Xem hình ảnh
Kết thúc cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu là một kết thúc tốt đẹp. Lời cuối cùng Chúa thốt ra trên thập giá “mọi sự đã hoàn tất” là một lời loan báo sứ mạng thành công. Chúa Giêsu xuống thế gian để thực hiện thánh ý Chúa Cha trong việc cứu nhân độ thế.Trọn cuộc đời Người hiến mình vâng phục thánh ý Chúa Cha vì tình yêu nhân loại. Người đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Người đã yêu thương nhân loại đến hơi thở cuối cùng. Người đã vượt qua tất cả mọi khó khăn thử thách, đã vượt qua cái chết đau thương tủi nhục để đi đến cùng lý tưởng của mình. Giây phút trút hơi thở cuối cùng là giây phút chiến thắng. Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng và yên tâm ra đi.
Khi nghe tin cha cố GB Trương Văn Hiếu qua đời, có lẽ mọi người đều nghĩ rằng, khi ra đi ngài cũng có thể nói “mọi sự đã hoàn tất”. Ngài đã hoàn tất sứ mạng đời mình, 90 năm tuổi đời, 51 năm tuổi linh mục.
Sáng nay 23.5.2011, thánh lễ an táng cha cố GB tại nhà thờ Vinh An. Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ tế, cùng đồng tế thánh lễ có Đức Ông GB Lê Xuân Hoa, 84 linh mục trong và ngoài giáo phận, đông đảo chủng sinh tu sĩ nam nữ linh tông huyết tộc, các thân nhân, bà con giáo dân nhiều giáo xứ cùng hiệp dâng thánh lễ và tiễn đưa cha cố GB đến nơi an nghĩ cuối cùng tại nghĩa trang linh mục Phan Thiết, thuộc giáo xứ Vinh An.
Cha GB Trương Văn Hiếu sinh ngày10.11.1922, tại Hà Thanh, Nghệ An.
1936 – 1942 : Học tại TCV Xã Đoài, Nghệ An.
1950 – 1956 : Học tại Đại chủng viện Xuân Bích Huế
30.05.1956 : Thụ phong Linh Mục tại Vĩnh Long.
1956-1960 : Chánh xứ Tân Vinh (Biên Hoà).
1960-1963 : Chánh xứ Khánh Bình Đông (Cà Mau).
1964-1972 : Chánh xứ Hoà Vinh (Châu Thành, Bình Long)
1973-1997 : Chánh Xứ Hoà Vinh (GP Phan Thiết)
1997-2005 : Chánh xứ Chính Toà, Phan Thiết
24.10.2005 : Về Nhà Hưu Dưỡng Giáo Phận Phan Thiết
Tạ thế lúc 10g00, ngày 21/05/2011.
Biết bao ký ức về cha JB khả kính, một đời vì đàn chiên. Một “mục tử dẫn dắt đàn chiên đi tìm đồng cỏ xanh, dòng suối mát”.
Giảng trong thánh lễ, Đức Cha Phaolô suy niệm lời “xin vâng” của Đức Mẹ trước thánh ý Chúa. Cha GB cũng có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Cuộc đời cha GB là một hành trình “xin vâng” theo thánh ý Chúa nên ngài luôn sống khó nghèo thánh thiện, là anh em của mọi người, ngài xứng đáng là mục tử nhân hiền theo gương Mục Tử Giêsu.
Chia sẽ trong thánh lễ, sau nghi thức tẩm liệm tại nhà hưu dưỡng, cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung nói đến 3 điểm nổi bật nơi cuộc đời cha GB Hiếu là:
Lòng đạo đức (ngài đọc kinh, viếng Thánh Thể, cầu nguyện, lẫn chuỗi sốt sắng lâu giờ). Hết lòng yêu thương và chăm lo cho con chiên (trong thời khó khăn chiến tranh cũng như thời bình). Nhiệt tình cổ vũ cho Ơn gọi (một người con trong trong Linh tộc cho biết, Cha già Hiếu tổng cộng có đến khoảng 80 người con tinh thần được ngài nhận đỡ đầu và linh hướng).
Anh PM Cao Huy Hoàng ghi lại những kỷ niệm tốt lành về cha cố JB:
Liền sau ngày nhận lãnh chức Linh Mục 30-5-1956, Cha GB đã đồng hành với giáo dân Nhân Hòa, gốc GP Vinh, từ những ngày họ mới di cư vào Biên Hòa. Đời sống kinh tế khó khăn, cha đưa dân về Cà Mau sinh sống. Thêm một lần di cư nữa để tìm đất chảy sữa, mật ong, cha cùng đoàn chiên về Bình Long. Nhưng rồi, vì chiến tranh, không thể ổn định được cho đoàn chiên của cha, năm 1973 cha lại đưa họ Nhân Hòa về Bình Tuy, Bình Thuận, vẫn giữ tên gọi Hòa Vinh rất thân thương của người Nhân Hòa gốc Vinh. Và Cha ở đó cùng với họ cho tới những ngày về hưu.Những ngày đầu tiên của GX Hòa Vinh, Phan Thiết, là những ngày gian khổ vô cùng tận trước một vùng rừng thiêng nước độc, chim kêu vượn hú, rắn rít bò cạp và còn cả beo hổ chó sói gầm thét nghênh ngang đêm đêm rùng rợn. Thật đúng với tên gọi của thời kỳ “khẩn hoang lập ấp”. Nhưng giữa cái hoang sơ mà rậm rịt ấy, cha đã cùng đoàn chiên vượt từng ngày khốn khó, để dần dần hình thành một xứ đạo có nhà cửa nhờ có cây rừng, có lúa, có khoai, có lương thực nhờ có đất mới, đất tốt; và nhất là có niềm tin vững chắc nhờ có đời sống đạo đức gương mẫu của cha và tình thương yêu nhau của mọi người. Cuộc sống tưởng như là bình yên trong giai đoạn âm ĩ chuyển mình của đất nước. Nhưng, thực chất, để được cái bình yên mỏng manh đó, cha đã phải đánh đổi bằng những thương lượng khôn ngoan với cả hai phía. Tất cả cũng vì đàn chiên của cha.Sau 1975, cuộc sống mới hình thành chưa gọi được là tạm ổn, lại phải bắt đầu lại với một chương trình mới cho phù hợp với bối cảnh đất nước. Cha con càng khắng khít với nhau hơn. Nhưng lúc nầy, có vẻ trên vai cha nặng gánh hơn nhiều vì phải tìm cho ra một phương thức mới để thích ứng với một hoàn cảnh mới, hoàn cảnh chung của đất nước.Thêm vào đó, cha phải kiêm nhiệm GX Hiệp Đức, cách Hòa Vinh 4 cây số, trong lúc Gx nầy vắng chủ chiên…
Cha già GB đã bước qua tuổi “Cửu thập như nhân tiên”, nhưng lời Thánh Vịnh luôn nhắc nhớ về sự ngắn ngủi của đời người:
Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ…’ (Tv 90,10)
Cái thân phận đời người “sớm nở tối tàn” thường được ví như một hạt bụi. Có nhọc nhằn bon chen thủ đắc được một số bằng cấp, tài sản, địa vị, chức quyền, tiếng tăm, cũng không thể thoát ra được thân phận đó. Có đi đâu và làm gì đi nữa, đâu đó vẫn luôn vang vọng một tiếng thở than cái hư vô của kiếp người. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi Để một mai tôi về làm cát bụi Ôi cát bụi mệt nhoài, Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi...” ( Cát bụi – Trịnh Công Sơn ).
Con người chỉ là một hạt bụi trước vũ trụ bao la. Tuổi của một đời người chỉ là vài chục năm còn tuổi của vũ trụ bao nhiêu tỉ năm không ai tính toán được chính xác. Vũ trụ đã có đó trước khi tôi sinh ra và sau khi tôi qua đi, vũ trụ vẫn còn đó.
Tôi vẫn thích cách nhìn của nhạc sĩ Trần Long Ẩn về một đời người như một cây trong rừng cây.
“Khi nghĩ về một đời người, Tôi thường nhớ về rừng cây. Có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh...” (Một đời người một rừng cây).
Tôi nhỏ bé như một hạt bụi nhưng mà hạt bụi thì vô tri nhưng tôi lại có cảm xúc. Một cái cây trong một rừng cây không là gì cả nhưng trong nó lại có sự sống và làm thành sức sống của rừng cây. Một cái cây có thể chết đi nhưng rừng cây sẽ vẫn còn đó. Cha già GB như một cây cổ thụ, ngài chết đi nhưng có nhiều cây khác mọc lên làm xanh rừng cây.
Điều quan trọng là ở trong rừng cây, tôi được yêu thương và tìm ra ý nghĩa của đời sống của mình. “Rừng đã yêu em, rừng vẫn yêu em, Người ơi, ta bỗng nghe rừng hát trong ta..” ( Rừng cây trút lá – Trịnh Công Sơn ).
Sau thánh lễ, cả cộng đoàn phụng vụ cùng trầm tư tĩnh lặng trên đoạn đường dài tiễn cha già đến nghĩa trang.Cảm giác khi đứng trước nghĩa trang giữa rừng cây bạch đàn cao vút tỏa bóng mát cũng thật đặc biệt. Những nấm mồ của các linh mục đã an giấc ngàn thu gây ấm lòng.Nghĩa trang như nối dài cuộc sống bình thường đến cõi thiêng liêng.
Mồ mả là chốn thiêng liêng nhất trong tâm thức người Việt. Mồ yên mả đẹp bao giờ cũng là phần thưởng lớn nhất và cũng là cuối cùng của một đời người. Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi.
Sự tôn trọng đối với người đã chết hòa chung với sự tôn trọng đối với người còn sống. Những ngôi mộ các linh mục nằm gần gũi giữa cây xanh ruộng đồng nương rẫy. Một vòng đời đi qua, giống như một đoạn đường từ nhà ra đồng ruộng, lên rừng, rồi lại về nhà... Con người sinh ra ở trần gian không phải để để rồi vĩnh viễn cư ngụ tại đó, trái lại, đây chỉ là khởi đầu một cuộc hành trình về với Chúa.
Một cuộc sống hiến dâng phục vụ được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Trong sự tiễn đưa ấm áp của Linh mục đoàn, linh tông huyết tộc, tu sĩ nam nữ, những bà con giáo dân nơi ngài từng phục vụ, trong sự đón nhận cũng ấm áp của đất trời...cha già GB thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu sau khi đã hoàn tất cuộc đời hiến dâng phục vụ đẹp lòng Chúa.
Chính trong khát vọng về với Thiên Chúa, cội nguồn sự sống mà thi sĩ Tagore đã dâng lời kinh tha thiết:
Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn huyền siêu. (Gitanjali 103,4)