Quỳnh Lập, Nghệ An - Ba giờ sáng ngày 25, tiếng đồng hồ báo thức kêu giục giã tôi bật mình tỉnh dậy nuối tiếc giấc mơ đang dở dang. Nhanh chóng cho những thao tác cần thiết rồi xuống mở cửa. Đúng 3giờ 30 phút chiếc xe 16 chỗ cùng với anh Hòa “Mì Tôm” đã đậu ở sân nhà thờ phố Hàng Bột. Đây là chuyến đi cuối cùng trong 5 chuyến đi thăm trại phong của Mùa Chay và Phục Sinh 2012, chẳng mấy chốc những thùng mì tôm và nước mắm nhanh chóng được chuyển lên xe.

4 giờ 15 phút xe chúng tôi chuyển bánh, khởi đầu cho một ngày mới, đích đến của chúng tôi là Trại Phong Quỳnh Lập thuộc huyện Quỳnh Lưu - Tỉnh Nghệ An cách Hà Nội 230 cây số. Đây là trại phong xa nhất trong những lần tôi đã được đi. Đoàn chúng tôi gồm có 3 Soeur, Anh Hòa và 7 chị em đệ tử Dòng Thánh Phaolô Hàng Bột – Hà Nội và tất nhiên không thể thiếu anh tài xế. Theo thường lệ chỉ sau vài phút chuyển bánh thì những lời kinh dâng ngày và cầu bình an cho chuyến đi được cất lên, mặc dù chưa tỉnh ngủ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng mở to đôi mắt để đọc kinh cho sốt sắng. Vì dậy sớm nên sau đó ai nấy lại chìm vào giấc ngủ. Ngủ được một giấc khá dài, có lẽ qua 5 tiếng đồng hồ tôi đã bị đánh thức bởi những tia nắng mới dọi qua cửa kính. Mở mắt ra thì thấy trước mặt tấm bảng chỉ dẫn Trại Phong Quỳnh Lập, Nghệ An cách 7 cây số, thật là mừng vì cả đoàn lúc đó đang hoang mang chưa định vị được điểm đến.

Giống như những nơi khác, Trại Phong Quỳnh Lập nằm ở nơi xa dân và gần những núi đá, men theo triền núi, và thật là tiếc nếu tôi không tỉnh dậy ngắm nhìn vì hiếm có cảnh đẹp thiên nhiên như vậy. Một con đường uốn lượn cong cong được rải đá rất nhẵn, hai bên là những ngọn núi đá trùng trùng điêp điệp với những đồi thông và phi lao xanh mơn mởn đang đua nhau đâm ra những chồi non xanh biếc và dường như chúng cũng đang vẫy chào đoàn chúng tôi. Đi xa hơn một chút một chiếc cổng trào lớn và trông khá kiên cố với dòng chữ “Lương Y Phải Như Từ Mẫu” khiến chúng tôi càng thêm yên tâm về hướng đi của mình. Không bao lâu một ngôi làng nhỏ với những người dân không mấy lành lặn ở trước mắt chúng tôi. Tới nơi rồi! Trại Phong Quỳnh Lập.

Trại Phong Quỳnh Lập được xây dựng từ những năm 1957, nhưng có thể đã được tu sửa nên rất khang trang và thoáng mát. Tai đây có 240 bệnh nhân trong đó có 28 bênh nhân nặng có hộ lý chăm sóc mọi sinh hoạt.

Xe dừng tại nơi tạm gọi là nhà văn hóa của làng. Từ đầu đường vào đến đây tôi thấy các cụ từ những tổ ấm riêng của mình đi ra hội trường với vẻ mặt háo hức và niềm nở. Một số cụ đã ngồi chờ sẵn vì được báo trước sự có mặt của chúng tôi, tiếng thông báo của ban tổ chức cùng tiếng gọi nhau í ới của các tổ khiến tôi có cảm giác giống một hợp tác xã ngày xưa, nhộn nhịp như có đoàn văn công về trình diễn. Người ra đón chúng tôi đầu tiên đó là Soeur Lài thuộc hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh còn rất trẻ và cũng khá nhanh nhẹn. Soeur niềm nở tiếp đón và bầy tỏ lòng biết ơn với đoàn vì đã nhớ đến gia đình Phong xa xôi này. Nhìn quang cảnh xung quanh tôi thấy sự ấm cúng của một ngôi làng với những gia đình nho nhỏ, người bệnh ở một mình hay may ra thì có hai ông bà với nhau nhưng nó không lạnh lẽo đơn côi như tôi tưởng. Các Cụ cười nói râm ran. Dưới cái nắng mới trông các cụ khỏe mạnh và yêu đời quá. Quà tặng các cụ là 1 thùng mì tôm, 1 chai nước mắm, 500g thịt lợn mà chúng tôi đã nhờ Soeur Lài chuẩn bị trước xẻ thịt 3 con lợn. Với món quà tuy không lớn nhưng tôi nhận ra được niềm hạnh phúc trong mắt và trên môi các cụ khi được các Soeur trao quà. Tôi cảm nhận niềm vui đâu phải từ những gì quá lớn lao. Thế nhưng từ những gì rất giản đơn và bé nhỏ mà nhiều khi tôi kiếm tìm hạnh phúc xa xôi quá và chẳng khi nào thấy là đủ cả.

Tranh thủ lúc mọi người đang phát quà tôi tâm sự với Bác L, 52 tuổi quê ở Gia Lâm Hà Nội tôi thấy thắc mắc tại sao nhìn Bác cũng khá lành lặn mà cũng ở trong này. Được dịp, Bác thổ lộ. Khi 11 tuổi bị phát hiện có dấu hiệu bị phong Bác được đưa vào đây vì bệnh chỉ ở mức độ nhẹ nên sau mấy tháng Bác được các Bác sĩ cho tại ngoại những tưởng sẽ được xum vầy bên gia đình, nào ngờ vì ý thức xã hội còn kém, Bố Mẹ đều đã mất, Anh Chị Em trong gia đình và làng xóm không đón nhận. Chẳng còn đau khổ nào cho bằng bị chính những người thân yêu mình ruồng bỏ, hơn nữa cũng vì Bác mà 2 chị không thể lập gia đình được vì nhà có người bị hủi. Đau khổ đến mức tột cùng Bác đành quay trở lại trại và xin nhập cư ở đó cho đến nay, sau này lập gia đình với Bác M, người cùng trại và hoa trái là được 2 người con. Với nét mặt phấn khởi, Bác khoe, giờ đây 2 con của Bác đã lớn và rất thành đạt, cả 2 đều là công chức nhà nước. Bây giờ có cháu nội cháu ngoại xum vầy và hơn nữa gia đình cũng đã bớt mặc cảm, thỉnh thoảng có vào thăm hay gọi điện, nên Bác được an ủi rất nhiều.

Chia tay Bác với lời chúc mừng, chúng tôi theo Soeur Lài đi thăm 28 cụ bị bệnh nặng nhất. Vì thời gian có hạn nên chúng tôi không thể trò chuyện với các cụ lâu được. Bước vào nhiều phòng tôi thấy ảnh Đức Mẹ và cây Thánh Giá ở đầu giường của nhiều cụ, đó là dấu chỉ của niềm tin. Lòng tôi như thấy gần gũi thân thiện, bởi ở đâu còn đức tin, ở đó có tình yêu và bình an. Nếu chưa một lần đến trại phong chắc có lẽ tôi cũng bị sốc bởi hình dạng của các cụ. Có những cụ ngồi nói chuyện với tôi mà đôi mắt như hai cục than đang nung đỏ. Chẳng thấy được gì, nhưng miệng vẫn thoăn thoắt kể cho tôi nghe về con cháu ở quê nó lên thăm và cho những gì. Thêm vào đó cụ dường bàn tay chẳng còn, chân thì thiếu mà cũng cố vươn ra chào, cám ơn và cười với tôi một cái. Tuy răng không còn mấy chiếc nhưng nụ cười đó giống như mùa thu tỏa nắng vậy. Thật là dịp tốt cho tôi khi được đến nơi đây. Ấn tượng hơn cả với tôi là cụ Phạm Đức Mềm năm nay 83 tuổi Quê ở Vĩnh Phúc, Hà Nội. Vừa thấy chúng tôi cụ chào các Sơ và bắt đầu mở tài sản tinh thần của mình ra cho chúng tôi xem: đó là một tập thơ do chính cụ sáng tác. Đáp lại lòng hiếu khách của cụ chúng tôi chăm chú nghe cụ đọc thơ và hòa nhịp tình tính tang với cụ trong giai điệu bài hát “Soeur ơi Soeur ở đừng về”. Thấy đôi mắt cụ ngấn lệ vì hạnh phúc tôi cũng không khỏi bồi hồi, sau đó cụ lại kể cho chúng tôi nghe về giấc mơ cụ được gặp Đức Mẹ và ngày hôm sau cụ đã sáng tác bài thơ Mẹ Về Bên Con:

Mẹ Về Bên Con

Nửa đêm Hai Bốn Tháng năm,
Con nằm mơ thấy Mẹ về bên Con.
Bên Con Mẹ đứng trông hoài,
Con nhìn lên Mẹ nét Ngài xinh xinh.
Mẹ ơi, Mẹ Đấng nhân lành,
Trang phục màu trắng trên mình gió bay.
Mẹ về chẳng nói con hay,
Con đâu có biết Mẹ nay về cùng.
Lại thêm có sự lạ lùng,
Bạch Xà cũng hiện về cùng Mẹ ơi.
Con đang muốn nói đôi lời,
Thì ôi! Lại có ông già nói ngay.
Đức Mẹ là chính Ngài này,
Bạch Xà nghe vậy cúi ngay lậy chào.
Con mừng, mừng rỡ biết bao,
Thiên đàng Mẹ đã bay vào cõi tiên.
Ngước nhìn theo Mẹ bay lên,
Nhìn xuống dưới đất chẳng quên Bạch Xà.
Bạch Xà cùng với ông già,
Hóa thân theo Mẹ chẳng mà thấy chi.
Dầu dầu con chẳng biết gì,
Giật mình tỉnh dậy biết thì chiêm bao.
Mẹ ơi! Con biết nói sao?
Một lời chưa được lạy chào cúi xin.
Bây giờ Mẹ ở cõi tiên,
Bồng Lai nơi ấy con xin lạy chào.
Xin tha con dại hỗn hào,
Người trần mắt thịt tâm hồn tối tăm.
Mẹ như ánh sáng trăng rằm,
Thứ tha con dại tối tăm ngu đần.
Cúi xin lạy Mẹ ngàn lần,
Cứu giúp con được mọi phần thảnh thơi.
Cho Con, Con được làm người,
Sáng lòng thờ Chúa Ba Ngôi vững vàng.
Cúi xin Đức Mẹ cao sang,
Thương Con, Con được đàng hàng hơn xưa.
Cám ơn Chúa Mẹ vô bờ,
Thương con bất hạnh chẳng giờ đáng quên.
Gia đình con được bình yên,
Ấm no hạnh phúc ngày thêm đàng hoàng.


Tuy chỉ còn một mắt, tay thì run nhưng nhìn sâu vào trái tim cụ tôi cảm nhận được một đức tin mạnh mẽ, đức tin ấy như ngọn hải đăng giúp cụ thấy được ánh sáng để vượt qua những đêm tối của cuộc đời. Hạnh phúc với cụ lúc này không chỉ ở những phần quà chúng tôi mang đến nhưng là ở sự lắng nghe và thấu hiểu. Tôi không có nhiều thứ để cho nhưng tại sao tôi lại không nghĩ rằng mình có thể trao tặng người khác 5 - 10 phút thôi để lắng nghe và san sẻ nhỉ? Qua đó chúng ta sẽ hiểu nhau hơn và dễ mở lòng với mọi người hơn.

Mặc dù không muốn nhưng chúng tôi vẫn phải nói lời chia tay với cụ vì đã đến giờ về rồi. Như một lời nhắn nhủ cụ lại hát Sơ ơi, Sơ nhớ lại đến nhé.

Rời nơi đây mà lòng bao nỗi ưu tư, không biết bao giờ tôi có dịp được trở lại đây? Ngẫm đời, ngẫm người và ngẫm mình. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, nếu không đến những nơi như thế này nhiều khi tôi thấy đời mình khổ quá, thiếu thốn quá và cũng chán quá vì chẳng bao giờ thỏa mãn với chính mình. Đâu có biết rằng còn có nhiều cuộc đời bất hạnh hơn mình mà họ vẫn sống vui, sống khỏe và có ích. Từng nhân vật trong trại Phong cứ ẩn hiện trong tôi với những suy tư.

Tôi khâm phục sự dấn thân của hai Sơ đang phục vụ nơi đây: tuổi còn trẻ, đẹp đang dệt đời mình với bao mộng ước, nhưng lại tình nguyện gửi đời nơi rừng núi hẻo lánh này, chấp nhận sống với bệnh nhân để giúp đỡ, san sẻ xoa dịu những nỗi đau cuộc đời.

Đã gần 2 năm nay nhà dòng chúng tôi hợp tác với anh chị Hòa, một gia đình trẻ nhiệt tâm đi thăm viếng bệnh nhân Phong và Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Bắc Đức, và mới đây được sự hỗ trợ thêm từ giáo xứ Khiết Tâm Mẹ ở Lincoln, Hoa Kỳ để tổ chức những chuyến đi uy lạo thăm viếng các bệnh nhân Phong ở miền Bắc. Nhìn lại tôi tự hỏi vì sao có những người để tâm và giúp đỡ bệnh nhân Phong như các Sơ đang phục vụ bệnh nhân, như anh chị Hòa và các ân nhân xa gần. Tôi tò mò tìm hiểu động lực nào đã giúp họ hăng say đến vậy? Nhìn họ, phải chăng đó là những khuôn mặt sống động đang phản chiếu của Đức Kitô hiện hữu trong thời đại hôm nay. Còn chúng tôi những người trẻ đang chập chững bước vào con đường ơn gọi, tự nhủ mình phải sống sao cho xứng với ơn mà Người đang kêu gọi chúng tôi.

Màn đêm đã buông xuống, xe chúng tôi về đến Hàng Bột, chiếc cổng lớn mở ra đón chào mọi người lúc ấy đã là 22 giờ khuya. Kết thúc một ngày thật dài nhưng tràn ngập cảm nghiệm yêu thương.