(Tin Reuters, 17/8/02)
Tờ New York Times hôm thứ Bảy đã đang tin trên trang mạng của họ rằng Hoa Kỳ đã trợ giúp cho Iraq những khả năng quan trọng về kế hoạch chiến tranh trong cuộc chiến với Iran dưới thời Cựu Tổng Thống Ronald Reagan mặc dầu các cơ quan tình báo Mỹ biết rằng Iraq sử dụng vũ khí hóa học.

Tờ Times thuật rằng chương trình trong bóng tối, hoàn toàn bí mật này, với sự tham dự của hơn 60 nhân viên của cơ quan tình báo quốc phòng (Defense Intelligence Agency) cung cấp những tin tức chi tiết về việc điều quân của Iran, kế hoạch chiến thuật cho trận mạc, kế hoạch không tập và thực hiện những cuộc lượng giá những phi vụ oanh kích cho Iraq.

Tờ báo nói rằng bản tường trình của họ căn cứ trên những tường thuật về phát biểu của những sĩ quan Mỹ cao cấp với những hiểu biết trực tiếp về chương trình này, tất cả những nhân vật này đều nói chuyện với báo chí với điều kiện danh tính họ được giữ kín.

Iraq và nước lân bang Iran đã giao chiến trong một cuộc chiến tranh đẫm máu và tốn kém từ tháng Chín năm 1980 đến tháng Tám năm 1988, với sự ước lượng có khoảng 1 triệu người thiệt mạng và nhiều triệu người trở thành dân tỵ nạn.

KHÔNG BAO GIỜ CHỐNG LẠI VŨ KHÍ HÓA HỌC

Các nhân viên tình báo Mỹ không bao giờ chấp thuận hay khuyến khích việc sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng quân Iraq, nhưng họ cũng không bao giờ chống lại một hành động như vậy bởi vì họ nhận định rằng Iraq lúc bấy giờ đang vất vả tranh đấu cho sự sống còn và họ sợ rằng Iran sẽ thắng trận và sẽ tràn chiếm các nước sản xuất dầu hỏa quan trọng trong vùng Vịnh Persian, theo tường trình của báo New York Times.

Từ lâu, người ta vẫn biết rằng Hoa Kỳ đã cung cấp tin tình báo choIraq trong thời kỳ chiến tranh qua hình thức các hình ảnh vệ tinh để giúp cho Iraq thấu hiểu cách thức quân đội Iran điều quân. Theo tờ Times, tầm mức của chương trình này chưa hề được biết mãi cho đến nay.

Báo Times nhận định rằng chính Tổng Thống Bush và Cố Vấn An Ninh của ông Bush là Condoleeza Rice đã nêu lên việc Iraq sử dụng vũ khí hóa học trong thời chiến tranh với Iran để biện minh cho việc họ muốn “thay đổi chế độ” hiện nay tại Iraq.

ẢNH HƯỞNG THẢM KHỐC

Tờ Times thuật lại lời một nhân viên DIA dấu tên rằng “Sau khi đã trải qua thời kỳ 440 ngày các con tin Mỹ bị giam giữ trong cuộc khủng hoảng Iran, thời kỳ mà chúng ta bị gọi là Quỷ Satan Khổng Lồ, nếu Iraq bị đánh bại, việc này sẽ có ảnh hưởng thảm khốc cho Kuwait và Ả rập Saudi, và toàn vùng này sẽ bị tiêu diệt. Ðó là nền tảng của chính sách này,”

Trong khi các giới chức cao cấp của chính phủ Reagan công khai đã kích Iraq sử dụng hơi độc mustard, sarin, VX và các vũ khí hóa học khác, Tổng Thống Reagan, Phó Tổng Thống Bush - thân phụ của đương kim tổng thống - và các cố vấn an ninh cao cấp đã không bao giờ rút lui sự hỗ trợ cho chương trình bí mật này, tờ Times thuật lời các sĩ quan cao cấp nói lại.

Ðương kim ngoại trưởng, ông Colin Powell, lúc bấy giờ là cố vấn an ninh, là một trong những giới chức cao cấp của nội các Reagan công khai đã kích Iraq về việc nước này sử dụng vũ khí hơi độc, đặc biệt là trong một vụ xảy ra hồi tháng Ba 1988.

ÔNG POWELL PHỦ NHẬN

Tờ Times thuật rằng vào đầu năm 1988, sau khi Iraq, với sự trợ lực về kế hoạch của Mỹ, tái chiếm được một bán đảo quan trọng trong một cuộc tấn công, khiến cho Iraq đạt được đất thông ra biển vùng Vịnh, một sĩ quan tình báo quốc phòng, Trung Tá Không Quân Rick Francona được gởi đến để quan sát trận địa cùng với các sĩ quan Iraq.

Tờ Times nói rằng ông Francona phát giác rằng Iraq đã dùng vũ khí hóa học để đạt được chiến thắng này, ông ta quan sát những vùng có dấu hiệu bị nhiễm độc hóa chất và chứng kiến những bằng chứng không lầm lẫn được rằng quân lính Iraq đã được chích ngừa phòng chống những hậu quả của hơi độc dùng để chống lại quân Iran.

Ông Powell, qua lời một phát ngôn nhân, gọi bài tường thuật của New York Times về chương trình này là “hoàn toàn sai” nhưng ông từ chối thảo luận vấn đề này, theo lời tờ báo. Báo New York Timew cho biết cả hai cơ quan DIA và Trung Tướng Không Quân hồi hưu Leonard Perroots, người cầm đầu chương trình này với tư cách giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng lúc bấy giờ, đã từ chối không bình luận.