CỬ TRI PHÁP BẦU TỔNG THỐNG 2012 (3)
(Tiếp theo)

Tối 06.03.2012, khi được phỏng vấn trên đài truyền hình France 2 bởi ký giả Hélène Jouan, Tổng thống Nicolas Sarkozy trả lời rằng không phải ông lo việc chữ ký giới thiệu cho bà Marine Le Pen, nhất là khi những lời nói của bà ít gây cảm tình nơi tôi. Ông nghĩ rằng có thể có một cuộc cải tổ về điều này bằng sự giới thiệu của quốc dân với khoảng trên một triệu chữ ký. Đây là một vấn đề dân chủ của nước Pháp, chứ không là vấn đề ‘thích hay không’.

Năm 2007, ông Edouard Balladur đã chủ trì các cuộc thảo luận và kiến nghị về việc hiện đại hóa và củng cố của các tổ chức chính trị đã đề nghị : thay thế phương cách 500 giới thiệu này bằng một Uũy ban của khoảng 100.000 dân cử để duyệt xét khả năng những người muốn tham gia cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng, đến nay, các giới hữu trách Hành pháp và Lập pháp chểnh mảng trong việc thảo luận và biểu quyết để trở thành luật.

Hơn nữa, ông Sarkozy và bà Le Pen là hai ứng cử viên đang tranh trực tiếp số phiếu của cùng một phần cử tri đoàn. Các viện thống kê, qua các cuộc thăm dò dân ý, cho thấy bà Le Pen có thể đạt được từ 14 đến 17% số người được phỏng vấn.

Trong bài báo ‘Nếu không có Le Pen, Sarkozy là ngang bằng với Hollande’ (Sans Le Pen, Sarkozy fait jeu égal avec Hollande), đăng trên tuần báo ‘Journal du Dimanche’, phát hành ngày 05.02.2012, chúng ta đọc được kết quả cuộc thăm dò dân ý thực hiện bởi Viện thống kê Ifop từ 31.01 đến 03.02.2012, với số mẫu của 922 người có tên trên danh sách cử tri. Theo đó, vì không hội đủ 500 chữ ký giới thiệu, nên bà Chủ tịch Mặt trận quốc gia không thể tham gia tuyển cử ngày 22.04.2012, thì hai ông Hollande (29,5%) và Sarkozy (24,5%) đều thu được 33% ý định bầu phiếu của số người được hỏi. François Bayrou, Phong trào Dân chủ (MoDem, Mouvement Démocratique) về hạng ba với 17% (12,5%). Tiếp đến là ông Jean-Luc Mélenchon, Mặt trận Tả phái (Front de gauche) với 9% (8%). Sau cùng, bốn ứng cử viên khác được chia thêm 0,5% ý định bầu phiếu như các bà Eva Joly và Nathalie Arthaud cùng các ông Nicolas Dupont-Aignan và Philippe Poutou (cả bốn đều dưới 3% ý định bầu phiếu).

Những con số bách phân trong ‘dấu ngoặch đơn’ biểu thị cho những ý định bầu phiếu mà mỗi ứng cử viên nhận được do Viện thống kê Ifop công bố ngày 03.02.2012 về một cuộc thăm dò dân ý khác được thực hiện kể cả bà Le Pen để chúng ta có thể so sánh hai kết quả.

Từ đó, chúng ta thấy, nếu bà Le Pen vắng mặt, thì hai ông Sarkozy và Bayrou được hưởng lợi lớn : ông Sarkozy tăng được 8,50% và ông Bayrou 4,50%. Tuy nhiên, khi được phỏng vấn, hai ông Hollande và Sarkozy cho rằng việc bà LePen không tìm được chữ ký giới thiệu là việc của bà và đó là quy định của luật. Ông Bayrou thì đề nghị các đảng lớn nên họp lại để tìm giải pháp thích hợp. Cho tới ngày 08.03.2012, một tuần trước hạn nộp đơn, bà Le Pen cho biết bà cần 30 chữ ký để đạt được con số 500 cần thiết. Nhiều dân cử cho rằng bà Le Pen đến quá trể. Nhưng, từ tháng 09.2011, bà đến thì họ trả lời bà tới quá sớm.

Đảng Xã hội thì ao ước sự tham gia tuyển cử của bà LePen để chia phiếu với ông Sarkozy, nhưng họ không dám lên tiếng để bênh vực Mặt trận quốc gia, một đảng bị cho là ‘cực hữu’ vì chủ trương ‘người Pháp trước hết’ (les Français d'abord) tức dành việc làm, các trợ cấp… cho người Pháp. Đây là ý tưởng của đa số dân Pháp, chứ đâu phải chỉ của những ‘fontistes’ (đảng viên Font National).

Ngày 07.03.2012, bà Nathalie Arthaud (Lutte Ouvrière, Tranh đấu Thợ thuyền, cực tả) loan báo rằng bà đã nộp 521 chữ ký giới thiệu tại Hội đồng Hiến pháp để tham dự ứng cử Tổng thống. Hôm sau, ông Jacques Cheminade mang đến Hội đồng Hiến pháp 538 chữ ký giới thiệu với cùng mục tiêu như bà Arthaud. Các cuộc thăm dò dân ý cho thấy bà Arthaud chỉ thu được tín nhiệm từ 0,5 đến 1% số người được phỏng vấn và ông Cheminade chỉ từ 0,5% trở xuống. Ông này đã tham gia cuộc bầu cử Tổng thống năm 1995, thu được 0,28% số phiếu hợp lệ. Ngày 11.10.1995, Hội đồng Hiến pháp từ chối hợp thức hóa Bản kê khai Thu Chi của ông.

Bà Nathalie Arthaud là ứng cử viên tiếp nối bà Arlette Laguiller, sáu lần ứng cử viên Tổng thống 1974 (thu được 2,33% số phiếu hợp lệ), 1981 (2,30%), 1988 (1,99%), 1995 (5,30%), 2002 (5,72%) và 2007 (1,33%, thấp nhất). Bà Arthaud không được người Pháp biết nhiều so với bà Arlette Laguiller.

Ngoài bà Le Pen, các ông Dominique de Villepin (République Solidaire, Cộng hòa Liên đới, RS), Nicolas Dupont-Aignan (Debout la République, Cộng hòa hãy đứng lên) và Philippe Poutou (NPA, Nouveau Parti anti capitaliste, Tân đảng chống tư bản) cùng bà Corinne Lepage (Cap21, Citoyenneté, action, participation pour le XXIe siècle, Công dân tính, hành động, sự tham dự vì thế kỷ 21) đã tuyên bố tham gia tranh cử và đang tìm để đủ 500 chữ ký giới thiệu trước hạn kỳ cuối cùng là 18 giờ ngày 16.03.2012.

Sáng ngày 13.03.2012, bà Marine Le Pen tuyên bố đã có đủ 500 chữ ký giới thiệu cho mỗi người. Năm 2007, 16.615 dân cử đã ký tên giới thiệu cho 12 ứng cử viên (trong đó, Ségolène Royal nộp 3.500, Nicolas Sarkozy 3.461, Franẫois Bayrou 1.384, Marie-Georges Buffet 865, …).

Với khoảng 12 ứng cử viên tranh cử năm nay, biện pháp ‘500 chữ ký giới thiệu của các dân cử’ có đạt mục tiêu giới hạn số ứng cử viên không ? Hay cần phải có một biện pháp khác : Tài trợ chi phí tranh cử.

II. TRỢ CẤP TÀI CHÍNH CHO HOẠT ĐỘNG CHÁNH TRỊ.

Một dân tộc phải có tự do mới có dân chủ. Sự dân chủ, tuy vô giá, nhưng việc thực hành quyền dân chủ luôn có một cái giá phải trả, nhiều khi thật đắt. Hơn ai hết, theo ước lượng của những tổ chức phi chánh phủ, khoảng nửa triệu người Việt đã bỏ mạng trên đường tìm tự do. Người dân làm chủ Đất Nước, trực tiếp trao nhiệm vụ chánh trị cho các dân cử để điều hành quốc sự. Do dó, ngân sách quốc gia có bổn phận tài trợ một cách công bằng để các chính đảng có phương tiện sinh hoạt và đào tạo các chính trị gia. Ở đây cũng vậy, 85 triệu đồng bào sống trên Quê hương sống trong lầm than, chỉ những kẻ chịu cộng tác với đảng cộng sản mới vừa có tiền và quyền. Nước Pháp không như vậy vì quốc gia này có một nền dân chủ lâu đời, đã có những đạo luật cho phép sự trợ cấp đời sống chánh trị (le financement de la vie politique) và sự trợ cấp những ứng cử viên tham gia các cuộc tranh cử chính trị.

A. TÀI CHÁNH CỦA CÁC CHÁNH ĐẢNG.

1. Những chi tiêu của các chánh đảng.

Cũng như các Hiệp hội, thành lập theo luật ngày 01.07.1901, các chánh đảng phải đối đầu với những chi tiêu đủ loại như thuê trụ sở và các văn phòng trực, những chi phí về văn phòng, trả lương nhân viên… Nhất là khi đề cử ứng cử viên tranh cử Tổng thống như ba ứng cử viên đã chi nhiều nhất trong cuộc chạy đua năm 2002 : ông Jacques Chirac (đắc cử) : 18.030.826 euros; ông Lionel Jospin : 12.506.834 euros và ông Jean-Marie Le Pen (vào vòng hai) : 12.050.718 euros.

Do phải giới thiệu cho ứng cử viên cùng cho đảng mình, những chi phí vì dân chủ của các chánh đảng đã gia tăng đáng kể từ khi thành lập Đệ Ngũ Cộng hòa.

2. Những nguồn thu của các chánh đảng.

Để có thanh toán các khoản chi tiêu chính đáng, các chánh đảng có hai nguồn thu chính :

a. Nguồn thu tư nhân.

Như các Hiêp hội, các chánh đảng được quyền nhận niên liễm của các đảng viên. Tuy nhiên số tiền thu nầy không đáng kể nên các chánh đảng yên cầu những đảng viên giữ một (hay nhiều) chức vụ dân cử đóng một số tiền đáng kể hơn.

Các chánh đảng chỉ được phép nhận tiền biếu từ các thể nhân (personne physique), nhưng cấm từ những pháp nhân (personne juriqique, điều 16 luật ngày 19.01.1995. Các số tiền biếu của các hộ thuế (contribuable) cũng như niên liễm có thể được trừ thuế 66% những số tiền này trong giới hạn 20% lợi tức tính thuế với điều kiện số tiền phải trả qua trương mục ngân hàng, tức bằng chi phiếu hay chuyển trương, trong giới hạn 7.500 euros đối với mỗi người trong một năm và 4.600 euros số tiền biếu cho một hay nhiều ứng cử viên trong một cuộc tuyển cử. Các số tiền này chỉ được trừ thuế trong năm có tuyển cử.

Các đảng phái và ứng cử viên không được nhận tài trợ bởi các chánh phủ ngoại quốc.

b. Nguồn thu từ ngân sách.

Sau những vụ án liên quan đến việc tài trợ các đảng phái bởi các pháp phân, nhất là các xí nghiệp, công ty, nên từ năm 1988, giới lập pháp đã biểu quyết những đạo luật, như các luật số 88-227 ngày 11.03.1988, số 90-55 ngày 15.01.1990, ngày 19.01.1955 và ngày 11.04.2003 đã giải quyết tình trạng này và cũng để hạn chế chi phí bầu cử. Các vi phạm các tiêu chuẩn kế toán bị trừng phạt, đôi khi hình sự.

Việc tài trợ từ ngân sách quốc gia cho các chánh đảng theo hai tiêu chuẩn :

- Kết quả bầu cử Quốc hội cho những đảng có ứng cử viên tranh cử tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử (circonscriptions) theo luật ngày 20.02.1993. Trong năm 2007, ngân sách quốc gia được cấp theo số phiếu mà các tập thể chánh trị (đảng, nhóm…) đã giới thiệu ứng cử viên tham gia tuyển cử Quốc hội thu được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ và hiện diện tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử (circonscriptions), nhận được 1,63 euro cho mỗi lá phiếu hàng năm trong trong suốt nhiệm kỳ (thường là 5 năm, nếu Quốc hội không bị giải tán.
Các đảng nhỏ ở các phần đất ở hải ngoại (outre-mer) chỉ cần đạt được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ trong tất cả các đơn vị bầu cử mà đảng có ứng cử viên tham gia tranh cử.

- Tỷ lệ theo số Dân biểu và Nghị sĩ thuộc từng chính đảng.

Năm 2007, ngân sách quốc gia cũng đã chi 40 tỷ euros để tài trợ theo tỷ lệ số các Dân biểu và Nghị sĩ mang đảng tịch những chính đảng hiện diện tại Quốc hội và Thượng nghị viện.

Trái lại, các đảng không tuân theo luật ngày 06.06.2002 về số ứng cử viên nam nữ phải bằng nhau, số tiền trợ giúp công sẽ bị trừ bớt.

Một nghị định được đăng vào Công báo ngày 07.05.2003 đã ấn định số tiền trợ giúp phân phối tới 66 đảng và nhóm chánh trị năm 2003 là 73, 2 triệu euros. Với 526 Dân biểu và Nghị sĩ, đảng UMP đã nhận được 33,40 triệu euros, nhưng bị trừ đi gần 4 triệu euros vì không tôn trọng luật ngày 06.06.2002 đã nói trên. Kế đến, liên đảng PS-PRG (Parti Radical de Gauche, đảng Cấp tiến Tả phái) với 19,60 triệu euros (235 Dân biểu và Nghị sĩ), Front national được 4,60 triệu euros (0 Dân biểu hay Nghị sĩ, nhưng có nhiều ứng cử viên tranh cử Quốc hội năm 2002), UDF (Union pour la Démocratie Francaise, Liên minh vì nền Dân chủ Pháp) nhận 4,30 triệu euros (61 Dân biểu và Nghị sĩ), Cộng sản Pháp được 3,70 triệu euros (41 Dân biểu và Nghị sĩ).

Năm 2004, ngân sách quốc gia đã chi trả tổng số tiền cho chính đảng lên đến 73.235.264 euros, gồm 33.073.341 cho UMP, 19.660.452 cho PS, 4.580.229 cho FN, 4544246 cho UDF, 3.717.106 PCF ...

c. Sự minh bạch bắt buộc.

Để bảo đảm sự minh bạch về tài chính của các chánh đảng, hai ủy ban đã được thành lập :
- Ủy ban quốc gia những Tài khoản vận động bầu cử và tài trợ chánh trị (Commission Nationale des Comptes de Campagne et des Financements politiques) bởi luật ngày 15.01.1990, có nhiệm vụ kiểm soát tài khoản của các chánh đảng và cho đăng vào Công báo.
- Ủy ban phụ trách sự Minh bạch của Đời Sống chánh trị (Commission pour la Transparence de la Vie politique) do luật ngày 11.03.1998 thẩm tra và phát hiện những vị dân cử đã làm giàu bất thường nhờ vào chức vụ.

Việc tài trợ từ ngân sách quốc gia, do người dân đóng thuế, để công bình giúp các tập thể chánh trị đào tạo các chánh trị gia theo đúng chính kiến của tập thể, trong tinh thần thượng tôn pháp luật nước. Hoạt động chánh trị để phục vụ Công Ích và Công Bình là hình thức cao của Đức Bác Ái.

(Còn tiếp)