Sau tờ America và CWN News, tờ Crux cũng đã loan tin về việc Đức Hồng Y Pell bị bồi thẩm đoàn của Tòa Án Melbourne kết tội lạm dụng tình dục trẻ em. Tờ này loan tin một cách khiến người ta có cảm tưởng họ trực tiếp nghe từ phiên tòa, không trích dẫn theo nguồn tin nào.



Trái lại, Ed Condon của CNA khi loan tin này, cho biết dựa vào “các tường trình truyền thông và các nguồn thân cận với Đức Hồng Y”. Condon đặc biệt nhắc đến nguồn Daily Beast.

Còn theo các nguồn thân cận của Đức Hồng Y Pell, thì Condon cho rằng hồi tháng Mười vừa qua, hai nguồn không thuộc toán luật sự của ngài cũng không thuộc hàng giáo phẩm Úc, đã cho CNA hay: phiên xử đầu tiên đã kết thúc bằng một bồi thẩm đoàn không thống nhất. Một nguồn cho biết rõ: bồi thẩm đoàn bị kẹt ở thế bế tắc 10-2 ủng hộ Đức Hồng Y.
Trong một nhận định ngỏ cùng CNA ngày 12 tháng 12, cũng nguồn trên cho hay lần này, lời kết tội đã đạt tới.

Việc kết tội trên chưa được hệ thống tư pháp Úc xác nhận và lệnh cấm tường trình vẫn còn hiệu lực trong vài tháng tới.
Theo nguồn này, Đức Hồng Y Pell sẽ bị kết án vào đầu năm 2019. Ngài sẽ không bị giam trước khi bị kết án.

Nhất định chờ cho tới khi có một bồi thẩm đoàn chịu kết tội

Condon nhắc lại: hồi tháng Tư năm nay, Robert Richter, luật sư trưởng của Đức Hồng Y Pell, đã bác bỏ các lời tố cáo chống lại ngài. Ông cho hay: “các lời tố cáo là sản phẩm của óc tưởng tượng, sản phẩm của các vấn đề tâm thần mà nguyên đơn có thể có có thể không, hay đơn thuần chỉ là sáng chế nguyên vẹn, nhằm trừng phạt đại diện của Giáo Hội Công Giáo tại đất nước này”.

Richter còn nói thêm rằng các lời tố cáo “không thể nào tin được” và “không lẽ nào có được, nếu không muốn nói là không thể nào có được”.

Condon nhận định: “cho đến lúc áp đặt lệnh cấm tường trình hồi tháng Sáu, Đức Hồng Y Pell là đầu đề được truyền thông tại Úc liên tiếp chú ý, nên mới có lệnh cấm. Phạm vi của sự chú ý đầy thù nghịch, nhắm vào Đức Hồng Y Pell của một số cơ quan truyền thông Úc, thậm chí trước khi có các lời tố cáo, đã dẫn đến cuộc tranh luận công cộng của một số cơ quan truyền thông Úc về việc liệu có thể có được một bồi thẩm đoàn vô tư hay không cho Đức Hồng Y”.

Ông nhận định thêm: “Mặc dù lệnh cấm đã được ban hành, một nguồn tin vẫn hoài nghi tính liêm chính của vụ xử. Trong một số nhận định nói với CNA, nguồn tin này gọi vụ xử là “một trò hề” và là “một vụ săn phù thủy”. Ông cho hay: các công tố viên Úc cương quyết có được một vụ kết tội, bất chấp vụ xử bất thành trước đây. Ông bảo: “họ tiếp tục tiến tới cho tới khi có được một bồi thẩm đoàn đem đến cho họ điều họ muốn”.

Hoài nghi tính liêm chính của Toà Melbourne

Nói về sự liêm chính của tòa án Úc, Condon cũng cho rằng “tuần trước, một tòa án khác của Úc đã lật ngược vụ kết tội mới đây chống lại vị cựu Tổng Giám Mục của Adelaide, Philip Wilson, vì tội không báo cáo các lời tố cáo lạm dụng tình dục.

Chánh Án tòa án Newcastle là Roy Ellis, ngày 6 tháng 12, nói rằng công tố đã không chứng minh quá được sự hoài nghi hợp lý rằng Đức Tổng Giám Mục Wilson không báo cáo sự lạm dụng do Cha James Fletcher phạm khi vị này bị kết án năm 2004 vì tội lạm dụng trẻ em diễn ra giữa các năm 1989 và 1991.

Chánh án cũng nhắc đến ảnh hưởng quá đáng của truyền thông đối với vụ án. Ông nói rằng “đây không phải là lời phê bình của truyền thông, nhưng dù cố ý hay không, nguyên sự hiện diện của số lượng truyền thông lớn từ khắp nước Úc và thế giới cũng mang theo nó một số lượng áp lực nào đó đối với tòa án”.

Sự hiện diện nặng nề của truyền thông “có thể được coi như một áp lực khiến tòa phải đạt tới một kết luận xem ra nhất quán đối với đường hướng của công luận, hơn là nhất quán với thượng tôn pháp luật vốn đòi tòa án phải cung cấp công lý cá thể theo các diễn trình phán kết của mình”.

Ông nói thêm: “Tiềm năng truyền thông gây áp lực ảnh hưởng tới tính độc lập của tư pháp có thể tinh tế hay rất có tính phá hoại, theo nghĩa nó là con voi trong phòng không ai thấy hay thừa nhận hoặc muốn thấy hay thừa nhận”.

Chánh án Ellis nói thêm: “Đức Tổng Giám Mục Wilson không thể bị kết án chỉ vì “Giáo Hội Công Giáo có nhiều điều phải trả lời liên quan tới phương thức tự che chở mình có tính lịch sử” đối với việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Ông bảo: “Philip Wilson, khi xuất hiện trước tòa này, đơn thuần chỉ là một cá nhân có đầy đủ quyền luật định như mọi con người khác trong cộng đồng của chúng ta. Không tùy thuộc ở tôi phải trừng phạt Giáo Hội Công Giáo vì những thiếu sót có tính định chế về luân lý của nó hay trừng phạt Philip Wilson vì tội của James Fletcher nay đã chết bằng cách coi Philip Wilson phạm tội đơn thuần dựa trên việc ông là một linh mục Công Giáo”.

Tòa án Melbourne đe dọa cả báo chí ngoại quốc

Nhưng nhận xét về tính liêm chính của tòa Melbourne không ai sắc bén bằng churchmilitant.com. Vì tường trình của tờ này, công tố và chánh án Melbourne đã gửi thư đe doạ sẽ đưa họ ra toà vì vi phạm lệnh cấm tường trình. Có điều lệnh cấm tường trình chỉ có giá trị đối với truyền thông Úc, trong khi churchmilitant.com là tờ báo mạng đặt trụ sở tại Hoa Kỳ. Điều trớ trêu này phần nào nói lên tính hồ đồ của công tố và chánh án Melbourne.



Thực vậy, sau bài báo “Cardinal Pell Felled by Abuse Claims — But Are They Credible?”, churchmilitant.com đã bị công tố viên của tòa Melbourne, Kerri Judd, dọa sẽ truy tố để chịu hình phạt tối đa nếu không chịu bôi bỏ bài báo.

Công tố Úc không phải không biết churchmilitant.com có trụ sở ở Hoa Kỳ. Nhưng Judd có đề cập đến khả thể xin “dẫn độ” các tờ báo ngoại quốc vi phạm lệnh cấm này để trị tội. Không hiểu do đâu, họ có ý nghĩ kỳ quái như thế. Phải chăng họ quyết kết tội bằng được người “chính thống” nhất trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Công Giáo Úc và hoàn cầu chăng?
Dù sao, theo churchmilitant.com, lãnh thổ tiểu bang Victoria nổi tiếng ban hành các lệnh cấm này, đến nỗi người ta gọi nó là "Suppression State" (Tiểu Bang Lệnh Cấm). churchmilitant.com cho biết: nhiều tờ báo Úc, như tờ The Age, Daily Telegraph, chỉ trích việc ban hành các lệnh cấm này.

Nhiều tờ báo ngoại quốc cũng tường trình vụ kết tội này nhưng chưa hề nghe có tờ nào bị đe doạ như churchmilitant.com. Có lẽ vì tờ này công khai nghi vấn việc kết tội chăng.

Theo tờ này, có hai lý do để nghi vấn.

Thứ nhất, các lời tố cáo không đáng tin. Chúng cho rằng Tổng Giám Mục Melbourne đã mò mẫm hai bé trai bên trong khuôn viên nhà thờ chánh tòa trong thập niên 1990. Đức Hồng Y Pell từng bị tố cáo nhiều điều, nhưng chưa bao giờ bị tố là ngu đần cả. Ngài vốn tích cực trong việc tạo ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục năm 1996 bất chấp một số phê phán của các giám mục Úc khác vì cho rằng nên chờ đợi xem sao. Ngài hành động thế chỉ vì nghĩ rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng. Trong khoảng thời gian này, ngài cũng bị các người đồng tính phản đối nhắm vào. Nên không thể tin được một người tự chủ như ngài lại khinh suất đến có thể làm một chuyện dơ dáy dễ bị lộ tẩy đến thế.

Những người biết rõ ngài thấy thứ tố cáo này không nhất quán với nhân cách của ngài. Người ta dễ tin ngài có thể che chở các linh mục phạm tội hơn là trơ tráo và phạm thượng đến có thể mò mẫm các bé trai bên trong một nhà thờ.

Một điều cũng đáng lưu ý đây là lần thứ hai, Đức Hồng Y Pell bị xử về cùng một thứ tội. Vụ xử đầu tiên kết cục bằng một bồi thẩm đoàn chia rẽ 10-2 nghiêng về phía tha bổng ngài. Điều gì cũng có thể, kể cả việc Đức Hồng Y phạm tội ác, nhưng bồi thẩm đoàn trước đã không xác tín ngài phạm tội.

Thứ hai, phiên xử Đức Hồng Y Pell có hợp tình hợp lý (fair) hay không? Khuôn mặt của Đức Hồng Y Pell tại Úc có lẽ không giáo sĩ thuộc bất cứ tuyên tín nào sánh bằng, ngoại trừ Đức Giáo Hoàng. Ngoài việc phục vụ tại Vatican và là Tổng Giám Mục Melbourne và Tổng Giám Mục Sydney, hai thành phố lớn nhất của Úc, ngài còn giữ một cột báo cho một tờ nhật báo, thường xuyên xuất hiện trên truyền thanh và truyền hình, một đại biểu tại Hội Nghị Hiến Pháp Úc , trong đó, ngài là một người bênh vực chính nghĩa cộng hòa một cách hăng say; một người hoài nghi sự thay đổi khí hậu; và là một người hết lòng bênh vực các giá trị truyền thống Kitô Giáo.

Bên trong Giáo Hội, ngài kiên định bênh vực Đức Giáo Hoàng và nền chính thống. Điều này tạo cho ngài nhiều kẻ thù nơi những người Công Giáo cấp tiến. Đồng thời, ngài là một quản trị viên hết sức có hiệu năng và nhìn xa trông rộng, dẵm lên chân nhiều người.

Tóm lại, ngài là một trong những người Úc gây tranh cãi nhiều nhất thuộc thế hệ của ngài. Không ai không có một ý kiến về George Pell. Xử ngài ở Melbourne, Trung Tâm Ghét-Pell, cũng giống như xử Hillary Clinton ở Texas, nơi 2 phần 3 dân chúng thi nhau đòi nhốt bà.

Vì những lý do không ai hiểu nổi, Cảnh Sát Melbourne đã săn đuổi Pell một cách mạnh mẽ hết sức phi thường, và không đẹp đẽ gì. Năm 2013, họ đã lập một toán đặc nhiệm để tìm kiếm các đơn kiện chống lại ngài, trong khi cả năm, họ vẫn không nhận được một tờ đơn nào. Năm 2016, một toán đặc nhiệm về lạm dụng tình dục phỏng vấn ngài ở Rome. Cảnh sát cố tình rò rỉ tin này cho công chúng.

Cảnh sát Victoria nổi tiếng tham nhũng. Mới đây, có tiết lộ cho thấy họ đã thuyết phục một luật sư hình sự thông tri về các thân chủ của bà và nhờ thế, việc kết tội hàng trăm tội nhân đã được hủy bỏ. Tháng này, tối cao pháp viện Úc cho biết “Cảnh Sát Victoria phạm một tác phong đáng trách”.

Chưa kể, đầu năm ngoái nhà báo Melbourne, Louise Milligan, còn cho xuất bản cuốn Cardinal: The Rise and Fall of George Pell. Được đọc và quảng bá rầm rộ, nó là nguồn cho những lời tố cáo điên khùng trong vụ xử ngài.

Thành thử trong hai năm qua, bầu khí của Melbourne đầy những cười thầm ác ý và những bình luận đầy nọc độc về Đức Hồng Y Pell và Giáo Hội Công Giáo. Làm sao tìm được một bồi thẩm đoàn vô tư trong bầu không khí này?