Ngày 15 tháng Hai, ký giả kỳ cựu Andrea Gagliarducci của CNA, cho hay: trong một bài báo đăng trên tập san Công Giáo Ý Il Regno, Đức Cha Marcello Semeraro, Tổng Thư Ký của Hội Đồng 9 Hồng Y cố vấn cho Đức Phanxicô, nói tới diễn trình của Hội Đồng và nhấn mạnh tới khía cạnh mục vụ của nó.



Thực vậy, theo vị giám mục này, các cải tổ được Hội Đồng xem xét và đề nghị lên Đức Phanxicô đều nhấn mạnh tới các quan tâm mục vụ chứ không nhằm tạo ra một cuộc cách mạng. Theo ngài, các cải tổ gần đây đối với các cơ quan truyền thông của Tòa Thánh có thể được coi như mô hình cho dự án cải tổ.

Theo Đức Cha Semeraro, việc lập ra phân bộ thứ ba tại Phủ Quốc Vụ Khanh là một dấu hiệu muốn nhấn mạnh nhiều tới công tác mục vụ.

Được công bố hồi tháng 11 năm rồi, phân bộ thứ ba ở Phủ Quốc Vụ Khanh nhằm biểu lộ sự quan tâm và gần gũi của Đức Giáo Hoàng với các nhà ngoại giao của Tòa Thánh. Chính vì thế, vị đứng đầu phân bộ này được trao nhiệm vụ thăm viếng các tòa sứ thần Tòa Thánh khắp thế giới.

Đức Cha cho hay: việc quan tâm tới các nhà ngoại giao của Tòa Thánh là một chủ đề chính trong cuộc thảo luận của Hội Đồng Hồng Y và cuộc cải tổ lần này là theo đường hướng của Công Đồng Vatican II.

Ngài nhấn mạnh thêm rằng các vị sứ thần Tòa Thánh ngày trước vốn chỉ được coi là các nhân vật ngoại giao nhưng Bộ Giáo Luật 1983 đã “thỏa mãn niềm hy vọng của Công Đồng Vatican II rằng chức vụ đại diện Giáo Hoàng, tức sứ thần Tòa Thánh, phải được miêu tả với sự tham chiếu tới thừa tác mục vụ của một vị giám mục”.

Đức Cha Semeraro giải thích rằng: Bộ Giáo Luật năm 1983 “phân biệt rõ giữa sứ vụ giáo hội và sứ vụ ngoại giao” và nhấn mạnh rằng “các đại diện Giáo Hoàng, dù có khía cạnh ngoại giao, nhưng phần lớn là các nhân vật giáo hội” và các nhiệm vụ chính của các ngài “là các bổn phận có tính tôn giáo và giáo hội học” đảm nhiệm nhân danh Đức Giáo Hoàng.

Theo Đức Cha Semeraro, chính vì thế, Đức Phanxicô muốn biểu lộ quan tâm mục vụ của ngài đối với các nhân viên ngoại giao của Tòa Thánh vì “tập chú vào các tài nguyên nhân bản là khía cạnh không hề phụ thuộc trong diễn trình cải tổ Giáo Triều”.

Để giải thích ‘bức tranh lớn’ của cuộc cải tổ Giáo Triều, Đức Cha Semeraro nhắc nhớ diễn văn Giáng Sinh 2017 của Đức Phanxicô với Giáo Triều Rôma và đặc biệt, cách Đức Giáo Hoàng giải thích các chức năng “ad extra” (đối ngoại) của Giáo Triều.

Theo Đức Cha Semeraro, Đức Giáo Honàg yêu cầu Giáo Triều “hướng ra ngoài” nghĩa là nhìn quá bên kia Tòa Thánh, với khả năng biết đọc các dấu chỉ thời đại.

Đức Cha Semeraro cho biết: việc cần phải nhìn ra ngoài, tới các Giáo Hội địa phương, cũng đã được biểu lộ trong tự sắc Magnum Principium, tức tự sắc nới lỏng diễn trình phiên dịch Sách Lễ Rôma từ tiếng Latinh sang các tiếng bình dân.

Vị tổng thư ký của Hội Đồng Hồng Y nói rằng Hội Đồng được mời gọi cho ý kiến về vấn đề trên, “trong bối cảnh và thẩm quyền khác hơn là ý kiến của Ủy Ban Giám Mục và Chuyên Viên đã được thiết lập”.

Ngài cũng nhấn mạnh đến việc làm của của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên trong việc trợ giúp các giáo hội địa phương, coi nó như một điển hình khác của việc Giáo Triều hướng cái nhìn của mình ra ngoài.

Ba nguyên tắc cải tổ

Ngài cũng cho hay Đức Giáo Hoàng muốn việc cải tổ diễn tiến từ từ, và điều này đang diễn ra với các bộ sở tân lập là Bộ Cổ Vũ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện và Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống. Đức Cha Semeraro cho biết Hội Đồng Hồng Y dựa trên 3 nguyên tắc sau đây trong việc cải tổ Giáo Triều: truyền thống, canh tân, và tập chú vào điều thực sự cần thiết.

Về truyền thống, Đức Cha Semeraro nói rằng “sẽ là điều sai lầm khi nghĩ rằng việc cải tổ nhằm lật ngược toàn bộ khuôn khổ Giáo Triều” khi Giáo Triều bao gồm “nhiều bộ sở liên hệ tới các hoạt động nền tảng của Giáo Hội như việc loan báo Tin Mừng, gìn giữ đức tin, sinh hoạt phụng vụ, phục vụ bác ái”.

Nguyên tắc chủ yếu về canh tân được tóm lược trong việc cải tổ ngành truyền thông nhằm đáp ứng các thực tại mới mẻ của các phương tiện truyền thông.

Nguyên tắc “tập chú” cũng có thể được gọi là “đơn giản hóa” như đã diễn ra với việc sát nhập một số bộ sở.

Đức Giáo Hoàng muốn việc cải tổ là một “diễn trình” cần có thời gian để hoàn tất, điều mà ngài đã nói rõ trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng: “khởi đầu các diễn trình, hơn là chiếm hữu không gian”.

Đức Cha Semeraro cho rằng trong chiều hướng ấy, các cuộc linh thao Mùa Chay cho Giáo Triều, mà Đức Phanxicô yêu cầu được tổ chức ở bên ngoài Rôma, cũng là một phần của cuộc cải tổ này.

Hội Đồng gần hoàn thành sứ vụ



Trước đó, ngày 11 tháng Chín năm 2017, ký giả Junno Arocho Esteves, cho hay theo lời Đức Cha Semeraro, Tổng Thư Ký Hội Đồng Hồng Y, thì việc làm của Hội Đồng gần như hoàn tất rồi.

Thực vậy, Đức Cha Marcello Semeraro nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng “về diễn trình cải tổ Giáo Triều Rôma, nó đã tiến được hơn 3 phần 4 đường đi rồi, gần như hoàn tất... trên bình diện các đề nghị trình lên Đức Giáo Hoàng”.

Nhân dịp này, Đức Cha cho Đài Vatican hay diễn trình ba bước trong việc cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc cải tổ Giáo Triều và cai quản Giáo Hội nói chung: “lắng nghe” các đóng góp của các vị giám mục, Giáo Triều và “nhiều người viết thư đến”, suy nghĩ về các đề xuất này và rà xét chúng cẩn thận.

Ngài nói: “lắng nghe, suy nghĩ, rà xét và rồi đưa ra đề nghị cho Đức Giáo Hoàng” vì Ủy Ban Hồng Y không ban hành các sắc lệnh; “Hội Đồng Hồng Y đề nghị lên Đức Giáo Hoàng”. Đức cha nói tiếp: trong suốt các buổi họp của Hội Đồng, Đức Phanxicô tham dự “chủ yếu bằng cách lắng nghe” và “can thiệp khi thuật lại các kinh nghiệm bản thân lúc còn là Tổng Giám Mục ở Buenos Aires, Á Căn Đình, hay tình hình đương thời trong sinh hoạt của Giáo Hội”.

Theo Đức Cha Semeraro, việc làm của Hội Đồng không chỉ thuộc phạm vi cải tổ Giáo Triều mà thôi mà còn thông tri, cố vấn và hợp tác với Đức Giáo Hoàng trong các tình huống đa dạng trong Giáo Hội.

Một điển hình là cuộc thảo luận về “thực tại rất đau lòng của việc lạm dụng vị thành niên. Tự nó, đây không phải là thành phần của việc cải tổ Giáo Triều. Thế nhưng, Đức Giáo Hoàng vẫn quyết định lắng nghe Hội Đồng về một số biện pháp. Và, khi nói tới việc phải minh xác hay can thiệp, Đức Giáo Hoàng có can thiệp nhưng một cách hết sức thận trọng. Phần lớn, ngài lắng nghe”.

Liên quan tới khuôn khổ thời gian, Đức Cha Semeraro co hay các đề nghị cuối cùng liên quan tới mọi bộ sở “sẽ ít nhiều hoàn tất trong vài tháng nữa” và sẽ tùy thuộc Đức Giáo Hoàng “quyết định thi hành chúng ra sao và thi hành lúc nào. Hiện nay, Đức Giáo Hoàng thích từ từ thi hành, cũng như cần có thời kỳ thử nghiệm (breaking-in). Trong một số trường hợp, Đức Giáo Hoàng đã can thiệp để sửa đổi vì từ lý thuyết bước sang thực hành, nhu cầu sửa đồi thế nào cũng xuất hiện”.

Cách hiểu Amoris Laetitia tại Hội Đồng

Dù Đức Cha Semeraro không đề cập chi tới các đóng góp của Hội Đồng Hồng Y vào việc thi hành Tông Huấn Amoris Laetitia, nhưng theo Ký Giả kỳ cựu John Allen, người ta hiểu Tông Huấn này đã được Hội Đồng thảo luận cặn kẽ và các kết luận của Hội Đồng phản ảnh quan điểm thực sự của Đức Phanxicô, nhờ đọc các chỉ dẫn mà Đức Cha Semeraro vừa công bố cho giáo phận Albano của ngài về việc chấp nhận cho các người ly dị và tái hôn dân sự được đảm nhận một số thừa tác vụ mà theo giáo luật họ không được phép làm.

Theo Allen, nếu Đức Cha Semeraro chỉ là giám mục Albano mà thôi, thì các chỉ dẫn của ngài chẳng có chi đáng nói. Vì Albano chỉ là một giáo phận nhỏ ở ngoại ô Rôma, gần cung điện mùa hè Castel Gandolfo, và vị giám mục của nó hầu như không được ai trên thế giới biết đến.

Nhưng sự kiện ngài là tổng thư ký của Hội Đồng Hồng Y đã làm mọi người lưu ý tới các chỉ dẫn của ngài. Vì ngoài việc dùng Hội Đồng cố vấn cho ngài về việc cải tổ Giáo Triều, Đức Phanxicô còn dùng nó “như một cơ quan thăm dò cho nhiều quyết định quan trọng của ngài” như chính Đức Cha Semeraro xác nhận khi nói tới việc làm của Ủy Ban Bảo Vệ Vị Thành Niên.

Thành thử, chắc chắn Đức Cha Semeraro có mặt khi các cuộc thảo luận diễn ra. Ngài biết Đức Giáo Hoàng nghĩ gì và muốn gì. Nên khi ban hành các chỉ dẫn mục vụ để thực thi Amoris Laetitia, nội dung của nó được nhiều người lưu ý.

Ở đây, ngài không nói tới việc rước lễ của những người ly dị tái hôn dân sự, nhưng đề cập tới một loạt vai trò mà người ly dị tái hôn vốn bị cấm:

o Làm thành viên của hội đồng mục vụ
o Đọc Sách Thánh trong Thánh Lễ
o Dạy môn tôn giáo trong các trường Công Giáo
o Dạy giáo lý
o Các việc bác ái Công Giáo
o Làm vú bõ đỡ đầu lúc rửa tội.

Tuy nhiên, không vai trò nào trên đây tự động họ được làm. Ngài bảo: “Về phần giám mục hay 1 mục tử hoặc 1 vị giải tội, không hề có việc ban một loại hình thức cho phép để bước vào cộng đồng tín hữu, hay một cách đơn giản, có thể Rước Lễ. Nói như thế, là hoàn toàn sai lầm”.

Ngài đặt ra một số điều kiện được coi là không thể miễn chước để biện phân một cách có ý nghĩa như tình trạng của cuộc kết hợp trước và sự trung thành với cuộc kết hợp mới cũng như ý thức rằng tình thế mới là tình thế “bất hợp lệ”.

Nói về cuộc kết hợp mới, Đức Cha Semeraro cho rằng nó phải “được củng cố với thời gian và sống một cách trung thành, được đánh dấu bằng lòng âu yếm và trách nhiệm thành thực đối với con cái, được nâng đỡ bằng việc cầu nguyện và năng tham dự vào đời sống cộng đồng giáo xứ”.

Amoris Laetitia không bao giờ nói đến một thứ ‘cho phép’ tổng quát để mọi người ly dị tái hôn phần đời được rước lễ. Nó cũng không nói rằng con đường hồi tâm được những người khao khát nó khởi đầu nhất thiết phải dẫn tới việc được phép lui tới các bí tích”.

Thay vào đó, Đức Cha Semeraro viết, Amoris Laetitia nhấn mạnh đến việc biện phân, mà không xác định trước nó sẽ dẫn đến đâu. Ngài nói: “Tâm điểm của nó là đồng hành và biện phân", nghĩa là “việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa cần được thực hiện, và các bước cùng các phương thế cụ thể để đem nó vào thực hành”. Mặt khác, Đức Cha Semeraro xem ra cũng không khuyến khích việc làm cho các đòi hỏi để người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ trở thành hạn hẹp một cách không cần thiết.

Ngài nói: “việc căn bản là điều được đề nghị luôn phải xét tới hoàn cảnh thực sự trong đời sống các bên liên hệ” và “tránh việc đưa ra các đòi hỏi không cân xứng, vượt quá khả năng của họ, và đối với việc này, vượt quá điều đòi hỏi ở các tín hữu khác”.

Đức Cha Semeraro viết rằng thậm chi, ta không thể nói được rằng mọi người hiện đang sống trong một tình huống “bất hợp lệ” là tự động sống “trong trạng thái tội trọng, mất hết ơn thánh hóa”.

Theo ngài, điều được kêu gọi là việc “xét mình” để “chứng thực liệu có sự ăn năn thành thực hay không, không bao giờ yêu cầu hối nhân nhiều hơn khả năng họ có thể làm”.

Đức Cha nhấn mạnh rằng trách nhiệm của mục tử là “ấn định để tín hữu nhận ra chân trời luân lý của đời sống Kitô hữu... giúp họ nhìn ra điều gì tùy thuộc họ trong hoàn cảnh họ đang sống lúc ấy, và điều gì không”

Ngài bác bỏ các giải pháp “một cỡ hợp với mọi người”. Theo ngài “một quy tắc tổng quát mới như trong giáo luật, như nhau cho mọi người, là tuyệt đối không đúng chỗ”. Điều cần là “đồng hành” với họ trong các tình huống đặc biệt.