Chúa nhật 18 A
Phép lạ hoá bánh ra nhiều được bốn thánh sử ghi lại cả trong bốn Phúc âm (Mt 14,13-21; Mc 6,31-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Matthêu và Maccô còn kể thêm Chúa làm phép lạ lần thứ hai nữa (Mt 15,32-38; Mc 8,1-10).
Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Họ đói khát, nghèo khổ, bệnh tật, bơ vơ. Họ đi tìm Chúa để được chữa lành, được an ủi, được dạy dỗ. Chúa đã yêu thương họ và muốn tặng cho họ một bữa tiệc đơn sơ bất ngờ ở ngoài trời. “Ta mua đâu bánh cho họ ăn đây?”. Chúa muốn đưa các môn đệ đi vào mối bận tâm của Ngài, cần sự cộng tác. Các môn đệ thất vọng vì chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhỏ.
Phản ứng các môn đệ là bế tắc được ghi lại trong 4 phúc âm như sau:
- Matthêu: Ở đây chúng tôi chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá thôi.
- Marcô: Thế chúng tôi phải đi mua 200đồng bạc bánh mà cho họ ăn sao?
- Luca: Chúng tôi không có hơn 5 chiếc bánh và 2 con cá, hoạ chăng là chúng tôi phải đi mua thức ăn cho cả toàn dân này.
- Gioan: Philipphê thưa: Có mua hết 200đ bạc bánh cũng chẳng đủ phát cho mỗi người một miếng nhỏ. Anrê nói: Ở đây có một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!
Thái độ của các môn đệ là muốn thoái thác: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14,15). Đó là giải pháp hợp lý. Lo cho hàng ngàn người ăn là ngoài khả năng các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng, ai lo phần nấy, tự đi mua lấy thức ăn.
Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ đó. Chúa muốn các môn đệ nhận lấy trách nhiệm và cùng cộng tác với Ngài: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn đi”.
Chúa Giêsu cầm 5 chiếc bánh và 2 con cá hướng nhìn về trời cao, đọc lời chúc tụng, những bế tắc âu lo của các môn đệ đã được giải toả. Đám đông ăn no nê đầy ứ và còn dư dả phủ phê.
Chúa Giêsu đã cho họ ăn một bữa đã đời và đó cũng là bữa để đời. Để đời vì là lời mời gọi cộng tác và hãy biết quý chuộng ân sủng Chúa ban.
1. “Anh em hãy cho họ ăn”.
Phép lạ xảy ra do quyền năng Thiên Chúa và sự cộng tác của con người.
“Anh em hãy cho họ ăn”. Chúa không làm phép lạ từ không ra có. Chúa làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá là phần đóng góp nhỏ bé của con người. Phần đóng góp nhỏ bé nhưng lại cần thiết. Chúa cần sự cộng tác của con người cho dù sự cộng tác ấy là nhỏ bé nhưng với tấm lòng rộng lớn thì Chúa sẽ biến sự nhỏ bé thành lớn lao, biến điều tầm thường nên vĩ đại. Chúa không làm phép lạ ngay tức khắc biến bánh và cá thành một kho thức ăn để người ta tự do đến lấy tùy thích. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Mọi người trao cho nhau. Đó là bài học lớn lao của phép lạ hoá bánh. Khi mọi người chia sẻ cho nhau, quan tâm giúp đỡ nhau trong tình thương, biết bẻ ra, biết trao đi thì Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nhiều. Nghèo nàn hay thiếu khả năng, điều ấy không quan trọng. Chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà Chúa đã làm phép lạ ra nhiều. Hãy đóng góp hết khả năng nhỏ bé của mình, phần còn lại Chúa sẽ thực hiện.
“Anh em hãy cho họ ăn”. Đây còn là lời mời gọi lên đường thực thi đức ái. Giáo hội không bao giờ thờ ơ né tránh các vấn đề nhân sinh của nhân loại. Giáo hội quan tâm đến mọi nhu cầu của con người và thế giới. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ thụ động, viện cớ này nọ để tự biện minh: “Chúng con chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá, như thế thấm đâu cho ngần ấy người”.
“Anh em hãy cho họ ăn”. Chúa nhắc nhở Giáo hội phải chủ động đi đến với người nghèo khổ, phải ở bên người nghèo đói và phải bênh vực chăm lo cho người nghèo nàn. Mọi Kitô hữu không thể thờ ơ trước những nỗi đau khổ, nghèo đói, thiếu thốn của anh chị em chung quanh. Nổ lực hết mình góp phần với Thiên Chúa để xoa dịu nỗi đau của tha nhân.
2. “Anh em hãy thu lấy những miếng thừa kẻo phí đi”.
Đoạn kết Phúc Âm cho biết: sau khi mọi người ăn no thỏa, người ta thu lượm được “mười hai thúng đầy vụn còn dư”. Hồng ân tràn đầy của tình thương Thiên Chúa. Phúc Âm luôn luôn nói về chân lý này: một khi Thiên Chúa ban ơn là Ngài ban dư dật. Người mù xin sáng mắt,Chúa Giêsu cho sáng cả linh hồn; người bất toại xin sức khỏe để vác chõng về nhà, Chúa Giêsu cho sức khỏe cả về phương diện tôn giáo để hội nhập vào nhịp sống cộng đoàn.
Với 5.000 người không để đàn bà con nít, vậy số người rất đông, cả một rừng người. Có cả ngàn ngàn chiếc bánh được phát ra. Bánh nhiều như vậy tại sao Chúa lại tiếc những miếng bánh vụn còn dư ? Tại sao Chúa lại bảo thu lại những mảnh vụn ?
Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều là vì “chạnh lòng thương”: “Ta thương đoàn dân này”, vì “Ta không muốn để họ đói”, vì “Ta sợ rằng họ lả dọc đường” (Mt 15,32). Chúa Giêsu quý những mẫu bánh vụn vì nó là phép lạ của Ngài. Nó là tình thương, là ơn sủng, là ơn cứu độ của Chúa trao ban. Tình yêu và ân sủng như ngọn pháo bông, khi tung vỡ trên bầu trời thành trăm ngàn vụn nhỏ thì càng rực rỡ huy hoàng. Khi tấm bánh được bẻ ra trên bàn thờ, nó trở thành nhỏ bé mỏng manh nhưng vẫn đầy tràn quyền năng và ơn thánh. Khi hiến lễ đền tội cho nhân loại của Đức Kitô trên đồi Calvê tan ra, vóc dáng Người sụp xuống, đó cũng chính là lúc ơn cứu độ như nắng vỡ, lan ra chảy tràn kín vũ trụ, tỏa sức sống cho nhân sinh.
Chúa Giêsu quý những mảnh bánh vụn, Chúa bảo các môn đệ thu lại để dạy chúng ta đừng lãng phí ân huệ Chúa ban. Sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí tuệ đều là ân huệ được ban tặng, cần trân trọng nâng niu gìn giữ. Trong ơn sủng của Chúa không có gì là những mẫu vụn bé nhỏ tầm thường.
Có một cụ bà đã 73 tuổi (có lẽ là một Kitô hữu {trong hình thấy đeo tràng chuỗi Mân Côi} đi nhặt những mãnh vụn thai nhi, sinh linh bị giết chết, đem về chôn cất . Chuyện rất cảm động và thật cảm phục “Mười năm nhặt xác ba ngàn hài nhi!”. (x. Người Lao Động Online, 26.6.2011).
Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.
Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất. Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Cường “hài nhi’’có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.
Bà là một người hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.
Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.
Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá !”…
Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng.
Bà Cường tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8.3.2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi nilông màu đen, ruồi muỗi bám đen.
Bà Cường nhớ lại: “Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”.
Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin. “Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”.
Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.
Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. “Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”.
Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”…
Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người. Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa. Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”…
Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng khuyên rằng: “Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con”(ĐHV 814). “Nhìn cây cổ thụ sum sê, con đừng quên rằng, từng trăm năm trước nó đã khởi sự từ một hạt giống tí ti” (ĐHV 816). “Tự nhiên có ai lên đỉnh núi Hy-mã-lạp-sơn được? Tự nhiên có ai lên cung trăng được? Thử thách, hiểm nguy, ôn luyện, chuyên cần mỗi ngày, nhiều ngày mới đạt được đích họ hy vọng” (ĐHV 817).
Suy niệm câu chuyện hóa bánh ra nhiều, nghe Chúa mời gọi chúng ta: hãy mở rộng trái tim để biết “chạnh lòng thương” anh em đồng loại. “Chạnh lòng thương” được thể hiện qua những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh chị em.
Chúa muốn trái tim chúng ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Hãy nhìn Chúa Giêsu trong Thánh Kinh. Hãy nhìn Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Hãy nhìn Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Tình yêu Thiên Chúa bàng bạc trong Thánh Kinh, Thánh Giá và Thánh Thể. Một tình yêu tha thứ, phục vụ mạnh hơn hận thù. Một tình yêu phục sinh mạnh hơn sự chết. Một tình yêu khiêm tốn bao dung mạnh hơn mọi kiêu căng và hẹp hòi.
Phép lạ hoá bánh ra nhiều được bốn thánh sử ghi lại cả trong bốn Phúc âm (Mt 14,13-21; Mc 6,31-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Matthêu và Maccô còn kể thêm Chúa làm phép lạ lần thứ hai nữa (Mt 15,32-38; Mc 8,1-10).
Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Họ đói khát, nghèo khổ, bệnh tật, bơ vơ. Họ đi tìm Chúa để được chữa lành, được an ủi, được dạy dỗ. Chúa đã yêu thương họ và muốn tặng cho họ một bữa tiệc đơn sơ bất ngờ ở ngoài trời. “Ta mua đâu bánh cho họ ăn đây?”. Chúa muốn đưa các môn đệ đi vào mối bận tâm của Ngài, cần sự cộng tác. Các môn đệ thất vọng vì chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhỏ.
Phản ứng các môn đệ là bế tắc được ghi lại trong 4 phúc âm như sau:
- Matthêu: Ở đây chúng tôi chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá thôi.
- Marcô: Thế chúng tôi phải đi mua 200đồng bạc bánh mà cho họ ăn sao?
- Luca: Chúng tôi không có hơn 5 chiếc bánh và 2 con cá, hoạ chăng là chúng tôi phải đi mua thức ăn cho cả toàn dân này.
- Gioan: Philipphê thưa: Có mua hết 200đ bạc bánh cũng chẳng đủ phát cho mỗi người một miếng nhỏ. Anrê nói: Ở đây có một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!
Thái độ của các môn đệ là muốn thoái thác: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14,15). Đó là giải pháp hợp lý. Lo cho hàng ngàn người ăn là ngoài khả năng các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng, ai lo phần nấy, tự đi mua lấy thức ăn.
Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ đó. Chúa muốn các môn đệ nhận lấy trách nhiệm và cùng cộng tác với Ngài: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn đi”.
Chúa Giêsu cầm 5 chiếc bánh và 2 con cá hướng nhìn về trời cao, đọc lời chúc tụng, những bế tắc âu lo của các môn đệ đã được giải toả. Đám đông ăn no nê đầy ứ và còn dư dả phủ phê.
Chúa Giêsu đã cho họ ăn một bữa đã đời và đó cũng là bữa để đời. Để đời vì là lời mời gọi cộng tác và hãy biết quý chuộng ân sủng Chúa ban.
1. “Anh em hãy cho họ ăn”.
Phép lạ xảy ra do quyền năng Thiên Chúa và sự cộng tác của con người.
“Anh em hãy cho họ ăn”. Chúa không làm phép lạ từ không ra có. Chúa làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá là phần đóng góp nhỏ bé của con người. Phần đóng góp nhỏ bé nhưng lại cần thiết. Chúa cần sự cộng tác của con người cho dù sự cộng tác ấy là nhỏ bé nhưng với tấm lòng rộng lớn thì Chúa sẽ biến sự nhỏ bé thành lớn lao, biến điều tầm thường nên vĩ đại. Chúa không làm phép lạ ngay tức khắc biến bánh và cá thành một kho thức ăn để người ta tự do đến lấy tùy thích. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Mọi người trao cho nhau. Đó là bài học lớn lao của phép lạ hoá bánh. Khi mọi người chia sẻ cho nhau, quan tâm giúp đỡ nhau trong tình thương, biết bẻ ra, biết trao đi thì Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nhiều. Nghèo nàn hay thiếu khả năng, điều ấy không quan trọng. Chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà Chúa đã làm phép lạ ra nhiều. Hãy đóng góp hết khả năng nhỏ bé của mình, phần còn lại Chúa sẽ thực hiện.
“Anh em hãy cho họ ăn”. Đây còn là lời mời gọi lên đường thực thi đức ái. Giáo hội không bao giờ thờ ơ né tránh các vấn đề nhân sinh của nhân loại. Giáo hội quan tâm đến mọi nhu cầu của con người và thế giới. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ thụ động, viện cớ này nọ để tự biện minh: “Chúng con chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá, như thế thấm đâu cho ngần ấy người”.
“Anh em hãy cho họ ăn”. Chúa nhắc nhở Giáo hội phải chủ động đi đến với người nghèo khổ, phải ở bên người nghèo đói và phải bênh vực chăm lo cho người nghèo nàn. Mọi Kitô hữu không thể thờ ơ trước những nỗi đau khổ, nghèo đói, thiếu thốn của anh chị em chung quanh. Nổ lực hết mình góp phần với Thiên Chúa để xoa dịu nỗi đau của tha nhân.
2. “Anh em hãy thu lấy những miếng thừa kẻo phí đi”.
Đoạn kết Phúc Âm cho biết: sau khi mọi người ăn no thỏa, người ta thu lượm được “mười hai thúng đầy vụn còn dư”. Hồng ân tràn đầy của tình thương Thiên Chúa. Phúc Âm luôn luôn nói về chân lý này: một khi Thiên Chúa ban ơn là Ngài ban dư dật. Người mù xin sáng mắt,Chúa Giêsu cho sáng cả linh hồn; người bất toại xin sức khỏe để vác chõng về nhà, Chúa Giêsu cho sức khỏe cả về phương diện tôn giáo để hội nhập vào nhịp sống cộng đoàn.
Với 5.000 người không để đàn bà con nít, vậy số người rất đông, cả một rừng người. Có cả ngàn ngàn chiếc bánh được phát ra. Bánh nhiều như vậy tại sao Chúa lại tiếc những miếng bánh vụn còn dư ? Tại sao Chúa lại bảo thu lại những mảnh vụn ?
Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều là vì “chạnh lòng thương”: “Ta thương đoàn dân này”, vì “Ta không muốn để họ đói”, vì “Ta sợ rằng họ lả dọc đường” (Mt 15,32). Chúa Giêsu quý những mẫu bánh vụn vì nó là phép lạ của Ngài. Nó là tình thương, là ơn sủng, là ơn cứu độ của Chúa trao ban. Tình yêu và ân sủng như ngọn pháo bông, khi tung vỡ trên bầu trời thành trăm ngàn vụn nhỏ thì càng rực rỡ huy hoàng. Khi tấm bánh được bẻ ra trên bàn thờ, nó trở thành nhỏ bé mỏng manh nhưng vẫn đầy tràn quyền năng và ơn thánh. Khi hiến lễ đền tội cho nhân loại của Đức Kitô trên đồi Calvê tan ra, vóc dáng Người sụp xuống, đó cũng chính là lúc ơn cứu độ như nắng vỡ, lan ra chảy tràn kín vũ trụ, tỏa sức sống cho nhân sinh.
Chúa Giêsu quý những mảnh bánh vụn, Chúa bảo các môn đệ thu lại để dạy chúng ta đừng lãng phí ân huệ Chúa ban. Sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí tuệ đều là ân huệ được ban tặng, cần trân trọng nâng niu gìn giữ. Trong ơn sủng của Chúa không có gì là những mẫu vụn bé nhỏ tầm thường.
Có một cụ bà đã 73 tuổi (có lẽ là một Kitô hữu {trong hình thấy đeo tràng chuỗi Mân Côi} đi nhặt những mãnh vụn thai nhi, sinh linh bị giết chết, đem về chôn cất . Chuyện rất cảm động và thật cảm phục “Mười năm nhặt xác ba ngàn hài nhi!”. (x. Người Lao Động Online, 26.6.2011).
Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.
Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất. Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Cường “hài nhi’’có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.
Bà là một người hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.
Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.
Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá !”…
Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng.
Bà Cường tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8.3.2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi nilông màu đen, ruồi muỗi bám đen.
Bà Cường nhớ lại: “Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”.
Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin. “Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”.
Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.
Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. “Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”.
Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”…
Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người. Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa. Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”…
Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng khuyên rằng: “Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con”(ĐHV 814). “Nhìn cây cổ thụ sum sê, con đừng quên rằng, từng trăm năm trước nó đã khởi sự từ một hạt giống tí ti” (ĐHV 816). “Tự nhiên có ai lên đỉnh núi Hy-mã-lạp-sơn được? Tự nhiên có ai lên cung trăng được? Thử thách, hiểm nguy, ôn luyện, chuyên cần mỗi ngày, nhiều ngày mới đạt được đích họ hy vọng” (ĐHV 817).
Suy niệm câu chuyện hóa bánh ra nhiều, nghe Chúa mời gọi chúng ta: hãy mở rộng trái tim để biết “chạnh lòng thương” anh em đồng loại. “Chạnh lòng thương” được thể hiện qua những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh chị em.
Chúa muốn trái tim chúng ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Hãy nhìn Chúa Giêsu trong Thánh Kinh. Hãy nhìn Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Hãy nhìn Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Tình yêu Thiên Chúa bàng bạc trong Thánh Kinh, Thánh Giá và Thánh Thể. Một tình yêu tha thứ, phục vụ mạnh hơn hận thù. Một tình yêu phục sinh mạnh hơn sự chết. Một tình yêu khiêm tốn bao dung mạnh hơn mọi kiêu căng và hẹp hòi.