BẮC KINH -Nói chuyện về đề tài dân chủ ở ngay trong nước Trung quốc là một điều rất nguy hiểm, thế nhưng đó lại chính là điều mà cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter được mời đến Bắc Kinh để giảng trong trường đại học.

Đại học tổng hợp Bắc Kinh từng là một trung tâm sinh viên giữ vai trò quan trọng trong cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi năm 1989.

Phóng viên BBC Louisa Lim đã tìm đến buổi giảng và cho biết cựu tổng thống Jimmy Carter đến Đại học Bắc Kinh với một thông điệp là Trung Quốc có thể gia tăng dân chủ mà không phương hại gì đến sự tồn tại của đảng cộng sản:

"Một vài học giả nổi tiếng cho rằng bầu cử trực tiếp không phù hợp với Trung Quốc.

Họ so sánh tính ổn định của Trung Quốc cũng như phát triển kinh tế của Trung Quốc với các nước như là Ấn Độ và Nga chẳng hạn.

Trên thực tế đúng là dân tộc vĩ đại của quí vị đã thực hiện một quá trình chuyển đổi rất quan trọng, chuyển sang hướng xã hội mở, đặt nền tảng trên mức tăng trưởng kinh tế đáng kể và cải tổ được khởi xướng từ 30 năm trước.

Và không có gì đáng ngại trong việc quyết định thay đổi chính trị hơn nữa, không sợ bất kỳ nguy hiểm thực tế nào đối với tính ổn định hay hệ thống luật lệ." - ông nói.

Trung tâm của ông Cater đã giám sát các cuộc bầu cử địa phương được tiến hành ở 800.000 ngôi làng khác nhau ở Trung Quốc.

Cựu tổng thống Mỹ cũng muốn có bầu cử trực tiếp ở mức hành chính cao hơn.

Trung Quốc có nhiều thay đổi

Thế nhưng đối với nhiều sinh viên tại Đại học Bắc Kinh thì có nhiều thứ khác còn quan trọng hơn là dân chủ, ví dụ như là đủ cơm để ăn, đủ nước để uống.

Một sinh viên nói:

"Tôi biết dân chủ là niềm mơ ước, nhưng tôi cũng biết là dân chủ là một thứ xa xỉ, tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng của kinh tế và môi trường.

Cho nên vì vậy tôi nghĩ hai vấn đề là dân chủ và kinh tế cần phải đi đôi với nhau như răng với môi vậy."

Đại học Bắc Kinh có truyền thống lâu đời với danh tiếng là cái nôi của các biện pháp cực đoan.

14 năm trước sinh viên của trường từng đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn.

Ký túc xá của trường từng bị lùng sục để truy tìm các lãnh tụ sinh viên sau khi những chiếc xe tăng cán chết những sinh viên khác ngoài quảng trường.

Và bây giờ thì người ta vẫn có các suy nghĩ trái ngược nhau về hành động của chính phủ.

Một nữ sinh viên nói là rất nhiều khả năng chính phủ đã hành động không phù hợp với dân chúng và sinh viên, nhưng cô nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc phải làm như vậy vì tình thế lúc bấy giờ như vậy, phải kiểm soát ngay lập tức, nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian.

Một sinh viên khác đã tốt nghiệp nói với phóng viên đài BBC là sinh viên bây giờ vẫn đi theo con đường dân chủ, nhưng họ đi bằng con đường khác và có các biện pháp mà theo anh là thực tế hơn:

"Sinh viên bây giờ trưởng thành hơn, và thực tế hơn.

Họ có thể nhìn thấy ích lợi trước mắt của nhiều thứ, ví dụ như là họ biết phải học tiếng Anh cho tốt, họ muốn đi ra nước ngoài, họ muốn làm giầu, muốn kiếm tiền và muốn có việc làm.

Vài năm trước không có cơ hội để trao đổi tư tưởng, rất nhiều tư tưởng khác nhau."

Vậy với ông thì ngày 4 tháng Bẩy có thể nào tái diễn ?

"Tôi không nghĩ vậy.

Tôi nghĩ nó không xẩy ra vì Trung Quốc đã gia nhập WTO và chuyện đó làm thay đổi.

Tất cả chúng tôi đều cần thay đổi cho nên theo ý tôi trong vòng 10 hay 20 năm sự thay đổi đó sẽ còn hoàn toàn hơn nữa.

Tuy nhiên quá trình thay đổi thì phải là từng bước một."

Vậy tức là ông cho rằng chuyện đó sẽ không xẩy ra không phải vì người ta không còn quan tâm đến dân chủ nữa mà là vì người ta đã thấy có chỗ để lên tiếng ?

"Đúng vậy.

Họ dùng các phương pháp khác.

Họ dùng biện pháp kinh tế, tại vì họ đang giầu và có thể nhìn thấy một vài chuyện, có thể nêu ý kiến một cách thẳng thắn.

Ý tôi muốn nói là có thể thẳng thắn hơn trước.

Các bà mẹ Trung Quốc có câu nói là sức mạnh phát ra từ súng cho nên nó không từ bất kỳ ai, nhưng nếu quí vị có tiền và giầu có, thì tôi nghĩ có lẽ quí vị sẽ phải quan tâm hơn đến nó."

Và như thế, với giới trẻ Trung Quốc ngày hôm nay, có vẻ như là sức mạnh không phải đến từ kho súng mà từ nguồn tiền cung cấp vô hạn.(bbc)