Người ta chờ đợi là chính phủ Sudan và nhóm phiến quân ở miền Nam sẽ đặt bút ký vào một thỏa thuận ngày thứ tư để chia nguồn lợi thu được từ tài nguyên thiên nhiên ở nước này.

Thỏa thuận này sẽ định mức mỗi bên được hưởng liên quan đến dầu khí và các loại khoáng sản khác, một khi cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm chấm dứt.

Cạnh đó hai bên còn cần phải đồng ý về cách thức cai trị ba vùng lãnh thổ hiện vẫn còn đang tranh chấp tại trung phần của Sudan.

Một chủ đề khác không kém phần quan trọng là thành phần đại diện của nhóm phiến quân trong một chính phủ chuyển tiếp trong tương lai.

Theo các phóng viên thì buổi lễ ký kết tại thị trấn Naivasha bên nước Kenya sẽ là điềm báo trước những sự kiện lớn sẽ xảy ra.

Và phóng viên của đài BBC cho hay lễ ký này sẽ kết thúc phần tranh cãi hay gây căng thẳng nhất của tiến trình đàm phán.

Đơn vị tiền tệ mới

Sau nhiều tháng đàm phán và nhiều năm xung đột liên quan đến nguồn dầu mỏ của Sudan, chính phủ Trung ương và tổ chức SPLA của John Garang cuối cùng đã đồng ý chia sẻ nguồn lợi thu được từ dầu mỏ một cách công bình.

Hai phía cũng sẽ thành lập một ủy hội tổng thống để theo dõi quá trình thăm dò dầu khí trong tương lai, cũng như chia sẻ công bằng nguồn lợi dầu lửa.

Trong quá trình chuyển tiếp kéo dài 6 năm, sẽ bắt đầu một khi một hiệp định toàn diện đươc ký, miền Nam Sudan sẽ có chính quyền địa phương riêng.

Sẽ có ngân hàng Hồi giáo ở phía Bắc, ngân hàng phương Tây ở phía Nam, và một đồng tiền mới cho Sudan.

Ông Garang và phía tương nhiệm trong chính phủ, phó tổng thống Ali Osman Taha, sẽ đặt bút ký vào thỏa thuận trước khi hai người này quay trở lại hội đàm tiếp tục hai chủ đề tồn đọng nổi cộm. (BBC)