NHÂN BẢN TRONG ĐỜI TU
(Gợi ý tĩnh tâm tháng 5)

Dẫn nhập :

Để khẳng định tính chất ưu việt của đời tu cũng như đời sống “làm người” hoàn hảo của các tu sĩ, Đức Á Thánh GH Gioan-Phaolô II đã kêu gọi trong Tông Huấn “Đời Thánh Hiến” : “Cùng tất cả mọi người nam nữ muốn nghe tôi, tôi ao ước gửi đến một lời mời gọi : xin hãy tìm kiếm những con đường đưa đến Thiên Chúa hằng sống và chân thật, đặc biệt theo những đường lối mà đời thánh hiến đã vạch ra. Những người được thánh hiến chứng minh rằng “bất cứ ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, thì kẻ ấy cũng sẽ trở nên người hoàn hảo” (ĐTH số 108).

Nhưng, có đứng thực các tu sĩ luôn là những “người hoàn hảo” ?

Để trả lời cho vấn nạn đó, chúng ta thử đọc lại một tài liệu được ghi trong tập sách “Giáo dục nhân bản” của lm. F.X Nguyễn Hữu Tấn, Gs ĐCV Sài Gòn :

“Trong khoá họp của các phụ trách Dòng Nữ Miền Trung vào tháng 9 năm 1967, khi bàn đến vấn đề huấn luyện, người ta có đặt ra những câu hỏi thảo luận :

1. Phải chăng ngày nay chúng ta có phần nào lơ đãng trong việc thực hành các nhân đức tự nhiên như là : công bằng, trung thực, trung thành với lời hứa, lịch sự, vô tư…?

2. Phải chăng chính sự lơ đãng đó đưa tới sự thiếu tinh thần tu trì hiện nay ?

3. Phải chăng đó là một sự quên lãng, rằng tự nhiên có ảnh hưởng tới siêu nhiên ?

Rồi bản đức kết được ghi nhận theo từng câu hỏi :

1. Quả là có như thế. Và đó là một thực tại đáng buồn.

2. Đó là điều không còn nghi ngờ gì. Tinh thần tu hành không thể phát sinh trong một tâm hồn quanh quéo, bất công, đầy hiềm thù chống đối và từ chối mọi vẻ trang nhã. Ân sủng không phá huỷ thiên nhiên nhưng là nâng cao. Dĩ nhiên là một người có bản nhiên tốt thì dễ ăn sâu vào cuộc sống tu hành.

3. Đó không là một sự quên lãng mà là một sự khinh thường.

Như vậy, để trở nên một người tu sĩ hoàn hảo, chúng ta phải trở lại với “nguyên tắc vàng” mà cha bề trên Lành (Albert Delagnes) đã nhắn nhủ các chủng sinh :

“Các con muốn trở thành linh mục thánh thiện, trước tiên các con phải lo rèn luyện nên người lương thiện (honnête homme), trên cơ sở vững chắc ấy các con nỗ lực xây dựng con người Kitô hữu đạo đức (bon chrétien), rồi từ đó các con mới có triển vọng trở thành linh mục thánh đức (saint prêtre).

Chúng ta có thể thay hai từ “linh mục” bằng hai từ “tu sĩ” mà chắc chắn nội dung ý nghĩa sẽ không có gì thay đổi.

Câu chuyện của chúng ta hôm nay xin dừng lại ở bước đầu “người lương thiện” ; nói cách khác, phải huấn luyện “đời sống làm người”, đời sống nhân bản, như là một cơ sở nền tảng để xây dựng con người trưởng thành trong Đức Kitô, theo như cách quả quyết của Aldous Huxley : “Làm một người đầy đủ, điều hoà là một việc khó khăn, nhưng đó là công việc duy nhất của chúng ta. Người ta chỉ xin chúng ta một điều duy nhất nên một người : Một người, anh nghe rõ”

I. TÌM HIỂU ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN

Để xem thử con người ngày nay quan niệm nhân bản thế nào, xin được giới thiệu bài viết sau đây của blog Góc Phố đăng ngày 16/5/2009 :

Nhân Bản ! Bài học đầu tiên

Ngày Góc phố còn là học sinh cấp hai , Góc phố có được tham gia vào một nhóm gọi tắt là TSC .Bài học đầu tiên Góc Phố được học đó là " Nhân bản ".

- Vậy Nhân Bản là gì ?

Góc phố xin chia sẻ cùng các bạn hôm nay một chút về vấn đề này chắc rằng nó không xa lạ, nhưng nhiều người vẫn chưa nghĩ đến.

Trong tiếng Việt, những từ Hán Việt có chữ NHÂN bắt nguồn từ ba chữ NHÂN khác nhau trong tiếng Hán:

仁 nhân đạo: lòng nhân đạo

人 nhân bản, nhân văn, nhân loại . Nhưng nhân loại chỉ có nghĩa là loài người.

因 phép tính nhân. Nhân bản : từ một bản gốc tạo ra nhiều bản. Ví dụ photo copi. Nhân bản vô tính là NHÂN này.

Nhân Bản được định nghĩa là lấy con người làm gốc, lấy con người làm trọng. Một khía cạnh của Nhân Bản đó là học làm người .

- Thế thì tại sao chúng ta phải học làm người ?

Một học giả đã nói rằng :" Con người sinh ra vốn đã làm người nhưng chưa phải là người thật sự, muốn làm người phải học làm người."

- Vậy học làm người là như thế nào ?

Đó là học và tập để trở thành một con người thật sự, có trái tim biết yêu thương, biết suy nghĩ ,biết làm việc và tiến tới cái gọi là Chân - Thiện - Mỹ .

Nghĩa là hướng được họ tới cái đích chân, thiện, mỹ, cái đích này cũng là cái đích tối cao của cả loài người.

Không riêng một lĩnh vực nào, một khía cạnh nào mà con người lại không yêu cầu tính Chân - Thiện - Mỹ các bạn có thấy vậy không ?

Có lẽ chúng ta khá cầu toàn, song chính những điều đó lại làm cho chúng ta khác với những loài động, thực vật ..v.v

Bây giờ đâu đâu cũng có sách dạy học làm người .Nào là Quà Tặng Cuộc Sống , Những Tâm Hồn Cao Cả , Đắc Nhân Tâm , Tình Yêu và Cuộc Sống v.v

Chỉ bấy nhiêu thôi đủ thấy muốn thật sự là người không phải dễ .

Mỗi ngày, mỗi giây, mỗi việc chúng ta đều phải học. Để hoàn thiện mình hơn trong mọi lãnh vực ….

Vì kiến thức là vô tận chúng ta học mãi cũng không hết. Mỗi ngày chúng ta bổ sung một ít. Và cứ như vậy chúng ta học suốt đời cũng không hết.Không chỉ từ trường lớp mà còn có trường đời, với mọi người xung quanh.

Cuối cùng góc phố xin trích một câu chuyện để các bạn ngẫm nghĩ thêm về vấn đề :" Học làm người "

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học, liền học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ. Sau nhiều năm, cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đồ đệ này trở về, thưa với ngài Tinh Vân : “Bạch Sư Phụ nay con đã có học vị Tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa?” Ngài Tinh Vân bảo : “Học làm người”, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

Ngài Tinh Vân cho rằng, bất luận là sĩ nông công thương, người ở tầng lớp nào có học tập là có tiến bộ, nay cùng chia sẻ với mọi người về những điều cần phải học.

Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn. Đối tượng mà mình nhận lỗi có thể là cha mẹ, bạn bè, mọi người trong xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái hay là người không tốt đối với mình, nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân. Học nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu tập lớn.

Thứ hai “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta lại mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại dài lâu được, chứ cứng làm chi cho chịu thiệt thòi. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập. Người ta thường hình dung những người cố chấp, thì tấm lòng của họ, tính cách của họ rất lạnh, rất cứng y như một miếng sắt vậy. Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở, điều hòa thân tâm, dần dần điều phục tâm như ngựa hoang, như vượn chuyền cành này khiến cho nó nhu hòa mềm mại, thì cuộc sống mới vui tươi hơn, mới lâu dài được.

Thứ ba “học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Các vị muốn sống, muốn sinh tồn, muốn sinh mạng này thì cần phải biết nhẫn, có thể hiểu rõ những đúng sai, thiện ác, tốt xấu của thế gian, thậm chí chấp nhận nó.

Thứ tư “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu lẫn nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc va li, lúc cần dùng thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới có thể tự tại được.

Thứ sáu “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm bồ tát, tâm bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

Thứ bảy “học sinh tồn”. Để sinh tồn chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu để với người thân.

Chúc bạn bè thân hữu cùng cố gắng!

II. ĐỀ NGHỊ MỘT SỐ THỰC HÀNH ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN TRONG ĐỜI TU

- Tinh thần cộng đoàn : Bản chất của Giáo Hội là “cộng đoàn tính, Giáo Hội tính, Công giáo tính”. Vì thế, điều kiện tiên quyết để sống ơn gọi tu trì chính là phải chấp nhận và hoà nhập với cộng đoàn. Một người mang não trạng “chủ nghĩa cá nhân”, luôn lấy cái tôi làm thước đo cho mọi người, không thể sống và thăng tiến trong đời sống tu trì. Tuy nhiên, sống cộng đoàn, không có nghĩa là “lẫn trốn giữa cộng đoàn để giấu đi cái bản sắc riêng và không còn một nhân vị độc đáo, bản lĩnh. Hoà nhập với cộng đoàn nhưng không để cái tôi độc đáo của bình biến tan trong đó.

- Tinh thần sẻ chia : Luôn biết cho và nhận. Đóng kín trên cái tôi với một lối sống ích kỷ sẽ làm ghèo nàn và xói mòn nhân cách. Chia sẻ và đón nhận sẽ giúp sống và sống phong phú cũng như có thêm nhiều điều kiện và kinh nghiệm để thăng tiến. Sẻ chia cũng đồng nghĩa với cởi mở, cảm thông, yêu thương và phục vụ (serviable).

- Chấp nhận và tôn trọng đời sống cá nhân : Cộng đoàn là một tập thể bao gồm “bá nhân bá tánh” ; do đó, luôn biết mở lòng để lắng nghe và chấp nhận những khác biệt. Áp đặt ý muốn, lập trường và quan niệm của riêng mình lên kẻ khác là một điều ngược lại với tính nhân văn. Điều đó cũng có nghĩa luôn biết tôn trọng đời sống cá nhân của người khác, kính trọng những “mầu nhiệm” riêng tư mà chỉ một mình Thiên Chúa mới thấu hiểu. Bất cần và lãnh đạm đối với những khó khăn hay khổ đau của người khác là một điều đáng trách cũng giống như sự xoi mói, xúc phạm đến những “không gian nội tâm” sâu kín của người khác.

- Sự biểu hiện nhân bản từ những nhỏ nhặt đời thường : Để biểu hiện và thực hành những đức tính và chiều kích nhân bản trên, đời sống luôn phải toát ra một sự hoà hợp từ những biểu hiện bên ngoài : trang phục, cử chỉ, lời ăn tiếng nói…Tất cả đều phải mang “dáng đứng’ của sự trang nhã, lịch sự, tôn kính, thân thương, tế nhị…Một cuộ sống mà ở bất cứ nơi nào, từ nhà cơm tới nhà nguyện, từ phòng đọc sách tới toiltte, từ lúc hội họp đến chỗ nghỉ ngơi…đều toát lên một bầu khí tươi vui, hoà thuận, kính trọng, trang nhã…chắc chắn sẽ mang lại một cuộc sống tu trì hạnh phúc và được thăng tiến.

Kết : Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, xin mượn lời của ĐGH Piô XII nói với các cha dòng Cát Minh, nhân ngày kỷ niệm 25 năm thành lập học viện quốc tế của Dòng tại Rôma :

“Trong khi chờ đợi con người tu sĩ trẻ trở nên thành viên có nhân đức sáng ngời, thì họ phải luyện tập trở thành con người hoàn hảo trong những công tác thường nhật : vì làm sao con người có thể trèo lên tận đỉnh núi, nếu dưới đồng bằng họ đi chưa vững ? Vậy ước mong rằng vị tu sĩ rèn luyện và biểu dương qua cuộc sống một nghị lực thích ứng với tha nhân và tương quan xã hội, một thái độ cởi mở, một bộ điệu nhu mì, một tâm hồn trung thực và cũng ước mong rằng vị tu sĩ ấy tuân giữ lời hứa, làm chủ các ngôn hành của mình, biết kính trọng mọi người, giữ đức công bình, giữ đức nhẫn nhục…”

Ước mong sao tất cả chúng ta đều đã có được những “bước chân vững chắc ở dưới đồng bằng”, đó chính mà một cuộc sống “làm người hoàn hảo”, một “honnête homme”, để trên nền tảng vững chắc đó, chúng ta là những kẻ thuộc trọn về Thiên Chúa trong đời sống thánh hiến.

LM. Giuse Trương Đình Hiền