HUẾ - Sau hai đợt Tập huấn và Hội thảo tại Giáo Tỉnh Sài Gòn và Giáo Tỉnh Hà Nội. Trong suốt hai ngày 16 và 17/2 vừa qua, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc HĐGM Việt Nam tiếp tục tổ chức cho 6 Giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Huế Tập huấn về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo và Con Người, đồng thời Hội thảo và góp ý kiến xây dựng bản Dự Thảo về Quy Chế Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Việt Nam.

Xem hình ảnh

Chương trình tập huấn do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo phận Vinh, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Việt Nam chủ trì. Các thuyết trình viên là những Linh mục lỗi lạc đã và đang tham gia giảng dạy tại các Đại Chủng Viện. Thành phần tham dự gồm đại diện các Linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân của các Giáo phận Huế, Đà Nẵng, Qui nhơn, Nha Trang, Kontum và Ban Mê Thuột. Đặc biệt có sự tham dự của đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mở đầu ngày khai mạc, Đức Cha chủ tịch Ủy Ban nhắc lại Giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô16 trong dịp gặp gỡ các Đức Giám Mục Việt Nam tại Adlimina năm 2009: “…Giáo hội không thay thế chính quyền…”Ngài nhấn mạnh: Giáo hội không làm chính trị, nhưng Giáo hội cộng tác với tất cả các ban nghành, các tổ chức cũng như các cơ cấu chính quyền để đối thoại chân thành và thẳng thắn, nhằm mục đích xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, phát triển, nhân ái và hòa bình.

Đức Cha phụ tá Tổng Giáo phận Huế cũng đã thay mặt Đức Tổng Giám Mục chào mừng quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn đã đến tham dự khóa tập huấn do Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Huế. Ngài nói Giáo hội luôn quan tâm đến con người và mưu cầu lợi ích cho con người. Ngài hoan nghênh việc Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình đã tổ chức tập huấn về Giáo huấn Xã hội Công giáo cho cộng đoàn Dân Chúa hầu góp phần làm cho mọi người sống xứng đáng với tư cách của một con người, là người con mà Thiên Chúa đã tạo dựng.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp mở đầu thuyết trình về sự hình thành và ra đời của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình. Ngài nói : Hiến chế “ Giáo Hội trong thế giới hôm nay “, Công dồng Vatican 2 biểu lộ mối liên đới chặt chẽ giữa Giáo Hội với toàn thể nhân loại: “ Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, nhất là của những người nghèo và tất cả những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng của người môn đệ Đức Kitô.”

Để hiện thực tình liên đới đó và để cổ vũ cho công lý và hòa bình trên toàn thế giới đương đại, Công đồng ước muốn thành lập một cơ quan của Giáo Hội có nhiệm vụ thúc đẩy cộng đồng công giáo cổ vũ sự phát triển các vùng nghèo đói và công bằng xã hội giữa các dân tộc. Ngày 6.1.1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thành lập Ủy Ban Công lý và Hòa Bình. Chỉ hai tháng sau, Ngài ban hành thông điệp “ Phát triển các dân tộc “và quả quyết rằng “ Phát triển là tên gọi mới của Hòa bình “. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng và trách vụ của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, bởi vì nguyên danh xưng của Hội đồng đã là: MỘT SỨ VỤ VÀ MỘT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG. Hội Đồng Thánh về Công Lý và Hòa Bình tương đương với một Bộ của Tòa Thánh.

Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Việt Nam là tổ chức trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Trong Đại hội lần thứ XI tổ chức tại Sài Gòn vào tháng 10.2010, HĐGMVN quyết định thành lập Ủy Ban này để cổ vũcho công lý và hòa bình tại Việt Nam theo đường hướng chung của Giáo hội toàn cầu. Cũng như Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý Hòa Bình, lãnh vực hoạt động chính của UBCLHB là công bằng xã hội, công bằng và nhân phẩm nhân quyền trong xã hội Việt Nam theo định hướng Tin Mừng và Giáo Huấn Xã Hội của Giáo hội.

Ngài nói: Đối với Thiên Chúa thì Con Người là đỉnh cao của công trình sáng tạo, con người là nền tảng cao quý nhất của việc sáng tạo muôn loài, là hình ảnh của Thiên chúa. Chính vì thế, khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã cho con một của Ngài xuống thế để cứu chuộc nhân loại. Đó là một “ công trình cứu độ”. Chính vì thế, trong các lãnh vực hoạt động của Ủy Ban bao gồm: Công bằng xã hội, Hòa bình thế giới, đặc biệt Giáo hội quan tâm nhất là Nhân quyền, vì nhân quyền ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sứ vụ của Giáo hội.

Đức Cha chủ tịch nhấn mạnh đến Thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 về “ Bác Ái trong Chân lý “, Ngài trình bày những suy tư thần học sâu xa về tương quan giữa kinh tế với đạo đức, bác ái với chân lý trong giai đoạn toàn cầu hóa. Nhưng Ngài xác nhận rằng: “Giáo hội không có các giải pháp kỷ thuật để cống hiến cho nhân loại, và cũng không can thiệp vào chính trị của các quốc gia, nhưng Giáo hội phải thi hành sứ vụ phục vụ sự thật trong mọi hoàn cảnh không gian và thời gian để kiến tạo một xã hội theo chiều kích nhân bản, phù hợp với phẩm giá và ơn gọi của con người.”

Cộng đoàn tiếp tục nghe thuyết trình các đề tài trong Giáo Huấn Giáo hội Công Giáo, cha Ernest Nguyễn Văn hưởng trình bày về Nhân vị và Nhân quyền trong Giáo huấn Xã hội Công giáo. Ngài nêu rõ trong hiến chế “ Vui mừng và hy vọng “, Giáo hội hướng về Kinh Thánh: “ Con Người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo dựng mình, được Người đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa.” Con người nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất, không coi mình là một mãnh vụn của thiên nhiên hay là một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Mọi người đều được bình đẳng, không có nô lệ hay tự do, không phân biệt nam hay nữ, vì tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa.

Giáo hội đánh giá cao bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, ghi nhận giá trị đích thực của bản tuyên ngôn. Được Đức Gioan Phaolô II coi như “ Một cột mốc thực sự trên con đường tiến bộ và đạo đức của nhân loại”.

Trong phần thuyết trình của cha Lê Quốc Thăng, trưởng ban Công Lý Hòa Bình Giáo phận Sài Gòn, Ngài nói: Nhiều người nhầm tưởng Ủy Ban Công Lý và Hòa bình là ủy ban chuyên lo việc tranh tụng đất đai nhà cửa. Nhưng Ủy Ban xem trọng nguyên tắc công bằng dựa trên căn bản: “ con người có quyền hưởng thụ những thành quả do công sức mình tạo dựng được”, nghĩa là trên mãnh đất mà mình đã đổ mồ hôi nước mắt để gầy dựng. Nếu một nhóm người, một tổ chức nào muốn sử dụng những thành quả đó thì phải đền bù thỏa đáng với công sức mà con người đã đổ ra.

Đối với việc tham gia vào các công việc xã hội, chính trị, Ngài nói: người giáo dân có trách nhiệm Thánh hóa môi trường sống cũng như môi trường làm việc. Kitô hữu phải là chứng nhân Tin Mừng trong xã hội, đó cũng chính là loan báo Tin Mừng. Trước hết, Kitô hữu phải là con người thực sự, nghĩa là có đủ phẩm giá con người. Ngài nêu điển hình một số nước hiện nay chấp thuận cho việc hành nghề mại dâm, đây chính là việc làm đánh mất phẩm giá và nhân cách của người phụ nữ.

Kitô hữu tham gia chính trị trên nguyên tắc phải nâng cao phẩm giá con người và xây dựng công ích xã hội.

Đây chính là vấn đề nhạy cảm trong bối cảnh xã hội Việt Nam, được nhiều ý kiến tranh luận. Đức Cha chủ tịch đã phải đứng ra giải thích, Ngài nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 rằng : “… người công giáo tốt trước hết phải là một công tốt …” Nhưng Đức Cha đã lập luận cụ thể : nếu là một công dân tốt thì có 2 con, vậy người công giáo tốt có thể dừng lại ở 2 con hay không ?

Sau một ngày rưỡi nghe thuyết trình, được nghe những bài thuyết trình súc tích và nhạy cảm, được tham gia ý kiến, mặc dù chưa được thỏa mãn nhưng cũng phần nào “ vui mừng và hy vọng “ một ủy ban của HĐGMVN sẽ đem lại nguồn ánh sáng mới, đem lại niềm tin cho cộng đoàn Dân Chúa cũng như xã hội.

Đại diện ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu cảm ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho ban Tôn giáo phủ được đồng hành với ủy ban Công Lý Hòa Bình, được nghe những bài thuyết trình giá trị với những đề tài được nhiều người quan tâm. Nhất là được hiểu rõ hơn về các hoạt động của HĐGMVN cũng như của Ủy ban Công Lý Hòa Bình. Đại diện ban Tôn Giáo Chính phủ đã tặng hoa và chúc mừng ban tổ chức đã tổ chức tập huấn thành công.

Chiều ngày 17 các tham dự viên đã phân thành 4 nhóm để tiếp tục thảo luận và đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Quy chế Ủy Ban Công Lý Hòa Bình Việt Nam. Nhiều ý kiến tham gia được ban tổ chức trân trọng và ghi nhận để hoàn thành bản Quy chế trình HĐGMVN trong kỳ Đại hội sắp đến.

Kết thúc hai ngày làm việc, Đức Cha phụ tá Tổng Giáo phận Huế đã đánh giá tầm quan trọng của khóa tập huấn, với các thành phần tham dự đông hơn dự kiến ban đầu. Đây cũng là dấu hiệu tốt đẹp cho các khóa tập huấn sau. Ngài thay mặt Đức Tổng Giám Mục Giáo phận cảm ơn Đức Cha chủ tịch ủy ban Công Lý Hòa bình, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và tham dự viên đã bỏ thì giờ quý báu để theo suốt khóa tập huấn quan trọng này, nhằm mục đích phục vụ xã hội ngày một tốt hơn.

Đức Cha chủ tịch cảm ơn Giáo phận Huế đã tạo điều kiện cho ủy ban được tổ chức tập huấn thành công, qua sự tham dự tích cực của các thành phần Dân Chúa. Ngài dự kiến sẽ đúc kết và phát hành một số tài liệu trên Website của ủy ban. Ngài tin tưởng rằng khóa tập huấn sau cũng sẽ được nhiều người tham gia.

Kết thúc chương trình, cộng đoàn cất lên bài ca Kinh Hòa bình để cầu nguyện cho mọi công việc được tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn.