Xuất phát từ một trong bốn tiêu chí theo truyền thống Công giáo về khái niệm “thánh”: tất cả những ai được thánh hóa nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, cho dù còn sống hay đã qua đời, Công giáo hay ngoài Công giáo, là Ki-tô hữu hay không phải Ki-tô hữu, những người có hay không có niềm tin tôn giáo rõ ràng,[2] xin được điểm qua một vài ghi nhận về thánh nhân nơi con người Therese Hài Đồng Giêsu, và cùng một ý nghĩa với từ ngữ thánh nhân theo nhân sinh quan của Trang Tử. Và những ghi nhận này sẽ không nằm ngoài phạm vi bàn về thái độ cuộc đời như đã đề cập ở trên. Cả hai, một bên là vị thánh của Giáo hội và bên kia là vị hiền triết của Đạo học Đông phương, đều trình bày về lối sống hòa điệu giữa cuộc đời (cho dù là diễn tả bằng chính cuộc sống của mình hay là những quan niệm sống), và có thể nói cả hai đã gặp nhau ở một số điểm.
Có thể nói, những tư tưởng mà người đời phần đông ưa thích là những tư tưởng thoả được lòng dục vọng của họ. Cái gì trái với lòng ao ước của họ, là họ bác ngay, trước khi xem xét coi nó có đúng sự thật hay không. Đã chẳng những bác ngay, mà lại còn xem như thù địch. Một đặc điểm tâm lý, hay đúng hơn là một khuynh hướng cố hữu của con người là:"Con người ở đời, đều thích người ta đồng với mình, mà rất ghét người ta khác với mình" (Trang Tử, Tề Vật Luận)[3] . Như đã nói, đồng với ta, cho ta là phải. Không đồng với ta, cho ta là quấy. Cho nên đem tư tưởng Trang Tử (730 – 298 TCN) mà nói ra lúc này phải chăng sẽ không bổ ích gì cho thiên hạ phần đông, có khi còn là một việc làm trái thời cũng không chừng. Bởi tinh thần của Trang Tử rõ ràng mang đậm tính nhu, ẩn mình, đi ngược lại với khuynh hướng tranh, đấu, minh, định. Cũng vậy, Therese (1873 – 1897) đã trình bày một lối sống mà một cách nào đó có thể coi là “nghịch dòng” với khuynh hướng và sở hiếu của nhiều người, suy cho cùng vốn khác nhau căn bản ở quan niệm về tự do và hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, sự gợi hứng từ Therese đã làm rung cảm hàng triệu trái tim thuộc nhiều lứa tuổi, và nhân sinh quan của Trang Chu (Trang Tử) vẫn sống với dòng đời hơn hai ngàn năm qua.
Cuộc đời của Therese diễn tả trọn vẹn sự từ bỏ, được thể hiện một cách rõ nét trong suốt chín năm cuối đời của chị tại dòng kín Cát Minh Lisieux. Đây không chỉ là sự xác quyết (như trong thủ bản gửi Mẹ Đáng Kính Agnes de Jesus kể về ngày đầu tiên được nhận vào tu viện, Therese tâm sự: “Với một niềm vui vô cùng sâu xa, con lặp đi lặp lại những lời này: ‘Mãi mãi, mãi mãi con sẽ ở đây!’”[4] ) nhưng đã được chị thể hiện một cách cụ thể qua qua chính cuộc sống hằng ngày. Có thể thấy ở nơi Therese đã bắt đầu hình thành ý thức này ngay từ lúc chị còn nhỏ (ở tuổi lên mười): “Thú thật cuộc sống ấy rất quyến rũ đối với con. Sách Khôn Ngoan thật có lý khi nói: ‘Sức quyến rũ của những dục vọng thế gian làm mê hoặc cả những tâm hồn chất phác’(Kn 4, 12)….Và con thấy tất cả chỉ là phù vân và đau khổ dưới ánh mặt trời (Gv 2,11)”.[5] Các bạn đồng trang lứa với Therese có thể sẽ đặt câu hỏi điều gì đã xảy ra với cô bạn của mình, tại sao một thiếu nữ trẻ lại muốn chôn vùi tuổi thanh xuân của mình giữa bốn bức tường của nhà kín, trong khi ở gia đình cô được nuông chiều không khác gì một cô công chúa nhỏ, và nhiều câu hỏi đại loại như thế.
Sự từ bỏ của Therese không chỉ ở khía cạnh cuộc sống vật chất và những lôi cuốn của thế tục nhưng hơn thế nữa, đó là sự từ bỏ ý riêng với sự đơn sơ khiêm tốn. Đây cũng chính là điều làm nên tính cách của Therese. Có thể nói phần lớn những người biết đến Therese đều nhận diện chị với liên tưởng trước tiên là tinh thần đơn sơ và trở nên như trẻ thơ. Vậy đâu là điều thôi thúc đàng sau sự từ bỏ này? Đối với Therese đó là sự tin tưởng phó thác vào Chúa. Có một tương quan thuận giữa từ bỏ và phó thác. Một khi càng từ bỏ thì sự phó thác càng thể hiện mạnh. Phó thác là trao phó chính mình cho Chúa, đặt mình dưới sự hướng dẫn của Người. Giả như tôi không chấp chận từ bỏ, không muốn để Chúa can thiệp vào cuộc đời mình thì còn nói gì đến chuyện tôi phó thác như thế nào. Theo Therese, sự thánh thiện không cốt tại làm việc này hay việc khác, nhưng hệ tại ở trạng thái linh hồn. Linh hồn phải khiêm tốn, phó thác trong tay Thiên Chúa toàn năng, phải nhận biết mình yếu đuối và cương quyết tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.[6] Và như vậy, sự tự do ở đây được hiểu không phải là được làm bất cứ điều gì hợp với sở thích và ý định của mình, không bị ngăn trở hay ràng buộc từ ngoại giới nhưng là được tự do khỏi những lôi cuốn của cuộc sống và những ràng buộc của các quan hệ xã hội, và tự do khỏi những đè nặng của lo lắng buồn phiền một khi phó thác tất cả nơi Thiên Chúa.
Tinh thần đơn sơ bé nhỏ và phó thác đã làm nên Con đường thơ ấu thiêng liêng (Little way) của Therese. Chị đã bước vào con đường đó với sự trung thành trọn vẹn, dâng tất cả những hy sinh, đau khổ, mọi công việc dù là bé nhỏ nhất lên cho Đấng Lang Quân, tất cả được thực hiện trong âm thầm và bền bĩ. Điều đáng lưu ý là nói đến sự âm thầm, làm không phải để mong nhận được sự khen tặng từ người khác, không phô trương ồn ào nhưng là xuất phát từ lòng mến. Chính sự bền bĩ trong âm thầm là biểu hiện của sự can đảm mạnh mẽ, được nuôi dưỡng không bởi gì khác hơn ngoài tình yêu. Xin được dùng lại những lời trong sách Diễm Ca: “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8, 7). Nói cách khác, cuộc sống mà Therese thể hiện ra bên ngoài diễn tả tình yêu mãnh liệt từ bên trong. “…Con hiểu rằng Tình Yêu bao trùm mọi ơn gọi và Tình Yêu là tất cả; tắt một lời, Tình Yêu tồn tại mãi…cuối cùng con đã tìm thấy, ơn gọi của con chính là Tình Yêu…Như thế, con sẽ là tất cả…”.[7]
Trong khi đó, nhân sinh quan của Trang Tử được bàn ở đây cũng như toàn bộ tư tưởng triết học của ông có thể tóm lại trong một câu này trong thiên Tiêu Diêu Du: “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh”(Nam Hoa Kinh, Tiêu Diêu Du). (Kỷ có nghĩa là: Mình, thân mình, thuộc về mình. Ích kỷ: lợi cho mình. Có thể được hiểu tương đương với ngã: Tôi, ta. Bản ngã: cái tôi)[8] . Đây có thể coi là sự phát triển mạch lạc hơn từ tinh thần của Lão Tử: "Thiện hành vô triệt tích" (Đi giỏi thì không để lại dấu chân), (Đạo Đức Kinh 27 ).[9] Bước vào cuộc đời và đi qua cuộc đời như một cuộc dạo chơi với tinh thần an nhiên tự tại, không bị vướng bận bởi những lôi kéo của vòng danh lợi, không cầu để lại một dấu vết gì thuộc về mình (như là một cách khẳng định sự có mặt của mình trên cõi đời).
Có thể nói Lão Tử (khoảng Tk.5 TCN) là người đầu tiên trong triết học phương Đông bàn về Thực Tại Nhiệm Mầu, Thực Tại Tuyệt Đối hoàn toàn vô danh, vô thanh, vô ngôn, vô hình, ẩn sâu và tràn đầy trong khắp trời đất, làm ra tất cả mà không kể công, ở trong tất cả mà không ai biết. Thực Tại đó không hình không trạng, không thể đặt tên, tạm gọi là Đạo. Và theo Trang Tử, Đạo là Chân Lý Tuyệt Đối, vô hạn, toàn mãn. Bất kỳ vật nào trong trời đất đều có cái Đạo ấy ở trong, gọi là Tánh, Tánh ấy cùng với Đạo là một thể. Vậy phận sự của mỗi vật là trở về với cái Chân thể ấy, và hễ sống thuận được với Đạo rồi thì cái mà mình gọi là “làm” không còn phải là mình làm nữa, mà chính là cái Đạo nơi mình “làm”. Nghĩa là cái làm của vô ngã cho nên hành động ấy gọi là hành động vô vi. Bậc chân nhân (chân: thật) là kẻ đã huyền đồng cùng Đạo cho nên không còn hành động theo tư ngã, cho nên mới nói “chí nhân vô kỷ”. Vô kỷ, nên mới để cho mỗi vật an theo cái tánh tự nhiên của nó, nên dầu có giúp cho vạn vật thật, nhưng chỉ giúp cho nó sống được cái tự nhiên của nó, nên không công ơn gì với ai cả. Thế mới gọi là “thần nhân vô công”. Cũng như mặt trời kia chiếu sáng trên mọi vật, mang lại sự sống cho muôn loài, nhưng muôn loài không biết đến cái công của mặt trời. Có những kẻ “đời khen không thêm cho mình, đời chê không bớt cho mình”, nghĩa là đứng trên dư luận. Tuy đã biết thản nhiên với dư luận, nhưng còn để cho đời biết được mà khen chê. Đó là hạng người còn để lại cái “danh”. Đã vô kỷ, vô công, thì làm sao lại có danh. Nên mới gọi “thánh nhân vô danh”.
Trong khi thiên hạ rùng rùng chạy theo cuộc đua tranh để khẳng định cái tôi, cái bản lĩnh cá nhân (tìm kiếm cái kỷ, cái ngã) và khao khát lập nên những công trạng để đời, cuối cùng cũng chỉ để tìm kiếm cái danh, sao cho người khác biết đến mình, thì người hiểu Đạo lại tìm về cái vô ngã, tan biến giữa cuộc đời, không tranh không chấp. Tâm lý chung của hầu hết mọi người là thích được khen hơn là bị chê, dù là một đứa bé mới bắt đầu biết phân biệt giữa khen và chê cho đến những người đã trải qua hết cuộc đời. Thậm chí đến như: “Cứ nói dối đi, nếu anh muốn, nhưng hãy nói với em rằng: anh yêu em”. Nhiều người luôn bận tâm đến cái danh, chỉ sợ người đời không biết đến mình hoặc sợ bị đánh mất hình ảnh của mình trong mắt người khác, từ đó nảy sinh ra việc đánh bóng tên tuổi, thậm chí là hình thức “mạo danh”. Mặt khác lại cứ lo người đời không nhìn thấy những công việc tốt đẹp do mình làm. Trong khi thánh Therese làm tất cả trong thầm lặng với thái độ và tinh thần bền bĩ, cho dù được hay không được người khác nhìn thấy, Trang Tử cho rằng “vô công” là làm mà như không làm, còn Đức Giêsu thì dạy: “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”(Mt 6, 3).
Cho dù sống trong môi trường nào và vị thế nào, con người luôn sống trong trăn trở, thao thức, tranh đấu, qua đó tìm cách áp đặt những tiêu chuẩn, qui tắc đạo đức luân lý không chỉ cho riêng mình mà còn cho người khác. Thật đúng như những gì chép trong sách Giảng Viên: "...con người do Thiên Chúa làm nên, vốn đơn sơ ngay thẳng, nhưng chính họ lại đi tìm đủ chuyện rắc rối quanh co (Gv 7, 29). Liệu rằng những nguyên tắc đó có phải là qui chuẩn chung cho mọi người hay không, và giả như nếu đúng là vậy thì việc tôi áp đặt những qui tắc đó lên người khác là vì tôi muốn khẳng định bản thân tôi thông qua họ hay là vì mục đích hướng thượng cho cả tôi và họ. Cũng vậy, bản tính con người hay thích tranh biện. Đặc biệt là khi thấy người khác phát biểu hoặc hành xử không theo “chân lý” thì họ sẵn sàng đóng góp toàn bộ sự nhiệt tình của mình, dưới sự hậu thuẫn mặc nhiên bởi danh nghĩa “bênh vực chân lý”. Thật ra có chân lý bản thể hay khách thể (veritas ontological) nằm bên trong bản chất của sự vật. Vậy bản chất đó vẫn tự tại mà không bị ảnh hưởng hay được quyết định bởi lý lẽ hay tranh biện của anh hoặc của tôi.
Trong lối tu đức, (việc tập luyện nhân đức không nên hiểu là chỉ dành riêng cho giới tu hành, vì con người tự bản chất tìm về cái thiện), cần một thái độ nhẹ nhàng, tự nhiên như trẻ thơ thay vì phải nghiến răng nghiến lợi, gồng mình lên để đạt được những tiêu chuẩn đạo đức "tuyệt đối" nào đó. Cũng như chân nhân là người huyền đồng cùng Đạo, có Đạo làm một với mình thì cái chân tánh sẽ bộc lộ một cách tự nhiên, không còn cần phải nhìn trước ngó sau để so đo các qui tắc luật lệ, thì thánh Therese là người mang trong mình Tình Yêu, và nếu như mọi việc làm đều phát xuất từ Tình Yêu thì tự bản chất của nó đã là thánh rồi, còn cần gì đến những qui tắc luật lệ nào khác nữa, như thánh Gioan nói: “Yêu thương là chu toàn mọi lề luật”.
“Vào lúc chiều tà của cuộc sống, chúng ta sẽ được xét xử theo Tình Yêu” (Gioan Thánh Giá)
Chú thích
[1] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Triết học nhập môn (1995), tr. 4-8.
[2] Dịch từ Richard P. McBrien, Lives of the Saints (New York: HarperCollins Publishers, 2002), tr. 4.
[3] Nguyễn Duy Cần, Trang Tử tinh hoa (Nxb Thanh Niên, 1999), tr. 7.
[4] Hương Việt, Truyện một tâm hồn (Hà Nôi: Tôn Giáo, 2008), tr. 288.
[5] Sđd, tr. 149.
[6] Sđd, tr.8.
[7] Trích Tự thuật
[8] Nguyễn Quốc Hùng, Hán Việt tân từ điển (Sài Gòn: Khai Trí), tr. 314, 427.
[9] Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử - Đạo Đức Kinh (Hà Nội:Văn hóa Thông Tin, 2005), tr. 204.