Nội các Nhật đã thông qua kế hoạch gửi quân không trực tiếp chiến đấu tới Iraq. Đây là sự kiện triển khai quân lớn nhất của Nhật kể từ Thế chiến II.

Theo quy định Hiến pháp Nhật, số quân này chỉ có thể đóng vai trò nhân đạo ở Iraq.

Nhưng kế hoạch vẫn gây ra tranh cãi, đặc biệt sau khi hai nhà ngoại giao Nhật bị giết ở Tikrit tháng trước.

Đồng minh

Thủ tướng Junichiro Koizumi giải thích quyết định, nói rằng Nhật phải chứng minh là một "đồng minh tin cậy" của Mỹ.

Khoảng 1000 nhân viên quân sự dự kiến sẽ đến Iraq trong vài tuần tới.

Ông Koizumi nhấn mạnh: "Chúng ta không tham dự chiến tranh. Tình hình Iraq thật nghiêm trọng. Chúng tôi biết không nhất thiết là an toàn. Nhưng lực lượng phòng vệ của chúng ta phải hoàn tất sứ mạng này."

Ông Koizumi nói Nhật Bản - nước bị chỉ trích vì chỉ góp tiền mà không góp quân cho chiến tranh vùng Vịnh 1991 - phải hoàn tất trách nhiệm quốc tế.

Ông nói: "Hoa Kỳ đã có nhiều hi sinh để tạo nên dân chủ cho Iraq. Nhật Bản phải là một đồng minh đáng tin cậy của Hoa Kỳ."

Theo kế hoạch do Đảng Dân chủ tự do đương quyền đưa ra, quân Nhật sẽ đến miền đông nam Iraq để phục hồi dịch vụ nước, cung cấp y tế và các dịch vụ nhân đạo, giúp xây trường và các cơ sở hạ tầng khác.

Chưa có khung thời gian. Ông Koizumi cam kết sẽ gửi quân ngay khi tình hình ổn định.

Đài NHK nói Tokyo định gửi khoảng từ 500 đến 700 lính bộ binh, xe quân sự, khoảng sáu tàu chiến, tám máy bay, gồm ba chiếc phi cơ vận tải C130.

Các thăm dò cho thấy ít nhất một phần ba công chúng Nhật phản đối kế hoạch.

Các nhà chỉ trích chỉ ra là hiến pháp cấm Nhật sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, và rằng quân Nhật có thể bị lôi kéo vào chiến trường để tự vệ.

Một luật đặc biệt cho phép việc triển khai quân đã được quốc hội thông qua hồi tháng Bảy, nhưng chỉ với điều kiện quân Nhật đến một vùng xa chiến tuyến.

Những vụ việc như đánh bom tự sát ở văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Baghdad tháng Tám và vụ giết các nhà ngoại giao Nhật hôm 29 tháng Mười một cho thấy tình hình bất ổn ở Iraq. (BBC)