Đài BBC tài trợ để tiến hành điều tra tại 15 quốc gia về quan điểm của người dân về HIV và AIDS.

Cuộc điều tra cho thấy đã 20 năm kể từ khi AIDS lây lan ra khắp các châu lục, người dân tại các nước vẫn không nghĩ rằng chính phủ đã làm việc đúng mức để chống lại dịch bệnh này.

Chỉ có tại Bangladesh là chính phủ được khen. Tại nơi bị nặng nhất là Nam Phi 28% người được hỏi nghĩ rằng chính phủ đang cố gắng hết sức.

Bận tâm về AIDS

Cuộc điều tra cho thấy AIDS là mối bận tâm của nhiều người tại Tanzania, Nigeria và Ấn Độ, hơn so với tiền bạc, tội phạm, khủng bố hay các vấn đề sức khỏe khác.

Tại những nơi khác người ta lo nghĩ nhiều hơn đến việc kiếm tiền. Mức độ bận tâm tùy thuộc nhiều vào nơi sinh sống, thí dụ ở Anh và Hoa Kỳ là thấp nhất.

Nhưng tại Ukraine, Nga và Trung Quốc người ta cũng không bận tâm nhiều mặc dù đây là ba trong số năm nước mà Liên hiệp quốc nói có nguy cơ cao nhất.

Tại Nam Phi, nơi 1/5 dân số người lớn đã nhiễm HIV, người ta cũng bận tâm nhiều hơn đến tình trạng mất an ninh và tội phạm.

Thiếu kiến thức về AIDS

Ngoại trừ ở Trung Quốc còn thì gần như mọi người được hỏi tới đều biết AIDS là gì, lây nhiễm như thế nào - tức qua tình dục không an toàn, tiêm chích không vệ sinh, và lây từ mẹ sang trẻ sơ sinh.

Nhưng rất nhiều người sai khi nghĩ rằng cũng có thể bị lây qua các hình thức đụng chạm với người đã nhiễm HIV.

Theo cuộc điều tra này Trung Quốc là nơi người dân thiếu hiểu biết nhất về AIDS. Một phần ba số người được hỏi nghĩ rằng có thể lây nếu dùng chung bàn cầu với người bệnh.

Nhiều người Trung Quốc cũng nghĩ rằng dùng chung ly tách, khăn tắm cũng có thể lây bệnh.

Quan tâm về bao cao su

Không phải ai cũng biết rằng AIDS có thể gây chết người. Trên phân nửa số được hỏi tới ở Brazil và NIgeria nói họ không nghĩ rằng AIDS đe dọa đến tính mạng.

Nhìn chung hơn 70% số người trong cuộc điều tra tin rằng thiếu niên dưới 14 tuổi nên được dạy rằng có thể tránh được AIDS nếu dùng bao cao su.

Quan điểm này thể hiện tại một số nước có nhiều người theo đạo Công giáo như ở Mexico và Brazil với 90% ủng hộ giáo dục sinh lý trong khi giáo hội không khuyến khích việc dùng bao cao su.

Nhưng đại đa số ở các nước như Nigeria và Indonesia lại chống việc giảng dạy sinh lý quá sớm trong trường học.