Ngày 29 tháng 7 vừa qua, tại hội quán nhật báo Tiếng Nói Công Giáo (Catholic Voice) tại Cork, Ái Nhĩ Lan, Đức Hồng Y George Pell, TGM Sydney, đã đọc một bài diễn văn tựa là Đạo Công Giáo Chân Chính và Đạo Công Giáo Ở Quán Cà Phê (Authentic Catholicism vs Cafeteria Catholicism).
Đức Hồng Y lấy tư cách một người Úc gốc Ái Nhĩ Lan, một người có những xác tín và dấn thân đấu tranh cho các xác tín ấy, để nói về kinh nghiệm Công Giáo Úc. Theo ngài, có hai vấn đề cần xem sét. Thứ nhất, tại Ái Nhĩ Lan hay tại Úc, luôn có một căng thẳng nền tảng giữa một bên là những người được ngài gọi là Kitô hữu của Tin Mừng, những người dành ưu tiên cho Tân Ước, cho Chúa Kitô và cho Lời Chúa, và bên kia là những người được ngài gọi là Kitô hữu tự do hay cấp tiến, những người dành ưu tiên cho cái hiểu hiện đại. Sự căng thẳng này đang xẩy ra cùng khắp khác cộng đồng Kitô Giáo. Căng thẳng thứ hai và quan trọng hơn hiện đang xẩy ra tại Úc là sự căng thẳng giữa một thiểu số thế tục, tuy nhỏ nhưng đang lớn mạnh, gồm những người có vị thế trong giới truyền thông và đại học, và đại đa số theo Kitô Giáo và Do Thái Giáo.

Các người theo chủ nghĩa thế tục đang cố gắng thúc đẩy một nghị trình chính trị nhằm phá hoại các nền tảng Kitô Giáo truyền thống và đang mưu toan đẩy các phát ngôn viên Kitô Giáo ra khỏi sinh hoạt công. Điều này cũng đang xẩy ra cho các linh mục và do đó, cần phải tiếp tục dóng lên tiếng nói một cách công khai. Và Đức Hồng Y cho hay: ngài cương quyết nói lớn để mọi người thấy: tại sao tôi là người duy nhất tại Úc không được phép thực thi quyền tự do ngôn luận hợp dân chủ? Người ta hoàn toàn có quyền tự do tiếp nhận hay bác bỏ ý kiến của tôi mà. Chúng tôi cũng có quyền như bất cứ ai được phát biểu ý kiến của mình chứ. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần có những nhân vật chính trị giáo dân biết lên tiếng công khai vì không có gì bất lợi bằng việc chỉ có hàng giáo sĩ lên tiếng. Tuy nhiên, ngài hoàn toàn xác tín rằng sự im lặng thường xuyên của hàng giáo phẩm và của hàng giáo sĩ quả là điều không tốt chút nào.

Đạo Công Giáo tại Úc

Tại Úc, 26% dân số là người Công Giáo. Đây là tỷ lệ cao nhất, vượt quá cả người Anh Giáo. Giáo Hội có một mạng lưới dịch vụ vĩ đại: giáo dục 20% trẻ em Úc tại các học đường của mình, điều hành 23% các bệnh viện, cung cấp 55% việc chăm sóc giảm đau (palliative care) và vì áp lực của phong trào đòi an tử (euthanasia), Giáo Hội đang cố gắng mở rộng việc chăm sóc loại này. Cũng có một số đại học Công Giáo và một hệ thống phúc lợi xã hội to lớn, phần lớn được chính phủ tài trợ. Con số tu sĩ tại Úc có suy giảm nhưng để chống lại xu thế này, ngài đã cho mời Các Nữ Tu Đa Minh ở Nasville tới Sydney và họ đã có mặt ở đấy từ năm 2007. Họ là các nữ tu trẻ trung, quyến rũ, nhưng mặc đủ phẩm phục tu trì và từ ngày tới Sydney, họ đã thu phục thêm được khoảng 10 thiếu nữ khác. Hiện giáo phận đang có kế hoạch khuyến khích các thiếu nữ xuy sét ơn gọi đi tu. Ơn gọi làm linh mục, thì tại một số giáo phận, con số có gia tăng. Đã có cố gắng tim hiểu xem tại sao các giáo phận ấy lại có việc gia tăng ơn gọi linh mục. Lý do tìm được là các giáo phận này có tinh thần Công Giáo cao độ. Tại Sydney, tỷ lệ đi nhà thờ kể là cao nhất, dù thấp hơn tỷ lệ 40% của Ái Nhĩ Lan. Ở Sydney tỷ lệ ấy là 18%, phần lớn là nhờ các di dân Công Giáo. Các nhóm Á Châu như Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam có nhiều người trở lại đạo. Ơn gọi trong cộng đồng người Việt khá cao đến độ họ có thể tự hào coi mình như người Ái Nhĩ Lan mới. Tuy nhiên, không ai chối cãi: chính người Ái Nhĩ Lan đã lập ra Giáo Hội tại Úc và chính Đức Hồng Y cũng đã tiếp nhận hồng phúc đức tin từ người mẹ Ái Nhĩ Lan của ngài. Theo ngài, Giáo Hội Úc phải tỏ lòng biết ơn đối với sự đóng góp của Ái Nhĩ Lan. Thành thử, dù sao, Giáo Hội Công Giáo tại Úc vẫn là một thiểu số. Trong tư cách ấy, Đức Hồng Y cho hay Giáo Hội này có hai lựa chọn: một là để khối đa số nuốt trửng hai là tìm cách cưỡng lại và cố gắng phát triển. Nói cách khác, phải cố gắng Công Giáo hóa toàn bộ đất nước.

Thừa tác vụ Phêrô

Ở Úc, cũng như ở nơi khác, chúng ta đều phải đấu tranh với niềm xác tín rằng chúng ta là thành phần của Giáo Hội phổ quát, do Đức Giáo Hoàng lãnh đạo. Và việc lãnh đạo này có giá trị cả trong các sinh hoạt hàng ngày. Thí dụ, ở Toowoomba, Giáo Hội Úc vừa có một vị giám mục bị bãi chức sau hơn 10 năm đối thoại với Tòa Thánh. Đây là một thảm kịch, đáng lẽ không nên xẩy ra nhưng vị giám mục này nhất định không chịu nhượng bộ hay đưa ra bất cứ cơ sở nào, nên buộc người ta phải kết luận: “Đủ rồi”. Và thế là Giáo Hội Úc phải đấu tranh với một thứ cảm quan vô lý chống Rôma. Đức Hồng Y George của Chicago vốn đưa là luận đề này là ở nhiều nơi thuộc Giáo Hội Công Giáo Mỹ, người ta có tác phong mỗi ngày một trở nên thệ phản hơn, nghĩa là một giáo hội với những phán đoán cá thể, không quan tâm bao nhiêu tới Đức Giáo Hoàng, tới hàng giáo phẩm và giáo huấn Công Giáo. Và rõ ràng có những phần tử trong Đảng Dân Chủ đang cố gắng tách hàng giáo phẩm ra khỏi người Hoa Kỳ. Đức HY Pell nghĩ rằng điều này cũng đang xẩy ra tại nhiều nơi khác với những chính khách thích lập ra các “giáo hội quốc gia” hơn. Dĩ nhiên, ta phải chống lại khuynh hướng này.

Canh tân: kinh nghiệm Úc

Đức HY Pell sau đó đề cập tới những điều ngài cố gắng thực hiện ở Úc. Trước nhất ngài phải đương đầu với vụ xì-căng-đan xách nhiễu tình dục. Về vấn đề này, ngài bảo ngài rất mang ơn vị chánh án Tòa Thượng Thẩm. Ông này cho ngài hay: vụ xì-căng-đan này, với năm tháng, sẽ dần dần phá hoại Giáo Hội từ căn để, nếu Giáo Hội không chịu cương quyết hành động. Ngài còn bị vị thủ hiến của tiểu bang triệu tới và cho hay nếu Giáo Hội không chịu tự mình dọn dẹp vụ xì-căng-đan này, thì ông ta sẽ dọn dẹp giùm. Thành thử, Đức HY nhất quyết phải hành động một cách cương quyết. Điều đáng nói, ông thủ hiến này là người vô đạo, từng coi các nhà lãnh đạo tôn giáo là người lỗi thời... Ngài cho thành lập một ủy ban độc lập, thiết lập một ban cố vấn để huấn đạo và một hệ thống để trả tiền bồi thường. Nhờ thế, mọi chuyện nay đã yên ổn.

Giáo dục tôn giáo

Việc thứ hai là cải tổ việc giáo dục tôn giáo (giáo lý tại học đường). Đây dĩ nhiên là điều nền tảng cho tương lai, và ngài nhất định phải canh tân, bất chấp mọi khó khăn. Ngài cho gọi người bạn của ngài từ Rôma về, cử làm đại diện lo việc giáo dục, và khởi sự công trình lớn lao là soạn thảo trọn bộ giáo khoa Công Giáo về đức tin và luân lý lấy Chúa Kitô làm trung tâm, dùng cho 13 cấp lớp nhà trẻ, tiểu học và trung học. Chương trình này nay thành bắt buộc tại các trường (1). Nói chung, công trình này đang mang lại hậu quả tốt, được các thầy cô hoan nghinh vì đa số các thầy cô này trước đây không được dạy về đức tin nên họ rất hoan nghinh bộ giáo khoa đầy nội dung phong phú, cung cấp các câu trả lời cho họ này. Chương trình giáo dục tôn giáo tại các trường phải lấy Chúa Kitô làm trung tâm và phải hoàn toàn có đặc điểm Công Giáo. Điều đáng lưu ý là tại Úc, nhiều người nghĩ tới bí tích theo lối Thệ Phản, nghĩa là chỉ nghĩ tới 2 bí tích Rửa Tội và Thánh Thể. Thực ra, Giáo Hội Công Giáo có tới 7 bí tích và một trong các bí tích kỳ diệu nhất chính là bí tích Thống Hối, một bí tích bị nhiều người xa lánh.

Không có lý do gì biện minh cho điều ấy cả, và nếu có một chương trình chuẩn bị thích đáng, người trẻ sẽ tiếp nhận và chào đón bí tích này. Đó là kinh nghiệm ở Úc, nơi ngay trẻ em không Công Giáo tại các trường Công Giáo cũng muốn được xưng tội; lẽ dĩ nhiên, Giáo Hội không cho phép các em này làm điều đó, nhưng sẵn sàng nghe các em giãi bày “khúc nhôi’ và cho các em lời khuyên thích đáng. Một số các thiên kiến bài Công Giáo thuở xưa đang tan biến đi. Hồi có chiến tranh tại Timor, có những con tầu chở binh sĩ qua đó. Trong số 200 binh sĩ, tuy chỉ 40% là người Công Giáo, nhưng có đến 140 người xếp hàng để được xưng tội. Điều này không hề xẩy ra trong các thập niên 1960 hay 1970, nhưng từ từ, nhờ giáo dục, chúng ta đã bẻ gẫy được nhiều rào cản và hiều lầm. Tất cả nhờ cải tổ giáo dục.

Ơn Gọi

Một điều nữa cũng quan yếu đối với tương lai cần phải nói rõ một cách tuyệt đối là chúng ta rất cần linh mục. Không thể có Giáo Hội mà lại không có linh mục. Muốn thế, ta phải có các chủng viện để người trẻ sẵn sàng gia nhập, những chủng viện theo nghĩa chính thống. Nghĩa là những chủng viện không bị sa đọa về tính dục. Dĩ nhiên, cả ở Úc, các chủng viện cũng đã kinh qua sự sa đọa về tính dục… Vì ai cũng rõ: tuổi trẻ bây giờ là sản phẩm của nền văn hóa đương đại. Tỉnh táo vì thế là điều cần thiết. Trong chủng viện, phải dạy họ biết cầu nguyện; đời sống cầu nguyện và tu đức phải chiếm ưu tiên. Khi được cử làm tổng giám mục Melbourne, việc đầu tiên của Đức Hồng Y là ra lệnh phải có thánh lễ hàng ngày tại chủng viện; ngoài ra, phải có Phép Lành Thánh Thể, Tôn Thờ Thánh Thể và đọc kinh Mân Côi chung với nhau. Ai mà chả nghĩ đó là chuyện bình thường trong một chủng viện. Ấy thế nhưng khi Đức Hồng Y ra lệnh như thế, các nhân viên trong chủng viện cho hay họ không chấp nhận việc đó và đã đồng loạt xin từ nhiệm. Ngài buộc lòng chấp nhận việc từ nhiệm ấy và đó là một trong những quyết định hay nhất trong giáo phận này. Nói cách khác, khi bắt đầu đưa ra thay đổi, thế nào cũng có chống đối. Ngài cũng nhớ lúc ngài trình bày kế hoạch thay đổi trong chủng viện cho Hội Đồng Linh Mục, không một linh mục nào dám lên tiếng ủng hộ kế hoạch ấy. Sự thay đổi này còn đáng kể hơn là cuộc cải tiến giáo dục tôn giáo. Hiện nay, Melbourne đang đào tạo ra các linh mục chính thống tốt lành và dĩ nhiên việc này lôi cuốn nhiều người trẻ khác gia nhập chủng viện.

Chú tâm tới giới trẻ

Cũng cần phải chú tâm tới giới trẻ. Điều được Đức Hồng Y lưu ý lúc tới Sydney là lập ra nhóm tuyên úy giáo dân tại các đại học. Tuyên úy giáo dân? Đúng thế, vì không có linh mục làm việc này. Nay thì tình hình đã khác, vì ơn gọi đã phát xuất từ chương trình này và từ 10 năm kể từ ngày có chương trình này, đã có 9 ơn gọi làm linh mục và 4 ơn gọi làm nữ tu riêng từ Đại Học Sydney. Ngài mô phỏng sáng kiến của Phái Anh Giáo Tin Lành (Evangelical Anglicans). Phái này có tới 40 thiện nguyện viên làm việc tại Đại Học Sydney. Tóm lại, điều quan trọng là phải thiết lập được các cộng đoàn đức tin chính thống tại các đại học.

Vai trò lãnh đạo của các linh mục

Điểm sau cùng trong bài nói chuyện của Đức Hồng Y Pell là việc cần phải duy trì tinh thần và vai trò lãnh đạo của các linh mục. Ngài cho hay: ở Nam Brisbane, có một linh mục không tin chắc là Chúa Kitô có thật và thế là ông không giảng gì về Thần Tính của Chúa Giêsu, hay về việc Đức Mẹ sinh con một cách đồng trinh nữa. Trái lại, ông lấy ý niệm về thần tính từ Ấn Giáo; và cuối cùng ông kéo theo cả cộng đoàn của ông ra khỏi Giáo Hội, kể cả các nhân viên chủ chốt của phòng giáo dục Công Giáo! Lại cũng có một trung tâm tôn giáo phụ nữ có liên hệ với nhóm phụ nữ Công Giáo. Một ngày kia, có bà lên tiếng hỏi: “Tượng Chịu Nạn đâu?”. Bà liền được trả lời: ở đây không có tượng chịu nạn vì chúng tôi không muốn có tinh thần chia rẽ. Điều buồn cười là tại văn phòng trung tâm, có treo một cây chổi phù thuỷ! Thành ra, điều quan trọng là phải duy trì vai trò lãnh đạo của linh mục. Không bao giờ được phép thu nhỏ các ngài thành chỉ còn là các tuyên úy cho giáo xứ. Các ngài không bao giờ phải xin phép hội đồng giáo xứ để thi hành các nhiệm vụ linh mục của mình. Đã đành một mục tử tốt phải làm việc theo phương thức cộng đồng với giáo dân của mình, nhưng trong truyền thống Công Giáo, linh mục luôn là nhà lãnh đạo; không theo nghĩa độc tài, nhưng không vì thế mà hết còn là nhà lãnh đạo. Ngài nhớ lại chuyện một linh mục ở Hòa Lan. Trước khi tiếp nhận nhiệm sở, ông phải được hội đồng giáo xứ phỏng vấn. Hội đồng giáo xứ “phán”: nếu không chịu chúc lành cho các cặp đồng tính, họ sẽ không để cho ông đến nhận chức vụ. Người Công Giáo không thể chấp nhận phương thức ấy. Ở Sydney, Đức Hồng Y cương quyết đạt được chính sách này: mọi cử nhiệm chính phải được dành cho những người thực sự cam kết thi hành một cách sâu sắc các chương trình Công Giáo. Điều này rất quan trọng vì không ai mong muốn đặt vào các vị trí lãnh đạo những người sẽ phá hoại điều mình đang thực hiện, như đặt vào phòng phụng vụ những người không tin vào các linh mục hay không tin vào hy lễ của chức linh mục thừa tác. Đức Hồng Y cũng khuyến khích các giáo dân tham gia chính trị; phần lớn họ gia nhập các đảng bảo thủ nhưng Giáo Hội cũng cần có những công đoàn mạnh và một Đảng Lao Động tích cực với nhiều người Công Giáo tốt trong đó. Giáo Hội Úc cũng thấy cần phải sử dụng các phương tiện truyền thông thế tục để truyền bá các sứ điệp của mình và chính Đức Hồng Y cũng có một mục thường xuyên trên một tờ báo hàng tuần ở Sydney. Ngài cũng muốn phát động chiến dịch Mang Người Công Giáo Về Nhà (Catholics Come Home) tức đem những người Công Giáo bỏ đạo trở về và những người ở bên ngoài muốn tìm hiểu về đức tin Công Giáo.

Đức Hồng Y Pell kết luận: qúy vị thấy đó là lý do tại sao tôi muốn bác bỏ thứ Công Giáo ở quán cà phê, và cổ động một cuộc canh tân thực sự tại Úc.

(1) Bộ giáo khoa To Know, Worship and Love, do Đức Ông Elliott [hiện là giám mục phụ tá Melbourne] chủ biên được dùng cho chương trình giáo dục tôn giáo tại hai tổng giáo phận Melbourne và Sydney từ năm 2003, được Ban Truyền Giáo của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney chuyển sang Việt Ngữ năm 2006 và từ đó soạn ra bộ giáo lý Biết Thờ Mến gồm 11 cuốn cho các cấp lớp của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Tất cả hiện được lưu tại www.tnttsydney.org