 tháng 11 năm 1919, và thông điệp Rerum Ecclesiae (Sự vụ của Giáo Hội) của Đức Giáo Hoàng Piô XI, ra ngày 28 tháng 2 năm 1926, nói về các xứ truyền giáo, công việc truyền giáo, công vệc truyền giáo với hàng giáo sĩ bản quốc, cũng như thái độ của các nhà truyền giáo và tinh thần tôn trọng truyền thống địa phương, tinh thần tự lập tự động bắt đầu nhóm khởi tại Việt Nam. Đặc biệt biến cố đặc cử Giám Mục tiên khởi Việt Nam, Dức Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng, trọng nhậm giáo phận Phát Diệm năm 1933, Đức Cha Daminh Hồ Ngọc Cẩn, trọng nhậm giáo phận Bùi Chu năm 1935, đã khơi động tinh thần tự lập và tự tiến về mọi phương diện trong giới công giáo Việt Nam. Ngoài các lãnh vực khác, lãnh vực ca nhạc cũng bắt đầu chỗi dậy trong khí thế tinh hoa dân tộc.

I - CÁC NHẠC ĐOÀN CÔNG GIÁO

Từ năm 1940, các bài thánh ca Việt Nam bắt đầu phôi thai, dần dần đi tới độ phát triển mạnh mẽ vào năm 1950. Trong giai đoạn này, rất nhiều nhạc đoàn công giáo ra đời; chúng tôi ghi nhận các nhạc đoàn tiêu biểu : Nhạc đoàn Miền Nam, Nhạc đoàn miền Trung, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Nhạc đoàn Sao Mai, Nhóm Hương Thánh Kinh, Nhóm Tiếng Chuông Nam.

1. NHẠC ĐOÀN MIỀN NAM

Tại miền Nam, các linh mục Paulô Quy, Paulô Đạt nhóm họp một số bạn hữu, nghiên cứu âm nhạc và sáng tác những bài thánh ca mới theo điệu bình ca và ngũ cung Việt Nam. Nhạc đoàn này nêu lên ba nguyên tắc sáng tác : thánh thiện - chân thật - công giáo.

Những bài thánh ca đầu tiên được dịch ra từ những bài hát tiếng Latinh và tiếng Pháp có âm điệu gần giống Việt Nam, như các bài Adeste fideles, Alleluia, Pange lingua, Ave Maria v.v. Lần lần hai linh mục trên sáng tác những bài hát mới rất khởi sắc, như các bài : Vãn hang đá, Nửa đêm mừng Chúa ra đời, Vãn Giáng Sinh, Vãn Phục Sinh, Kinh nguyện Chúa Thánh Thần, Kinh cầu Đức Bà, Kinh cầu các Thánh v.v. Các bài hát mới này vừa hay lạ, vừa sốt sắng, lại có giọng điệu dân tộc, hợp với tâm tình người Việt. Vì thế được các nhà thờ miền Nam và miền Trung đón nhận nhiệt tình, và ca hát rất say mê cung kính. Tuy nhiên những bài đó giá trị ở âm nhạc hơn là lời ca, nên dần dần nhường chỗ cho các bài hát mới hay hơn và sâu sắc hơn.

Sau năm 1950, Nhạc đoàn miền Nam không được tiếp nối một các đều đặn. Phải đợi tới thập niên 1970-1980, thế hệ đàn em tại Saigon mới tiếp tục công việc của các bậc đàn anh, trong khí thế mới mẻ và trẻ trung. Dân Chúa khắp nơi đón nhận một cách hào hứng những điệu thánh ca mới vui tươi phấn khởi, thích hơp với giới trẻ, do hai linh mục tiêu biểu là Nguyễn Văn Trinh, giáo phận Saigon, và Thành Tâm, dòng chúa Cứu Thế Saigon. Tuy nhiên hai linh mục này không thành lập nhạc đoàn. Chúng tôi sẽ giới thiệu hai nhạc sĩ "tuổi trẻ" này trong phần sau.

2. NHẠC ĐOÀN MIỀN TRUNG

Tại miền Trung, linh mục Nguyễn Văn Thích, qua nguyệt san Vì Chúa cũng phát động phong trào Thánh Ca một các nhiệt liệt và và rộng rãi. Bên cạnh Ngài có Cha Hồ Ngọc Cẩn, sau thăng Giám Mục Bùi Chu, cũng sáng tác nhiều bài thánh ca rất hay, cả về lời ca lẫn âm nhạc, giá trị còn mãi đến ngày nay. Ngoài hai vị tiên phong trên đây, còn có các linh mục Nguyễn Kim Bính, Trần Văn Cần và hai linh mục trẻ hiện nay là Vũ Hùng Tôn Và Nguyễn Ngọc Tước.

Các bài hát còn lưu hành tới ngày nay, có bài Nữ Vương khỏi tội, Hỡi mục đồng, Tôi còn lênh đênh của Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn, bài Hang đá Belem, Mười hai cái Mến, Bao giờ tôi được lên trời của linh mục Nguyễn Văn Thích. Ngoài ra Linh mục Nguyễn Văn Thích còn soạn rất nhiều bài hát ngắn dùng cho giới trẻ và đoàn Hướng Đạo công giáo, còn lưu dụng tới ngày nay.

Hiện tại trong khuynh hướng mới, ba linh mục, một vị 70 tuổi là linh mục Trần Văn Cần, tại Los Angeles, California, hiện đã hoàn thành tập Thánh ca phụng vụ Tuần Thánh, chờ ra mắt các cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi. Nhưng công việc còn bỏ dở, Ngài đã ra đi về nước Chúa, để hát "bài ca ngàn trùng", tháng 8 năm 1993.

Người thứ hai là Lm Vũ Hùng Tôn, tại Vancouver, Washington. Ông là người học rộng biết nhiều, nhất là về lãnh vực tâm lý hôn nhân. Với tất cả thiện chí, năm 1985, ông đã cho phát hành một cuốn sách hát cỡ lớn, với nhóm sáng tác mệnh danh là Xuân Tâm, dầy cả 400 trang, nhan đề Phụng Ca cộng đồng, gồm 375 bài thánh ca. Trong đó ông đóng góp 20 bài, chẳng hạn : Người ở đâu?, Bộ Lễ Thánh Giuse, Xin ơn hoà bình, Chúa là ánh sáng v.v. Ngoài ra Ông còn phát hành hai tập Phụng Ca lễ Hôn phối, phát hành năm 1984, gồm 45 bài và Phụng Ca lễ cầu hồn, năm 1984, gồm 30 bài. Thật là một cố gắng đáng khen ngợi.

Lm Nguyễn Ngọc Tước, tại Tampa, Florida, đã đóng góp một số bài trong tập Thánh Ca Việt Nam do Cơ Sở Dân Chúa tại Gretna, Louisiana phát hành, cũng như nhiều bài đóng góp trong ba tập Phụng Ca nói trên. Có thể kể một ít bài tiêu biểu, như : Phúc thay những bạn, Alleluia (1) và (2), Của Lễ v.v.

3. NHẠC ĐOÀN LÊ BẢO TỊNH

Năm 1945, cùng với phong trào nhạc cách mệnh, thánh ca cũng phát triển rất mạnh nhờ NHẠC ĐOÀN LÊ BẢO TỊNH thành lập tại đại chủng viện Xuân Bích (St Sulpice) Hà nội, do Hùng Lân khởi xướng. Nhạc đoàn gồm các nhạc sĩ Hùng Lân, Tâm Bảo, Thiên Phụng, Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Đức, Hoài Chiên, Vĩnh Phước, Duy Tân, Hoàng Ngô, Hoàng Phúc, Nguyễn Bang Hanh, Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Vinh, Hùng Thái Hoan, Tiến Dũng v.v.

Các nhạc sĩ thánh ca đã công phu sáng tác những bài ca mới một các đại quy mô theo đủ nhu cầu phụng vụ : về Chúa, Đức Mẹ, Các Thánh, Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa quanh năm v.v. Tất cả các thể tài được in thành tập, dưới tổng nhan đề Cung Thánh, và tùy mùa mà phân định I, II, III, IV, V v. v.

Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh sáng tác theo ba nguyên tắc : một là tinh thần đạo đức thánh thiện, hai là theo hứng Thánh Kinh, ba là truyền thống âm nhạc dân tộc. Nhờ vậy các bài ca của nhạc đoàn được đón nhận cách nhiệt tình. Chỉ trong một thời gian vắn, các bài ca mới này đã phổ biến khắp Bắc Trung Nam.

Ngoài ra Nhạc đoàn này cũng chú ý tới công việc sáng tác những bản nhạc đời theo hướng canh tân và dân tộc. Nổi tiếng nhất là Hùng Lân và Tiến Dũng.

NHẠC SĨ HÙNG LÂN

Đôi dòng tiểu sử Hùng Lân sinh năm 1924 tại Nam Định, lớn lên học tại tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội, rồi đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội. Ông có năng khiếu về âm nhạc ngay từ lúc còn nhỏ, nên ở chủng viện ông luôn luôn lo việc thánh ca. Khoảng thập niên 1930-1940, trong các nhà thờ chỉ hát những bài hát Latinh trong sách Paroissien Romain và các bài tiếng Pháp trong cuốn Cantique de la Jeunesse. Hoạ may một số bài được dịch sang tiếng Việt, nhưng vẫn theo nốt nhạc Tây phương. Về điểm này phải kể Cha Giá Vượng. chính ngài đã dịch cả trăm bài hát. Nhưng đã đến lúc phải sáng tác các bài hát Việt Nam. Hùng Lân và nhóm sinh viên đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội đã nghĩ đến việc sáng tác những bài thánh ca Việt Nam theo thể tài mới, do vậy đã thành lập (còn tiếp)