Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ động đất thành phố Bam cho biết, các nỗ lực tìm kiếm sẽ được kéo dài đến tối nay. Sau đó, họ sẽ căn cứ trên tình hình để quyết định xem có tiếp tục hay không. Việc tìm thấy thêm những nạn nhân còn sống sau 72 giờ bị vùi dưới đống đổ nát đã ngày càng trở nên vô vọng.

Trong những ngày này, thành phố Bam thực sự là một hiện trường cứu hộ "đa quốc gia" với sự tham gia của các nhân viên đến từ nhiều nước trên thế giới. Trong đó, cả đối thủ lâu năm của Iran là Mỹ cũng cử chuyên gia đến Bam giúp nước này khắc phục hậu quả vụ động đất được đánh giá vào loại nghiêm trọng nhất thế giới trong một thập kỷ qua.

Hơn 600 nhân viên cứu hộ từ 16 quốc gia đã có mặt làm nhiệm vụ tại Bam. Hoạt động tìm kiếm 24/24h của họ gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa lạnh, các cơn hậu chấn và tình trạng hỗn loạn. Theo ghi nhận của các nhân chứng đã xuất hiện tình trạng cướp bóc và hôi của tại hiện trường vụ động đất.

Hiện nay số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất lịch sử tại thành cổ Bam vẫn chưa thống kê được chính xác và xê dịch từ 20.000 đến 40.000. Một quan chức tỉnh Kerman cho biết: "Tôi tin rằng con số thương vong đã lên tới 30.000 người. Một số làng mạc bên ngoài thậm chí còn bị động đất tàn phá nặng nề hơn so với thành phố Bam vì đã bị hủy diệt hoàn toàn". Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolvahed Mousavi-Lari thì công bố trên truyền hình rằng, đến nay đã tìm được khoảng 20.000 thi thể nạn nhân nhưng chắc chắn con số người chết sẽ còn tăng cao.

Các nghĩa trang ở Bam đã trở nên quá tải do xác nạn nhân không ngừng được chuyển đến. Người ta đã không thể có điều kiện thực hiện những nghi lễ truyền thống theo Hồi giáo cho những người xấu số. Những người may mắn còn sống sót thì đã trải qua đêm thứ ba phải ngủ ngoài trời trong điều kiện thời tiết lạnh 7 độ C lại kèm theo mưa lớn. Sân bay Bam giờ đã bị biến thành một bệnh viện dã chiến với hàng nghìn bệnh nhân nằm ngổn ngang chờ cấp cứu.

Một chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của không quân Hoa Kỳ đã hạ cánh tại sân bay Kerman, gần Bam, mang theo số hàng viện trợ quốc tế đầu tiên. Quân đội Mỹ cho biết sẽ chuyển 70 tấn hàng viện trợ vốn được dùng cho công cuộc tái thiết ở Iraq sang Iran, giúp nạn nhân của trận động đất. Các quân nhân Mỹ và Iran đã cùng nhau dỡ hàng từ máy bay xuống và đây là chuyến bay đầu tiên của Mỹ tới Iran kể từ cuộc khủng hoảng con tin năm 1981. Washington đã cắt đứt quan hệ với Iran sau khi các sinh viên tràn vào sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979 và cầm giữ 52 con tin Mỹ trong suốt 444 ngày.

Hôm qua, Giáo hoàng John Paul II đã cầu nguyện cho những tín đồ Hồi giáo ở Bam và kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nạn nhân động đất Iran. (Reuters, BBC)