Lm Nguyễn Trung Tây
Tại Sao Giuđa Phản Bội?
Tông đồ Giuđa đã chết gần 2000 năm, nhưng ngài vẫn chưa yên giấc ngàn thu. Tất cả những gì liên quan đến phản bội, vị tông đồ này, nụ hôn thần chết, và sợi dây treo cổ thường được lôi ra như một bằng chứng không tranh cãi cho những người phản bội. Đặc biệt trong Tuần Thánh, cuộc đời của vị tông đồ một lần lầm lỡ lại được mang ra mổ xẻ. 2000 năm rồi, ngài vẫn chưa được ngủ yên.
Giuđa là thủ quỹ của nhóm Mười Hai (Gioan 12:6, 13:29). Giuđa là một người thực dụng (Gioan 12:5). Cũng như Phêrô, Giuđa có những giây phút đụng độ với Sư phụ (Gioan 12:7-8). Và Đức Giêsu đã lên tiếng phản đối hành động cá biệt của Giuđa. Đặc biệt nhất, Thầy Giêsu biết đễ tử Giuđa sẽ phản bội mình. Ngài đã lên tiếng báo trước (Gioan 13:21-30). Nhưng Giuđa đã có những dự tính của mình. Cho nên ông nhắm mắt làm ngơ trước lời cảnh báo.
Theo như Matthêu, tông đồ Giuđa đến gặp những nhà lãnh đạo Do Thái, đề nghị bán Thầy mình với một giá tiền. Cuộc thương lượng chốt lại với giá 30 đồng tiền bạc (Mat 26:14-16). Giuđa cầm tiền, để rồi vào tối ngày thứ Năm sau bữa ăn tối, Giuđa rời phòng ăn (Gioan 13:30). Một lát sau Giuđa quay lại, lần này trong Vườn Cây Dầu với lính La Mã. Giuđa khi đó tiến đến hôn Thầy trên má, dấu hiệu báo cho quân lính biết ai là người họ cần phải bắt (Mac 14:43-46). Nhưng sau khi nhận được bản tin Thầy Giêsu bị kết án tử hình, Giuđa quay lại gặp các vị lãnh đạo Do Thái. Giuđa lần này thú tội, “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến người phải chết oan” (Matt 27:4). Chưa hết, ông còn “ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ” (v. 5). Hành động và lời nói của tông đồ Giuđa sau khi biết Thầy Giusê bị kết án tử khá lạ, nếu không muốn nói là bất ngờ. Tại sao ông phản bội Thầy, nhưng rồi lại hối hận thật nhanh đến nỗi tuyệt vọng quyên sinh?
Để trả lời câu hỏi này người ta phải hỏi động lực nào đã dẫn tông đồ Giuđa đến hành động bán Thầy. Có phải vì tiền? Nếu vì tiền, tại sao ông ta lại không giữ số tiền đó, mà lại quẳng trả lại 30 đồng tiền bạc vào trong Đền Thờ? Tại sao ông lại hối hận sau khi nhận ra Đức Giêsu đối diện án tử? Tại sao ông lại thú nhận với những nhà lãnh đạo là ông đã “phạm tội” và khẳng định Đức Giêsu là “người vô tội?” Nếu đã biết Đức Giêsu là người vô tội, tại sao ông lại cương quyết phạm tội? Tại sao ông lại quyết định kết liễu cuộc đời sau khi quẳng trả lại số tiền? Để trả lời những câu hỏi này, người ta cũng phải hỏi một câu quan trọng khác. Đó là tại sao ông Giuđa đã quyết định đi theo Đức Giêsu từ những ngày đầu tiên?
Thật ra, người có câu trả lời chính xác nhất cho những câu hỏi vừa liệt kê không ai khác ngoài Giuđa, nhân vật trong cuộc. Những câu trả lời của tất cả những người khác chỉ là suy đoán dựa vào những chi tiết biết “về” Giuđa qua những trình thuật trong Kinh Thánh “về” Giuđa mà thôi.
Tuy nhiên, dựa vào bối cảnh lịch sử Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, những cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với nhóm Mười Hai và giữa các vị tông đồ với nhau, câu hỏi tại sao Giuđa chọn lựa đi theo Đức Giêsu phần nào có thể được vén màn.
Tại một vùng đồi núi Caesarea Philippi, Đức Giêsu từng đã hỏi những người môn đệ họ nghĩ Ngài là ai. Câu trả lời của Phêrô khi đó là, “Thầy là đấng Mêsia” (Matt 16:16). Vào thời Đức Giêsu, Do Thái nằm dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã. Bởi thế, người Do Thái mong đợi Thiên Chúa sẽ gửi đấng Mêsia có tầm vóc vua Đavid tới để giải thoát dân Do Thái ra khỏi xiềng xích La Mã. Khi Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Phêrô và các người môn đệ căn bản đang (thật thà) tuyên xưng, “Ngài là Vua.” Và nếu Ngài là Vua, tương lai của nhóm Mười Hai là một tương lai bạc vàng. Bởi thế, độc giả Kinh Thánh sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra nhóm Mười Hai hay tranh cãi với nhau ai sẽ là người lớn nhất trong vương quốc của đấng Mêsia (Mac 9:33-34). Chưa hết, anh em nhà Giacôbê và Gioan có lần ghé vào tai Đức Giêsu xin hai cái ghế, một bên trái một bên phải trong vương quốc Mêsia Đức Giêsu (Mac 10:35-40). Những chi tiết mấu chốt này có thể giải thích động lực Giuđa đi theo Đức Giêsu, nhưng lại bán Thầy, rồi lại hối hận sau khi biết chính mình đã dẫn Thầy đến án tử. Hối hận dẫn đến tuyệt vọng, ông quyết định quyên sinh.
Giuđa sẽ tiếp tục bị thiên hạ nói ra nói vô, nhất là trong Tuần Thánh. Nhưng công tâm mà nói, tại sao vị tông đồ thứ 12 có những hành động lạ lùng dẫn tới một cái kết buồn thì chỉ có Thiên Chúa và ông là người trong cuộc mới biết. Rất có thể bởi ông muốn chiếu bí Đức Giêsu để Ngài phải hành động cho hợp với vai trò của Đấng Mêsia như ông, Phêrô, anh em ông Giacôbê và Gioan đã từng mong đợi. Nhưng rất tiếc, điều họ chờ đợi nơi Thầy của mình lại không phải là điều mà Thiên Chúa Cha mong đợi nơi người Con duy nhất. Bởi thế, Đức Giêsu bị mang ra tòa công nghị, kết án tử.
Giá mà Giuđa kiên nhẫn như Phêrô, ngày hôm nay, ông đã không trở thành một nhân vật bị thiên hạ mang lên tường phóng phi tiêu mỗi Mùa Chay và Tuần Thánh.
Lm Nguyễn Trung Tây
Tại Sao Giuđa Phản Bội?
Tông đồ Giuđa đã chết gần 2000 năm, nhưng ngài vẫn chưa yên giấc ngàn thu. Tất cả những gì liên quan đến phản bội, vị tông đồ này, nụ hôn thần chết, và sợi dây treo cổ thường được lôi ra như một bằng chứng không tranh cãi cho những người phản bội. Đặc biệt trong Tuần Thánh, cuộc đời của vị tông đồ một lần lầm lỡ lại được mang ra mổ xẻ. 2000 năm rồi, ngài vẫn chưa được ngủ yên.
Giuđa là thủ quỹ của nhóm Mười Hai (Gioan 12:6, 13:29). Giuđa là một người thực dụng (Gioan 12:5). Cũng như Phêrô, Giuđa có những giây phút đụng độ với Sư phụ (Gioan 12:7-8). Và Đức Giêsu đã lên tiếng phản đối hành động cá biệt của Giuđa. Đặc biệt nhất, Thầy Giêsu biết đễ tử Giuđa sẽ phản bội mình. Ngài đã lên tiếng báo trước (Gioan 13:21-30). Nhưng Giuđa đã có những dự tính của mình. Cho nên ông nhắm mắt làm ngơ trước lời cảnh báo.
Theo như Matthêu, tông đồ Giuđa đến gặp những nhà lãnh đạo Do Thái, đề nghị bán Thầy mình với một giá tiền. Cuộc thương lượng chốt lại với giá 30 đồng tiền bạc (Mat 26:14-16). Giuđa cầm tiền, để rồi vào tối ngày thứ Năm sau bữa ăn tối, Giuđa rời phòng ăn (Gioan 13:30). Một lát sau Giuđa quay lại, lần này trong Vườn Cây Dầu với lính La Mã. Giuđa khi đó tiến đến hôn Thầy trên má, dấu hiệu báo cho quân lính biết ai là người họ cần phải bắt (Mac 14:43-46). Nhưng sau khi nhận được bản tin Thầy Giêsu bị kết án tử hình, Giuđa quay lại gặp các vị lãnh đạo Do Thái. Giuđa lần này thú tội, “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến người phải chết oan” (Matt 27:4). Chưa hết, ông còn “ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ” (v. 5). Hành động và lời nói của tông đồ Giuđa sau khi biết Thầy Giusê bị kết án tử khá lạ, nếu không muốn nói là bất ngờ. Tại sao ông phản bội Thầy, nhưng rồi lại hối hận thật nhanh đến nỗi tuyệt vọng quyên sinh?
Để trả lời câu hỏi này người ta phải hỏi động lực nào đã dẫn tông đồ Giuđa đến hành động bán Thầy. Có phải vì tiền? Nếu vì tiền, tại sao ông ta lại không giữ số tiền đó, mà lại quẳng trả lại 30 đồng tiền bạc vào trong Đền Thờ? Tại sao ông lại hối hận sau khi nhận ra Đức Giêsu đối diện án tử? Tại sao ông lại thú nhận với những nhà lãnh đạo là ông đã “phạm tội” và khẳng định Đức Giêsu là “người vô tội?” Nếu đã biết Đức Giêsu là người vô tội, tại sao ông lại cương quyết phạm tội? Tại sao ông lại quyết định kết liễu cuộc đời sau khi quẳng trả lại số tiền? Để trả lời những câu hỏi này, người ta cũng phải hỏi một câu quan trọng khác. Đó là tại sao ông Giuđa đã quyết định đi theo Đức Giêsu từ những ngày đầu tiên?
Thật ra, người có câu trả lời chính xác nhất cho những câu hỏi vừa liệt kê không ai khác ngoài Giuđa, nhân vật trong cuộc. Những câu trả lời của tất cả những người khác chỉ là suy đoán dựa vào những chi tiết biết “về” Giuđa qua những trình thuật trong Kinh Thánh “về” Giuđa mà thôi.
Tuy nhiên, dựa vào bối cảnh lịch sử Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, những cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với nhóm Mười Hai và giữa các vị tông đồ với nhau, câu hỏi tại sao Giuđa chọn lựa đi theo Đức Giêsu phần nào có thể được vén màn.
Tại một vùng đồi núi Caesarea Philippi, Đức Giêsu từng đã hỏi những người môn đệ họ nghĩ Ngài là ai. Câu trả lời của Phêrô khi đó là, “Thầy là đấng Mêsia” (Matt 16:16). Vào thời Đức Giêsu, Do Thái nằm dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã. Bởi thế, người Do Thái mong đợi Thiên Chúa sẽ gửi đấng Mêsia có tầm vóc vua Đavid tới để giải thoát dân Do Thái ra khỏi xiềng xích La Mã. Khi Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Phêrô và các người môn đệ căn bản đang (thật thà) tuyên xưng, “Ngài là Vua.” Và nếu Ngài là Vua, tương lai của nhóm Mười Hai là một tương lai bạc vàng. Bởi thế, độc giả Kinh Thánh sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra nhóm Mười Hai hay tranh cãi với nhau ai sẽ là người lớn nhất trong vương quốc của đấng Mêsia (Mac 9:33-34). Chưa hết, anh em nhà Giacôbê và Gioan có lần ghé vào tai Đức Giêsu xin hai cái ghế, một bên trái một bên phải trong vương quốc Mêsia Đức Giêsu (Mac 10:35-40). Những chi tiết mấu chốt này có thể giải thích động lực Giuđa đi theo Đức Giêsu, nhưng lại bán Thầy, rồi lại hối hận sau khi biết chính mình đã dẫn Thầy đến án tử. Hối hận dẫn đến tuyệt vọng, ông quyết định quyên sinh.
Giuđa sẽ tiếp tục bị thiên hạ nói ra nói vô, nhất là trong Tuần Thánh. Nhưng công tâm mà nói, tại sao vị tông đồ thứ 12 có những hành động lạ lùng dẫn tới một cái kết buồn thì chỉ có Thiên Chúa và ông là người trong cuộc mới biết. Rất có thể bởi ông muốn chiếu bí Đức Giêsu để Ngài phải hành động cho hợp với vai trò của Đấng Mêsia như ông, Phêrô, anh em ông Giacôbê và Gioan đã từng mong đợi. Nhưng rất tiếc, điều họ chờ đợi nơi Thầy của mình lại không phải là điều mà Thiên Chúa Cha mong đợi nơi người Con duy nhất. Bởi thế, Đức Giêsu bị mang ra tòa công nghị, kết án tử.
Giá mà Giuđa kiên nhẫn như Phêrô, ngày hôm nay, ông đã không trở thành một nhân vật bị thiên hạ mang lên tường phóng phi tiêu mỗi Mùa Chay và Tuần Thánh.
Lm Nguyễn Trung Tây