TOKYO - Thủ tướng Nhật Bản, ông Junichiro Koizumi, đã tới Ba Lan trong chặng dừng thứ hai của chuyến công du bao gồm chuyến thăm tới Đức và cộng hòa Czech.

Trong 13 năm, không một vị thủ tướng Nhật Bản nào thăm viếng Ba Lan. Và đây cũng là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị lãnh đạo chính phủ Nhật Bản đến Cộng hoà Czech.

Nhanh chóng sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vào cuối thập niên 80, các doanh nhân Nhật đã đến khu vực để thăm dò và hầu hết quyết định đây không phải là nơi để họ kinh doanh.

Dù là một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Nhật Bản chỉ đứng thứ 18 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Ba Lan với con số ít hơn 600 triệu đôla kể từ năm 1990.

Con số đầu tư vào Cộng Hòa Czech thì khá hơn: Nhật đứng hàng thứ năm trong số các nước đầu tư vào Cezch với tổng giá trị chừng 1,5 tỉ đôla. Các nhà máy lắp rắp xe hơi là mảng đầu tư lớn nhất của Nhật Bản.

Nhật Bản đã và đang trải qua giai đoạn suy thoái kéo dài. Đáng kể là vào năm 2000 đầu tư từ Nhật Bản ra nước ngoài giảm hơn một phần tư, trong đó tại Đức chiếm 50%. Cùng trong giai đoạn thì đầu tư vào Trung Quốc của Nhật tăng 1/3.

Dè dặt

Người ta thường đánh giá rằng Trung Âu thường cung cấp cho các nhà đầu tư một lực lượng nhân công rẻ nhưng tương đối có kỹ năng và về mặt địa lý lại sát với Tây Âu nhưng trên thực tế thì tình hình lại phức tạp hơn.

Các nghiên cứu gần đây của Đức đánh giá rằng khi các yếu tố liên quan được tính vào thì nhiều thuận lợi theo dự đoán lại tan biến.

Hiệu suất, theo đánh giá là tốt hơn nhiều so với thời cộng sản, vẫn thấp hơn Đông Đức cũ. Giá lao động tăng. Khả năng hoà nhập với nền kinh tế thế giới rộng hơn, bao gồm kinh tế thị trường và các dịch vụ tài chính vẫn giữ ở mức kém đáng kể.

Vậy thì sao, Nhật Bản than phiền cụ thể về điều gì? Một quan chức Nhật Bản tại Warsaw đã đặt vấn đề quan liêu lên hàng đầu tiên.

Ông nói các công ty Nhật Bản phải đến bộ tài chính, bộ ngoại giao, bộ thương mại và mỗi lần họ lại phải giải thích và đàm phán.

Thứ hai là sự thiếu rõ ràng với các luật lệ bị thay đổi liên tục. Thứ ba là hệ thống giao thông hạ tầng yếu kém, nghèo nàn.

Triển vọng với EU

Trong vòng tám tháng, Trung Âu sẽ tham gia vào Liên Hiệp Âu Châu.

Từ quan điểm của các nhà đầu tư Nhật Bản thì đây là một con dao hai lưỡi.

Một mặt, việc trở thành thành viên của EU, theo trông đợi sẽ dẫn đến một sự tăng tốc tăng trưởng kinh tế trong khu vực và ngược lại một số thuận lợi mà các nhà đầu tư hiện đang được hưởng cũng sẽ biến mất một khi luật pháp địa phương sẽ được sửa đổi thích hợp với luật lệ của EU.

Chẳng hạn rất nhiều các nhà đầu tư tại Ba Lan hiện hoạt động trong 14 khu vực kinh tế được miễn thuế của Ba Lan.

Nhật Bản bị Trung Âu quyến rũ. Từ năm 1905 trong suốt cuộc chiến Nga-Nhật, những người Ba Lan yêu nước đã đến Tokyo với hy vọng thuyết phục chính phủ Nhật Bản cung cấp tài chính cho một cuộc nổi dậy vũ trang trong vùng lãnh thổ Balan bị Nga chiếm đóng.

Lech Walesa, cựu thủ lĩnh Công Đoàn Đoàn Kết đã nói đến việc xây dựng một Nhật Bản thứ hai.

Nhưng cơ hội của Trung Âu có thể đã trôi qua. Với Trung Quốc và các thị trường khác đang mời gọi, các lợi ích của Nhật Bản tại Trung Âu dương như sẽ luôn chỉ ở mức giới hạn.(bbc)