JERUSALEM - Một số người đưa tay làm dấu hiệu chiến thắng trong lúc những người khác cúi xuống hôn mặt đất vui mừng vì cảm giác được tự do.

Trong lúc Israel xem nhiều người trong số tù nhân là kẻ khủng bố, đa số những người Palestine lại xem họ như anh hùng.

Đa số bị giam giữ vì tội ném đá, sở hữu thuốc nổ, hoặc là thành viên của một nhóm dân quân như Hamas.

Không ai trong số những người được thả có liên quan tới các hành động tấn công người Israel – đây là tiêu chí do Israel đặt ra.

Nhà chức trách Palestine nói con số được thả là không đáng kể khi so với số lượng sáu ngàn người Palestine đang bị giam giữ.

Có vẻ một phần mười của con số sáu ngàn sẽ được thả vào tháng này, và một phần ba được thả vào dịp cuối năm.

Lãnh tụ người Palestine, Yasser Arafat, gọi việc thả tù nhân là mang tính lừa bịp vì đa số người được thả đã sắp mãn hạn tù.

Saeb Erekat, một nhà thương thuyết cao cấp Palestine, có quan điểm tương tự. Ông nói bước đi của Israel mang tính đơn phương, không có sự tham khảo với người Palestine.

"Tôi nghĩ đa số những người sắp được thả đều đã hoặc sắp mãn hạn tù, thậm chí tối đa là đến cuối năm nay là ra tù rồi. Chúng tôi không được phép đưa tên người cần thả, cũng chả có quyền phản đối họ."

Trong một dấu hiệu bất mãn rõ rệt, thủ tướng Palestine, Mahmoud Abbas, hủy bỏ cuộc họp đáng lẽ diễn ra với thủ tướng Israel, Ariel Sharon.

Michael Terrazi, cố vấn pháp lý cho tổ chức giải phóng Palestine PLO, giải thích vì sao người Palestine phản ứng mạnh như vậy.

"Đây thực ra chỉ là trò mua chuộc lòng người của Israel. Có hơn sáu ngàn tù chính trị Palestine, nhiều người trong đó bị giam mà chẳng có kết tội hay được xử đàng hoàng."

"Việc chỉ thả chưa đầy 10% quả đúng là một màn kịch, cho thấy họ chẳng nghiêm túc đối với các quan ngại của người Palestine mà chỉ lo đối phó dư luận mà thôi."

Việc thả tù nhân dựa trên điều khoản trong bản ‘lộ trình” mà cả hai phía đã đồng ý ký vào. Trong số người Palestine mà hiện bị Israel giam giữ, chưa đầy 40% bị tuyên bố có tội.

Đa số các phiên tòa được xử kín và bị các tổ chức nhân quyền lên án.

Tiến sĩ Yossi Beilin, bộ trưởng tư pháp trong chính phủ đảng Lao động Israel trước đây và cũng là một trong những kiến trúc sư của thỏa thuận hòa bình Oslo, nói vấn đề tù nhân chiếm vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm hòa bình.

"Đó là một nhóm rất quan trọng. Lãnh đạo của những người từng vào tù chính là những người mà ban đầu ủng hộ thỏa hiệp Oslo. Nhiều người trong số này lại bắt đầu cuộc chiến tranh hồi tháng Chín năm 2000 và cũng liên quan tới việc phá vỡ ngừng bắn."

Các nhóm dân quân Palestine nói họ duy trì việc ngừng bắn chỉ với điều kiện tất cả các tù nhân đều được thả. Một quan chức cao cấp của Hamas cáo buộc Israel không thực thi đầy đủ bản lộ trình.

Ông này nói giờ đây thậm chí còn nhiều người Palestine đồng ý với nhau hơn rằng Israel đã không hoàn thành trách nhiệm của mình.

Cựu bộ trưởng tư pháp Israel, Yossi Beilin cho rằng cả Israel lẫn người Palestine đều không làm đủ để có thể thực hiện các bước đi của kế hoạch hòa bình.

Ông nói mặc dù có việc ngừng bắn, nhưng thủ tướng Palestine, Mahmud Abbas, không có đủ biện pháp để kiềm chế các nhóm dân quân, trong lúc phía Israel cũng không đi xa hơn trong việc thả tù nhân.

"Đối với ông Mahmoud Abbas, vô cùng khó để chống lại Hamas và các nhóm hồi giáo. Ông ta thấy dễ hơn khi làm những việc như giảm nhẹ giọng điệu gây hấn trên truyền hình hay truyền thanh Palestine. Đó là điều ông ta đang làm."

"Như vậy, cả hai phía đều chỉ làm điều gì dễ đối với họ. Tôi e là hai phía không giải quyết những thách thức thực sự của bản lộ trình và điều này có thể khiến họ trả giá đắt."

Mọi chú ý giờ đây dồn vào các nhóm dân quân Palestine để xem liệu họ có duy trì thỏa thuận ngừng bắn hay không. Nếu ngừng bắn bị phá vỡ, lộ trình hòa bình sẽ đối diện với một tương lai mang màu u ám.(bbc)