MANILA- Quân nổi loạn nói họ sẵn sàng thương lượng

Hạn chót thứ hai của chính phủ Philippines cho nhóm binh sĩ nổi loạn, trấn giữ một khu thương xá tại Manila, đã qua mà không có dấu hiệu thay đổi gì

Trước đó, Tổng thống Philippines, Gloria Arroyo, đã tuyên bố trên toàn quốc về "tình trạng nổi loạn", và nói với các binh sĩ họ có thời gian đến đúng 9h00GMT (17h địa phương) phải ra hàng, nếu không sẽ bị tấn công toàn bộ - thế nhưng, hạn chót đó đã được tăng thêm hai tiếng nữa.

Các quan chức cao cấp của chính phủ hiện đang đàm phán với những người cầm đầu của các binh sĩ nổi loạn nhằm cố gắng thương lượng một giải pháp hoà bình cho khủng hoảng này.

Khoảng 15 thành viên trong nhóm binh sĩ nổi loạn lúc trước đã ra hàng, mặc dù phần lớn những người nổi loạn - khoảng 200 - vẫn còn bên trong khu thương xá Glorietta tại quận tài chính Makati.

Bộ trưởng Nội các Mike Defensor nói ông hi vọng những người còn lại cũng sẽ sớm ra hàng.

Phóng viên BBC tại Manila, John McLean, cho biết mặc dù những người nổi dậy đã cam kết không đầu hàng, vẫn có dấu hiệu họ có thể bị thuyết phục; thế cho nên người ta mới trì hoãn bất cứ vụ tấn công nào nhằm cho phép các cuộc đàm phán tiếp tục.

Được biết quân lính nổi loạn được trang bị vũ trang mạnh và đã đặt chất nổ bao quanh khu vực này sau khi chiếm được khu thương xá hôm Chủ Nhật.

Họ yêu cầu Tổng thống Arroyo và Bộ trưởng Quốc phòng Angelo Reyes phải từ chức, và cáo buộc chính phủ tham nhũng.

Tổng thống đã ra lệnh quân đội và cảnh sát phải "đàn áp và dập tắt sự nổi loạn", theo như quyền đặc biệt mà hiến pháp cho phép Tổng thống.

Tình hình phức tạp

Các phóng viên tại địa phương cho biết tình hình là khá phức tạp; và có bằng chứng cho thấy những kẻ nổi loạn đã bắt tay với quân đội được gửi tới để bao vây họ.

Những người dân sống tại các căn hộ bên trong khu thương xá - bao gồm cả đại sứ Úc tại Philippines và những người nước ngoài khác - đã rời khu vực này vào sớm hôm Chủ Nhật sau khi vụ việc xảy ra.

Những người nổi loạn nói họ chỉ giữ người dân ở bên trong cho tới khi trời sáng để đảm bảo an toàn cho họ.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ "sự ủng hộ hoàn toàn" đối với bà Arroyo, và Bộ trưởng Ngoại giao Australia cũng nói như vậy.

"Vũ lực thích hợp"

Trong một bài diễn văn trên truyền hình, bà Arroyo đã khuyến cáo những kẻ nổi loạn rằng quân đội của bà sẽ sử dụng "vũ lực thích hợp" để chiếm lại khu thương xá này, và khẳng định bà vẫn hoàn toàn nắm quyền kiểm soát tình hình tại đây.

Lính được bố trí quanh khu thương xá

Nói với những người nổi loạn rằng mình là "tổng chỉ huy", bà nói: "Các anh đã vượt quá ranh giới nghề nghiệp, và hiện đang tham gia vào một hành động chính trị phạm pháp bằng việc sử dụng vũ lực".

"Hành động của các anh đã đụng chạm tới ranh giới của khủng bố", bà nói.

Một trong các sĩ quan có lệnh bắt của chính phủ phủ nhận chuyện nhóm này đang âm mưu đảo chính, và nói với các phóng viên bên ngoài rằng binh sĩ chỉ đặt chất nổ để phòng vệ mà thôi.

Ông nói chính phủ đã đưa ra "giấy báo tử" đối với ông và những binh sĩ khác nhằm "đàn áp những gì mà chúng tôi biết".

Nhóm này đã cáo buộc chính phủ giàn dựng ra những vụ tấn công khủng bố tại Philippines làm cái cớ để kiếm viện trợ quân sự từ Mỹ.

Theo phóng viên BBC Jonathan Head tại Manila, những cáo buộc này trước đây đã được đưa ra, nhưng binh sĩ nổi loạn chưa hề cung cấp bằng chứng cho những cáo buộc đó.

Số lượng binh sĩ hạn chế tham gia vào vụ việc này và việc họ thiếu hẳn sự ủng hộ của công chúng cho thấy những người nổi loạn đang tạo ra một điều phiền toái hơn là một mối đe doạ đối với chính phủ, phóng viên BBC nhận xét.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, sự việc này càng cho thấy rõ quan điểm rằng chính phủ Philippines hiện đang không ở trong một vị thế an toàn.(bbc)