3. Nguồn thi cảm thứ thứ ba: Những Nỗi Đau Khổ Của Cuộc Đời: Hai biến cố quan trọng ảnh hưởng tới thi ca Hàn Mặc Tử là phung cùi và cuộc tình lở dở với Mộng Cầm. Hai biến cố ấy đã làm cho tâm hồn thi nhân thác loạn. Trong hoàn cảnh này, đối với người bình thường, không ai còn bụng dạ nào sáng tác thi ca, nhưng Hàn Mặc Tử thì khác, bệnh càng trầm trọng chừng nào, mạch thơ càng mạnh chừng ấy. Và người ta không mấy ngạc nhiên, khi thấy thơ văn Hàn Mặc Tử đầy dẫy những danh từ, nói về bệnh cùi như: Tê dại, sượng sần, da diết, chết điếng, đỏ hườm.

Nhưng rồi dần dần chàng cũng quen được với sự đau khổ, và nhận thấy rằng, chính những lúc náo loạn tâm hồn, lại là khởi điểm cho một nguồn thơ mới. Cuối năm 1937, Hàn Mặc Tử gom góp 50 bài thơ làm trên giường bệnh và đặt tên là Đau Thương gồm ba tập: Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên. Trong Đau Thương, chàng dành hơn một nửa nói về trăng, còn hầu hết nói về linh hồn. Điều đó cho ta thấy tâm hồn Hàn Mặc Tử lúc nào cũng ám ảnh sự tuyệt vọng và chết chóc.

Đến tập Mật Đắng, người ta gặp một linh hồn vô cùng khổ não do cuộc tình giang dở với Mộng Cầm. Trong văn học Việt Nam, chuyện thất tình không thiếu, và hậu quả của nó thường chỉ là thứ tình buồn thấm thía, dìu dịu. Nhưng trong thơ Hàn Mặc Tử, người ta thấy một nỗi đau thương mãnh liệt mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh - Hoài Chân gọi là lời thơ dính máu.

Sang tập Máu Cuồng và Hồn Điên thì thơ văn Hàn Mặc Tử ra khỏi thế giới trần tục. Người đọc sẽ rùng mình, ngơ ngác tìm xem trong lòng mình có gì giống cảnh của Hàn Mặc Tử không? Ta sẽ không tìm thấy gì, và nếu lục lọi trong văn thơ cổ kim, ta cũng không thấy gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết một điều là ta đang đứng trước một con người sượng sần vì bệnh cùi, điên cuồng vì lo sợ, tuyệt vọng vì cái chết sẽ đến nay mai. Đang lúc tư tưởng của chàng đi vào cõi siêu thực, thì một nguồn lực siêu nhiên khác đến với chàng. Đó là ân sủng siêu nhiên.

Ngày mai: Hàn Mặc Tử - Chiến sĩ Phúc Âm